Báo Đồng Nai điện tử
En

"Ông bồ" lại hành người dân

07:12, 22/12/2015

Những ngày qua, trong lúc bà con nông dân xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) phấn khởi bước vào vụ thu hoạch mía, mít, xoài…, thì đàn voi rừng liên tục xuất hiện, khiến mọi người sống trong cảnh nơm nớp lo sợ...

“Những ngày qua, trong lúc bà con nông dân xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) phấn khởi bước vào vụ thu hoạch mía, mít, xoài… thì đàn voi rừng liên tục xuất hiện, khiến mọi người sống trong cảnh nơm nớp lo sợ. Trước đây, voi thường vào phá rẫy hoa màu của bà con vào ban đêm, còn bây giờ chúng vô tư xuất hiện cả ban ngày, giáp mặt với người dân. Hình ảnh những con voi to lớn thi nhau quật ngã, xô đẩy mọi thứ trong vườn rẫy đã trở thành nỗi ám ảnh với người dân nơi đây” - ông Nguyễn Văn Sáu (ngụ ấp 7, xã Thanh Sơn) lo âu nói.

Con voi đầu đàn tiến sát khu vực gần rẫy người dân.
Con voi đầu đàn tiến sát khu vực gần rẫy người dân.

Bỏ ra số tiền lớn để trồng nông sản, nhưng chưa kịp thu hoạch thì voi rừng đến phá hại, khiến nông dân địa phương điêu đứng vì thiệt hại nặng nề.

* Giáp mặt với “ông bồ”

Gần chục năm nay, người dân xã Thanh Sơn đã quá quen thuộc với hình ảnh mấy “ông bồ” (tên người dân đặt cho voi rừng) liên tục xuất hiện tại các rẫy hoa màu, nông sản. Chuyện giáp mặt với đàn voi rừng không còn xa lạ với mọi người, thậm chí thoáng thấy “ông bồ” cả người lớn lẫn trẻ con chỉ đứng xem, không dám xua đuổi vì chúng rất bạo dạn.

Theo người dân địa phương, trước đây voi rừng chỉ xuất hiện nhằm những tháng cuối mùa mưa, vào lục lọi lương thực, ủi sập nhà dân rồi kéo nhau bỏ vào rừng. Nhưng từ cuối năm 2008 đến nay, voi xuất hiện thường xuyên và có phần hung dữ hơn. Hiện đang vào mùa thu hoạch xoài, mía nên cả đàn voi cứ ở quanh quẩn trong các cánh rừng tiếp giáp với vườn rẫy của dân mà không chịu đi đâu xa. Cứ khoảng 5-7 ngày, “nhớ” mùi cây trái, chúng lại kéo cả đàn đi kiếm ăn, tần suất xuất hiện vì thế mà ngày càng dày đặc.

Ông Sáu cho hay, thường đàn voi chia ra 2 đàn, một đàn khoảng 9-11 con, đàn khác chỉ có 2 cá thể voi đực. Hầu như lần nào voi cũng ra từ 8 giờ tối đến 4 giờ sáng ngày hôm sau, rồi quay vào rừng. Trong đàn lớn có cả voi nhỏ nên voi mẹ thường kéo gãy cành cây xuống cho voi con ăn trái. Với thân hình to lớn, nặng hàng tấn nên các con voi chỉ cần dựa vào cây nào thì cây đó trốc gốc, gãy đổ ngả nghiêng. Vì vậy, thiệt hại sau mỗi lần “ông bồ” xuất hiện không hề nhỏ, người dân ai nấy đều kêu trời.

Ông Đoàn Đức Tuyên, Trưởng ấp 7, xã Thanh Sơn, cho hay: “Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng làm hàng rào điện tử càng sớm càng tốt để tránh voi ra phá hại hoa màu, giảm bớt thiệt hại cho bà con”.

“Một số bà con có nhà trên rẫy nhưng không dám ở, bởi voi thường xuyên về. Ai cũng khiếp sợ, nhà nào có vườn cây trái thì lo chúng phá hại, người bình thường lại sợ đụng voi bất cứ lúc nào. Chúng di chuyển nghênh ngang trên đường, sau khi ăn xong còn ngủ lại cho đến sáng mới trở vào rừng. Nói thật, giờ một mình tôi lội vô rẫy cũng không dám, kệ cho chúng làm gì thì làm” - ông Sáu ngao ngán nói.

