Báo Đồng Nai điện tử
En

Bác sĩ của nhà nông

10:12, 02/12/2015

Tại những vùng chăn nuôi lớn ở các huyện: Thống Nhất, Trảng Bom, Xuân Lộc…, bác sĩ thú y rất được nhà nông trọng vọng. Thường xuyên tiếp xúc với vật nuôi, chỉ cần nhìn qua hình dáng bề ngoài, tiếng kêu, cách ăn của vật nuôi…, bác sĩ thú y có thể biết chúng bị bệnh gì, từ đó có cách điều trị.

Tại những vùng chăn nuôi lớn ở các huyện: Thống Nhất, Trảng Bom, Xuân Lộc…, bác sĩ thú y rất được nhà nông trọng vọng. Thường xuyên tiếp xúc với vật nuôi, chỉ cần nhìn qua hình dáng bề ngoài, tiếng kêu, cách ăn của vật nuôi…, bác sĩ thú y có thể biết chúng bị bệnh gì, từ đó có cách điều trị. Họ thực sự là những người bạn của nhà nông, giúp cho bà con giữ vững và phát triển đàn gia súc, gia cầm.

Ngoài những người được đào tạo bài bản về nghề bác sĩ thú y, còn rất nhiều người từ chỗ chăn nuôi lâu năm, có kinh nghiệm trong việc chăm sóc, chữa bệnh cho vật nuôi đã trở thành những “bác sĩ” thú y miệt vườn thầm lặng.

* 25 năm gắn bó với… đàn bò

Ra trường với tấm bằng bác sĩ thú y, ông Đào Anh Dũng (ngụ xã An Phước, huyện Long Thành) đã gắn bó với đàn bò của bà con nông dân suốt 25 năm nay. Được học hành bài bản, lại “va chạm” thực tế nhiều nên tay nghề của ông ngày càng nâng cao. Ông trở thành “khách quen”, được bà con nông dân tin tưởng nhờ chữa bệnh cho đàn bò của gia đình.

Bác sĩ thú y (bên phải) thăm khám cho đàn bò sữa của bà con nông dân.
Bác sĩ thú y (bên phải) thăm khám cho đàn bò sữa của bà con nông dân.

Hàng ngày, với chiếc xe máy “cà tàng”, ông Dũng rong ruổi trên khắp đường làng, đến tận các hộ nông dân để chăm sóc, trị bệnh cho bò. Bất cứ xa gần, hễ bò nhà nào đẻ khó hay bị bệnh gì, gọi điện là ông có mặt. Buổi sáng người ta còn thấy ông thăm khám cho đàn bò sữa của một nông dân ở trong ấp, đến chiều ông đã có mặt ở các huyện Củ Chi, Hóc Môn (TP.Hồ Chí Minh).

Những chuyến đi xa như thế, khách hàng thường là chủ những trại bò lớn. Tùy theo mức độ bệnh tật nặng nhẹ của vật nuôi mà ông chữa trị rồi về sớm, hoặc sẽ ở lại qua đêm, chữa hết bệnh cho chúng rồi mới trở về nhà. Nhiều bác sĩ thú y có thể chăm sóc nhiều loại vật nuôi, còn ông Dũng chỉ chọn khám, chữa bệnh cho bò. Bởi khi chuyên về một loại vật nuôi, người “thầy thuốc” sẽ có nhiều kinh nghiệm, hiểu rõ cả tính tình của “bệnh nhân” mà cho một đơn thuốc chuẩn và phương pháp điều trị hiệu quả nhất.

“Lâu nay, không ít người cho rằng nghề bác sĩ thú y nhàn nhã, bởi trị bệnh cho người, lỡ xảy ra chuyện gì có thể trả giá bằng việc ngồi tù, còn tiêm chết con heo, bò, gà, vịt… thì đem làm thịt, không phải lo nghĩ nhiều. Nhưng thực tế không phải vậy. Với nông dân, vật nuôi là tài sản lớn trong gia đình họ. Một con bò thịt bây giờ cũng có giá 40-50 triệu đồng, người ta phải nuôi 2-3 năm với bao công sức, tiền của mới có như vậy. Nếu chẳng may gặp sự cố cũng khiến họ lâm vào cảnh trắng tay” - ông Dũng tâm sự.

Với ông Dũng, công việc này đòi hỏi ở người bác sĩ thú y sự tận tâm, liên tục trau dồi kiến thức, kỹ năng, vừa làm vừa học hỏi. Việc khám bệnh cho bò cũng vô cùng khó khăn; con người lúc đau ốm sẽ nói cho bác sĩ biết mình đau nhức ở vị trí nào, nhưng loài vật không thể có khả năng này. Nhiều ca bệnh khó khiến ông phải vã mồ hôi, thức suốt đêm để điều trị, nhưng đã không ít lần đành bó tay bất lực. Thế giới của loài vật qua lăng kính của một bác sĩ thú y như ông cũng nhiều cảm xúc, vui buồn khác nhau.

