Bước chậm rãi trên bãi cỏ, mắt hướng về những gốc cây ven đường, khi phát hiện ra bơm kim tiêm đã sử dụng nằm "chỏng chơ" dưới dất, họ liền nhặt lấy và gói ghém cẩn thận vào túi. Họ là những đồng đẳng viên tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS. Âm thầm và lặng lẽ, đều đặn hàng tuần họ lại dành thời gian rảnh rỗi để đi nhặt bơm kim tiêm, tuyên truyền phòng tránh HIV/AIDS cho những người xung quanh.
Bước chậm rãi trên bãi cỏ, mắt hướng về những gốc cây ven đường, khi phát hiện ra bơm kim tiêm đã sử dụng nằm “chỏng chơ” dưới dất, họ liền nhặt lấy và gói ghém cẩn thận vào túi. Họ là những đồng đẳng viên tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS. Âm thầm và lặng lẽ, đều đặn hàng tuần họ lại dành thời gian rảnh rỗi để đi nhặt bơm kim tiêm, tuyên truyền phòng tránh HIV/AIDS cho những người xung quanh.
Chị A., một đồng đẳng viên, bộc bạch: “Từng dính tới ma túy nên tôi biết rõ tác hại của nó. Tôi muốn dành một phần công sức để giúp mọi người xung quanh tránh khỏi những thứ khủng khiếp ấy”.
* Nỗi đau đeo bám
Nhắc đến nguyên nhân bị lây nhiễm HIV/AIDS, chị L. (ngụ TP.Biên Hòa) sụt sùi cho biết trước đây chị cũng được cha mẹ cho ăn học đàng hoàng. Nhưng thấy hoàn cảnh gia đình còn quá khó khăn, chị đành từ bỏ giấc mơ làm cô giáo để xin làm công nhân. Lương tháng không bao nhiêu nhưng chị cố chắt chiu để phụ giúp cha mẹ. Rồi duyên số đưa đẩy, chị gặp và kết hôn với người thanh niên nổi tiếng đào hoa ở khu xóm trọ. Cứ tưởng hạnh phúc sẽ vẹn tròn, nhưng nào ngờ khoảng 5 năm sau ngày cưới chị phát hiện mình bị nhiễm HIV/AIDS. Quá quẫn trí nên ngày biết mình mắc căn bệnh thế kỷ chị không về nhà, cứ thế đi lang thang không biết điểm dừng là nơi nào.
Một nữ đồng đẳng viên (trái) tuyên truyền về quan hệ tình dục an toàn cho người dân. |
Chị L. tâm sự: “Lúc ấy tôi đã nghĩ đến cái chết vì sợ phải đối mặt với mọi người khi mang trong mình căn bệnh quái ác. Nhưng lúc gần với cái chết, tôi gọi điện thoại tâm sự với người thân và nhận được sự động viên, trấn an của mọi người. Vì vậy, tôi không còn suy nghĩ gì đến cái chết nữa. Sau lần đó, tôi làm việc và sinh hoạt có chừng mực để giữ sức khỏe thật tốt”.
Ở cạnh phòng trọ của chị L., chị N. (quê tỉnh An Giang) cho biết, 3 năm trước tình cờ phát hiện chồng mình bị nhiễm HIV/AIDS nên chị đã đi xét nghiệm. Khi biết mình bị lây nhiễm HIV/AIDS từ chồng, chị rất đau đớn.
Theo thống kê của Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có 238 đồng đẳng viên tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS. Nhờ sự tích cực tuyên truyền của họ, từ đầu năm 2015 đến nay, toàn tỉnh chỉ phát hiện 140 ca nhiễm HIV/AIDS mới, giảm 63% số người nhiễm so với thời điểm những năm 2012-2013. |
Chị N. cho hay: “Lúc đó mọi thứ xung quanh tôi như đổ sụp, chân tôi không bước nổi mà cứ thế quỵ xuống rồi ngất lịm đi. Trong lúc mê man, tôi nghe tiếng khóc của cha mẹ. Họ sợ tôi không chịu nổi cú sốc này…”.
Ba ngày sau khi biết tin mình bị nhiễm HIV, chị N. vẫn nhốt mình trong phòng. Lúc ấy, chị rất sợ mọi người biết câu chuyện “động trời” của gia đình chị. Chị cũng rất sợ sự tò mò, gièm pha và cả thái độ kỳ thị của mọi người xung quanh đối với những người nhiễm HIV/AIDS như chị.
Mọi thứ tưởng chừng khép lại đối với chị N. và chị L. thì lúc đi khám sức khỏe định kỳ, cả hai gặp được một nhóm chừng hơn 10 người đi tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS. Thấy những điều họ nói ý nghĩa, 2 chị tham gia chung cho vui và khi hiểu được ý nghĩa của việc phòng, chống HIV/AIDS cho cộng đồng, cả hai liền đăng ký làm thành viên nòng cốt.