Đêm hôm trước, đàn voi tiếp tục chọn rẫy xoài của ông Phan Văn Dần (ngụ ấp 6) để kiếm ăn, gần mẫu xoài đang cho thu hoạch ngon lành đã bị “ông bồ” phá tan nát. Xoài dịp này bán có giá, nhưng ông Dần đành ngậm ngùi vì những quả chín bị voi kéo xuống ăn, còn những trái non thì bị rụng, giập nát. Nhìn cảnh hoa màu, cây trái năm nào cũng bị voi phá, công sức làm lụng vất vả, đổ mồ hôi cả năm mà không thu hoạch được đồng nào, người nông dân này đâm ra chán nản. Không ít lần ông Dần cùng gia đình muốn bán đất đi nơi khác làm ăn cho yên ổn, nhưng cũng chẳng ai dám mua.

Nhiều nông dân ở đây đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì năm nào cũng bị thiệt hại do voi rừng gây ra. “Ông bồ” hành dân, dân tiếc của báo chính quyền địa phương, kiểm lâm, nhưng cơ quan chức năng cũng đành bất lực vì sự hung hãn và “quen nhà” của đàn voi. “Năm nay, xoài đã mất mùa vì thời tiết, lại gặp cảnh này thì coi như mất trắng. Ngành chức năng cũng có đền bù, nhưng không ăn thua. Tài sản gia đình tôi chẳng còn gì từ ngày mấy “ông bồ” về liên tục” - ông Dần nói giọng thều thào.

* Liên tục phá hại nông sản

Để xua đuổi voi trở lại rừng, đảm bảo cho tài sản của mình, người dân xã Thanh Sơn cùng với chính quyền địa phương đã thành lập những đội xua đuổi voi với đèn pin, loa, thùng phuy…

Mới lần đầu, “ông bồ” còn sợ, nhưng lâu dần thành quen, những hình thức được xem là hữu hiệu đó giờ lại càng làm cho voi thêm hung hãn và quay lại chống trả một cách quyết liệt. Nhiều gia đình muốn đảm bảo tính mạng cho các thành viên trong nhà đã bỏ rẫy ra khu vực phía ngoài sinh sống và chỉ vào rẫy canh tác vào ban ngày.

Voi làm sập nhà cửa của một người dân ở ấp 7, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán).
Voi làm sập nhà cửa của một người dân ở ấp 7, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán).

Ông Mai Sỹ Thanh (ngụ ấp 7) chép miệng: “Cây trái mọc tươi tốt chưa kịp thu hoạch thì cả bầy voi rừng kéo ra rồi. Voi phá cả tuần, nửa tháng rồi mới chịu bỏ đi. “Ông bồ” di chuyển hết chỗ này qua chỗ kia, mới hôm rồi voi vào tận nhà của tụi tôi, bà con trong ấp đưa đèn ra hù, đông người hô hào inh ỏi, nhưng mà vẫn đâu ra đấy”.

Từ ngày 19 đến 23-6, voi rừng cũng đã xuất hiện tại khu dân cư thuộc ấp 1, xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu). Con voi ngà lệch đã phá hại cây cối và húc đẩy gần sập ngôi nhà của ông Nông Văn Nghĩa (ngụ ấp 1, xã Phú Lý) khiến người dân hoang mang.

Theo quy luật, khi voi thấy người chúng sẽ sợ mà bỏ đi. Nhưng bây giờ chúng lại tỏ ra tự nhiên, ăn xong nằm nghỉ ngay trên rẫy hoa màu. Vì vậy, người dân có thể lấy điện thoại di động ghi lại được những hình ảnh khá “gần gũi” giữa voi với người. Bây giờ, voi rừng tiến đến gần hơn khu dân cư, đi dọc theo cả những con đường dân sinh, làm cho người dân nhiều phen khiếp vía.

Lý giải về tần suất xuất hiện ngày càng nhiều của voi rừng, ông Nguyễn Hữu Tường - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Định Quán, cho biết từ đầu năm 2015 đến nay, voi rừng đã đến khu vực xã Thanh Sơn 11 lần, mỗi lần trung bình khoảng 6-8 con. Voi rừng không chỉ làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, làm ăn của người dân, mà còn gây thiệt hại đến tài sản nhà cửa, hoa màu của bà con. Sau khi nhận được tin báo có sự hiện diện của “ông bồ”, Hạt kiểm lâm đã cử người đến hiện trường giám sát và hỗ trợ dân xua đuổi voi. Qua đó, thống kê thiệt hại khoảng 350 triệu đồng do voi gây ra trong năm 2015.

“Hiện tại, chúng tôi đã lập tổ phản ứng nhanh, phối hợp với các ban ấp và kiểm lâm địa bàn ngăn chặn, đối phó với voi. Có 5 tổ, trung bình mỗi tổ khoảng 10 người, ngay khi có dấu hiệu voi xuất hiện là có mặt ngay. Tuy nhiên, bây giờ voi không còn sợ người như trước, các biện pháp xua đuổi gần như không còn hiệu quả nên thiệt hại tài sản với bà con chắc chắn còn xảy ra” - ông Tường nói.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều