Nhiều năm nay, huyện Định Quán là "điểm nóng" về tình trạng khai thác cát trái phép. Báo Đồng Nai đã nhiều lần phản ánh, nhưng đến nay hoạt động khai thác cát trái phép ở Định Quán vẫn diễn ra nhộn nhịp mà không gặp bất cứ khó khăn nào.
Nhiều năm nay, huyện Định Quán là “điểm nóng” về tình trạng khai thác cát trái phép. Báo Đồng Nai đã nhiều lần phản ánh, nhưng đến nay hoạt động khai thác cát trái phép ở Định Quán vẫn diễn ra nhộn nhịp mà không gặp bất cứ khó khăn nào.
Bờ sông Đồng Nai và La Ngà, đoạn chảy qua các xã: Thanh Sơn, Ngọc Định, Gia Canh (huyện Định Quán) thời gian gần đây tan hoang một phần do tình trạng khai thác cát rầm rộ từ nhiều năm qua. Dường như câu chuyện khai thác cát trái phép ở đây chưa bao giờ cũ khi mà “cát tặc” vẫn tung hoành, gây nhiều bức xúc cho người dân.
* Hoạt động rầm rộ đêm ngày
Cuối tháng 12-2015, tại “đại công trường” khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai, đoạn qua xã Thanh Sơn có rất nhiều ghe hút cát đang hoạt động rầm rộ. Dọc hai bên bờ sông, đất đai bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều đoạn nước đã “ăn” sát vào nhà dân sống gần sông. Khu vực này được nhiều người thu mua cát lậu đánh giá là cát có chất lượng tốt, trữ lượng lớn và “cần là có ngay”.
Ghe bơm hút trộm cát ngang nhiên hoạt động trên sông Đồng Nai, đoạn giáp ranh giữa 2 huyện Định Quán và Tân Phú. |
“Bên này là ấp 8, xã Thanh Sơn của huyện Định Quán, còn phía đối diện thuộc xã Phú Thịnh, huyện Tân Phú. Điểm khai thác cát ở giữa sông, còn nơi tập kết cát thuộc địa bàn huyện Tân Phú. Từng nhiều lần bị Phòng Tài nguyên - môi trường 2 huyện Định Quán và Tân Phú xử phạt, nhưng không hiểu sao bọn “cát tặc” vẫn ngang nhiên hoạt động, thậm chí còn công khai bơm hút cả ban ngày” - ông Trần Văn Dần (ngụ ấp 6, xã Thanh Sơn) băn khoăn.
Sau nhiều ngày theo dõi quá trình hoạt động của “cát tặc”, đúng như người dân phản ánh, chúng tôi đã chứng kiến việc khai thác cát trái phép nơi đây diễn ra ngang nhiên. Thông thường, từ 19-23 giờ hàng ngày, chủ ghe cát sẽ xuất bến 2-3 ghe với khoảng 5 nhân lực đi hút cát. Đến 4-6 giờ sáng ngày hôm sau thì họ bơm cát lên bờ; lúc này đã có vài xe tải đậu chờ để “ăn hàng”. Tuy nhiên, nếu khách mua yêu cầu cát gấp và cần số lượng lớn thì “đầu nậu” vẫn có thể điều ghe đi khai thác cả ban ngày mà không cần chờ đến đêm.
8 giờ ngày 31-12-2015, ông Ba T. (chủ bãi tập kết cát lậu ở xã Phú Thịnh) “lệnh” cho 2 ghe bơm hút cát xuất bến. Địa điểm mà những kẻ bơm hút cát trái phép nhắm đến là khu vực cách trạm bơm ấp 8, xã Thanh Sơn khoảng 100m. Nhưng đi được nửa đường thì một ghe bị hỏng nên quay về. Chiếc còn lại đến nơi rồi bắt đầu thả neo, một người giữ ống bơm cát và một người khác ngậm ống hơi lặn xuống nước điều khiển ống hút. Chưa đầy 5 phút sau, chiếc máy bơm nổ máy, cát từ đáy sông được bơm lên ghe. Vòi hút đưa đến đâu, khu vực đó bị khuấy đục ngầu, cát được bơm trực tiếp lên ghe ào ào.
Khoảng 2 giờ sau, chiếc ghe đầy ắp cát, cả bọn bắt đầu nhổ neo rời điểm hút, ghe được điều khiển chạy sang xã Phú Thịnh để đổ cát. Nhìn đống cát khoảng 6m3 so với nhu cầu là quá ít, áng chừng chưa đủ nên ông Ba T. yêu cầu chiếc ghe vừa sửa xong xuất bến. Khoảng 15 phút sau, ghe trộm cát đã xuất hiện, hoạt động cách trạm bơm khoảng 800m. Cứ như vậy, các ghe trộm cát thay nhau hoạt động suốt ngày mà chẳng gặp bất cứ khó khăn gì.
