Sau gần 15 năm đưa cơ sở sơ chế điều đi vào hoạt động, từ một hộ khó khăn, gia đình cựu chiến binh (CCB) Phạm Đức Toàn (ngụ xã Bảo Hòa, huyện Xuân lộc) đã vươn lên thành hộ có thu nhập khá và tạo việc làm cho hàng trăm người dân địa phương.
Sau gần 15 năm đưa cơ sở sơ chế điều đi vào hoạt động, từ một hộ khó khăn, gia đình cựu chiến binh (CCB) Phạm Đức Toàn (ngụ xã Bảo Hòa, huyện Xuân lộc) đã vươn lên thành hộ có thu nhập khá và tạo việc làm cho hàng trăm người dân địa phương. Ông Toàn cho hay: “Tôi trả cho công nhân một mức lương khá và ổn định, đồng thời kết nối với công ty để có đơn hàng đều đặn, giúp cơ sở hoạt động liên tục và giữ chân công nhân lâu dài”.
* Bỏ đại học để ra trận
Khi vừa tròn 18 tuổi, ông Toàn thi đậu đại học ngành y. Tuy nhiên, ông đã quyết định nhập ngũ và lên đường nhận nhiệm vụ tại nước bạn Campuchia. Ông Toàn bộc bạch, bạn bè của ông khi đó đều lên đường ra mặt trận, người trước người sau một lòng hướng về tiền tuyến.
Ông Phạm Đức Toàn (bên trái) trao đổi hoạt động Hội Cựu chiến binh với Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bảo Hòa Trần Văn Ba. |
Sau 4 năm phục vụ quân đội, ông Toàn may mắn trở về quê hương với thân thể lành lặn và bản lĩnh được trui rèn qua chiến trận. Với hai bàn tay trắng và mảnh đất của cha để lại, ông Toàn bắt đầu cày cuốc, trồng hoa màu, sống bằng chút kinh nghiệm làm nông ít ỏi mà ông đã học được từ khi còn nhỏ. Bắp, đậu, lúa…, ông đều đã trồng qua. Dù thường xuyên cập nhật kiến thức nông nghiệp, nhưng vì diện tích đất gia đình quá nhỏ nên ông làm mãi mà không thoát khỏi cái nghèo.
“Ngày đó nhà tôi nghèo lắm, nhiều người khuyên tôi cố gắng thi đại học lại một lần nữa, nhưng suy đi tính lại thấy không có dư dả để đi học tiếp nên tôi ở nhà làm nông. Thật ra, ai mà chẳng muốn đi học, tôi cũng biết chỉ có con đường ăn học đến nơi đến chốn mới có cơ hội đổi đời thôi. Đến năm 1990, tôi lấy vợ rồi có con, cuộc sống vợ chồng mới cưới nhiều áp lực về kinh tế nên thu nhập từ việc làm nông không đủ trang trải. May mắn là tôi được vài người bạn gợi ý về việc mở xưởng sơ chế hạt điều cho các công ty nên quyết định “liều” thử một phen, vì cứ bám lấy cách làm nông truyền thống trên mảnh đất nhỏ của gia đình thì chẳng khấm khá lên được” - ông Toàn tâm sự.
Nắm bắt được nhu cầu cần sơ chế hạt điều của một số công ty, những năm 1999-2000 ông Toàn đã liên hệ nhận đơn hàng làm gia công rồi về nhà dựng một xưởng nhỏ, tuyển công nhân là người địa phương sơ chế hạt điều. Lúc đầu, mỗi ngày ông nhận vài chục ký hạt điều để làm. Công nhân làm không hết, ông lại cùng vợ con bắt tay vào làm.
Ông Trần Văn Ba, Phó chủ tịch Hội CCB xã Bảo Hòa, cho hay đóng góp của ông Phạm Đức Toàn cho địa phương là những gì tuyệt vời nhất mà một cựu chiến binh làm được vào thời bình. Từ việc giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ, cơ sở của ông Toàn đã góp phần giảm bớt tệ nạn xã hội xảy ra từ tình trạng thất nghiệp, đồng thời hỗ trợ giảm nghèo cho nhiều gia đình trong xã. |
Nguồn vốn đầu tư không nhiều nên thời gian đầu, xưởng của ông Toàn phát triển khá chậm. Tuy nhiên, nhờ tiền lương được trả đều đặn nên công nhân yên tâm gắn bó lâu dài ở xưởng của ông. Với lợi thế nguồn lao động tại địa phương dồi dào và uy tín của xưởng được nâng lên theo thời gian, đến năm 2010, ông Toàn đã mở rộng nhà xưởng lên 1,2 ngàn m2 với thiết kế kiên cố, rộng rãi và đảm bảo an toàn về cháy, nổ.
“May nhờ có sự giúp sức từ phía Hội CCB địa phương, những người có uy tín trong cộng đồng thường xuyên đến thăm hỏi, vận động nên mỗi lần gặp khó khăn tôi đều bình tĩnh, vững lòng vượt qua. Hiện tại, công nhân làm việc ở xưởng tôi có thu nhập từ 4-7 triệu đồng/tháng, có những trường hợp cả nhà mấy anh chị em gắn bó với xưởng tôi gần 10 năm nay. Mức thu nhập dựa theo sản phẩm nên chẳng ai tị nạnh nhau. Khi xưởng của tôi mở rộng sản xuất, nhiều người dân địa phương tìm đến xin việc” - ông Toàn vui vẻ cho biết.
* Làm kinh tế giỏi
Nhờ khẳng định được uy tín nên xưởng sơ chế hạt điều của ông Toàn ngày càng phát triển và tạo việc làm thường xuyên cho 400 lao động. Chỉ từ đơn hàng vài chục ký hạt điều thời gian đầu, đến nay xưởng của ông đã nhận sơ chế hàng tấn hạt điều mỗi ngày. Từ 3 giờ 30 đến gần 18 giờ, xưởng sơ chế hạt điều của gia đình ông lúc nào cũng sáng đèn với những chuyến xe chuyển hàng, lấy hàng liên tục. Nhờ giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương nên số vụ trộm cắp, cướp giật tại xã Bảo Hòa giảm hẳn, người dân cũng yên tâm gắn bó lâu dài với quê nhà, không sợ thiếu việc làm.
Ông Phạm Đức Toàn kiểm tra sản phẩm trong xưởng sơ chế hạt điều. |
“Gia đình tôi vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo nhờ sự cố gắng của tất cả thành viên trong gia đình và sự giúp đỡ của bạn bè, mọi người, từ đó có vốn tái đầu tư sản xuất, mở rộng nhà xưởng. Nhưng không vì vậy mà vợ chồng tôi lơ là lao động, hàng ngày, cũng như mọi công nhân khác, vợ tôi lại đến xưởng làm việc, hưởng lương giống như mọi người. Nhờ tính cần cù như vậy nên vợ chồng tôi mới có thể gầy dựng được cơ nghiệp ổn định như thế này. Tôi quan niệm, chính những công nhân làm việc trong xưởng là những người góp phần mở rộng sản xuất, nên tôi trả lương đều và đúng hạn để có thể giữ chân công nhân lâu dài” - ông Toàn chia sẻ.
Do từng trải qua khó khăn khi ở chiến trường và quãng thời gian tưởng chừng như bế tắc khi lam lũ với nghề nông, ông Toàn đã thấu hiểu được cái nghèo, nên ông luôn cố gắng giúp đỡ mọi người cùng phát triển kinh tế. Bên cạnh tạo công ăn việc làm cho người dân trong vùng, cơ sở sơ chế hạt điều của ông cũng góp phần vào việc phát triển kinh tế địa phương. Khi thu nhập tăng cao, những cống hiến của ông Toàn với xã hội cũng thiết thực hơn, như việc đóng góp kinh phí, ngày công lao động, góp phần xây dựng nông thôn mới ở xã Bảo Hòa. Với vai trò một cựu chiến binh, ông luôn tích cực tham gia các hoạt động phong trào của địa phương, tuyên truyền cho con cháu trong gia đình tuân thủ pháp luật và lao động lương thiện, không trở thành gánh nặng cho xã hội.
Đăng Tùng