Còn một tuần nữa đến tết, nhiều nhà vườn, thương lái đã nhộn nhịp đưa hoa, cây cảnh xuống phố. Những ngày đầu, ở chợ hoa chủ yếu là các giống bonsai, mai, quất cảnh. Càng cận tết thị trường càng hội tụ các giống hoa, từ hoa đào miền Bắc chuyển vào, lan Tây Nguyên đưa xuống, hoa và cây cảnh ở miền Tây mang lên... tạo thành những chợ hoa muôn màu muôn sắc.
Còn một tuần nữa đến tết, nhiều nhà vườn, thương lái đã nhộn nhịp đưa hoa, cây cảnh xuống phố. Những ngày đầu, ở chợ hoa chủ yếu là các giống bonsai, mai, quất cảnh. Càng cận tết thị trường càng hội tụ các giống hoa, từ hoa đào miền Bắc chuyển vào, lan Tây Nguyên đưa xuống, hoa và cây cảnh ở miền Tây mang lên... tạo thành những chợ hoa muôn màu muôn sắc. Cả trăm chủng loại hoa, cây cảnh bán tết được tập hợp đã tạo nên những con đường xuân rực rỡ sắc màu, kẻ mua, người bán tấp nập.
Cẩn thận chăm sóc cho những nụ hoa tươi tắn. |
Năm nay, thời tiết diễn biến thất thường làm ảnh hưởng tới nhiều nhà vườn, nhưng nhìn chung lượng hoa, cây cảnh đưa về Đồng Nai vẫn dồi dào, khiến ai nấy đều phập phồng, chờ đợi một mùa hoa khởi sắc.
* Hoa tết xuống phố
Từ nhiều năm nay, cứ gần tết là các nhà vườn, thương lái ở khắp mọi miền đất nước bắt đầu mang hoa, cây cảnh về Đồng Nai buôn bán, tạo thành những chợ hoa lớn. Nếu các thương lái ở miền Bắc đưa vào Đồng Nai những chậu đào đỏ thắm, rực rỡ; mai cảnh chuyển đến từ các tỉnh miền Tây, Bình Định, Phú Yên..., thì phong lan, lay-ơn lại là thế mạnh của người bán đến từ các tỉnh Tây Nguyên. Mỗi vùng cung ứng những giống hoa đặc trưng đã khiến chợ hoa tết thêm nhiều màu sắc đa dạng.
Nhiều người đánh giá, những ngày trước tết ở TP.Biên Hòa và khu vực lân cận mới chính là thời điểm đẹp nhất trong năm. Đường phố được tô điểm đủ màu sắc rực rỡ của hoa và cây cảnh, đi đâu người ta cũng có thể gặp hoa, khắp vỉa hè các con đường lớn đều dành chỗ để làm chợ hoa. Chợ hoa mỗi năm mỗi vẻ, năm sau thường có thêm một số loại hoa, cây cảnh độc, lạ và mới để cho người mua thỏa sức lựa chọn.
Cứ đến tháng 6-7 hàng năm, các nhà vườn, nông dân trồng hoa bắt đầu xuống giống, rồi cuối năm phải sắp xếp thời gian đi các tỉnh xa để tìm và thuê chỗ bày hoa tết. Có mặt bằng đẹp lại phải tất tả thuê xe chở hoa đi bán, mỗi chuyến xe mất khoảng chục triệu đồng, thuê nhân công chăm sóc, cộng thêm tiền công đưa hoa lên xuống xe mất vài triệu đồng nữa, nên tính ra chi phí bỏ ra khá lớn. Vì vậy, ai cũng mong năm nào hoa, cây cảnh bán được giá để ngày tết trọn vẹn hơn. |
Đi dọc các tuyến đường: Đồng Khởi, Nguyễn Ái Quốc, Võ Thị Sáu…, thời điểm này một số nơi đã xuất hiện những chậu mai, quất cảnh… được nhà vườn kê ra tận mép đường để chờ bán tết. “Năm nay, chúng tôi đưa mai xuống phố sớm hơn, vừa để có được chỗ bán đẹp vừa báo hiệu cho người mua biết là tết đến rồi. Bây giờ ít người mua nên toàn chậu đẹp, ai thích cây nào nên đến đặt luôn” - ông Bùi Ngọc Thọ (thương lái đến từ vựa mai Bình Định) chia sẻ.
Theo ông Thọ, nhà vườn ở các làng hoa năm nào cũng đánh hàng, thuê xe lớn từ khắp nơi vào Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh… để buôn bán. Mỗi chuyến đi có thể kéo dài 10-15 ngày và kết thúc khi chợ đã vãn người mua, số hoa được bán hết. Mỗi nơi đến, việc trước tiên là thương lái phải thuê cho được mặt bằng đẹp. Yếu tố này đóng vai trò quan trọng, quyết định đến chuyến đánh hàng xa năm đó có thắng lợi hay không. Tiếp đến là tất bật dọn hàng, tích cực chăm sóc để giữ cho hoa luôn tươi, đẹp.
