Thêm một mùa xuân, tóc thầy càng bạc trắng, mái đầu học trò cũng… muối nhiều hơn tiêu. Những gương mặt tham dự buổi họp mặt do nhóm cựu học sinh (CHS) Trường trung học Ngô Quyền niên khóa 1969-1976 tổ chức hàng năm cũng thưa vắng dần theo quy luật thời gian, nhưng tình cảm thầy trò vẫn tràn đầy, ấm áp như năm nào hội ngộ dưới mái trường cách đây hơn 40 năm.
Thêm một mùa xuân, tóc thầy càng bạc trắng, mái đầu học trò cũng… muối nhiều hơn tiêu. Những gương mặt tham dự buổi họp mặt do nhóm cựu học sinh (CHS) Trường trung học Ngô Quyền niên khóa 1969-1976 tổ chức hàng năm cũng thưa vắng dần theo quy luật thời gian, nhưng tình cảm thầy trò vẫn tràn đầy, ấm áp như năm nào hội ngộ dưới mái trường cách đây hơn 40 năm.
Một cựu học sinh mừng rỡ nắm chặt tay thầy Ngô Văn Sơn (trái). |
10 giáo viên luôn có mặt cùng CHS Ngô Quyền niên khóa 1969-1976, nay 3 thầy đã đi xa, 3 thầy sức khỏe yếu không đến được, chỉ còn lại 4 thầy: Nguyễn Thành Dũng, Ngô Văn Sơn (tuổi gần 80), Diệp Cẩm Thu và Tô Hoàn Lộc (tuổi cũng qua 70). Dù vậy, thầy Diệp Cẩm Thu và Tô Hoàn Lộc vẫn tự chở nhau bằng xe máy đến dự. Hàng ghế đầu mà nhóm CHS Trường trung học Ngô Quyền niên khóa 1969-1976 trân trọng dành riêng cho các thầy cô của mình nhân buổi họp lớp đầu năm, theo năm tháng cũng đã thưa dần. Triết lý “duy tình” của người Việt được PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh), tâm tình tại buổi họp mặt làm cay xè đôi mắt của những CHS Ngô Quyền sắp bước sang tuổi 60.
* Trọng thầy
Theo thông lệ, cứ vào chủ nhật đầu tuần của tháng đầu năm mới Dương lịch, các CHS Ngô Quyền niên khóa 1969-1976 lại tụ hội. Để buổi họp mặt ấm áp tình thầy trò, ban đại diện phát thư mời đến tất cả bạn học gần xa và thầy cô giáo cũ. Trong thư mời bạn bè, ban đại diện luôn đặt ra một quy ước: “Mỗi một bạn đến dự phải mang theo món quà nhỏ để trao nhau làm kỷ niệm nhân buổi họp mặt”. Riêng các thầy cô đáng kính của mình, Ban đại diện có trách nhiệm đến từng nhà gửi thư mời cùng món quà nho nhỏ, bó hoa trước khi mở lời.
Các thầy giáo già năm xưa rất vui vì trong số các CHS Ngô Quyền, bây giờ cũng theo nghề dạy học và đang giữ trọng trách ở Trường THPT Ngô Quyền, như thầy Nguyễn Duy Phúc (Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền). |
Với 3 giáo viên đã “đi xa” là Nguyễn Phong Cảnh, Huỳnh Kim Thân, Nguyễn Văn Thại, trước ngày họp mặt Ban đại diện nhóm CHS Ngô Quyền niên khóa 1969-1976 đã đến nhà dâng hương, hoa. Riêng thầy Lành (Pháp văn), thầy Có (Toán), thầy Hoan (Anh văn) vì sức khỏe yếu không thể dự buổi tiệc cùng trò. Bởi vậy, các thầy còn đến họp mặt được chỉ có ánh mắt rưng rưng như thay lời muốn nói. Dù đã qua thời trung học 40 năm, nhưng các CHS Ngô Quyền niên khóa 1969-1976 vẫn giữ trọn vẹn tình cảm, luôn trân trọng đối với những người thầy kính yêu của mình. Cho dù các thầy cô của mình người còn, người mất hoặc già yếu như trường hợp cô giáo Luông (Anh ngữ) do tuổi tác, trí nhớ giảm sút nên chưa một lần dự họp mặt nhưng các CHS Ngô Quyền không nguôi nỗi nhớ, vẫn thường đến thăm cô giáo năm xưa của mình .
Thầy vừa đến, các trò xưa hầu hết đều đã “lên hàng” ông nội, ông ngoại vẫn hồn nhiên ùa ra chào đón. Thầy Thành Dũng (Toán), thầy Văn Sơn (Pháp văn) dáng liêu xiêu theo các “trò già” bước vào hàng ghế. Cái dáng vẻ nghiêm khắc, chỉn chu, đạo mạo của các thầy giáo già năm xưa, nay nhìn các trò thân thương nhiều hơn, miệng luôn tươi nụ cười và sẵn sàng nói hết tâm tình khi cảm xúc trào dâng. “Nhìn hàng ghế các thầy ngồi ngày một thưa dần, các bạn trong khóa ai cũng ngậm ngùi, tiếc nuối. Tuy vậy, sự có mặt của các thầy cô theo năm tháng như lời hiệu triệu các bạn trong niên khóa về họp mặt ngày càng đông vui hơn” - CHS Trần Văn Thương, Phó giám đốc Công ty THHH một thành viên đầu tư - phát triển Bửu Long bộc bạch.
