Từ ngày chồng (ông Phạm Quốc Phòng, nguyên Trưởng công an xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom) hy sinh trong lúc giúp dân chống bão, bà Mằn A Múi vẫn đảm đang nuôi dạy các con ngoan hiền, chăm sóc vườn rẫy xanh tốt như lúc chồng còn sống. Cánh phụ nữ địa phương luôn nép mình sau lưng chồng nhìn hình ảnh bà Múi một mình lo cho con du học, lái xe ô tô đi đây đó mà ngưỡng mộ.
Từ ngày chồng (ông Phạm Quốc Phòng, nguyên Trưởng công an xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom) hy sinh trong lúc giúp dân chống bão, bà Mằn A Múi vẫn đảm đang nuôi dạy các con ngoan hiền, chăm sóc vườn rẫy xanh tốt như lúc chồng còn sống. Cánh phụ nữ địa phương luôn nép mình sau lưng chồng nhìn hình ảnh bà Múi một mình lo cho con du học, lái xe ô tô đi đây đó mà ngưỡng mộ.
* Thuận vợ, thuận chồng
Sinh ra trong một gia đình người Hoa di cư nghèo, tuổi thơ của bà Mằn A Múi không có những ngày tháng cắp sách đến trường mà tảo tần cùng cha mẹ vỡ đất, cạy đá tỉa hạt. Cứ vậy, bà Múi lớn lên theo từng mùa thuốc lá, đậu, bắp ở vùng đất đá Bàu Hàm. Năm 18 tuổi, bà Múi nên duyên vợ chồng với ông Phòng, lúc ấy công tác tại Công an huyện Trảng Bom.
Bà Mằn A Múi bên những bụi tiêu bám vững trên thân điều, xoan, lồng mức. |
Vốn là chàng trai quê Nam Định, ông Phòng chấp nhận ở rể để trả nợ (theo phong tục người Hoa) một thời gian. Sau 5 năm, vợ chồng bà Múi đã làm lụng trả ơn dưỡng dục của cha mẹ, chắt chiu nuôi được bầy heo cho riêng mình. Bán bầy heo, vợ chồng bà vay mượn thêm người thân mới đủ tiền mua được 8 sào đất đá ở ấp Cây Điều, rồi dựng tạm căn chòi tranh vách nứa để ở. Lúc ấy, ông Phòng đã chuyển ngành và tập tành theo bạn buôn xe máy để kiếm lời lo gia đình. Bà Múi ở nhà chăm 8 sào thuốc lá, bắp, đậu và 2 con. Nhờ trúng vụ thuốc lá, mối lái xe thuận lợi, vợ chồng bà mua thêm được 1,5 hécta đất liền kề của người khác bán lại.
Thấy đôi vợ chồng trẻ ham công tiếc việc, một người bạn của ông Phòng đã bán thiếu cho vợ chồng ông 1,2 hécta đất để vợ chồng họ thỏa chí làm nông. Lúc này, ông Phòng không theo bạn buôn xe nữa, mà ở nhà phụ vợ làm rẫy, dành thời gian tham gia công tác ở ấp Cây Điều, rồi Phó trưởng công an xã Bàu Hàm.
Nhờ thuận vợ thuận chồng, dù gặp cảnh mùa màng thất bát liên tục, vợ chồng bà Múi vẫn kiên trì từng bước lấy ngắn nuôi dài khi chuyển đổi toàn bộ diện tích vườn sang trồng chuối, điều, cà phê.
Bà Đinh Lệnh Bích Liên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom), cho biết phụ nữ Hoa luôn sống khép mình, mọi giao tiếp với xã hội đều được chồng gánh vác nên công tác Hội vì vậy gặp nhiều khó khăn. Riêng với trường hợp bà Múi thì khác, bà là người phụ nữ Hoa mạnh mẽ nhất xã Bàu Hàm, chuyện gia đình - xã hội bà đều giỏi giang không kém gì đàn ông. |
Sau đó, thấy cây trồng trên đất đá chậm phát triển, hoặc chết héo khi thời tiết vào mùa khô hạn, vợ chồng bà Múi gom hết vốn liếng thuê thợ đào một cái giếng sâu gần 100m mất trên chục cây vàng để cứu cây.
Từ ngày có nguồn nước giếng khoan dồi dào, vợ chồng bà Múi mạnh dạn ươm tiêu trồng xen trong vườn điều, cà phê. Thiếu tiền mua giống phát triển diện tích tiêu, bà cần mẫn chờ những dây tiêu mới trồng đủ cao thì cắt một đoạn đem vào ươm để nhân giống. Cây tiêu vừa bén rễ, bà đem ngay ra vườn tỉ mỉ đào một lỗ nhỏ nơi gốc điều, rồi chẻ đá đặt xuống.
Chuyện bà Múi trồng những dây tiêu mới, ngay cả ông Phòng cũng không ngờ mỗi khi ra thăm vườn thấy tiêu ở đâu ngày càng nhiều, trong khi ông bận công tác ở xã, phải giao vườn tược cho vợ chăm sóc.
Bà Múi mê tiêu đến mức một mình bà mày mò ươm, nhân giống mà không phải mua của ai. Ươm được dây tiêu khỏe, bà đem bầu trồng ngay xuống những gốc lồng mức, xoan, xà cừ không cần trời đang vào mùa mưa hay nắng. “Gần chục năm sau, vợ chồng tôi mới tạo lập được khu rẫy 3,5 hécta với 3 ngàn gốc tiêu, 3 ngàn cây cà phê, điều, xoài và một ít chuối trồng xen, thu nhập trung bình đạt 300 triệu đồng/năm” - bà Múi cho biết.
* Cho con du học
Kinh tế gia đình ngày một đi lên, ông Phòng cũng được chính quyền tín nhiệm đề bạt giữ chức trưởng công an xã. Ngày ông Phòng tham gia công an xã, việc rẫy vườn gần như giao hết cho bà Múi quyết định. Vì vậy, bà Múi cứ tẩn mẩn suốt ngày ngoài vườn rẫy chăm chút cho những gốc tiêu mới trồng. Hết chỗ đất trống trồng tiêu, những bụi tiêu trồng chục năm năng suất không đạt lập tức bà Múi phá bỏ để trồng mới. Thấy vậy, ông Phòng tiếc của ngăn không cho vợ phá.
Như các phụ nữ thành đạt khác, bà Mằn A Múi (bìa phải) vẫn uống cà phê cùng bạn bè, lái ô tô đi đây đó. |
Cản vợ không được, ông Phòng đành chịu thua. Nhưng khi thấy những gốc tiêu già cỗi kém năng suất so với những bụi tiêu bà Múi mới trồng được 2 năm, những gốc điều, xoài, xà cừ được tiêu bám thân xanh tốt, ông Phòng cũng an lòng, biết vợ làm đúng.
Từ đó, bà Múi càng mạnh dạn chuyển đổi vườn tạp sang trồng tiêu; dây tiêu nào năng suất thấp bà cứ thẳng tay cắt gốc để cho dây tiêu mới vươn mình.
Vợ chồng bà Múi đang giai đoạn hưởng thành quả lao động sau bao năm vất vả gầy dựng thì ngày 3-4-2012 ông Phòng hy sinh khi cùng chính quyền, đồng đội ra quân giúp dân khắc phục mưa bão. Nhiều phụ nữ khi thiếu trụ cột gia đình thường suy sụp, riêng bà Múi vẫn kiên cường với cuộc sống, vẫn không dừng ý định chuyển đổi toàn bộ diện tích vườn nhà trồng độc canh tiêu và vững bước chăm lo cho 3 con gái ăn học. Vì vậy, dù ông Phòng đã xa mẹ con bà Múi hơn 3 năm nay, nhưng giờ con gái đầu của họ bà đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ở TP.Biên Hòa; cô con gái thứ hai sau một năm học đại học trong nước vừa được bà Múi cho du học ngành y tại Úc với chi phí trên 1 tỷ đồng/năm; cô gái út đang học lớp 12 với mong muốn được du học cùng chị.
Bà Múi cho hay, số tiền vợ chồng bà tích cóp được và lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/năm từ 3,5 hécta vườn rẫy, phần lớn bà gửi vào ngân hàng, mua thêm vài lô đất, sắm xe hơi, làm nhà to cho các con ở, cưu mang anh em trong gia đình, giúp đỡ những hộ nghèo trong xã. “Khi chồng tôi còn sống, ông ấy có nguyện vọng tặng ngôi nhà tình thương cho một hộ nghèo trong xã. Nay tôi đã góp tiền và vận động bạn bè làm được nhà cho hộ nghèo đó. Tôi khá lên là nhờ ông trời giúp được mùa, nên không ngại giúp đỡ người khó khăn…” - bà Múi tâm sự.
Đoàn Phú