Hàng năm, bắt đầu từ tháng 10, các cặp đôi sắp nên duyên vợ chồng lại rục rịch chuẩn bị cho lễ cưới, và dĩ nhiên việc chụp ảnh cưới được họ chuẩn bị kỹ để có bộ hình cưới ưng ý nhất.
Hàng năm, bắt đầu từ tháng 10, các cặp đôi sắp nên duyên vợ chồng lại rục rịch chuẩn bị cho lễ cưới, và dĩ nhiên việc chụp ảnh cưới được họ chuẩn bị kỹ để có bộ hình cưới ưng ý nhất. Các studio, thợ chụp ảnh tự do lại tất bật đưa ra các gói khuyến mãi lên danh sách, rồi nhanh chóng lao vào các buổi chụp ảnh đầy bận rộn.
Một cặp đôi từ tỉnh Hậu Giang đến Khu du lịch Giang Điền (huyện Trảng Bom) chụp ảnh cưới. |
Anh Vũ Văn Linh, chủ studio ảnh cưới Kimkilinh (phường An Bình, TP.Biên Hòa), cho biết: “Thời điểm này bận rộn nhất trong năm, thợ chụp ảnh phải tập trung cao độ và chuẩn bị sức khỏe để chụp và sửa ảnh kịp giao cho khách”.
* Công việc vì đam mê
Từng học khoa nhiếp ảnh Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai, anh Linh đã có gần 10 năm gắn bó với nghề chụp ảnh và làm chủ studio được 3 năm. Anh Linh bộc bạch, muốn làm tốt nghề này ngoài sự đam mê còn phải có năng khiếu và nhãn quan nghệ thuật. Do khoa học - công nghệ phát triển, các loại điện thoại thông minh đều có chức năng chụp ảnh với thông số kỹ thuật cao, cộng với việc các dòng máy ảnh giá rẻ, dễ mua, dễ sử dụng nên việc chụp một tấm ảnh với mọi người đã trở thành điều đơn giản.
“Mùa chụp ảnh cưới bắt đầu từ tháng 10 hàng năm cho tới trước tết, sau đó tháng 4-5 bắt đầu rộ trở lại, còn tháng 7 làm ít nhất. Vì vậy, việc của chúng tôi làm tương đối đều đặn, mỗi thời điểm lại có một phong cảnh phù hợp và cách thu hút khách khác nhau. Do đó, với công việc chụp ảnh cưới, chúng tôi vừa thoải mái sáng tạo vừa được đi nhiều nơi để tìm tòi địa điểm chụp mới cho khách” - anh Vũ Văn Linh cho hay. |
“Mặc dù máy móc hiện đại là điều cần thiết, nhưng người bấm máy mới quan trọng, nếu chỉ chăm chăm đầu tư nâng cấp máy ảnh mà quên rèn giũa con người thì sẽ nhanh chóng thất bại. Trước đây, tôi chụp ảnh sản phẩm cho các công ty, nhưng sau này chuyển sang chụp ảnh cưới vì công việc này được tự do sáng tạo, lại được đi đây đi đó cùng với cô dâu, chú rể, chứ không gò bó trong phòng quá nhiều. Phần lớn anh em làm công việc này đều phải bỏ một khoản tiền khá lớn đầu tư máy móc, nếu không sáng tạo, không thu hút được nhiều khách hàng sẽ chậm hoàn vốn. Bên cạnh đó, việc sáng tạo còn thể hiện cái “tôi”, phong cách riêng của từng người chụp ảnh, điều này sẽ giúp khách hàng nhớ về mình và giới thiệu cho bạn bè mỗi khi có nhu cầu” - anh Linh chia sẻ.
Khác với anh Linh, anh Phạm Thái Long (ngụ huyện Trảng Bom) hành nghề chụp ảnh cưới tự do. Vì không nặng vốn đầu tư vào studio và trang phục nên áp lực công việc đối với anh Long tương đối “dễ thở” hơn. Do làm tự do nên anh không đặt nặng việc “chạy đua” khuyến mãi hay cạnh tranh khốc liệt với các studio khác, mà lấy niềm đam mê và sự hứng thú khi làm lên hàng đầu. Tuy vậy, sự cạnh tranh giữa các thợ chụp ảnh cưới tự do không phải không có. Thông thường, họ sẽ có nhiều cách để quảng bá hình ảnh đến với khách hàng thông qua sự giới thiệu của bạn bè, người thân. Vào dịp cao điểm, các thợ chụp ảnh cưới tự do cũng nhận chụp phụ cho một số studio quen thuộc, hoặc tự thiết kế các gói khuyến mãi riêng để thu hút sự quan tâm của khách hàng trẻ tuổi.
