Sau một tuần đóng chân tại ấp 1, xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu), gánh lô tô hội chợ của anh Lê Chí Tâm (thường gọi là Tâm "Bạc Liêu") chỉ diễn được 4 buổi thành công. Các buổi bể "sô" phần do xuất hiện những cơn mưa rào cuối mùa, phần bị ế khách.
Sau một tuần đóng chân tại ấp 1, xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu), gánh lô tô hội chợ của anh Lê Chí Tâm (thường gọi là Tâm “Bạc Liêu”) chỉ diễn được 4 buổi thành công. Các buổi bể “sô” phần do xuất hiện những cơn mưa rào cuối mùa, phần bị ế khách. Tuy nhiên, anh Tâm vẫn lạc quan cho rằng, làm ăn như vậy là may lắm rồi và anh quyết định lưu lại đây vài đêm nữa rồi mới chuyển gánh đi nơi khác.
Anh Lê Chí Tâm căng lại tấm bạt làm sân khấu bị gió giật tung để anh em đang trong gánh lô tô hội chợ ngon giấc dưới sàn sân khấu. |
Đây là lần thứ 5 anh Tâm lập lại gánh lô tô hội chợ sau 4 lần thất bại. Lý do anh quay lại cái nghề bám chợ, bám đường này rất đơn giản, bởi vì lỡ mang cái nghiệp lô tô hội chợ nên anh không dứt ra được. “Lúc gánh lô tô hội chợ của tui tan rã, mỗi khi đêm về, hễ nghe tiếng trống, tiếng nhạc, tiếng rao lô tô, lòng tui lại nao nao nhớ nghề” - anh Tâm thổ lộ.
* Mê xem hát từ nhỏ
Sau nhiều đêm thập thò ngoài cửa hoặc vạch vách xem lén các nghệ sĩ đoàn cải lương Phong Thạnh lưu diễn tại quê nhà, cậu nhóc Tâm, con ông thợ mộc Hai Tình (nay thuộc TX.Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu), mê mẩn đến mức chờ xả cổng để được vào xem đoạn cuối. Vở diễn tan, cậu nhóc Tâm vẫn nấn ná ở lại phụ việc dọn phông màn cho đoàn hát với mục đích làm quen, xem hát miễn phí. Trưởng đoàn hát thấy vậy cho cậu bé Tâm được tự do ra vào xem hát miễn phí khi đoàn bám thị trấn Giá Rai lưu diễn. Ngày đoàn hát dời đi nơi khác, cậu bé Tâm đã trốn nhà đi theo đoàn phụ việc để được nghe hát cải lương miễn phí.
Suốt 4 năm theo đoàn hát, từ cậu nhóc được mọi người sai việc vặt, Tâm dần dà được trưởng đoàn cho lên sân khấu hát vài câu vọng cổ, trích đoạn cải lương, đánh bài trống trước đêm diễn nhằm câu khách.
Rồi đoàn hát tan rã, cậu nhóc Tâm trở về nhà phụ ông Hai Tình làm mộc. Được vài tháng, Tâm lại nhớ nghề hát nên trốn nhà theo gánh hát của nghệ sĩ Minh Thơ lưu diễn khắp miền Tây, rồi mở hội chợ, rao lô tô. Thời gian này, Tâm không còn là cậu nhóc phụ việc vặt cho đoàn để kiếm cơm ngày 2 bữa, xem hát miễn phí mà đã được trưởng đoàn trả thù lao.
Gánh lô tô hội chợ mà vợ chồng anh Tâm gầy dựng lại lần này thuộc loại gánh nghèo nên chỉ chọn những vùng quê hẻo lánh để lưu diễn. Tuy vậy, anh Tâm vẫn gồng mình mời cho được vài ca sĩ tên tuổi về diễn để kéo khách. “Tụi tui lập đoàn chủ yếu để thỏa đam mê, tạo sân chơi cho nhau nên anh em không nặng lòng chuyện tiền bạc. Ngay cả ca sĩ, nghệ sĩ xiếc mà gánh mời về biểu diễn, họ cũng sẵn sàng hát, diễn miễn phí khi đoàn ế khách” - anh Tâm cho biết. |
Năm 1990, khi đã có chút tên tuổi, kinh nghiệm và vốn liếng, anh Tâm xin ra khỏi đoàn hát để thành lập gánh lô tô hội chợ cho riêng mình. Làm ông bầu chưa tròn năm thì gánh lô tô hội chợ của anh Tâm tan rã vì ế khách, không cạnh tranh được với các đoàn khác. Không nản chí, anh sang gánh cho một người bạn để xin vào đoàn Minh Thơ mở lại gian hàng nhỏ. Được hơn năm, anh lại xin ra khỏi đoàn Minh Thơ, lập lại gánh lô tô hội chợ. Gánh lô tô của anh Tâm lại thua lỗ, tan rã và anh lại quay về đoàn Minh Thơ lần 2.
