Báo Đồng Nai điện tử
En

Trách nhiệm của cơ quan chức năng (Bài cuối)

11:12, 14/12/2015

Không thể chịu đựng việc các trang trại, chủ hộ chăn nuôi mỗi ngày thải phân heo làm ô nhiễm môi trường, các hộ dân đã phản ánh với chính quyền địa phương để có hướng giải quyết. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà tình trạng chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường hiện vẫn tồn tại, người dân vẫn hàng ngày chịu đựng mùi hôi thối bốc ra từ phân heo, gà.

Không thể chịu đựng việc các trang trại, chủ hộ chăn nuôi mỗi ngày thải phân heo làm ô nhiễm môi trường, các hộ dân đã phản ánh với chính quyền địa phương để có hướng giải quyết. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà tình trạng chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường hiện vẫn tồn tại, người dân vẫn hàng ngày chịu đựng mùi hôi thối bốc ra từ phân heo, gà.

“Chỉ ngành tài nguyên - môi trường không thể giải quyết được hết các vấn đề chất thải trong chăn nuôi, mà cần có sự phối hợp từ nhiều phía, như: chi cục thú y, phòng nông nghiệp - phát triển nông thôn, chính quyền địa phương và cả ý thức của người chăn nuôi” - bà Trần Thị Minh Hải, Phó trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Thống Nhất, cho biết.

* Thẩm quyền không cho phép

Trao đổi về vấn đề ô nhiễm do chăn nuôi tại địa phương, ông Ngụy Hải Châu, Chủ tịch xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) cho biết: “Chúng tôi đã nghe người dân phản ánh tình trạng chăn nuôi heo trên địa bàn xã gây ô nhiễm môi trường. Địa phương đã thường xuyên phối hợp với các ban, ngành chức năng đi kiểm tra, nhắc nhở và tuyên truyền về vấn đề bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Tuy nhiên, địa phương không đủ thẩm quyền để áp dụng các hình thức chế tài nên dù có xử phạt thì họ vẫn tiếp tục xả thải gây ô nhiễm môi trường”.

Cơ quan chức năng đang lập biên bản xử phạt hành chính một hộ chăn nuôi trái phép tại phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa.
Cơ quan chức năng đang lập biên bản xử phạt hành chính một hộ chăn nuôi trái phép tại phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa.

Hiện tại, xã Gia Tân 3 đang quản lý 222 trang trại chăn nuôi heo, nhưng chỉ có khoảng 5% trang trại có hệ thống hầm biogas để xử lý chất thải. Còn lại hầu hết đều thải ra môi trường, một số ít bán phân cho các điểm thu mua phân tươi để bón cây trồng.

Theo ông Châu, mỗi lần đi kiểm tra, xử lý các hộ chăn nuôi lực lượng của xã gặp rất nhiều khó khăn. Thường thì họ đóng cửa im lìm, không cho vào trong, thậm chí có khi họ thả chó ra hù dọa đoàn kiểm tra.

Về tình trạng một số hộ chăn nuôi tại ấp 6, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) gây ô nhiễm nghiêm trọng,  bà Trịnh Thị Hồng Châu, Chủ tịch UBND xã Sông Trầu, cho hay xã hiện có 17 trang trại chăn nuôi đang hoạt động, riêng khu vực ấp 6 có 6 trang trại và đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Các trang trại đều có hệ thống xử lý biogas và bước đầu đã cam kết thực hiện việc bảo vệ môi trường. “Chúng tôi sẽ kiểm tra các hộ chăn nuôi xả thải gây ô nhiễm để có biện pháp xử lý kịp thời, sai phạm đến đâu thì sẽ kiến nghị cấp trên xử lý đến đó. Chúng tôi nhất quyết không dung túng và tuyệt đối không tiếp tay cho những hành vi gây ra nhiều hệ lụy trong ngành chăn nuôi”.

Riêng tại khu vực phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa), đây lại là vấn đề nan giải. Ông Trần Mạnh Hùng, Phó chủ tịch UBND phụ trách mảng kinh tế phường Trảng Dài, cho hay: “Trước đây, ở phường Trảng Dài có trên 500 hộ chăn nuôi heo, nhưng đến nay đã giảm còn 198 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đó là sự nỗ lực rất lớn của địa phương. Tuy nhiên, việc di dời các hộ chăn nuôi đến điểm tập trung gặp rất nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. UBND phường chủ yếu tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi di dời, còn việc cưỡng chế hay các biện pháp chế tài phải chờ cấp có thẩm quyền”.

