Vẫn những trang giáo án, vẫn đứng lớp như bao giáo viên khác, nhưng các cán bộ quản giáo ở trại giam, nhân viên quản lý ở trung tâm cai nghiện lại không được vinh danh trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Vẫn những trang giáo án, vẫn đứng lớp như bao giáo viên khác, nhưng các cán bộ quản giáo ở trại giam, nhân viên quản lý ở trung tâm cai nghiện lại không được vinh danh trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Trại tạm giam B5 Công an tỉnh được khép kín bằng nhiều lớp cửa và những tường rào ngăn cách kiên cố để giam giữ phạm nhân, những người đang được cải tạo để thay đổi nhân cách.
* Cán bộ quản giáo là thầy giáo
Chúng tôi vẫn tưởng phía sau những khung cửa khép kín ấy là một môi trường cải tạo, rèn luyện nghiêm khắc và người phải lao động cật lực là những phạm nhân. Thế nhưng, có vào đây mới biết chính những cán bộ quản giáo mới phải hoạt động hết mình, giáo dục phạm nhân bằng cả tấm lòng và kiên trì đến cùng để cảm hóa những con người lỗi lầm.
“Lớp học” tại Trại tạm giam B5. |
Đến phòng thư viện của Trại tạm giam B5, từ bên ngoài hành lang chúng tôi đã nghe vang vang tiếng cán bộ quản giáo giảng bài. Những bài học đạo đức cơ bản nhất của con người được cán bộ quản giáo soạn thành những trang giáo án, như: lòng nhân ái, khoan dung, trung thực, trách nhiệm và cả những bài học về hạnh phúc, về sự tự do. Đặc biệt hơn là những bài học bổ ích về kiến thức pháp luật.
Thiếu tá Nguyễn Chí Bình, Phó trưởng Phân trại phụ trách công tác giáo dục, cho hay: “Mỗi lớp học thường có khoảng 20-30 phạm nhân và bài giảng được dạy theo từng nhóm đối tượng khác nhau. Phạm nhân mới nhập trại được giáo dục về nội quy ở nhà tạm giữ; quy chế tạm giữ, tạm giam; giải thích quyền và nghĩa vụ của phạm nhân theo quy định của pháp luật… Những phạm nhân sắp mãn hạn tù thì được giáo dục về cách thích ứng khi hòa nhập cộng đồng. Còn những bài học về đạo đức, nhân cách con người thì phạm nhân đang trong thời gian chấp hành án đều được học qua…”.
Ngoài thời gian đứng lớp, Trung tá Bùi Quốc Hùng lại bận rộn hơn với những lúc dạy thêm ngoài giờ. Mỗi khi muốn giải thích một văn bản pháp luật, Trung tá Hùng phải trực tiếp vào buồng giam để phổ biến cặn kẽ cho các phạm nhân hiểu. “Trong trại đủ thành phần xã hội, đủ trình độ học vấn nên việc giáo dục pháp luật vô cùng khó khăn. Người thì hiểu, người lại không, nên phải giảng đi giảng lại, thậm chí phải giải thích cho từng người thì tất cả mới hiểu được các quy định của pháp luật. “Mưa dầm thấm lâu” nên mình phải kiên trì” - Trung tá Hùng vui vẻ nói.
Tại Trại tạm giam B5, chúng tôi đã được đọc những lá thư trút dòng tâm sự đến rơi cả nước mắt của phạm nhân H.Y. (phạm tội môi giới mại dâm): “Cái ngày bị bắt, con biết tất cả đều đổ vỡ. Một gia đình đang hạnh phúc giờ phải chia ly, thương nhớ nhau khôn nguôi, lại còn mang tai tiếng cho con cái sau này. Nhưng mẹ ơi, con cũng nát lòng. Giá như con lý trí hơn, không nghe lời dụ dỗ của người ta thì con không vướng vào vòng lao lý… Con xin lỗi mẹ, xin lỗi cả gia đình”.
Những lá thư xúc động như thế có được đều nhờ những cán bộ quản giáo đã góp phần đánh thức nhân cách của phạm nhân, để họ có những dòng thư sám hối muộn màng được gieo thành con chữ nắn nót gửi người thân.