Rồi đoàn Minh Thơ tan rã, anh Tâm cứ vậy lang bạt theo các gánh lô tô hội chợ lớn nhỏ tìm kế sinh nhai và… cưới vợ. Mãi đến năm 2010, anh Tâm tái lập gánh lô tô hội chợ khi trôi dạt về tỉnh Bình Dương. Gánh lô tô của anh ăn nên làm ra được vài tháng thì lâm cảnh nợ nần. Lần này, anh Tâm thất bại thê thảm đến mức phải gọi ve chai đến bán đạo cụ để có tiền về phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) thuê nhà trọ chạy xe ôm, vợ anh thì bán vé số sống qua ngày. “Đầu năm 2015, vợ chồng tui dành dụm, vay mượn người thân được gần 500 triệu đồng định làm ăn. Mới đầu, vợ chồng tui tính mua miếng đất nhỏ làm nhà ở và bỏ luôn nghề lô tô hội chợ. Trong lúc tìm mua đất, vợ chồng tui lại bị ông tổ giục quay lại nghề” - anh Tâm chia sẻ.
* Vui quên sầu
Dù biết cái nghề lô tô hội chợ chẳng có tương lai, vợ chồng anh Tâm vẫn dốc hết số vốn còn lại để tiếp tục những chuyến phiêu lưu đây đó cùng nhóm bạn. Để lập lại gánh, anh Tâm điện thoại cho người bạn Út Đạt ở Bà Rịa - Vũng Tàu và chục bạn khác đang tản mác tứ phương về hội tụ. Trong số những người bạn đó, có vợ chồng anh Phú Sĩ (quê tỉnh Bình Dương).
Anh Phú Sĩ cho biết, ban ngày anh về Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) làm phụ hồ, tối anh phụ vợ mở gian hàng trò chơi trúng thưởng trong gánh lô tô hội chợ. Thu nhập từ những đêm bán hàng không nhiều, nhưng luôn là niềm vui của vợ chồng anh.
Anh Út Đạt vốn là chỗ bạn bè tâm giao của vợ chồng anh Tâm. Sau những năm tháng bôn ba khắp nơi cùng vợ chồng anh Tâm mở hội chợ, vợ anh Út Đạt đã quen với dáng vẻ thất thểu của chồng trở về nhà sau mỗi lần gánh lô tô của vợ chồng anh Tâm tan rã.
Anh Lê Chí Tâm (phải) và người bạn chí cốt Út Đạt nay lại có dịp tái hợp nhau đi lưu diễn. |
Anh Út Đạt tâm sự, cũng tại mê lời ca tiếng hát mà anh trốn vợ, xa con theo các gánh lô tô hội chợ mua vui cho thiên hạ. Dù thù lao mà các trưởng đoàn trả cho anh chẳng đáng bao nhiêu (chủ yếu lo ăn ở, tiền xe về thăm nhà), anh Út Đạt vẫn gật đầu đồng ý. “Được đứng trên sân khấu bằng những tấm ván kê tạm nơi bãi cỏ hoang vùng quê hay góc chợ hàng đêm pha trò, diễn kịch là tui khoái rồi. Cảnh ăn bờ, ngủ bụi cùng những người bạn trong gánh lô tô hội chợ với tui thích hơn cảnh nệm ấm, chăn êm ở nhà” - anh Út Đạt thật thà tỏ bày.
Không biết điều anh Út Đạt nói đúng hay sai, nhưng nhìn cảnh nhóm bạn trong gánh lô tô hội chợ của anh Tâm vẫn đang an giấc trên những chiếc võng mắc dưới sàn sân khấu lởm chởm cỏ, muỗi vo ve sau đêm diễn mà thấy xót lòng. Thấy chúng tôi tỏ ra ái ngại cho những người bạn của mình, anh Tâm trấn an rằng, có được chỗ ăn ngủ như vậy là tốt lắm rồi. Có nhìn thấy cảnh các thành viên trong gánh lô tô hội chợ bị mắc kẹt giữa những cơn mưa rừng, sống thấp thỏm, không có tiền trả tiền thuê sân bãi, bán tháo hàng hóa, dụng cụ, lều bạt về nhà thì mới hiểu hết nỗi niềm cái nghề này…
Gió từ cánh đồng mía giật tung tấm bạt che nắng, phơi ra hết cuộc sống trần trụi của nhóm bạn trong gánh lô tô hội chợ. Xoa đầu cu Cường (7 tuổi, con trai anh Tâm), anh Tâm phân trần, đáng lẽ vợ chồng anh phải dùng số tiền lớn dành dụm được mua nhà để vợ chồng anh sớm ổn định chỗ ở, để cu Cường không bỏ học. Dù biết trước làm nghề lô tô hội chợ chỉ có lỗ với thất bại, nhưng vì đam mê, nhớ nghề, nhớ bạn nên vợ chồng anh lại một lần nữa lập gánh lưu diễn. “Thôi thì tới đâu hay tới đó, miễn mọi người đều được thỏa niềm đam mê là tui mãn nguyện lắm rồi” - anh Tâm bộc bạch.
Thành Nhân