Cách đây 30 năm, ngày 25-2-1985, có một đoàn gồm những người dân đi "kinh tế mới" từ huyện Đồng Phú, tỉnh Sông Bé (nay là Bình Phước) dắt díu, đùm túm nhau tìm nơi lập nghiệp ở xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ ngày nay).
Cách đây 30 năm, ngày 25-2-1985, có một đoàn gồm những người dân đi “kinh tế mới” từ huyện Đồng Phú, tỉnh Sông Bé (nay là Bình Phước) dắt díu, đùm túm nhau tìm nơi lập nghiệp ở xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ ngày nay).
Các ông Trần Ngọc Thảnh, Ngô Minh Tuấn, Nguyễn Văn Hảo và Nguyễn Mạnh Thắng (từ trái sang). |
Ngày đặt chân đến Sông Ray, hơn 100 nhân khẩu trong đoàn là những người dân nguyên quán huyện Xuân Thủy, tỉnh Hà Nam Ninh (nay là huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) cũng không ngờ được đây là bước ngoặt lớn trong cuộc đời của mỗi người, và may mắn cũng là bước ngoặt cuối cùng để đất lành hóa quê hương thấm thoắt đã tròn 30 năm…
* Tình đất - tình người
Trưởng đoàn “kinh tế mới” năm ấy là ông Trần Ngọc Thảnh, nguyên là giao liên thời 9 năm chống Pháp, bộ đội và dân công hỏa tuyến những năm 1965-1968 thời chống Mỹ. Quê hương Xuân Thủy là đất ngập mặn, năm 1981 bị thiên tai, bão lũ liên miên, ruộng và đê bị sạt lở tới 2,5 km, gây mất mùa khiến đời sống người dân càng thêm khốn khó. Vì vậy, một số người đã quyết định đi kinh tế mới, vào Nam lập nghiệp. Khi rời huyện Xuân Thủy, ông Thảnh đã 44 tuổi, cặp nách 6 người con. Vào Đồng Phú gần 4 năm, nếm trải đủ mọi cung bậc đắng cay của đời người phát rẫy khai hoang mà vẫn không thấy tương lai, ông Thảnh và một số người anh em đã đi khắp nơi, đến cả Cà Mau để tìm hiểu, sau đó quyết định về Sông Ray lập nghiệp.
Đến vùng đất mới, những ngày đầu khởi nghiệp vẫn khó khăn, mọi người phải đi đong từng bữa gạo để ăn. Ông Thảnh còn thêm một hành trình dài lê thê những thủ tục, hồ sơ, không chỉ cho gia đình ông mà 12 hộ đi cùng đợt đó, cùng nhiều hộ gia đình đến tiếp những đợt sau. Bằng sự kiên nhẫn vô biên, ông Thảnh đã lo được hộ khẩu, xin được đất cho các hộ canh tác, rồi vay hạt giống, mượn nơi ở tạm, tìm chỗ học không để một cháu nhỏ nào phải bỏ học.
“Có được cuộc sống hôm nay, chúng tôi thấy rằng ngoài định hướng đúng của Đảng, Nhà nước thì vai trò tiên phong của những người đi trước rất quan trọng, thể hiện truyền thống đùm bọc lẫn nhau “người đi trước rước người đi sau” của dân tộc. Hôm nay, cái ấm của tình người là trong cuộc sống ở quê mới, anh em, họ hàng, cộng đồng vẫn được quây quần, gắn bó bên nhau” - ông Trần Ngọc Thảnh nhận xét. |
Thập niên 80 của thế kỷ 20, Sông Ray còn thuộc về huyện Xuân Lộc, là đất rừng hoang sơ, được chia thành 4 nông trường do Quân khu 7 tiếp quản. Sau khi bộ đội Quân khu 7 rút đi, UBND thị trấn Sông Ray đã tạo điều kiện cho người dân kinh tế mới được tiếp nhận đất đai sản xuất, nuôi trồng và ổn định đời sống. Ông Vũ Văn Cảm, lúc đó là Chánh văn phòng UBND thị trấn nông trường Sông Ray, đồng thời là Phó giám đốc Nông trường thị trấn Sông Ray vẫn nhắc lại: “Chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ của mình là tiếp nhận những đoàn kinh tế mới có gia đình, có giấy tờ hộ khẩu đầy đủ. Đoàn kinh tế mới Hà Nam Ninh là đoàn thứ hai đến đây, và là đoàn có tổ chức tốt nhất, sớm ổn định và sinh sống, làm ăn bền vững nhất cho đến nay. Ban đầu, chúng tôi tin vào sự đại diện của ông Trần Ngọc Thảnh, và tin vào những người nông dân chăm chỉ, chất phác…”. Ông Đoàn Bứa, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Ray (giai đoạn 1985-1989) kể về quá trình đấu tranh bảo vệ cho đoàn những ngày đầu lạ nước lạ cái: “Tôi làm đúng chính sách, chế độ. Mọi người đi kinh tế mới đều có quyền lợi như nhau, đều được chăm lo như nhau…”. Sau gần 2 năm, đoàn kinh tế mới đã ổn định tại vùng đất ruộng thuộc khu 4 Sông Ray, vốn là của một đơn vị bộ đội tăng gia trả lại nông trường (nay thuộc địa bàn xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ). Ông Thảnh được bà con tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch Hội Nông dân thị trấn nông trường Sông Ray. Hai ông Bứa - Thảnh đã gắn bó với nhau như anh em ruột thịt, sát cánh bên nhau, chăm lo cho bà con đến từ Hà Nam Ninh, Cao Bằng và các tỉnh, thành khác.
