Theo số liệu của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, huyện Cẩm Mỹ hiện có diện tích trồng tiêu lớn nhất tỉnh, với gần 4 ngàn hécta. Trong đó, 2 xã Lâm San và Sông Ray có diện tích lớn nhất của huyện, nên tới mùa thu hoạch nông dân 2 xã này lại đau đầu về việc tìm người hái tiêu.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, huyện Cẩm Mỹ hiện có diện tích trồng tiêu lớn nhất tỉnh, với gần 4 ngàn hécta. Trong đó, 2 xã Lâm San và Sông Ray có diện tích lớn nhất của huyện, nên tới mùa thu hoạch nông dân 2 xã này lại đau đầu về việc tìm người hái tiêu.
Tết vừa đi qua, những tưởng niềm vui kéo dài khi vụ tiêu năm nay được mùa, được giá, nhưng chẳng bao lâu nông dân 2 xã Sông Ray và Lâm San phải đối mặt với nhiều nỗi lo. Trong đó có việc tiêu đang trong giai đoạn thu hoạch nhưng không đủ người hái. Nhiều chủ vườn phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm người hái tiêu.
* Tìm không ra nhân công
Sở hữu vườn tiêu hơn 6 hécta nhưng do không có đủ người thu hoạch nên ông Võ Văn Đủ (xã Lâm San) phải đi khắp nơi tuyển người hái tiêu. Ông Đủ cho biết: “Những năm trước, lao động nhàn rỗi ở địa phương nhiều nên chỉ đánh tiếng cần người thu hoạch nông sản là họ đến ngay, nhưng giờ tìm mãi không ra. Sang các xã bên cạnh tôi cũng không kiếm được người, mà huy động người nhà thì không làm nổi”.
Công nhân hái tiêu ở vườn ông Võ Văn Đủ (xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ). |
Ông Đủ cho hay, tiêu hiện đang chín rộ, nhưng từ trước tết đến nay các hộ trồng tiêu vẫn phải thu hoạch cầm chừng vì không có người hái. Mấy năm trước cũng khan hiếm lao động, nhưng nếu trả giá cao vẫn tìm được người làm. Còn bây giờ, dù có nâng tiền công cũng không tìm ra người làm. Vụ tiêu năm rồi, gia đình ông thuê khoảng 30 người làm liên tục 2 tháng đầu năm âm lịch với mức giá 150-160 ngàn đồng/người/ngày. Năm nay, do mở rộng diện tích và tiêu cũng chín rộ hơn so với năm trước nên ông muốn tăng thêm người hái, nhưng dù trả công 180 ngàn đồng/người/ngày và bao cả ăn trưa vẫn không tìm được người.
Đồng cảnh ngộ như ông Đủ, gia đình ông Võ Văn Hóa (xã Lâm San) hiện có 2 hécta tiêu cũng đang đau đầu vì tìm suốt mấy tuần liền vẫn chưa thuê được người phụ thu hoạch tiêu. Ông Hóa cho hay: “Thời điểm này mấy năm trước, khoảnh sân trước nhà tôi chất đầy tiêu để phơi. Giờ ngóng mãi chẳng thấy ai nên cả gia đình phải bắt tay vào làm. Chỉ tội bọn nhỏ, buổi đi học, buổi phụ hái tiêu nên trông hốc hác thấy rõ”.
Theo nhiều hộ trồng tiêu ở địa phương, lần đầu tiên ở đây xảy ra tình trạng khan hiếm người thu hoạch nông sản, khiến các gia đình phải “chiến đấu đơn độc” khi mùa tiêu chín rộ như vậy. Cũng vì không có người hái nên nhiều cây tiêu đã bị suy kiệt, trái rụng đầy gốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng và chất lượng vụ thu hoạch sau. Với một trụ tiêu cao 6m phải có 2 người hái trong một buổi sáng mới xong nên những nhà có diện tích tiêu lớn càng cần nhiều người hái.
“Cả tuần nay, tôi tìm người hái tiêu miết mà không có, mấy người làm năm trước đã đi làm công nhân hết rồi. Đám trẻ mới học xong THPT cũng đi làm công nhân sơ chế hạt điều. Có chủ vườn cho xe ô tô đến các tỉnh miền Tây Nam bộ tìm người hái tiêu mà chỉ thuê được chưa tới 10 người. Mọi năm, tầm tháng 9-10 âm lịch, lao động từ các tỉnh miền Tây Nam bộ về đây thu hoạch nông sản thuê rất nhiều. Bây giờ, nhiều công ty ráo riết tuyển lao động nên họ không cần đi làm thời vụ nữa” - ông Hóa chia sẻ.