“Hiện nay, studio mọc lên rất nhiều, nhưng địa điểm chụp ở gần lại quá quen thuộc nên hầu như cảnh chụp của các studio cứ na ná nhau. Vì công việc này đòi hỏi sự sáng tạo nên hầu như ai cũng cố gắng tìm các góc độ mới khi chụp, hoặc tìm tới những địa điểm mới lạ, với điều kiện khách hàng đồng ý. Vì là thợ tự do nên mỗi tháng tôi chỉ có 4-5 buổi chụp ảnh cưới, có khi không có khách, vì hầu hết đều do bạn bè giới thiệu chứ không có địa điểm cho khách tìm đến đặt hàng trực tiếp” - anh Long cho biết.
* Kết nối bằng mạng xã hội
Anh Bùi Nhật Minh (thợ chụp ảnh cưới tại TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) chia sẻ, bây giờ có nhiều cặp cô dâu chú rể liên hệ với thợ chụp ảnh cưới thông qua trang mạng xã hội. Thậm chí, có người sau khi ảnh chụp xong lại chọn cách đưa lên mạng xã hội, chứ không in ra thành album. Vì vậy, các studio, thợ chụp ảnh tự do phải biết dựa theo xu thế này để quảng bá hình ảnh tới khách hàng.
“Tôi thường đến các khu du lịch có cảnh đẹp, thoáng mát, nằm trên trục đường lớn ở Đồng Nai chụp ảnh cưới ngoại cảnh cho khách hàng. Vì mạng xã hội có tính kết nối rộng rãi nên chúng tôi không bị gò bó về thị trường như trước nữa; khách ở tỉnh khác nếu thấy ảnh cưới chúng tôi chụp đẹp có thể liên hệ qua mạng xã hội để đặt ngày chụp. Trước đây, một sutido phải có vị trí đẹp, bảng quảng cáo lớn, cộng với những gói khuyến mãi chụp ảnh hấp dẫn mới thu hút khách. Còn hiện nay, chúng tôi có thể được khách hàng biết đến nhiều hơn nhờ mạng xã hội mà không cần những yếu tố “nặng” tiền, như: mặt bằng đẹp, cửa hàng lớn…” - anh Minh cho hay.
Anh Bùi Nhật Minh quay phim tại một đám cưới. |
Studio của anh Linh có diện tích khá khiêm tốn, nằm trong một con đường nhỏ ở phường An Bình, nhưng lại có lượng khách hàng từ TP.Hồ Chí Minh, TP.Cần Thơ tìm đến rất đông. Lý giải cho điều này, anh Linh cho hay khách hàng thường chọn những địa điểm khác lạ với nơi họ sống và nhờ những hình ảnh anh Linh đưa lên trang facebook cá nhân mà nhiều khách hàng biết đến, liên lạc đặt hàng. Vì vậy, chỉ với 3 thợ chụp chính, đến nay studio của anh Linh đã có một lượng khách đều đặn, mỗi tuần một thợ đi khoảng 4-7 buổi chụp ảnh cưới ở khắp các địa phương, từ Bắc tới Nam.
Anh Linh nhấn mạnh, sự cạnh tranh giữa các studio thường là các gói khuyến mãi để thu hút khách hàng, tùy vào trang thiết bị, nhân lực mà studio có thể tạo các gói khuyến mãi khác nhau. Để đào tạo được một thợ chụp ảnh cưới vững tay nghề phải mất thời gian trên 2 năm, vừa để người thợ quen với công việc vừa nâng cao dần tay nghề. Bên cạnh đó, thợ mới còn phải học cách xử lý các tình huống gặp phải trong quá trình làm việc với khách hàng, vì “năm người mười ý”, rất khó để chiều lòng tất cả khách chụp ảnh.
“Vì nghề này “làm dâu trăm họ” nên thợ phải chụp ảnh theo ý thích của cô dâu chú rể. Nhiều lúc bản thân mình thấy ảnh chụp như vậy đã đẹp rồi, nhưng khách hàng thấy chưa ổn thì mình phải chỉnh sửa lại theo ý khách. Nhưng hầu hết trong những lần đi chụp ảnh cưới, cả chú rể và thợ chụp ảnh đều phải chiều theo ý cô dâu. Một số người chỉ chú ý đến nếp nhăn trên mặt, mà không nhìn tổng thể bức ảnh; một số người khác khó tính, nhưng không biết chính xác bản thân muốn được chụp ảnh thế nào nên cũng làm thợ phải giải thích, tư vấn lại. Đã có trường hợp xảy ra cự cãi giữa thợ chụp ảnh cưới với khách hàng chỉ vì những lý do nhỏ nhặt, nhưng phần lớn chúng tôi đều thuyết phục, tư vấn cho họ từ đầu, khi tất cả đều đồng ý rồi mới bắt đầu chụp” - anh Phạm Thái Long tâm sự.
Đăng Tùng