Báo Đồng Nai điện tử
En

Sức xuân ở ấp Bàu Lùng

06:01, 01/01/2016

Sáu năm trước, Báo Đồng Nai đã có bài phản ánh về cuộc sống khó khăn ở ấp vùng sâu Bàu Lùng (xã Bình An, huyện Long Thành). Ngày ấy, ấp Bàu Lùng được gọi là ấp "4 không" vì ở đây không điện, không đường, không trường, dân không có việc làm ổn định.

Sáu năm trước, Báo Đồng Nai đã có bài phản ánh về cuộc sống khó khăn ở ấp vùng sâu Bàu Lùng (xã Bình An, huyện Long Thành). Ngày ấy, ấp Bàu Lùng được gọi là ấp “4 không” vì ở đây không điện, không đường, không trường, dân không có việc làm ổn định. Sau 6 năm, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cộng với sự nỗ lực vươn lên của người dân trong ấp, Bàu Lùng đã thay đổi ngoạn mục, “ấp 4 không” ngày nào giờ thành “ấp 5 có” (có điện, đường, trường, việc làm, tích lũy).

Chúng tôi trở lại xã Bình An vào một ngày đầu năm mới 2016, giữa lúc người dân địa phương đang tất bật trang hoàng nhà cửa đón Tết Bính Thân 2016. Gặp chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Ngô Hồng Hà vui mừng cho biết: “Xã Bình An giờ đã trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới, ấp “4 không” Bàu Lùng ngày nào giờ là ấp dẫn đầu trong việc thực hiện chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới.

* Xa rồi quá khứ buồn

Lái xe chạy bon bon trên con đường nhựa phẳng lì dài gần 4,5km nối từ đường tỉnh 769 đến cuối ấp, ông Phan Huy Dũng, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Bình An, bày tỏ niềm phấn khởi: “Chỉ sau 6 năm, với sự đầu tư của Nhà nước và sự nỗ lực của người dân, ấp Bàu Lùng đã vượt qua được khó khăn. Hiện số hộ nghèo trong ấp giảm gần 98% (chỉ còn 2 hộ) so với 6 năm trước; 100% hộ có nhà xây; 100% hộ được xài điện lưới quốc gia; đường giao thông trong ấp được cứng hóa 100%; ấp đã có trường mẫu giáo đảm bảo đủ chỗ học tập cho con em trong ấp; có trung tâm sinh hoạt cộng đồng để người dân sinh hoạt, học tập, giao lưu. Cũng nhờ có điện lưới quốc gia, các hộ dân trong ấp đã khoan được giếng để lấy nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất…”.

Có đường mới, người dân ấp Bàu Lùng đi lại dễ dàng hơn.  Ảnh: Đ.VIỆT
Có đường mới, người dân ấp Bàu Lùng đi lại dễ dàng hơn. Ảnh: Đ.VIỆT

Câu chuyện của ông Dũng đã làm chúng tôi, những người từng chứng kiến cảnh sống hụt hơi của người dân ấp Bàu Lùng khi còn là “ấp 4 không” phải tâm phục, khẩu phục trước sự đổi thay quá nhanh chóng ở nơi này. Trong ký ức của chúng tôi, ngày ấy Bàu Lùng là ấp vùng sâu, khó khăn nhất của xã Bình An, người dân ở đây chưa được tiếp cận những thứ dịch vụ văn minh của xã hội. Sống trong cảnh thiếu thốn nên mọi sinh hoạt của người dân theo đó rất nhọc nhằn. Việc đi lại, học hành, sinh hoạt, sản xuất của dân hết sức vất vả. Thời ấy, học sinh trong ấp muốn đến trường học phải vượt qua con đường đất dài nhiều cây số, mùa mưa lầy lội, trơn trượt bùn đất, mùa nắng đầy bụi đỏ với nhiều “ổ voi, ổ gà”. Có em không may trượt chân té ngã chỉ còn cách bỏ học quay về nhà vì quần áo đã nhuốm đầy bùn đất.

Sống trong cảnh không điện nên người dân không có cơ hội để mở mang sản xuất, trồng trọt, làm dịch vụ; không được nghe đài, xem phim ảnh, tin tức thời sự  trên các phương tiện truyền thông để mở rộng tầm nhìn; đêm về phải ngủ sớm vì không có điện, học sinh muốn học bài phải thắp đèn dầu. Cảnh vỡ kế hoạch từ chuyện sinh đẻ trong từng cặp vợ chồng trong ấp cứ thế kéo dài theo năm tháng…

* Đổi đời nhờ 135

Chỉ cho chúng tôi thấy những ngôi nhà mới xây tươm tất nằm ven con đường nhựa chạy dọc theo chiều dài của ấp, ông Phan Huy Dũng cho biết: “Bây giờ ấp Bàu Lùng đã văn minh rồi! Nhà nhà đã sắm được phương tiện nghe nhìn, điện đóm sáng lòa, nhạc karaoke xập xình thâu đêm”.