* Chế tài chưa đủ mạnh

Để phát triển chăn nuôi bền vững và hạn chế tối đa mức độ gây ô nhiễm từ chất thải chăn nuôi, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm phải được quy hoạch phù hợp theo vùng sinh thái cả về số lượng, chủng loại để không bị quá tải gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, những khu vực có sử dụng nguồn nước ngầm, hoặc nguồn nước sông hồ cung cấp cho nhà máy nước sinh hoạt thì công tác quy hoạch chăn nuôi càng phải quản lý nghiêm ngặt. Khi xây dựng trang trại chăn nuôi cần phải đủ xa khu vực nội thành, nội thị, khu đông dân cư, đồng thời đúng thiết kế và phải được đánh giá tác động môi trường trước khi xây dựng trang trại. Người chăn nuôi phải thực hiện tốt quy định về điều kiện chăn nuôi, ấp trứng, vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm của chúng.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, toàn tỉnh có tổng đàn heo khoảng 1,7 triệu con, 16 triệu con gà (trong đó chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 32,5%). Do chăn nuôi nông hộ là chủ yếu nên biện pháp xử lý chất thải vật nuôi chủ yếu là ủ phân chuồng, hoặc không được xử lý. Về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, nếu tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm, ấp nở trứng gia cầm trong nội thành, nội thị sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng và buộc di dời ra khỏi khu vực.

Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cho biết trong giai đoạn hội nhập, việc hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh, đặc biệt đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là điều rất cần thiết. Đồng Nai đã quy hoạch và triển khai xây dựng 139 vùng chăn nuôi tập trung thuộc 8 huyện, TX.Long Khánh với tổng diện tích trên 15,6 ngàn hécta. Nhiều năm qua, tỉnh đã quan tâm, đốc thúc các địa phương triển khai thực hiện, nhưng đến nay nhiều vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung vẫn chưa thu hút được người chăn nuôi đến đầu tư. Các hộ chăn nuôi hoặc trại quy mô nhỏ không mấy quan tâm vì họ thường xây chuồng nuôi ngay sau nhà và e ngại bất tiện khi phải dời khu chăn nuôi cách xa khu dân cư.

Để giải quyết tình trạng chăn nuôi xả thải gây ô nhiễm, bà Trần Thị Minh Hải cho biết hiện các trang trại chăn nuôi heo ở huyện Thống Nhất đã được đánh mã số trang trại để dễ dàng quản lý khi heo xuất - nhập chuồng, xử phạt hành chính khi gây ô nhiễm môi trường… Ngoài ra, khi phát hiện hộ chăn nuôi gây ô nhiễm, cơ quan chức năng sẽ ra quyết định xử phạt hành chính theo đúng quy định của pháp luật, sau đó yêu cầu các hộ bị xử phạt khắc phục ngay tình trạng gây ô nhiễm.

Đồng ruộng ở xã Sông Trầu bỏ hoang vì chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm.
Đồng ruộng ở xã Sông Trầu bỏ hoang vì chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm.

Tuy nhiên, có thể biện pháp chế tài áp dụng thời gian qua chưa thật sự đủ sức răn đe nên còn nhiều hộ dân xả thải chăn nuôi ra môi trường. Khoản 1, Điều 15, Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi thải mùi hôi thối vào môi trường. Còn tại Điểm d, Khoản 5, Điều 5, Mục 1, Chương II, Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 9-10-2013 của Chính phủ quy định phạt tiền từ 1,5-2 triệu đồng đối với cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm không theo quy hoạch, hoặc không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Có thể vì mức xử phạt thấp nên bị xử phạt nhiều lần, nhưng một số hộ chăn nuôi vẫn không thể khắc phục, hoặc không muốn khắc phục. Như trại chăn nuôi của ông T.M.C. (xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất), hộ chăn nuôi Đ.V.H. (KP.4, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) và nhiều hộ, trang trại chăn nuôi khác vẫn phải liên tục đóng phạt trong nhiều năm liền, nhưng việc khắc phục dường như “giậm chân tại chỗ”.

Bên cạnh đó, để các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tập trung vào một khu có đầy đủ công nghệ xử lý chất thải hiện đại là điều rất khó vì họ luôn cho rằng mình chăn nuôi ít, nên ít ảnh hưởng đến môi trường. Nhưng thực tế lại cho thấy, việc chăn nuôi nhỏ lẻ thường không có hệ thống xử lý chất thải và nhiều hộ cùng thải chất thải chưa qua xử lý ra môi trường, đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Vì vậy, để xử lý vấn đề chăn nuôi xả thải gây ô nhiễm môi trường, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng quy hoạch và phối hợp xử lý quyết liệt, triệt để hơn nữa.

Tố Tâm - Kim Vũ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều