Ở huyện Long Thành những ngày cuối năm 2015, ngoài chuyện dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành thì việc hiến đất làm đường, chung tay xây dựng nông thôn mới cũng được người dân bàn tán sôi nổi.
Ở huyện Long Thành những ngày cuối năm 2015, ngoài chuyện dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành thì việc hiến đất làm đường, chung tay xây dựng nông thôn mới cũng được người dân bàn tán sôi nổi. Chưa bao giờ người dân cảm thấy phấn khởi với những chuyện mang tính “đại sự” như thế. Giờ đây, câu chuyện thi nhau hiến đất làm đường không còn xa lạ với các hộ dân ở những xã thuộc diện khó khăn nhất của huyện Long Thành.
Dù bị mất mảnh vườn trồng cây ăn trái đang cho thu hoạch rộng hàng ngàn mét vuông, nhưng bà con vẫn nói giọng hào sảng: “Mỗi nhà một ít, chính quyền địa phương cần là dân có”.
* Cả làng hiến đất
Chính vì sự chung sức, đồng lòng tạo thành khối sức mạnh và sự đoàn kết to lớn này mà những con đường nhỏ dẫn vào khu trung tâm xã Bàu Cạn (huyện Long Thành) cách đây vài tháng lắm “ổ voi, ổ gà”, giờ đã được thay thế bằng con đường bê tông sạch đẹp. Được sự nhất trí, thuận tình của người dân nên bộ mặt của một xã khó khăn phần nào đang thay đổi và khởi sắc.
Con đường dẫn từ quốc lộ 51 vào xã Bàu Cạn (huyện Long Thành) được mở rộng khang trang, kiên cố. |
Những con đường rộng rãi, phẳng phiu, chẳng còn nhiều khúc cua tay áo quanh co như xưa nữa. Từ khi có đường mới đến nay, ấp nối ấp, xóm liền xóm, giao thông thuận tiện, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa. “Ở một xã được coi là nghèo nhất huyện mà người dân cứ lên xe có thể chạy bon bon từ rẫy về nhà, không còn cảnh đường chia cách trở thì không có gì vui bằng” - bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt (ngụ ấp 8, xã Bàu Cạn) hồ hởi nói.
Gia đình bà Nguyệt là một trong số 12 hộ dân của ấp 8 đã tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất để mở rộng đường Suối Le, con đường chính dẫn vào khu quy hoạch chăn nuôi tập trung của huyện.
Hàng chục năm trước, đường Suối Le chỉ là lối mòn được hình thành trong quá trình khai khẩn lập nghiệp của một số hộ dân. Khi đường xuống cấp, muốn đi lại hay xuất bán nông sản, người dân buộc phải đi vòng sang ấp khác, không chỉ xa xôi mà còn bất tiện. Vậy là khi mùa mưa đến, người dân đành bó gối vì con đường lầy lội, bùn ngập đến nửa chân. Trẻ con không đi học được, người lớn cũng “ớn lạnh” đoạn đường này mà không dám đến rẫy trồng trọt, chăm sóc cây trái.
Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành, Ngô Thế Ân, cho hay: “Đến nay, Long Thành đã có 11/13 xã được tỉnh công nhận xã nông thôn mới. Xây dựng đường giao thông là một tiêu chí quan trọng nên sự đồng lòng, chủ động hiến đất làm đường của người dân là vô cùng quý giá. Bà con không chỉ hiến đất, mà còn xông xáo cầm cuốc, cầm dao dọn dẹp hai bên đường, rồi phụ san phẳng bê tông, tưới nước để tạo nên những con đường đảm bảo chất lượng và luôn sạch đẹp”. |
Đầu năm nay, nghe có kế hoạch làm đường bê tông, bà con sung sướng vô cùng. Ngày họp dân, cán bộ xã thông báo đường sẽ chạy ngang đất vườn của rất nhiều hộ, vì vậy phải giải tỏa để trả lại mặt bằng.
Việc mở đường đồng nghĩa phải chặt bỏ nhiều loại cây trồng có giá trị, như: điều, tiêu mà bà con đang canh tác, … Cùng với đó, một số diện tích đất đai, vườn rẫy cũng bị thu hẹp lại để lấy đất làm đường. Ngoài ra, thông tin dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành nằm gần khu vực này sắp khởi động, giá đất nay mai có thể lên cao cũng khiến một vài người đắn đo và lưỡng lự.
