Ngày ông Phạm Xuân Bắc (ngụ tổ 7, ấp Phú Tân, xã Phú Cường, huyện Định Quán) đưa vợ con về khu ruộng đá ở cánh đồng Phú Dòng sinh sống, các nông dân ở đây mỉa mai rằng: "Ông Bắc muốn cho vợ con ăn đá thay cơm". Mặc kệ thiên hạ bàn tán, "người ăn đá" Phạm Xuân Bắc đã làm nên kỳ tích tại cánh đồng đá Phú Dòng.
Ngày ông Phạm Xuân Bắc (ngụ tổ 7, ấp Phú Tân, xã Phú Cường, huyện Định Quán) đưa vợ con về khu ruộng đá ở cánh đồng Phú Dòng sinh sống, các nông dân ở đây mỉa mai rằng: “Ông Bắc muốn cho vợ con ăn đá thay cơm”. Mặc kệ thiên hạ bàn tán, “người ăn đá” Phạm Xuân Bắc đã làm nên kỳ tích tại cánh đồng đá Phú Dòng.
Khu ruộng đá nơi cha con ông Bắc dựng chòi một thời được mệnh danh là “cánh đồng chết”. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, màu xanh mơn mởn của bí, mướp, dưa, bắp... đã phủ khắp đồng, khi sỏi đá đã được cha con ông Bắc đem về đắp nền nhà.
* Dựng nghiệp chốn đồng hoang
Năm 1995, ông Bắc trốn chạy cảnh đói nghèo ở quê (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) bằng cách di cư vào xã Phú Cường. Chỉ có 9 chỉ vàng mang theo, ông Bắc thật sự mất ăn, mất ngủ khi cân nhắc chọn mua đất tại ấp Phú Tân hay nơi khác để làm chỗ dừng chân cho gia đình. Trong cảnh nghèo, thật khó khiến người ta khôn lanh như người giàu có. Nhưng ông Bắc đã quyết định bỏ ra 9 chỉ vàng mua 4 sào đất tại ấp Phú Tân.
Anh Phạm Xuân Tấn (con trai thứ của ông Bắc) với chiếc máy xới đã góp phần biến ruộng đá thành đất ruộng màu mỡ. |
Mua được đất rồi, vợ chồng ông Bắc lúi húi cùng đàn con dựng tạm cái chòi mái lá làm chỗ ở cho gia đình. Để tồn tại nơi vùng đất mới, ông Bắc bắt đầu phân công lao động cho cả nhà. Ông và con trai cả hàng ngày tìm việc làm thuê; bà Trịnh Thị Thuê (vợ ông Bắc) và 2 người con trai thứ chuyên đi mót lúa, đậu, bắp về cải thiện bữa cơm gia đình. Riêng 3 con nhỏ thì ở nhà lo chuyện cơm nước và trông giữ nhau.
Thương cảnh gia đình ông Bắc mới từ miền Bắc vào còn nghèo khó, gia đình lại con đông, chính quyền xã Phú Cường chẳng ngần ngại đưa gia đình ông vào danh sách hộ nghèo để hỗ trợ. “Miệng ăn, núi cũng lở” nên cái nghèo chưa kịp thoát thì ông Bắc phải bán mảnh đất 4 sào mới mua bởi bị đòi nợ cấp tập của những người bán gạo, bán thức ăn thiếu cho gia đình. Còn lại một ít tiền, ông Bắc đánh liều mua 2 sào đất ruộng đá chẳng cày xới được tại cánh đồng Phú Dòng để dựng lại mái nhà cho vợ con ở và mua 2 con bê để bọn trẻ chăn.
Ông Nguyễn Văn Ngoan, Trưởng ấp Phú Tân, xã Phú Cường (huyện Định Quán), cho hay cánh đồng Phú Dòng một thời được mệnh danh là “cánh đồng chết”, nông dân chỉ sản xuất được 1-2 vụ lúa vào mùa mưa rồi bỏ đất hoang. Nhờ sự cần lao của cha con ông Bắc, sỏi đá đã được bốc lên, đất nơi xa được chở về tôn tạo, cánh đồng ngày thêm xanh và nông dân một thời bỏ hoang đất nay quay về dựng nhà ở để bám đồng làm giàu. |
Nhìn cảnh gia đình ông Bắc dời về khu đất đá cánh đồng Phú Dòng sinh sống, hàng xóm thấy ngược đời nên mỉa mai: “Chắc ông Bắc cho cả nhà ăn đá thay cơm”. Ông Bắc lúc ấy nghĩ gia đình mình đã hết đường lùi nên chỉ còn con đường tiến lên mà thôi. Tuy vậy, con đường tiến lên của ông Bắc thật khó thuyết phục các nông dân ở cánh đồng Phú Dòng, bởi đất ở đây chỉ sản xuất được một vụ lúa vào mùa mưa, còn mùa nắng cả cánh đồng khô khốc, cỏ không còn chòm xanh cho bò ăn thì người sao sống được.
“Phóng lao thì theo lao”, khi gia đình rơi vào cảnh bần hàn thì mấy người con lớn của ông Bắc cũng bị ảnh hưởng, phải gác lại việc học hành để theo cha làm thuê làm mướn, theo mẹ mót lượm nông sản.
Cuộc sống nơi đồng hoang cỏ cháy thật lạ kỳ, ông Bắc đã sớm giáo dục con đều chăm ngoan, biết lao động khi lên 6-7 tuổi và sống chan hòa bên nhau dù bữa đói, bữa no. Ngày ấy, khi màn đêm buông xuống cánh đồng, cha con ông Bắc lại hồn nhiên cùng nhau tập đánh trống và cảm thấy hạnh phúc khi bà Thêu cho nếm tí rượu ủ từ hạt thóc do bà mót được.
* Kỳ tích trên “cánh đồng chết”
Thời gian dần trôi qua, mấy người con của ông Bắc dần ra dáng thanh niên nên sức lao động đóng góp cho gia đình ngày một nhiều hơn.
Có chút đỉnh tiền dư dả, ông Bắc mua ngay chiếc máy bơm dầu nhằm làm “cuộc cách mạng” trên cánh đồng Phú Dòng. Giữa cái nắng chói chang năm ấy, cánh đồng Phú Dòng rộng gần 30 hécta lần đầu tiên xuất hiện màu xanh. Đó là màu xanh của 3 hécta bí đao trồng trên ruộng đá do cha con ông Bắc thuê đất của nông dân khác trồng thử nghiệm.
Cha con ông Phạm Xuân Bắc nơi cánh đồng Phú Dòng. |
Vụ bí đao năm đó, cha con ông Bắc thu được gần chục tấn, lãi hơn 15 triệu đồng. Nhìn thấy đường đi sau bao năm lúi húi tại cánh đồng Phú Dòng làm thuê, mót lượm, ông Bắc lập tức huy động đàn con cùng với chiếc máy xới vừa mua được để biến đá thành cơm. Chiếc máy xới bắt đầu bới móc những lớp đá trên mặt ruộng của gia đình ông lên khỏi mặt đất. Móc được đá lên rồi, cha con ông Bắc thu nhặt đem về đắp nền nhà. Ruộng đá dần dà chỉ còn lại đất tốt cho cây bám rễ và niềm vui của cha con ông Bắc.
Thêm một vụ, rồi 2-3 vụ bí đao, mướp, khổ qua, dưa leo… được mùa. Tại mấy sào đất của gia đình ông Bắc và của các hộ nông dân được gia đình ông thuê sản xuất, sỏi đá đã dần biến mất, ông Bắc bắt đầu trồng dưa, bí bò giàn, hấp thụ nước từ giếng khoan và được bồi bổ thêm phân bón.
Thấy cha con ông Bắc thuê đất trồng trọt có hiệu quả, nhất là vụ đông - xuân, các nông dân ấp Phú Tân đã quay lại cánh đồng Phú Dòng trồng tỉa, hoặc lấy lại đất đã cho cha con ông Bắc thuê để tự làm. Nhờ vậy, màu xanh từ những đám ruộng của cha con ông Bắc lan tỏa sang các đám ruộng khác ngày một nhiều hơn. Lúc này, cha con ông Bắc đã trở thành “người hùng” của nông dân nơi cánh đồng Phú Dòng, là tấm gương về lao động của ấp.
Ông Bắc cho biết, thời gian cha con ông bám đồng không tính bằng giờ mà tính theo kiểu, khi mắt không nhìn thấy công việc để làm thì mới ngơi tay. Sự bỏ công, bỏ sức của cha con ông Bắc tại cánh đồng Phú Dòng nhiều hơn các nông dân khác nên lợi nhuận thu về cũng nhiều hơn, dù cha con ông Bắc chỉ là người đi thuê đất làm.
Cánh đồng Phú Dòng nay đã là cánh đồng nông thôn mới, ông Bắc giờ là Giám đốc Hợp tác xã rau sạch Phú Cường, 5 người con của ông đều là thành viên hợp tác xã. Dù cuộc sống nhiều đổi thay, các con ông Bắc vẫn hàng ngày chung sức cùng cha và các nông dân khác vun đắp màu xanh cuộc sống cho cánh đồng Võ Dõng thêm sức sống và sinh khí mới.
Đoàn Phú