* Được mùa vẫn kém vui
Theo ông Nguyễn Huy Phê, Chủ tịch UBND xã Lâm San, hiện các vườn tiêu ở xã thiếu từ 300-400 công hái và các chủ vườn đang ráo riết tìm người để thu hoạch. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc diện tích trồng tiêu ở xã tăng mạnh và đột ngột, trong khi lao động thời vụ ở đây rất thiếu.
Nhiều người trồng tiêu ở 2 xã Lâm San và Sông Ray cũng cho hay, những năm trước đây còn có tình trạng bán rẫy, cho thuê rẫy, nhưng thời gian gần đây do trúng mùa tiêu nên không còn cảnh bán vườn, mà nhiều người còn tìm cách mua thêm rẫy để mở rộng vườn tiêu. Bên cạnh đó, vài năm nay nhờ quen biết nên một số chủ vườn kiêm luôn việc môi giới các nhóm hái tiêu thuê vào mùa thu hoạch. Nhưng từ khoảng cuối tháng 10 âm lịch tới nay, do số chủ vườn cần thuê nhiều người hái tiêu thuê nên mới xảy ra tình trạng “đỏ mắt” tìm công hái.
Người trồng tiêu phải dùng lưới trải quanh gốc để hứng tiêu rụng. |
Mặt khác, khoảng 3 năm trở lại đây, tiêu bán được giá nên nhiều nông dân “đua” nhau chặt bỏ cây điều, cà phê… để trồng tiêu, khiến diện tích trồng tiêu tăng lên. Chỉ riêng xã Lâm San, tổng diện tích trồng tiêu năm 2015 tăng 200 hécta so với năm 2014. Khi vào mùa tiêu chín đồng loạt đã dẫn tới tình trạng thiếu người thu hoạch như hiện tại.
Ông Võ Văn Đủ cho hay: “Hiện nay các chủ vườn phải bấm bụng tăng tiền công hái đến 200 ngàn đồng/người/ngày, bao luôn cơm trưa mà vẫn chưa tìm ra người làm. Diện tích tiêu năm nay của xã tăng cao mà người làm chỉ có nhiêu đó, thậm chí ít hơn, tiêu không kịp hái nên rụng đầy gốc. Chúng tôi phải làm lưới quanh trụ, nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời thôi, hy vọng năm sau sẽ khá hơn”. |
Anh Nguyễn Văn Hạo (xã Sông Ray) cho biết, mỗi năm anh vẫn đi hái tiêu thuê cho các chủ vườn, nhưng năm nay dù tiền công lên cao anh vẫn không thể rủ thêm bạn bè đi làm, vì ai cũng đã có việc làm ổn định.
Không chỉ các hộ có diện tích tiêu lớn, những hộ có vườn tiêu vừa và nhỏ tìm người thu hoạch tiêu cũng khó khăn. Ông Đinh Tiến Thịnh (xã Sông Ray) cho hay: “Kinh tế gia đình tôi giờ chỉ trông chờ vào mảnh vườn gần 1 hécta tiêu. Trước tết vài tháng, tôi có vay mượn tiền để đầu tư cho vườn tiêu, giờ tìm người hái không có, lấy đâu tiêu bán để lấy tiền trả nợ. Mỗi ngày, vợ chồng tôi phải ráng hái tiêu từ sáng sớm đến tối mịt nhưng vẫn không kịp. Gia đình nào đông người, thanh niên nhiều còn phụ giúp được nhau, nhà nào ít người chỉ biết huy động tối đa người nhà và phải làm ngày làm đêm”.
Giải quyết tình trạng thiếu công hái tiêu, trước mắt Hội Nông dân huyện đã làm việc với các hộ trồng tiêu. Một số biện pháp mọi người đưa ra, như: huy động người nhà, giăng lưới dưới gốc cây để hứng tiêu rụng… hiện chỉ mang tính tạm thời, vì nếu hái tiêu không đúng vụ, đúng thời gian sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng vụ kế tiếp. Do đó, nếu không muốn bị tắc khâu thu hoạch, nông dân cần chủ động tìm giải pháp tối ưu để cứu mình, tránh tình trạng “khát” công làm thời vụ như hiện nay.
Đăng Tùng