Báo Đồng Nai điện tử
En

Gánh hát ở An Hòa

05:01, 01/01/2016

Gánh hát bộ (hát bội) An Hòa được thành lập từ năm 1976, do đôi bạn nông dân làng Bến Gỗ (xã An Hòa, TP.Biên Hòa) Nguyễn Văn Làm (còn gọi là Ba Làm) và Bùi Văn Tô (Bảy Tô) sáng lập, làm bầu, soạn tuồng.

Gánh hát bộ (hát bội) An Hòa được thành lập từ năm 1976, do đôi bạn nông dân làng Bến Gỗ (xã An Hòa, TP.Biên Hòa) Nguyễn Văn Làm (còn gọi là Ba Làm) và Bùi Văn Tô (Bảy Tô) sáng lập, làm bầu, soạn tuồng. Là nông dân thứ thiệt của làng Bến Gỗ, vì đam mê hát bộ, 2 ông Ba Làm và Bảy Tô đã quy tụ các nông dân trong làng lập nên gánh hát để diễn tuồng cho dân làng xem. Dưới sự dìu dắt của 2 ông, các nông dân làng Bến Gỗ năm ấy ngày làm đồng, tối về tụ tập tại nhà ông Ba Làm hóa thân vào các vai vua chúa, tướng lĩnh, công hầu…

 Ông Bùi Văn Ích, Trưởng gánh hát bộ An Hòa (gánh hát bộ 732) với những vở tuồng của cha, anh được ông sưu tầm để gìn giữ.
Chuẩn bị sân khấu cho đêm diễn trong lễ Kỳ Yên tại đình An Hòa.

Ông Bùi Văn Ích (con trai ông Bảy Tô, nay là Trưởng gánh hát bộ An Hòa) cho biết gánh hát bộ An Hòa được nông dân làng Bến Gỗ đặt cho cái tên khác là gánh hát bộ 732 vì 732 là tên một giống lúa mà nông dân làng Bến Gỗ gieo sạ liên tục được mùa và các kép, đào trong gánh hát đều là những nhà nông có kinh nghiệm trồng giống lúa này.

Một thời vang bóng

Sau lễ Kỳ Yên, lão nông Nguyễn Văn Khai (Hai Khai, Trưởng ban quý tế đình An Hòa) đưa chúng tôi đi thăm các vị chức sắc của làng Bến Gỗ để tìm hiểu về gánh hát bộ An Hòa nổi đình, nổi đám một thời.

Ông Hai Khai khoe, gánh hát bộ An Hòa không chỉ diễn cho dân làng Bến Gỗ xem trong những dịp lệ đình, mà còn đi lưu diễn ở các huyện và ngoài tỉnh. Nhờ được quản lý, điều hành đầy tâm huyết từ 2 ông bầu Ba Làm và Bảy Tô, gánh hát bộ An Hòa được dân làng Bến Gỗ vỗ tay rần rần qua những đêm diễn chính tại đình An Hòa, hoặc khi tập dượt tại nhà ông Ba Làm.

Các ông Ba Làm và Bảy Tô đều có con trai, con gái, dâu, rể tham gia gánh hát bộ An Hòa. Riêng vợ của 2 ông, dù không được chồng giao cho vai đào nào trong gánh hát, nhưng các bà chẳng buồn, trách. Ngược lại, họ nhiệt tình lo cho chồng và các thành viên trong gánh hát những nồi cháo cá, cháo gà nóng hổi trong đêm nhằm cổ vũ mọi người đem hết tài năng ra diễn cho bà con trong làng xem. “Đào, kép trong gánh hát ngày làm ruộng, tối lại tụ họp tại nhà ông Ba Làm để tập tuồng. Ông Ba Làm và ông Bảy Tô tuy là tay ngang, nhưng do đam mê tuồng nên vừa là ông bầu vừa là người soạn kịch bản, đạo diễn và đóng luôn các vai kép chính trong các vở. Tuy là gánh hát bộ thành lập và diễn xuất theo kiểu “cây nhà lá vườn”, nhưng 2 ông Ba Làm và Bảy Tô rất cầu thị. Thỉnh thoảng, các ông lại mời thầy tuồng cổ ở Sài Gòn về phụ đạo thêm cho các đào, kép và đi tầm sư học đạo để có thêm kiến thức nghệ thuật về tuồng” - ông Hai Khai cho hay.

Ngày mới thành lập gánh hát bộ An Hòa, mọi chi phí, như: trang phục, đạo cụ đều do 2 ông Ba Làm và Bảy Tô đài thọ. Sau khi gánh trình làng những vở diễn nổi tiếng thành công, như: Chung Vô Diệm, Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ, Thoại Ba công chúa…, một số hộ khá giả trong làng đem tiền đến ủng hộ cho gánh hát mua sắm trang phục, đạo cụ đẹp, sang trọng hơn. “Không chỉ diễn cho dân làng xem trong các dịp lễ hội, gánh hát bộ An Hòa còn đi diễn theo lời mời của bà con trong và ngoài xã. Thường thì 2 ông Ba Làm, Bảy Tô chỉ dẫn đoàn đi lưu diễn lúc lúa thu hoạch xong hoặc vừa gieo sạ. Thời đó, gánh hát bộ An Hòa được bà con cổ vũ đến mức khi các gánh khác về làng diễn đều bị ế khách, chê diễn không hay, không vui bằng gánh hát làng mình” - ông Hai Khai bộc bạch.

* Níu giữ đam mê

Sau khi 2 ông Ba Làm và Bảy Tô mất, gánh hát bộ An Hòa được giao lại cho ông Cao Minh Đạt dẫn dắt. Ông Đạt là một kép chính của gánh hát và là người nhiệt tâm, trách nhiệm trong việc nối tiếp đàn anh bồi dưỡng đào, kép để duy trì gánh hát. Năm 2014, khi không còn đủ sức khỏe, ông Đạt giao lại trọng trách cho ông Bùi Văn Ích gánh vác.

Ông Đạt cho biết do xã hội thay đổi, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân Bến Gỗ cũng khác nhiều so với trước, nhất là việc lớp trẻ không còn đam mê tuồng như lớp cha anh trước đây. Vì lẽ đó mà nay đào, kép trong gánh hát đã lớn tuổi hết mà vẫn chưa tìm được người trẻ kế thừa. “Tui nay 75 tuổi vẫn phải đứng ra diễn tuồng và chỉ hát được những vai phụ, vai hầu, quân sĩ giọng thấp. Còn vai chính, vai tướng, giọng cao, diễn xuất hùng dũng thì tui không còn sức, không còn giọng để diễn, để hát nữa. Vậy mà con cháu vẫn bắt tui diễn vì không có kép thay thế” - ông Đạt bộc bạch.

Chuẩn bị sân khấu cho đêm diễn trong lễ Kỳ Yên tại đình An Hòa.
Ông Bùi Văn Ích, Trưởng gánh hát bộ An Hòa (gánh hát bộ 732) với những vở tuồng của cha, anh được ông sưu tầm để gìn giữ.

Cầm những vở tuồng đã được đánh máy vi tính, đóng tập khá đẹp, ông Ích cho hay, những vở tuồng này được ông sưu tầm và có bổ sung thêm ít nhiều từ những bản chép tay của cha ông và ông Ba Làm.


Gánh hát bộ An Hòa hiện chỉ còn 22 kép, đào. Kép, đào trong gánh hát bộ An Hòa giờ trẻ nhất cũng đã 60 tuổi. Vì vậy, để diễn các tuồng lớn, như: Ngọc kỳ lân xuất thế, San Hậu… cần đông kép, đào diễn thì khó gom cho đủ người để phân vai. “Thôi thì dân gian sinh ra nó thì để cho dân gian quyết định. Mình yêu tuồng, quý tuồng, muốn níu giữ tuồng nhưng con cháu không chịu, không nghe thì cũng không nên ép uổng tụi nhỏ làm gì” - ông Cao Minh Đạt, nguyên Trưởng gánh hát bộ An Hòa, tỏ bày.

Ông Ích kể, cha ông và ông Ba Làm học hành không cao nhưng vì đam mê tuồng nên đọc nhiều sách, truyện về lịch sử. Đồng thời, nhờ có trí nhớ tốt nên khi xem người ta diễn tuồng, cha của ông và ông Ba Làm cứ theo trí nhớ mà chép ra, bổ sung thêm ý tứ cho phù hợp với lối diễn xuất dân gian. Cũng tại cái máu mê tuồng của cha truyền lại, dù gánh hát bộ An Hòa không còn được lớp trẻ quan tâm, ông Ích vẫn không nản chí cùng lớp người già giữ lửa đam mê. Cứ rảnh rỗi ông lại rủ mọi người về đình An Hòa dợt tuồng cho đỡ nhớ nghề.

Những cánh đồng lúa làng Bến Gỗ năm xưa giờ đã thành khu đô thị, cụm công nghiệp. Những nông dân làm ruộng giờ chuyển sang làm công nhân, ngành nghề khác nên không có buổi tối nhàn rỗi như thời còn trồng lúa, đánh bắt cá. Bên cạnh đó, các loại hình vui chơi giải trí nhà nào cũng có, đi đâu cũng gặp nên hát bộ mất dần kép, đào giỏi, tâm huyết lẫn người đam mê, cổ vũ. Hiểu rõ thời thế, ông Ích chỉ biết buồn, tiếc rẻ và tìm những người cùng chí hướng níu kéo gánh hát bộ An Hòa qua những buổi diễn hiếm hoi trong hội đình, cúng tế. Dù bản thân ông Ích, ông Lành (con ông Ba Làm) và những người già tâm huyết với hát bộ cố níu giữ lại loại hình này, nhưng mấy chục năm qua chẳng có ai trong số các ông mời gọi được một người trẻ gia nhập gánh để truyền dạy lại hết các ngón nghề.

Ông Ích tâm sự với chúng tôi điều ông trăn trở, nuối tiếc: “Thời trẻ, tui và anh Lành mê tuồng nên đêm nào cũng ráng thức nhìn mọi người tập dượt mà học lóm. Vậy mà chỉ được cha, anh cho đóng mấy vai lính, vai hầu hò hét cho vui. Còn bây giờ, tụi tui năn nỉ, dụ dỗ con em mình cho làm kép, đào chính nhưng mà tụi nhỏ chẳng thèm” - ông Ích nói như trách con, trách cháu, trách tuổi tác và những ai quay lưng với gánh hát bộ An Hòa mà cha của ông và ông Ba Làm sáng lập.

Đoàn Phú

 

 

Tin xem nhiều