Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiếp chim trời

07:01, 30/01/2016

Vào các ngày mùng một và ngày rằm, nhất là các ngày rằm lớn, Tết Nguyên đán  thường  có rất nhiều người  đến các  chùa lễ Phật. Sau khi lễ bái, có khá nhiều người thực hiện nghi thức phóng sinh làm phước.

Vào các ngày mùng một và ngày rằm, nhất là các ngày rằm lớn, Tết Nguyên đán  thường  có rất nhiều người  đến các  chùa lễ Phật. Sau khi lễ bái, có khá nhiều người thực hiện nghi thức phóng sinh làm phước.

Một người bán chim phóng sanh. Ảnh: L.HOÀNG
Một người bán chim phóng sanh. Ảnh: L.HOÀNG

Không có sẵn động vật để phóng sinh, hầu hết đều chọn cách mua các con vật, trong đó đa số là các loài chim bị nhốt lồng được bày bán trước cổng chùa. Mua xong, họ mở cửa lồng phóng sinh chúng về với thiên nhiên. Làm xong việc thiện, họ  hạnh phúc khi  dõi theo những cánh chim tung cánh trên bầu trời tự do.

MUA CHIM RỒI… THẢ

Chính vì tập quán này, cứ đến các ngày mùng một và ngày rằm lớn như rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy, tháng Mười, kể cả mùng một Tết Nguyên đán, trước cổng các chùa thường xuất hiện nhiều người bày bán chim nhốt lồng. Chim được bán để phóng sinh chủ yếu các giống chim se sẻ, sắc ô, én...
Một trong những ngôi chùa được nhiều người bán chim phóng sinh lựa chọn là chùa Đại Phước (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa). Dịp rằm tháng Chạp năm nay có khoảng gần chục người bán chim phóng sinh, cạnh tranh cũng khá “ác liệt”. Một bà cụ tóc bạc phơ, sau khi bỏ ra 100 ngàn đồng  mua “mão” một lồng có hơn chục con chim se sẻ của một chị bán chim trước cổng chùa, rồi bà tự tay mở cửa lồng thả bầy chim ra. Những cánh chim ngập ngừng ban đầu sau đó đã nhanh chóng tung bay. Dõi theo đàn chim vừa thả tung cánh trên bầu trời, bà cụ hiền hòa nói: “Con chim nó cũng như con người mà. Có ai lại muốn bị cầm tù đâu. Thả chúng làm phước!”. Bà cụ vừa khuất dạng, chị bán chim xởi lởi: “Bà đó là mối quen của tui, nhà ở phường Quyết Thắng (TP.Biên Hòa). Bà mua chim không bao giờ trả giá. Có nhiều người mua chim để phóng sanh mà còn trả giá kỳ kèo này nọ, tui thấy kỳ kỳ… Làm phước mà còn so đo!”. Bán hết số chim, cột chiếc lồng không trên yên sau xe đạp,  chị hồ hởi nói: “Giờ còn sớm quá, mới 9 giờ, tui tranh thủ đạp xe ra vựa chuyên bán chim phóng sinh ở ngã tư Vũng Tàu lấy thêm chim đem qua chùa Ông ở xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) bán tiếp”.

Rờ-mốt nhại tiếng chim điều khiển từ xa
Rờ-mốt nhại tiếng chim điều khiển từ xa

10 giờ hơn, chùa Ông vẫn còn tấp nập khách thập phương. Trước sân chùa có khá nhiều người bày bán chim nhốt lồng. Mỗi lồng nhốt từ chục con đến khoảng trăm con chim, cũng phần lớn là các loài chim sắc ô, se sẻ và én. Tại góc sân chùa, 3 phụ nữ đang “kỳ kèo” với một người đàn ông luống tuổi, gương mặt sạm nắng, khắc khổ đang ngồi chồm hổm bên một lồng nhốt chật kín chim én. Ông bán chim nói dứt khoát: “Tới 62 con chớ ít đâu. Gần 3 ngày tui mới bắt gom được số chim én này. Cực lắm mấy bà ơi. 5 ngàn đồng một con, tất cả là 310 ngàn đồng, không mua thì thôi.” Nghe “chủ chim” nói vậy, một trong 3 phụ nữ  lên tiếng:  “Nói thiệt với chú, tụi này chỉ còn 220 ngàn đồng, chú bán rẻ rẻ cho tụi này phóng sinh làm phước đi mà”. Cuộc ngã giá bất thành, người bán chim kiên quyết không nhượng bộ, có lẽ vì thấy khách vãn chùa còn đông. Bàn nhau một lúc, 3 phụ nữ này cùng gom góp tiền cho đủ 310 ngàn đồng để mua hết số chim én, rồi mang lồng ra cạnh bờ sông phóng sinh chúng về với trời mây. Trả lại cái lồng không cho ông bán chim, một phụ nữ trong nhóm nói như trách khéo: “Mua chim phóng sanh mà chú biểu có tiền nhiêu mua nhiêu sao được. Thả số chim này mà còn chừa lại số chim kia thì mấy con còn lại chúng buồn làm sao?”. Gương mặt hớn hở của ông bán chim khi nhận lại cái lồng chim đã thay cho câu trả lời.

BẪY CHIM CHO NGƯỜI… THẢ

Một buổi sáng chủ nhật, ở quán cà phê tại phường Bửu Long, TP.Biên Hòa có 2 người đàn ông cùng vào quán, trên xe máy gác một cây sào bằng tre hình chữ T có gắn một bộ phận giống như cái loa nhỏ cùng một chú chim se sẻ “mồi” được cột vào thanh cây sào. Quan sát một lúc, một trong 2 người tiến về phía cột đèn đối diện quán cà phê, rồi ông trèo lên cột đèn, cắm  cây sào vào chỗ khá cao. Sau đó ông này trở lại quán cà phê, cùng ngồi với bạn. Được một lúc, người đàn ông kia lấy từ túi xách ra một cái “rờ-mốt”… điều chỉnh thì mọi người nghe được những âm thanh ríu rít như tiếng chim phát ra phía cây sào cắm trên cột đèn. À, thì ra đó là cái bẫy chim… “Rờ-mốt” là bộ phận điện tử thu phát tiếng kêu, tiếng hót của nhiều loại chim nhằm dẫn dụ “đồng đội” của chúng đến. Trên cây đòn ngang của cây sào có trét một lớp keo dính… chim. Khi chim nghe tiếng chim gọi đàn “ảo”, chúng sẽ bay đến đậu vào “đòn keo” là bị dính chặt. Một trong 2 ông  bẫy chim cho biết: “Tụi tui là công nhân. Thứ bảy, chủ nhật rảnh rỗi đi bẫy chim vừa giải trí vừa kiếm thêm thu nhập. Loại “bẫy keo dính chim” này chỉ phù hợp nơi thành phố thôi, rất cơ động, đặt đâu cũng được. Trên mái nhà, góc phố, trụ đèn, hàng cây ven đường đều được cả. Keo dính… chim, rờ-mốt thu, phát tiếng chìm đều có bán tại các điểm mua bán chim cảnh. Một bộ “com-lê” bẫy chim loại này giá chỉ trên dưới 500 ngàn đồng. Chim bẫy được giờ chúng tôi không bán cho các quán nhậu như trước đây nữa vì giá bèo lắm. Quán mua chim se sẻ có 2 ngàn đồng/con, chim sắc ô, chim én thì từ 1-1,2 ngàn đồng/con. Đem bán cho mấy chỗ thu mua chim phóng sinh có giá hơn, từ 4-5 ngàn đồng/con mà mình không mang tiếng… sát sinh”.

Một thanh bẫy chim được ngụy trang trên cột đèn.
Một thanh bẫy chim được ngụy trang trên cột đèn.

Nguồn chim cung cấp cho người phóng sinh chủ yếu ở vùng Bến Gỗ, xã An Hòa, TP.Biên Hòa. Tại vùng này còn có nhiều người sinh sống bằng nghề bẫy chim. Ông L., 48 tuổi, ngụ xã An Hòa, có trên 15 năm kinh nghiệm bẫy chim “thịt”, cho biết: “Nghề của tui chuyên bẫy chim thịt, là các giống chim gây hại mùa màng như sắc ô, se sẻ… Trước kia, khi đến mùa lúa chín, các giống chim này tụ tập về các cánh đồng, có khi cả ngàn con trên một sào lúa. Mùa này dân bẫy chim bủa lưới như tui kiếm sống được lắm. Chỉ cần bủa vài mẻ lưới có khi tui bẫy được cả trăm con se sẻ, sắc ô… rồi đem bỏ mối cho mấy quán nhậu cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng. Nếu trúng có khi được cả triệu đồng. Bây giờ đất đai quy hoạch hết, đồng lúa thu hẹp, chim chóc từ đó giảm lần, kiếm được một bãi để bủa lưới bẫy chim ở Bến Gỗ là hơi khó. Có lúc tui phải đi xa về các vùng Long Thành, Nhơn Trạch mới có chỗ bẫy, nhưng cả ngày có khi chỉ được vài chục con là nhiều. Bù lại, chim bẫy được đem bán cho mấy người phóng sinh được giá hơn bán cho mấy quán nhậu.”

 Phóng sinh chim có thể được xem là nét văn hóa tâm linh của người Việt. Đối với những người phóng sinh chim, ngoài tìm sự bình an trong tâm hồn vì họ đã làm được điều lành, cứu rỗi được biết bao “sinh linh” không bị đớn đau trên… chảo lửa, gián tiếp họ cũng đã góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Nhưng, hiện tại, với bao người vẫn còn lặn lội  bẫy chim để đổi gạo kia, liệu họ có tìm được sự “bình an” trong tâm hồn không,  khi mà nguồn chim chóc ngày càng cạn kiệt? Có chăng, họ chỉ có thể “trấn an” lòng mình bằng câu nói nửa đùa, nửa thật của chủ vựa chuyên thu mua chim phóng sinh ở ngã tư Vũng Tàu: “Người ta còn thả chim thì tụi này còn bắt. Mà tụi này còn bắt thì lại sẽ có người còn thả. Cuộc sống là vậy mà”...

Lê Hoàng




 

Tin xem nhiều