Hơn 10 năm đưa hoa đi đến các tỉnh xa bán tết, ông Thọ tâm sự dù có năm được, năm mất nhưng hoa của ông bán lúc nào cũng tiêu thụ hết do chủ yếu cung cấp cho “khách ruột” ở một số cơ quan Nhà nước; đồng thời người bán phải biết nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ hoa hàng năm để đưa lượng hoa vừa đủ. Từ 20 tháng Chạp trở đi, ông Thọ sẽ bắt mối với các thương lái để nhập thêm những giống hoa khác về bán. “Những ngày này khách tới mua lai rai, nhưng đa số đều đến xem là chính. Kể từ ngày 23 tháng Chạp trở đi, chợ hoa mới sôi động, hoa sẽ tiếp tục đổ về đây ngày một nhiều hơn” - ông Thọ hồ hởi nói.
* Trắng đêm… với hoa
Lúi húi bốc những giỏ hoa cúc vàng rực rỡ, chậu quất cảnh xuống mép đường, anh Nguyễn Minh Hòa (quê tỉnh Quảng Nam) cười nói: “Năm nay cúc nở đều và đẹp, lại được bán ở mặt tiền đường nên có nhiều khách đến xem và nhắm mua. Còn quất cảnh thì có thể khẳng định trúng nhất từ trước đến nay. Tôi chủ yếu bán loại quất giá từ 500 ngàn đến 2 triệu đồng/chậu vì thị trường khá ưa chuộng phân khúc này”.
Anh Hòa nói thêm, không chỉ riêng anh mà cứ đến vụ tết, hầu như cả vựa quất ở xã Cẩm Hà (TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam) quê anh đều thuê xe tải lớn đưa cây quất đi khắp nơi bán. Nhờ được chăm bẵm tốt nên những trái quất vàng ươm, căng tròn. Quất ở Cẩm Hà nổi tiếng nhờ người trồng bứng cây vào chậu chăm sóc trước khoảng một năm, khi tán đẹp, trái trĩu cành mới mang đi bán. Nhờ đó, quất có thể chịu đựng được kiểu thời tiết nắng nóng ở miền Nam mà không rụng.
Đưa hoa, cây cảnh từ trên xe tải xuống điểm bán hoa. |
Bỏ lại nỗi buồn về vụ hoa tết ế ẩm phải đổ bỏ của những năm trước, năm nay các chuyến xe chở cây cảnh, hoa tết của thương lái đổ về Đồng Nai vẫn ngày một rộn ràng và nhộn nhịp hơn. Ai nấy đều có chung sự kỳ vọng vào mùa hoa đắt hàng, xe lăn bánh tới đâu sẽ mang đến niềm vui rạng rỡ cho người dân nơi chợ hoa xuất hiện.
Ngồi trên chiếc ghế xung quanh toàn đào, quất vừa chuyển từ tỉnh Bắc Giang vào, ông Hà Văn Nhân (51 tuổi) tiết lộ, năm ngoái tới ngày 25 tết gia đình ông mới đưa hoa vào miền Nam, nhưng lần này phải bung chợ sớm để khách thoải mái lựa chọn. “Đợt trước, tôi chọn địa điểm trên đường Võ Thị Sáu, tiền thuê mặt bằng vừa đắt, lại phải cạnh tranh với các chủ khác. Năm nay, tôi thuê ở đường Đồng Khởi hy vọng sẽ may mắn hơn” - ông Nhân nói.
Nói về mùa hoa tết năm nay, ông Nhân hy vọng, dù hoa đào thất mùa, nhưng ông vẫn mong sẽ bán đắt hàng, bởi lượng đào đưa vào Nam không nhiều như các năm trước, giá bán từ 1-2 triệu đồng/cây. Các thương lái, nhà vườn bán hoa những ngày giáp tết ai nấy đều phập phồng không biết năm nay thị trường hoa tết có thu hút hay không. Nếu may mắn thì dư dả, còn không có khi thua lỗ nặng nề. Người bán hoa cảnh buồn nhất là đã gần giao thừa mà hoa vẫn còn ê hề, bỏ lại thì tiếc mà chở ngược về Bắc cũng không đành, vì thêm tốn chi phí đi lại. “Nói chung, cứ dịp này là chúng tôi mất ăn, mấy ngủ vì hoa. Ngày thì tất bật buôn bán, đêm thức trắng chong đèn canh chừng hoa, chỉ mong mua may, bán đắt để kịp về quê đón tết với gia đình” - ông Nhân tâm sự.
Võ Nguyên