* Đất lành - quê mới
Ông Phạm Văn Hảo, sinh năm 1949, bộ đội phục viên, cũng là người Xuân Thủy. Năm 1985, khi vào Đồng Phú, Sông Bé, ông nghe nói bà con người làng muốn ổn định đời sống ở Sông Ray, ông liền cùng vợ quảy đôi quang gánh tìm đến nhà ông Trần Ngọc Thảnh… Ông Ngô Minh Tuấn, sinh 1942, từng phục vụ trong hải quân tại Hải Phòng, chuyên đi đào giếng thuê khắp Sông Bé để nuôi 7 đứa con. Nghe nói ở Sông Ray, người Xuân Thủy đã vượt qua đói kém, chấm dứt cảnh làm thuê cuốc mướn mà trồng bắp được 4-5 tấn/hécta, ông đã dắt díu vợ con về đây… Ông Tuấn kể với giọng run run xúc động: “Thật là ngoài sức tưởng tượng, vì vụ bắp năm 1989 được tới 13,5 tấn/hécta. Quyết định về đây sinh sống là rất đúng đắn đối với những người nông dân như chúng tôi”. Đến nay, cả hai ông đều đã được an hưởng tuổi già, con cái đều phương trưởng, hiếu thảo và chí thú làm ăn.
Ông Trần Ngọc Thảnh kể về căn nhà gỗ tự tay ông dựng năm 1985, phía sau là tủ thuốc gia truyền của ông. |
Với những người đến sau, ông Thảnh vận động đi trước hỗ trợ và chia sẻ một phần ruộng đất để giúp sớm ổn định cuộc sống. Là đảng viên, ông Nguyễn Mạnh Thắng đã chuyển sinh hoạt Đảng về địa phương và tham gia chính quyền xã, đến năm 2014 mới chính thức “được” nghỉ hưu. Thỉnh thoảng, cả bốn ông cùng ngồi với nhau, ôn lại những ngày tháng ban đầu vô vàn gian khổ nhưng rất đẹp của 30 năm trước. Nhưng không chỉ có thế. Điều mà cả bốn ông cụ rất tự hào, song cũng rất lo lắng chính là hoạt động của Hội đồng hương liên tỉnh miền Bắc, mà ông Ngô Minh Tuấn đang làm hội trưởng. Năm 1985, Hội đồng hương Nam Định ra đời ở Sông Ray, với mục đích là giúp đỡ, tương trợ nhau ổn định cuộc sống ở vùng kinh tế mới. Lúc đó, mới chỉ có 45 hộ tham gia, đến nay đã có trên 120 hộ, và được mang một cái tên rất đặc thù là “Hội đồng hương liên tỉnh”. Với tài xoay xở, tính toán căn cơ của ông hội trưởng, từ số vốn được tiếp nhận tháng 2-2004 là 9,5 triệu đồng, đến nay quỹ đã lên đến 94 triệu đồng, hàng năm đảm bảo việc liên hoan, thăm hỏi bệnh tật, lo các đám hiếu, và cho 25 hộ vay vốn làm ăn.
Hội có những quy định rất rõ ràng, là khi gia đình nào bị hỏa hoạn hoặc hữu sự, mọi người trong Hội đều có mặt, mỗi người một tay lo giúp mà không hề tính công cán gì… Chính vì vậy mà Hội đã cất nhà cho nhiều người, hỗ trợ những gia cảnh bệnh tật, khó khăn. Sức lan tỏa của Hội ngày một xa, số gia đình tham gia, đóng góp ngày càng nhiều. Nhưng có một điều trăn trở mà theo ông hội trưởng, đó là có được thế hệ kế thừa đủ tâm huyết, nhiệt tình để duy trì và phát huy cái “vốn” mà Hội bấy lâu gầy dựng được. Thế hệ kế thừa cũng không ở đâu xa, đó là những người như vợ chồng anh Trần Văn Cửu, sinh năm 1972, cán bộ xã Sông Ray, người đang phụng dưỡng cha mẹ là ông bà Trần Ngọc Thảnh; là anh Trần Đăng Ninh (sinh năm 1975, hiện là Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên), con út của ông bà Thảnh; là anh Đinh Trọng Bào (sinh năm 1985, hiện là Phó bí thư Đoàn xã Lâm San), được bà con gọi vui là công dân đầu tiên vì được sinh sau ít tháng gia đình đến lập nghiệp tại đây; là anh Nguyễn Đức Thể (đang là chuyên viên của HĐND tỉnh)…
Những người đi khai hoang, vỡ đất năm ấy, bây giờ đã là những người nông dân giàu kinh nghiệm, đã góp phần cho thành công của chương trình nông thôn mới, với mục tiêu toàn huyện Cẩm Mỹ sẽ hoàn thành chương trình vào năm 2016. Thành quả hôm nay, theo ông Trần Ngọc Thảnh, là xuất phát từ chủ trương rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước về kinh tế mới, là sự nhìn xa trông rộng của các cấp cán bộ lãnh đạo, và cả sự dám nghĩ dám làm, dám đấu tranh của các thế hệ… Và đơn giản, đó là sự no ấm, hạnh phúc mà như ông Nguyễn Mạnh Thắng nhìn nhận: “Nếu ngày đó không có những người tiên phong như cụ Trần Ngọc Thảnh đây, đã đi tìm vùng đất mới và giúp đỡ chúng tôi, thì chắc con cái chúng tôi ngày nay lại phải đi.
Hoàng Phong