Ông Dũng còn cho biết, cảm thông với nỗi khổ của người dân ấp Bàu Lùng theo nội dung bài báo đã nêu, Huyện ủy, UBND huyện Long Thành đã cùng với các cơ quan chức năng trong huyện tổ chức đợt kiểm tra thực tế. Thấy nỗi khốn khổ của người dân ở đây có thật, nên huyện đã nhanh chóng lập kế hoạch và ưu tiên dành nguồn vốn để đầu tư, xây dựng các công trình phúc lợi ở Bàu Lùng, từng bước nâng dần chất lượng cuộc sống của người dân trong ấp.

Ngồi trong ngôi nhà xây khang trang của Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Bàu Lùng Nguyễn Kim Hòa để uống chén rượu mừng cho sự “lên đời” của người dân trong ấp, chúng tôi được ông Hòa và ông Trương Văn Rỡ, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp, cùng một số người dân cung cấp nhiều thông tin về việc vượt qua đói nghèo ngoạn mục của dân ấp Bàu Lùng.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm - một thế mạnh của người dân ấp Bàu Lùng.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm - một thế mạnh của người dân ấp Bàu Lùng.

Có ý kiến cho rằng, sự quan tâm đầu tư của Nhà nước dành cho ấp nghèo Bàu Lùng kịp thời và hiệu quả. Nhờ có sự đầu tư mà việc làm ăn của người dân ngày thêm khấm khá hơn. Nhiều gia đình đã thoát nghèo và giàu lên nhờ tăng gia sản xuất; có hộ mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng vào việc chuyên canh rau màu theo hướng hàng hóa, hoặc chăn nuôi gà, heo theo quy mô công nghiệp. Nhiều hộ còn liên kết lại để thành lập tổ hợp tác sản xuất rau an toàn nhằm đưa sản phẩm rau sạch của Bàu Lùng ra thị trường. Việc mua bán nông sản giờ thuận lợi mà không phải lo bị tư thương ép giá.

Theo ông Hòa, sự “lên đời” của ấp Bàu Lùng bắt nguồn từ việc Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành dựa vào nguồn kinh phí của Chương trình 135 kết hợp với chương trình xây dựng nông thôn mới, tập trung giải quyết những cái thiếu mà ấp Bàu Lùng đang phải đối diện.

Trước hết, huyện đã đầu tư nhiều tỷ đồng để mở rộng, tráng nhựa con đường chính trong ấp dài hơn 4,5km để thuận tiện cho người dân đi lại. Lưới điện quốc gia đã được kéo về ấp để phục vụ người dân, đồng thời nhà sinh hoạt cộng đồng để người dân trong ấp có chỗ sinh hoạt, hội họp cũng được gấp rút xây dựng. Tháng 10-2011, ngôi trường mẫu giáo của ấp đã được đưa vào sử dụng. Nhờ có điện, có đường nên cuộc sống của người dân ấp Bàu Lùng đã đổi thay nhanh chóng.

Ngô Thị Nhị (ngụ tổ 3) phấn khởi chia sẻ: “Từ khi có điện, có đường, cuộc sống của người dân trong ấp được nâng lên rất nhiều. Nhiều hộ đã có điều kiện mở rộng sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi; có hộ nuôi hàng trăm con heo, hàng ngàn con gà với thu nhập hàng chục triệu đồng sau mỗi vụ”.

Ông Hòa cho biết thêm, từ khi ấp Bàu Lùng có đường nhựa và điện lưới quốc gia, nhiều hộ trong ấp đã đầu tư xây dựng nhà cửa và dời ra gần đường để sinh sống cho tiện việc sinh hoạt, giao thương với bên ngoài, từng bước biến ấp nghèo “4 không” ngày nào thành nơi có cuộc sống sung túc.

Nói về chuyện làm ăn, làm giàu của người dân trong ấp, ông Hòa cho biết hiện ấp Bàu Lùng đã có nhiều hộ tỷ phú, khoảng 30% hộ khá. Hiện tại, xã đã có nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học.

Đến thăm gia đình anh Hỷ A Sáng, một tỷ phú chăn nuôi ở tổ 1, trong lúc anh cùng các thành viên trong gia đình chăm sóc đàn gà trống thiến gần 4 ngàn con và đàn heo thịt vài trăm con để phục vụ thị trường vào dịp tết, chúng tôi nghe anh phấn khởi tỏ bày: “Trước đây, do không có điện nên muốn khoan giếng lấy nước phục vụ sản xuất cũng đành bó tay. Giờ có điện, nhờ có giếng khoan mà chủ động được nguồn nước tưới cho hoa màu, vệ sinh chuồng trại, nên ai cũng tận dụng hết năng lực sẵn có để sản xuất, nhờ vậy mà cuộc sống thêm phần ổn định”.

Chia tay ấp Bàu Lùng trong nắng chiều, chúng tôi nghĩ với đà bứt phá đi lên như hiện nay, trong thời gian tới Bàu Lùng sẽ còn đạt được nhiều thành tích hơn nữa trên bước đường xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đức Việt

 
 

 

 

Tin xem nhiều