* Kỷ niệm ùa về
Năm nay, CHS Trần Thanh Khê (hiện đang ở Mỹ) vắng mặt. Tuy vậy, ông vẫn kịp gửi về số tiền nhỏ để chăm sóc cô giáo Luông và thăm hỏi các thầy cô giáo cũ nhân dịp xuân về, tết đến. Không có ông Khê, nhưng kỷ niệm về người bạn nhiệt tình vẫn ùa về trong ký ức mọi người. Luật sư Trương Tiến Dũng nhắc về lần Khê chơi bóng trong lớp làm rách môi của mình, cả lớp đều biết nhưng đồng lòng giữ kín vì sợ Khê bị kỷ luật. Vết rách đó hiện còn hoài trên môi phải của ông, như lưu lại kỷ niệm một thuở học trò nghịch ngợm mà đoàn kết, thương yêu nhau.
Các thầy: Diệp Cẩm Thu, Ngô Văn Sơn, Nguyễn Thành Dũng và Tô Hoàn Lộc (ngồi từ phải sang trái) chụp hình lưu niệm với các học trò cũ. |
Trường trung học Ngô Quyền thời ấy có nhiều hoa khôi. Tuy vậy, các nam sinh “bình chọn” hoa khôi số một là nữ sinh Đào Tú Trang, đã làm biết bao anh chàng trong niên khóa mơ mộng, trồng cây si từ nhà đến lớp học. Dù tuổi gần 60, các CHS Ngô Quyền vẫn say mê kể về hoa khôi Tú Trang nhà ở cù lao Phố, hàng ngày đi học có xe ô tô chở tới cổng trường, thuộc hàng gia đình giàu có. Vì ngưỡng mộ và mơ mộng cái đẹp nữ sinh Ngô Quyền, các anh chàng đô thị lẫn ở nông thôn, ở xứ bưởi Tân Triều hay cù lao Phố chỉ biết ngẩn ngơ, len lén nhìn trộm, lòng mơ thầm. Nhóm học sinh cấp 3 Trường Khiết Tâm vì ngưỡng mộ vẻ đẹp của hoa khôi Tú Trang, thường rủ nhau qua cù lao Phố tắm sông để nhìn trộm.
Câu chuyện về hoa khôi tạm dứt thì sôi nổi nhiều câu chuyện khác về tình bạn thuở học trò. CHS Ngô Quyền thời ấy đã có nhiều người thành đạt như: GS. Trần Tung Sơn (định cư ở Canada), PGS.TS Võ Văn Sen, hai anh em ruột đều là tiến sĩ: Nguyễn Ngọc Hà (Đại học bách khoa TP.Hồ Chí Minh) và Nguyễn Ngọc Thanh (giảng viên Trường cao đẳng Hải Quan TP.Hồ Chí Minh); Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai Trương Văn Vở… Mọi người cũng nhắc đến một số bạn bè cũ hiện vẫn còn khó khăn, bệnh tật, cần được giúp đỡ. Câu chuyện về tình bạn như còn kéo dài suốt cuộc đời họ.
Người khởi xướng buổi họp mặt CHS Trường trung học Ngô Quyền (niên khóa 1969-1976) lần thứ nhất vào năm 1988 là CHS Ngô Minh Mẫn (đã mất). Lần thứ nhất và thứ 2 khóa chỉ tập hợp được trên dưới 20 người. Đến lần họp mặt lần thứ 3 thì khóa mời thêm các thầy cô dự nên có khi lên tới gần 100 người. Luật sư Trương Tiến Dũng, Trưởng ban đại diện, cho hay toàn khóa có khoảng 200 CHS. |
PGS.TS Võ Văn Sen bày tỏ, cuộc đời ông trải dài qua rất nhiều giảng đường. Tuy vậy, kỷ niệm nhất, tình nghĩa nhất vẫn là thời học sinh dưới mái Trường trung học Ngô Quyền. Chính vì vậy, ông và rất nhiều người bạn khác mỗi khi gặp lại nhau đều chung một cảm xúc hoài niệm về trường lớp, thầy cô, về quê hương Biên Hòa, nói thâu đêm vẫn không thấy buồn chán. “Nếu thời gian quay trở lại, tôi vẫn chọn mình là một trò nhỏ của Trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa” - PGS.TS Võ Văn Sen xúc động, nói lạc cả giọng trước bạn bè và những thầy giáo cũ.
Những người bạn học cùng niên khóa và các thầy miên man hoài trong những kỷ niệm: “Võ Văn Sen là người chăm học, lấy cần cù bù thông minh và là người có tinh thần cầu tiến nhất lớp 12 C2 năm đó. Mỗi lần bị điểm thấp, trò Sen càng chú tâm học tập hơn”. “Phạm Văn Hòa (hiện định cư ở nước ngoài) thường ngày quậy phá có tiếng, không ngờ lại thi đậu thủ khoa tú tài hạng ưu làm cả khóa “ngã ngửa” vì bất ngờ”. “Lời thầy Thành Dũng dặn dò các thế hệ học trò: “Nếu các em sau này học thành tài mà chỉ biết về lo cho vợ, con và công việc của riêng mình mà không biết làm gì cho xã hội thì sự học đó không có ý nghĩa gì …” - luật sư Tiến Dũng và hơn 60 người bạn cứ mải mê ôn lại kỷ niệm, mặc cho thời gian đã làm cho dáng đi từng người nặng nề, liêu xiêu.
Đoàn Phú