Đó là tên gọi người dân ấp An Bình, xã Bình An (huyện LongThành) và bà con trong họ hàng dành cho ông Nguyễn Đức Thanh (ngụ ấp An Bình, xã Bình An), bởi hơn 15 năm qua cụ Thanh đã dốc sức đầu tư, động viên con cháu trong gia đình, tộc họ tập trung cho việc học hành.
Đó là tên gọi người dân ấp An Bình, xã Bình An (huyện LongThành) và bà con trong họ hàng dành cho ông Nguyễn Đức Thanh (ngụ ấp An Bình, xã Bình An), bởi hơn 15 năm qua cụ Thanh đã dốc sức đầu tư, động viên con cháu trong gia đình, tộc họ tập trung cho việc học hành. Việc làm đầy tính nhân văn ấy của cụ Thanh đã giúp nhiều con cháu thành đạt trên đường học vấn và trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.
Cụ Nguyễn Đức Thanh (đứng) đang triển khai kế hoạch khuyến học năm 2016 trong bà con tộc họ vào ngày đầu xuân mới 2016. |
Chúng tôi đến thăm gia đình Cụ Thanh vào ngày đầu xuân mới 2016, giữa lúc cụ đang tổ chức buổi họp mặt bà con trong tộc họ để triển khai chuyện khuyến học trong năm mới, khen thưởng các cháu học tập đạt thành tích cao trong năm học 2014-2015 và phát động phong trào thi đua học tập của con cháu trong tộc họ năm học 2015-2016. Nhìn ông cụ có đôi mắt sáng tinh anh, râu tóc bạc phơ như ông tiên trong truyện cổ tích đang phát biểu trước bà con họ hàng về việc chăm lo, động viên con cháu học tập, chúng tôi thực sự thấy xúc động.
* Việc học là trên hết
Đưa chúng tôi đi xem căn phòng trưng bày hàng chục bằng khen, giấy khen về thành tích học tập của các cháu trong những năm qua, cụ Thanh giới thiệu đầy tự hào: “Trong này có đủ bằng khen, giấy khen... của các cháu từ phổ thông đến đại học; tất cả được trưng bày ở phòng riêng này để nhắc nhở các cháu phải luôn cố gắng học hành”.
Cụ Thanh cho rằng học tập là chiếc chìa khóa để mở cánh cửa vào đời của mỗi con người, nên với điều kiện và khả năng của mình cụ đã tập trung đầu tư, chăm lo cho việc học hành của con cháu, mà theo cụ: “Việc học là trên hết, không có tri thức thì con người chỉ là cây sậy biết nói”.
Sinh ra từ vùng đất lửa Quảng Trị, do hoàn cảnh chiến tranh nên thuở nhỏ cụ Thanh không có may mắn được học hành đến nơi đến chốn. Thời Pháp thuộc, vừa học hết bậc tiểu học cụ đã phải lo lao động kiếm sống để phụ giúp gia đình, rồi lấy vợ, sinh con.
Năm 1981, thấy Đồng Nai là mảnh đất lành, cụ Thanh đã đưa cả gia đình vào xã Bình An lập nghiệp. Được sống trong cảnh yên bình trên quê hương mới, lúc này các con của cụ đã trưởng thành và nhiều người đã lập gia đình, cụ có thêm nhiều cháu nội, ngoại.
Nghĩ đến sự thiệt thòi của mình ngày xưa không được học hành đến nơi đến chốn, cụ Thanh luôn nhắc nhở các con: “Dù có nghèo khổ đến đâu cũng phải ráng cho tụi nhỏ học lấy cái chữ”. Nói là nói vậy, nhưng đây chính là mệnh lệnh mà cụ Thanh buộc các con phải thực hiện.
Vâng lời cha, các con của cụ Thanh đã quan tâm đầu tư cho việc học của các con và nhiều người có con cái thành đạt.