Tuy nhiên, ngay khi địa phương thông tin lấy đất làm đường, bà Nguyệt là người đầu tiên chấp thuận hiến 2 ngàn m2 đất và những người khác đã làm theo. Người hiến nhiều có khi cả ngàn mét vuông, người ít sẵn sàng chặt bỏ những trụ tiêu đang vào vụ cho hạt chín. Vì thế mà danh sách hiến đất ngày một dài ra, niềm vui cũng dần trọn vẹn khi con đường đất dài 1,6km được trải nhựa rộng 5,5m dần hình thành, khiến những hộ dân quanh đây ai nấy đều hứng khởi.
“Chúng tôi vào lập nghiệp từ những ngày ở đây còn hoang vu, trồng cây gì, nuôi con nào cũng phải tính toán, cân nhắc, nhưng cũng không ít lần mất trắng vì thiên nhiên khắc nghiệt. Đến khi chọn được loại cây thích hợp, đời sống kinh tế khấm khá thì xã có chính sách làm đường mới. Nghĩ cũng tiếc, nhưng rồi bà con ai cũng thấy cái lợi của việc này nên đã chung sức cùng chính quyền” - ông Nguyễn Văn Trị nói giọng phấn khởi.
* Dân hiến đất, dân làm đường
Tân Hiệp (huyện Long Thành) là một xã nghèo, có nhiều đồng bào dân tộc S’tiêng sinh sống. Nhiều năm qua, những con đường “xương cá” xuống cấp trải rộng khắp địa bàn xã đã ảnh hưởng không ít đến việc đi lại và phát triển kinh tế của người dân. Nhưng từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, bộ mặt của xã đã dần thay đổi, nổi bật nhất là đường sá đi lại khang trang. Nhiều người dân tự nguyện hiến đất làm đường, hay sẵn sàng chặt bỏ cây trồng để các tuyến đường được mở rộng thẳng lối. Tính đến nay, trên địa bàn xã có gần 22km đường đất đã được bê tông hóa.
Ông Võ Thanh Phước (ngụ ấp 3, xã Tân Hiệp) không hề đắn đo khi hiến 500m2 đất rẫy để mở rộng đường và bỏ thêm 250 triệu đồng xây dựng cây cầu sắt dài 14m bắc qua con suối nhỏ trong làng dân tộc S’tiêng. Hành động đẹp của ông đã được mọi người ủng hộ nhiệt tình. Nhiều người khó khăn không đóng góp tiền sẵn sàng giúp sức bằng công lao động. Sau vài tháng thi công, con đường bê tông mới hoàn thiện, ai cũng thấy phấn khởi.
Người dân cùng nhau góp sức xây dựng đường nông thôn mới. |
Ngoài căn nhà cấp 4 thì đất đai trong vườn là tài sản mà ông Phước chắt chiu cả đời. Ngày dọn đất, chặt bỏ cây trong vườn mà đoạn đường sắp làm đi qua ông cũng thấy xót, nhưng nghĩ đây là việc lớn nên ông quyết làm. Đường mở ra, không chỉ nối thông khu dân cư trong ấp, mà còn là cơ hội để “thay da đổi thịt” của một xã khó khăn.
Cũng như ông Phước, gia đình ông Vũ Trọng Hiệp (ngụ ấp Suối Quýt, xã Cẩm Đường, huyện Long Thành) đã tự nguyện đóng góp 15 triệu đồng và hiến 1,5 sào đất (có giá trị trên 200 triệu đồng) để tuyến đường tổ 3, ấp Suối Quýt dài 2,5km được mở rộng thông thoáng từ 1m lên 8m, đã giúp các phương tiện lưu thông dễ dàng hơn.
Ông đã viết đơn gửi chính quyền địa phương trình bày nguyện vọng của mình. Vườn cây ăn trái, ca cao tốt tươi kết hợp chăn nuôi mang lại thu nhập mỗi năm cho gia đình 200-300 triệu đồng đã được ông liệt vào “danh sách” hiến đất. Ngày đội thi công lái xe ủi lên để đầu ấp, ông là người vui mừng hơn ai hết. Ông Hiệp giục người con trai và nhờ hàng xóm đến dọn dẹp mặt bằng thông thoáng cho việc làm đường.
“Bà con mong con đường này lâu lắm rồi. Hễ chính quyền cần nhân dân hỗ trợ gì chúng tôi cũng sẵn lòng hết. Mong sao đường xây kiên cố, rộng đẹp để bà con đi lại an toàn, trẻ con được đến trường thuận lợi là tôi vui rồi” - ông Hiệp thủ thỉ nói.
Thanh Hải