Hơn 25 năm làm nghề bác sĩ thú y, không ít lần ông Dũng lâm vào cảnh dở khóc dở cười, nửa đêm đang ngủ ngon hay lúc ngồi quây quần bên mâm cơm gia đình buộc phải bỏ dở vì người ta đến gọi đi đỡ đẻ cho bò. Vậy là ông lục tục chuẩn bị đồ nghề đi gấp, đến khi tới nơi thì bò đã “mẹ tròn con vuông”, một mình ông lầm lũi ra về. Những lúc thức trắng đêm để khám, chữa cho con bò bệnh nặng, nghe tiếng thở dài, lo lắng của chủ bò cũng khiến ông căng thẳng.

* Bạn của nhà nông

Gần 10 năm nay, người dân ở các xã: Gia Tân 2, Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) đã quen với tiếng rao: “Thiến heo… đê” của anh Trương Văn Thái (ngụ ấp Đông Đức Long, xã Gia Tân 2). Hàng ngày, anh Thái treo chiếc túi đồ nghề thiến heo trên xe rồi rong ruổi từ ấp này đến xóm khác hành nghề. Trong cái túi anh mang theo lúc nào cũng có con dao, cuộn chỉ, cây kim, lọ thuốc sát trùng, thuốc trị bệnh và ống xilanh để tiêm cho heo.

“Tôi nuôi heo gần 15 năm nay, ngày nào cũng chăm sóc cho đàn heo nên thành quen. Không khó để nhận biết các thứ bệnh đơn giản về đường hô hấp, chân móng,… còn việc thiến heo, làm “bà đỡ” cho chúng thì tôi rất thành thạo. Ngoài việc nuôi heo như thế nào để cho năng suất tốt, công việc này được xem là nghề tay trái của tôi, nên bà con gọi tôi là “bác sĩ miệt vườn” - anh Thái chia sẻ.

Chấp nhận môi trường làm việc không mấy sạch sẽ, nhưng anh Thái hài lòng với công việc của mình. Đối với những người có tay nghề thực thụ thì nghề này vẫn dễ sống. Thiến mỗi con heo được nhận thù lao 3-5 ngàn đồng, cùng với tiêm phòng, trị bệnh, một ngày anh có thể bỏ túi gần 200 ngàn đồng. Nhiều lúc đang thiến heo, chuồng bên cạnh heo mẹ trở dạ, người nuôi nhờ đỡ đẻ, thế là anh kiêm thêm nghề “bà đỡ”.

Người chăn nuôi kiêm luôn bác sĩ thú y khi chăm sóc vật nuôi của mình.
Người chăn nuôi kiêm luôn bác sĩ thú y khi chăm sóc vật nuôi của mình.

“Bác sĩ thú y miệt vườn” Phạm Văn Ninh (ngụ xã Gia Kiệm) cho hay, nghề này quanh năm tiếp xúc với vật nuôi, với bệnh tật nên chính họ cũng nhiều lần gặp khó và trăn trở. Lo nhất và dễ xảy ra tai họa khi trị bệnh cho đàn heo, gà bị dịch. Gặp những mầm bệnh nguy hiểm, bác sĩ thú y phải thông báo cho người nuôi biết trước tình trạng cũng như phương án xấu nếu xảy ra. Được bà con tin tưởng nên người làm nghề cũng phải có trách nhiệm với tài sản, gia nghiệp của người nuôi.

Bà Lê Thị Nhàn, một người nuôi heo xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), cho biết: “Chúng tôi rất yên tâm khi có bác sĩ thú y lành nghề đến tận nhà để chăm sóc, điều trị bệnh cho đàn heo. Gọi lúc nào có lúc ấy, không chỉ phục vụ tận tâm mà họ còn là lực lượng tuyên truyền hiệu quả, giúp bà con chúng tôi nâng cao kiến thức chăm sóc đàn gia súc, gia cầm”.

“Nếu biết không thể cứu chữa được phải nói ngay, còn cứ lao đầu vào chữa thì có thể gặp họa. Một ngày mình đi đến 5-7 nhà, vào chừng ấy chuồng, nếu như vào chuồng có dịch, mầm bệnh sẽ bám trên dép, quần áo hay xe. Khi đến chuồng khác, mang cả mầm bệnh vào, heo của người ta cũng bị dịch luôn, nên tôi luôn cẩn thận trong từng khâu tác nghiệp” - ông Ninh cho hay.

Nhiều người làm nghề chữa bệnh cho vật nuôi tâm niệm, công việc tưởng chừng đơn giản, nhưng để tạo uy tín, “thương hiệu” cho bản thân không phải dễ dàng. Cứu vật cũng giống như việc cứu mạng sống của một con người, chúng là tài sản lớn của người nông dân, nên người bác sĩ chữa bệnh cho vật nuôi cũng phải trăn trở, đầy trách nhiệm và tận tâm với nghề.

Thanh Hải

 

 

 

 

Tin xem nhiều