Chị L. cho hay: “Tôi đã bị nhiễm HIV/AIDS, nhưng xã hội còn có rất nhiều người chưa bị và có nguy cơ bị lây nhiễm, nên tôi muốn làm gì đó để giúp họ phòng tránh cho bản thân, cho gia đình để hướng đến một cộng đồng lành mạnh, không còn ca nhiễm mới”.
* Vượt lên nghịch cảnh
Một số người từng dính tới ma túy, bị HIV/AIDS, sau khi trở về với cuộc sống đời thường đã tình nguyện tham gia công tác tuyên truyền hướng tới cộng đồng, nhất là đối với các đối tượng nghiện ma túy, hành nghề mại dâm có nguy cơ lây nhiễm cao. Các đồng đẳng viên chia thành từng nhóm nhỏ, hoạt động rộng khắp tỉnh, nhưng tập trung nhiều nhất là ở TP.Biên Hòa.
Để có thể thực hiện tốt việc tuyên truyền, các đồng đẳng viên đều được trang bị các kiến thức liên quan về phòng, chống HIV/AIDS, kỹ năng tiếp cận đối tượng để thuyết phục… thông qua các tài liệu, các buổi tập huấn. Các đồng đẳng viên còn nhận bao cao su, tài liệu truyền thông để cấp cho đối tượng tuyên truyền; giới thiệu nhiều đối tượng có nguy cơ nhiễm đi khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, vận động nhiều người hành nghề mại dâm hoàn lương…
“Khi đi khám, điều trị tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, tôi được các bác sĩ giới thiệu tham gia làm đồng đẳng viên tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS. Lúc đó tôi rất ngại, vì ai đời đã “nhúng chàm” mà còn đi nói người khác. Nhưng sự động viên của các bác sĩ, của anh chị em đồng đẳng viên đi trước đã khiến tôi quyết định tham gia hoạt động này. Ban đầu tôi còn ngại ngùng khi tiếp xúc với những đối tượng nghiện, hành nghề mại dâm vì họ xua đuổi và có những lời lẽ không hay với tôi. Đến khi đã quen việc, tôi dần thuyết phục được họ và hướng dẫn họ cách tránh bị lây nhiễm. Ngoài ra, hàng tuần tôi cùng các đồng đẳng viên khác đi nhặt bơm kim tiêm ở các địa điểm được báo trước, cấp bao cao su cho những đối tượng được tuyên truyền. Bằng những việc làm đó, tôi có lại niềm tin yêu vào cuộc sống, không còn tự dằn vặt bản thân vì sự sa ngã trước đây nữa” - chị A. tâm sự.
Một đồng đẳng viên nhặt bơm kim tiêm. |
Lúc mới trở thành đồng đẳng viên, nhiều người cũng vấp phải sự kỳ thị và gặp rất nhiều khó khăn trong công việc. Không ít người nghĩ việc gặp gỡ, tiếp xúc với người có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS là việc làm nguy hiểm, hay đi cấp bao cao su là tiếp tay cho hoạt động mại dâm.
Khi quyết định tham gia nhóm tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, anh T. đã bị người nhà phản đối với lý do dễ bị lây nhiễm, gây mất an toàn cho người nhà. Bất chấp sự phản đối, anh và các đồng đẳng viên khác đã tiếp cận và tìm hiểu về những người đã nhiễm HIV/AIDS, gái mại dâm để cấp bao cao su và tuyên truyền về quan hệ tình dục an toàn, sức khỏe sinh sản. Sau một thời gian, do hiểu được việc làm ý nghĩa của các đồng đẳng viên, người nhà anh T. đã không còn phản đối nữa, chỉ dặn dò anh phải cẩn thận mỗi khi làm công việc này.
“Ngoài những khó khăn đến từ phía gia đình, đối tượng cần tiếp xúc…, điều nan giải chính là việc thuyết phục bản thân mình dám vượt qua quá khứ để giúp mọi người xung quanh; cũng như lấy bản thân minh chứng cho tác hại của việc tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn để người khác rút kinh nghiệm, tránh mắc phải sai lầm như mình. Dĩ nhiên, không phải tất cả đồng đẳng viên bắt buộc phải là người từng tiêm chích ma túy hay hành nghề mại dâm, nhưng những người như chúng tôi lên tiếng thì sẽ thuyết phục được mọi người dễ dàng hơn. Sau khi vượt qua nỗi đau phải chịu vì sự thiếu hiểu biết, nay chúng tôi phải có trách nhiệm lên tiếng cho những người khác tránh rơi vào hoàn cảnh như mình” - chị A. bộc bạch.
Đăng Tùng