* Đi tìm lối thoát cho học viên
Bị bủa vây trong những cơn nghiện, trong bóng ma vô hình của ma túy, các học viên tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội Đồng Nai (còn gọi là Trung tâm Xuân Phú, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) đang từng ngày chịu đựng những cơn nghiện dày vò. Nếu không có các nhân viên quản lý ở trung tâm luôn động viên, có lẽ họ khó có thể vượt qua được những cơn thèm khát ma túy.
Học viên T.T. nói trong vui mừng: “Trong trung tâm, thầy cô giảng dạy về pháp luật, thức tỉnh về nhân cách, đạo đức nên tôi thấy bản thân mình có nhiều quyết tâm làm lại cuộc đời. Có điều khi về với xã hội, phần bị lôi kéo, lại bị xã hội kỳ thị nên tâm lý không vững, dễ tái nghiện. Lần này về, tôi sẽ quyết tâm làm lại cuộc đời để không phụ lòng thầy cô ở trung tâm”.
“Giáo viên” đứng lớp tại Trung tâm Xuân Phú. |
Đã làm công tác giáo dục những người nghiện tại Phòng Giáo dục hòa nhập cộng đồng của Trung tâm Xuân Phú 12 năm nay, nhưng “cô giáo” Nguyễn Thị Oanh vẫn chưa quên được cái cảm giác sợ sệt trong ngày đầu đứng lớp. “Tôi không được đào tạo bài bản về nghiệp vụ giáo dục, học viên đủ thành phần, đủ tính cách, lại xăm trổ đầy mình nên lúc đầu rất sợ. Nhưng sau một thời gian trau dồi kinh nghiệm, đến nay tôi đã cứng cáp để có thể đứng lớp giảng dạy cho học viên những điều cần thiết. Có điều, dạy cho họ không thể dùng sự nghiêm khắc, mà phải lấy sự mềm mỏng khuyên răn. Bởi, những người cai nghiện là người bệnh, luôn nhạy cảm với mọi cách cư xử nên đã là giáo viên thì phải rất khéo léo” - cô Oanh chia sẻ.
Phó giám đốc Trung tâm Xuân Phú Nguyễn Văn Hải, cho biết: “Trung tâm hiện có 4 nhân viên thuộc Phòng Giáo dục hòa nhập cộng đồng chuyên đứng lớp giảng dạy cho 155 học viên. Ngoài ra, các cán bộ quản lý học viên cũng đứng lớp giảng dạy về 12 giá trị sống của con người, luân phiên 1 tuần 2 buổi. Dù không chuyên nhưng những người làm công tác giáo dục ở đây luôn biết trau dồi kinh nghiệm để đủ kiến thức truyền đạt cho học viên hiểu và thực hiện. Tuy nhiên, chúng tôi rất cần sự chung tay của gia đình và cộng đồng xã hội để những người nghiện được tái hòa nhập cộng đồng, không tái nghiện mà làm khổ gia đình và gây mất an ninh cho xã hội”. |
Bên cạnh việc thường xuyên trau dồi kiến thức, việc làm mới những bài học dựa trên trang giáo án soạn sẵn của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội và Bộ Công an là điều mà “thầy” Hồ Đinh Lâm (nhân viên Phòng Giáo dục hòa nhập cộng đồng Trung tâm Xuân Phú) luôn quan tâm.
Hồ Đinh Lâm cho biết: “Công việc của chúng tôi rất nhiều, vừa xóa mù chữ cho học viên vừa truyền đạt kiến thức pháp luật, lại đả thông tư tưởng để làm thay đổi tính cách của một con người lầm lạc nên rất cần những bài học thực tế thay vì lý thuyết”.
Để làm được điều đó, các nhân viên ở Trung tâm Xuân Phú phải xem học viên như người thân thì việc giáo dục mới đạt hiệu quả. Phải làm sao để họ biết cái sai của mình mà sửa, phải gieo sự quyết tâm vào lòng người để họ tự thay đổi mình.
Học viên V.T. tâm sự: “Lao vào con đường nghiện ngập, trong số chúng tôi có người đã bị gia đình từ bỏ. Ấy vậy mà, những người ngoài như các thầy cô trong trung tâm lại không bỏ chúng tôi. Họ tận tâm giảng dạy từng li từng tí, quan tâm mọi thứ nên chúng tôi quên đi sự mặc cảm, tự ti. Nhân ngày 20-11, tôi muốn nói lời cảm ơn sâu sắc tới các thầy cô trong Trung tâm Xuân Phú, vì họ đã cho tôi cơ hội “tái sinh” thêm lần nữa”.
Tố Tâm