* Tan hoang bờ sông
Theo điều tra của chúng tôi, ngoài ông Ba T. có “thâm niên” gần chục năm trời hoạt động bơm hút cát trái phép, ở khu vực này còn có chủ ghe T.T.N.H. cũng tham gia. Bãi tập kết cát của bà H. nằm cạnh bến đò Năm Nghĩa (thuộc xã Phú Thịnh, huyện Tân Phú). Bà H. có 2 ghe bơm hút cát, nhiều năm trước hoạt động cùng ông Ba T. nhưng thấy nguồn lợi này quá lớn và dễ kiếm ăn nên đã tách ra làm ăn riêng.
Người dân địa phương phản ánh, ban ngày khúc sông Đồng Nai bị quần thảo liên tục, đêm đến mọi người đều mất ngủ do tiếng máy bơm hút cát nổ ầm ầm. Lúc cao điểm, việc bơm hút trộm cát không cần phải lén lút mà thản nhiên hoạt động như chốn không người. Sự xuất hiện của người lạ cũng không khiến bọn “cát tặc” quan tâm. Tiếp cận những chiếc ghe này, chúng tôi chứng kiến những chiếc “vòi rồng” không ngừng sục xuống lòng sông hút cát. Trên ghe có đầy đủ các loại máy móc, thiết bị phục vụ cho việc khai thác cát trộm.
Tại kỳ họp lần thứ 14 HĐND huyện Định Quán khóa X ngày 23-12-2015, một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm kiến nghị là tình trạng khai thác cát bừa bãi trên sông Đồng Nai, đoạn giáp ranh giữa địa bàn 2 huyện Tân Phú - Định Quán, đã gây sạt lở đất khu vực trạm bơm ấp 8, xã Thanh Sơn. Đại diện ngành chức năng và chính quyền địa phương hứa sẽ kịp thời xử lý tình trạng này, nhưng đến nay “cát tặc” vẫn lộng hành, người dân vẫn tiếp tục sống trong cảnh lo sợ mất nhà và tài sản do đất đai sạt lở. |
Từ năm 2011 đến nay, trên sông Đồng Nai, đoạn thuộc 2 huyện Định Quán và Tân Phú, Công ty Đ.T được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát. Nhóm “cát tặc” sẵn sàng trà trộn vào những ghe khai thác cát của Công ty Đ.T để trộm hút cát. Điều này khiến hoạt động khai thác cát ở đây ngày càng trở nên phức tạp. Tình trạng khai thác cát trộm đêm ngày, không đúng quy trình đã làm ảnh hưởng đến môi trường, gây sạt lở bờ sông và nhà dân.
Tiếng máy của ghe bơm hút cát đứng cách cả trăm mét vẫn nghe thấy, khói đen từ máy nổ bay nghi ngút. Những chiếc ghe chằng chịt đường ống chờ thời cơ hoành hành. Ban đầu, ghe bơm hút trộm cát ở khu vực giữa sông, nhưng không cạnh tranh được với những ghe lớn khác nên đã tiến sát vào bờ. Với các đối tượng “cát tặc”, hút đoạn gần bờ thực sự là “thiên đường”, bởi ở đây trữ lượng cát còn nhiều, dễ dàng bơm hút trộm.
Chính điều đó đã khiến nhiều đoạn bờ sông Đồng Nai thuộc xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) tan hoang. Nhiều hộ dân cho hay, nước sông đã ngấp nghé sân nhà, ai nấy đều tỏ ra ngao ngán và trong tâm trạng phải di dời bất cứ lúc nào. Ở đây, nhiều nhà vườn đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch xoài, bưởi, chuối… nên rất lo lắng. Thấy “cát tặc” xuất hiện ở khu vực gần đất vườn nhà mình, ông Lê Văn Bạc (ngụ ấp 8, xã Thanh Sơn) bỏ cả việc nhà để canh chừng. Thời gian qua, việc hút cát đã làm dòng sông ăn sâu vào bờ, nếu không canh chừng thì vườn cây trái sẽ có nguy cơ trôi tuột xuống lòng sông.
Ông Bạc cho biết, ngày trước khúc sông này khá hẹp, nhưng những năm gần đây do nạn bơm hút cát sát bờ dẫn đến sạt lở, lòng sông cứ thế mở rộng ra hai bên khiến nhiều người mất trắng cả mảnh vườn. “Chúng tôi rất bức xúc nhưng đành bất lực; cầu cứu địa phương mấy năm rồi mà vẫn vậy. Nhiều hộ dân bị ép đến bước đường cùng đành phải bán đất rẫy dời đến nơi khác sinh sống. Bỏ mảnh đất gắn bó, lập nghiệp bao năm nay rất xót xa mà vẫn phải làm” - ông Bạc nói như khóc.
Thanh Hải