Báo Đồng Nai điện tử
En

Những giọt mồ hôi đêm

10:01, 17/01/2016

Màn đêm buông xuống, khu vực dân cư dưới chân núi Sóklu (ấp Võ Dõng 3, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) chìm trong ánh sao trời. Các chủ rẫy lần lượt tắt đèn đi ngủ, riêng cái chòi nhỏ của gia đình ông Thạch Thương vẫn rực sáng ánh điện, tiếng chuyện trò át tiếng côn trùng rỉ rả.

Màn đêm buông xuống, khu vực dân cư dưới chân núi Sóklu (ấp Võ Dõng 3, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) chìm trong ánh sao trời. Các chủ rẫy lần lượt tắt đèn đi ngủ, riêng cái chòi nhỏ của gia đình ông Thạch Thương vẫn rực sáng ánh điện, tiếng chuyện trò át tiếng côn trùng rỉ rả.

Thợ xắt thuốc lá Tư Vẹn với thế ngồi đặc trưng của nghề xắt thuốc lá.
Thợ xắt thuốc lá Tư Vẹn với thế ngồi đặc trưng của nghề xắt thuốc lá.

Bữa tiệc đón nhóm thợ xắt thuốc lá từ miệt Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) về ấp Võ Dõng 3 của gia đình ông Thạch Thương ngoài hàng xóm thân cận còn có chúng tôi. Sau vài ly rượu chào hỏi, người thợ cả Nguyễn Văn Vẹn (Tư Vẹn) lặng lẽ rời chiếu nhậu để bắt tay vào công việc của người thợ xắt thuốc lá thuê. Đêm nay là đêm ông Tư Vẹn bắt đầu chuỗi dài thức trắng để xắt thuốc lá, đến cuối tháng 2 âm lịch năm 2016 ông mới được chợp mắt về đêm.

* Hậu đãi khách

Năm nay là năm thứ 9 thợ xắt thuốc lá Tư Vẹn được nhóm bạn trồng thuốc lá: Thạch Thương, Năm Hận, Macara, Thu Ra, Út Ai, Hai Linh mời về ấp Võ Dõng 3 làm thượng khách. Dù chưa rõ thuốc lá năm nay giá cả ra sao, được mùa hay mất mùa, những người trồng thuốc lá ở đây vẫn hùn tiền làm buổi tiệc đón ông Tư Vẹn (thợ chính) và cánh thợ phụ (thợ đạp, thợ phơi thuốc lá) từ miệt Cao Lãnh lên.

Như luật bất thành văn của người trồng thuốc lá và người xắt thuốc lá thuê bao năm nay ở ấp Võ Dõng 3 và các nơi khác, đến mùa thu hoạch thuốc lá thì các chủ rẫy trồng thuốc lá liên kết lại thành từng nhóm 6-7 người (tùy vào diện tích trồng thuốc lá nhiều hay ít) họp bàn và quyết định chọn một nhóm thợ xắt thuốc lá cho nhóm xuyên suốt từ đầu đến cuối vụ.

Tại bữa tiệc chào đón nhóm thợ và cũng là đêm đầu tiên của mùa xắt thuốc lá, nhóm người trồng thuốc lá của ông Thạch Thương phải có mặt đủ các thành viên. Sau đó, tùy tửu lượng của từng người và chờ người thợ cả Tư Vẹn xắt nhát dao đầu tiên thì mọi người mới được rời khỏi bữa tiệc để về nhà. Đặc biệt, tại bữa tiệc, đại diện nhóm chủ rẫy, ông Thạch Thương (được bầu làm nhóm trưởng) phải trân trọng mời thợ xắt thuốc lá Tư Vẹn một ly rượu và cả hai cùng uống cạn để bày tỏ sự gắn kết, uy tín.

Khi kết thúc mùa thuốc lá, nhóm thợ xắt thuốc lá thuê còn được các chủ rẫy bồi dưỡng thêm 7 triệu đồng/người và một bữa tiệc chia tay vui vẻ như lúc đến. Ngày tết (từ 28 tháng Chạp đến mùng 5 Tết), ngày công của người xắt thuốc lá thuê được tăng lên gấp đôi, bữa ăn cũng ngon hơn. Ông Thạch Thương cho biết, thuốc lá xắt vào ban đêm mới cho ra những sợi thuốc tốt nhất, nên người trồng thuốc lá và thợ xắt luôn cần nhau; thiếu người xắt thuốc lá thì chủ rẫy chỉ trồng thuốc lá để ngắm.

Với tầm quan trọng của mình, tại bữa tiệc hậu đãi chào mùa thuốc lá, thợ xắt thuốc lá Tư Vẹn chỉ uống vài ly nhằm bày tỏ tấm lòng. Sau đó, ông Tư Vẹn được quyền rời khỏi bữa tiệc, bắt tay vào công việc mà không được ai nài ép uống thêm. Riêng cánh thợ đạp (2 người), thợ phơi (2 người) được quyền ngồi thêm một lúc, nhưng không được uống say.

“Con ngựa” gỗ (bàn xắt thuốc lá) của ông Tư Vẹn bắt đầu tuôn ra những sợi thuốc lá vàng (ủ từ 3-4 ngày cho chín), 2 thợ phơi Ba Ngọc và Bảy Lê bắt tay ngay vào việc sắp thuốc lên líp tre (ngang 0,5m, dài 4m) để cho đủ 10 líp trở lên thì 2 thợ đạp Thạch Mến, Thạch Cao bắt tay vào công việc. Để sắp cho được 10 líp thuốc lá, 2 người thợ phơi và thợ xắt phải mất 30 phút. Vì vậy, 2 thợ đạp Thạch Mến và Thạch Cao được phép ngồi vui thêm tí nữa với các chủ rẫy.

Vụ thuốc lá năm nay chưa biết công ty thu mua ra sao, nhưng các chủ rẫy vẫn phải trả công cho nhóm thợ xắt thuốc lá 7 ngàn đồng/líp (nếu giá thuốc năm nay tăng thì tiền công xắt thuốc lá cũng tăng thêm, nhưng không được thấp hơn mức tiền công năm trước). Số tiền công này được nhóm thợ xắt thuốc lá chia nhau theo quy định: thợ cả Tư Vẹn hưởng 2,5 ngàn đồng/líp, 4 người thợ phụ được chia đều số tiền còn lại. Ngoài ra, trong một đêm làm việc, các chủ rẫy phải lo 3 bữa ăn cho cánh thợ xắt thuốc lá và cấm không cho trẻ con tới gần nơi họ đang ngủ sau một đêm thức trắng làm việc.

* Đêm hạnh phúc

Tiếng gà gáy canh hai rồi canh ba, mọi người đều ngon giấc sau bữa tiệc và một ngày lao động. Ngoài trời, sương rơi đọng trên những phiến đá, lá thuốc. Gió đêm lạnh ngắt da thịt người nhàn rỗi, nhưng 2 thợ đạp Thạch Mến và Thạch Cao vẫn cởi trần, lưng ướt đẫm mồ hôi vì phải liên tục nhún nhảy trên líp thuốc lá. Thợ xắt thuốc lá Tư Vẹn thỉnh thoảng quệt mồ hôi trên vai áo cho dù quạt điện đang chạy vù vù bên cạnh. Chỉ có 2 người thợ phơi thuốc lá Ba Ngọc và Bảy Lê cảm thấy ấm áp giữa cái lạnh. Trong cái thinh lặng của đêm, thỉnh thoảng cũng cất lên tiếng cười vui vẻ của nhóm thợ xắt thuốc lá thuê qua những câu chuyện cười tự kể nhằm quên cơn buồn ngủ.

Trước sự yên lặng của đêm và cái lạnh của sương trời nơi vùng đất đá Võ Dõng 3, chúng tôi tự tìm cho mình nơi kín gió để quan sát cánh thợ xắt thuốc lá Tư Vẹn lao động. Cái bàn xắt thuốc lá của ông Tư Vẹn được mô phỏng hình con ngựa, được làm bằng gỗ, chạm khắc khá đẹp. Phần sau “con ngựa” như hình đầu đạn, đủ để người thợ nhét vào 4 bó thuốc lá (mỗi bó đường kính chừng 15cm) nhằm giữ các lá thuốc thật chặt khi xắt.

“Con ngựa” này được ông Tư Vẹn đặt một người thợ mộc ở Cao Lãnh làm với giá 1,8 triệu đồng. Theo ông Tư Vẹn, tay nghề của người thợ xắt thuốc lá phụ thuộc vào những đường xắt chứ không phải do hình thức “con ngựa” đẹp hay xấu. Tuy nhiên, phần sau “con ngựa” không thể làm to hơn để xắt thuốc lá cho nhanh, mà kích thước phải có chừng mực vì to quá người thợ sẽ không đủ sức xắt. Muốn thành thợ xắt thuốc lá chỉ học nghề trong một năm, nhưng để trở thành thợ xắt thuốc lá giỏi phải mất thêm một năm nữa, không bao giờ trở thành thợ giỏi nếu tay dao không điêu luyện. Vì vậy, kỹ thuật mài, liếc dao tùy thuộc vào tay nghề của người thợ xắt thuốc lá.

Người ngoài cuộc nhìn thấy nhóm thợ ông Tư Vẹn làm việc trắng đêm với thù lao chừng 200 ngàn đồng/thợ phụ và 400 ngàn đồng/thợ chính không có vẻ gì là hấp dẫn. Nhưng nhóm thợ Tư Vẹn lại cho rằng đó là hạnh phúc của người làm thuê đến từ các tỉnh miền Tây Nam bộ, được cây thuốc lá vùng Sóklu và các huyện: Định Quán, Tân Phú đãi ngộ trong khoảng 2,5 tháng vào mùa thu hoạch. Bởi, vùng thuốc lá Cao Lãnh nổi tiếng của họ giờ không còn nữa, mà được thay bằng những vườn cây ăn trái và tiền công làm thuê cho chủ vườn cây chỉ bằng một nửa tiền công xắt thuốc lá, lại không đều việc.

Trời chưa kịp sáng nhưng đám gà trống của chủ rẫy Thạch Thương cứ tự nhiên gáy theo thói quen. Chủ rẫy Thạch Thương và vợ con vẫn thảnh thơi ngủ, còn chúng tôi thì gà gật vì thức đêm. Riêng cánh thợ xắt thuốc lá của ông Tư Vẹn vẫn giữ được sự chịu đựng khi hoán đổi ngày với đêm cho hết mùa thuốc lá. Phải chăng, sự hậu đãi của các chủ rẫy, tiền công lao động chân tay cao hơn lúc làm việc ở quê nhà đã động viên nhóm thợ xắt thuốc lá Tư Vẹn, Thạch Mến, Thạch Cao, Bảy Lê, Ba Ngọc và nhiều nhóm thợ khác nữa khi về Võ Dõng 3, hoặc vùng thuốc lá 2 huyện: Tân Phú, Định Quán làm thuê?

Đoàn Phú

 

 

 

Tin xem nhiều