* Gắn mình với chuyện khuyến học
Có đến 9 người con, 23 cháu nội, ngoại và 20 cháu họ thuộc 6 chi của dòng họ Nguyễn Đức ở tỉnh Quảng Trị tập trung tại các huyện: Long Thành, Trảng Bom và Thống Nhất. Để tổ chức và duy trì được phong trào khuyến học trong con cháu tộc họ Nguyễn Đức, cụ Thanh đã đề ra nhiều quy định bắt buộc để bà con trong tộc họ và các cháu căn cứ vào đó thực hiện.
Theo đó, vào ngày mùng 1 Tết Âm lịch hàng năm, con cháu trong họ tộc Nguyễn Đức dù ở đâu cũng tập trung về nhà cụ Thanh để chúc xuân và nhận phần thưởng do cụ đại diện tộc họ trao tặng. Tiền thưởng cho các cháu được bà con trong tộc họ tự nguyện đóng góp hàng năm và mức khen thưởng cho các cháu đều được bàn bạc dân chủ trong từng thành viên của Hội Khuyến học tộc họ Nguyễn Đức. Căn cứ vào nguồn quỹ đóng góp, cụ Thanh chia phần khen thưởng cho các cháu có thành tích theo các mức cụ thể, như: người đậu đại học được thưởng 300 ngàn đồng; tốt nghiệp THPT được thưởng 200 ngàn đồng… Ngoài ra, tất cả các cháu đang đi học tại các trường đều được tặng sách, vở. Các cháu chưa đạt được thành tích cao được động viên và được nhận tiền lì xì để khuyến khích; các cháu học còn yếu thì hứa trước ông bà phải cố gắng phấn đấu học để năm sau được nhận thưởng.
Ông Phan Huy Dũng, Phó chủ tịch Hội Khuyến học xã Bình An, cho biết: “Cụ Nguyễn Đức Thanh là người có nhân cách đặc biệt, tinh thần khuyến học ở cụ ít ai bì được, nhưng ông không lấy đó làm “trang sức” cho mình. Quan niệm mỗi người đều phải học tốt để giúp ích cho đời đã giúp cho gia đình cụ Thanh đóng góp cho xã hội nhiều công dân có ích”. |
Gieo giống tốt thì được quả lành, chuyện đời là như vậy. Từ tình thương yêu, chăm sóc của cụ Thanh, các con cháu của cụ đều ra sức học tập. Theo nhẩm tính của cụ Thanh, trong số 43 cháu nội, ngoại và cháu họ thuộc tộc họ Nguyễn Đức, có 23 cháu nội, ngoại của cụ Thanh đã tốt nghiệp đại học và đang theo học đại học; 20 cháu họ cũng đã tốt nghiệp đại học và đang theo học đại học. Trong số đó, nhiều người đã trở thành bác sĩ, kỹ sư, cử nhân kinh tế, nhà giáo… đang công tác tại các bệnh viện, trường học, doanh nghiệp ở Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh. Riêng các con của cụ Thanh, nhiều người thành đạt, đã và đang giữ các chức vụ lãnh đạo chính quyền địa phương, nông trường cao su và làm giáo viên ở các trường học tại địa phương.
Trong đó, người con cả của cụ Thanh là ông Nguyễn Đức Phú (nguyên Phó giám đốc Nông trường cao su An Viễng) có con học tập thành đạt, hiện làm bác sĩ ở Bệnh viện Hùng Vương (TP.Hồ Chí Minh). Người con thứ hai Nguyễn Thị Phi của cụ có 4 con đã học xong đại học; người con thứ ba Nguyễn Thị Hồng có 2 con tốt nghiệp đại học kinh tế; người con thứ sáu Nguyễn Thị Phúc có 2 con đang học đại học, 1 con học cao đẳng…
Bước vào mùa xuân thứ 85 của cuộc đời, được sống trong niềm hạnh phúc ngập tràn trước sự thành đạt của con cháu nhưng cụ Thanh vẫn luôn mong mỏi các lớp thế hệ cháu, chắt của cụ sau này vẫn giữ được nếp nhà, tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của dòng tộc, ra sức thi đua học tập để trở thành những công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội.
Đức Việt