Xuân về, khu định canh - định cư của đồng bào dân tộc Chơro ở ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) rực rỡ sắc hoa. Trên ngọn núi Gia Lào nhìn xuống làng hoa Trung Sơn, những ruộng hoa vạn thọ vàng, đỏ đang lấp lánh khoe sắc cùng hoa cúc, lay-ơn, mào gà… dưới nắng xuân. "Năm nay, đời sống bà con trong ấp hơn hẳn. Chắc chắn mọi người sẽ ăn tết to, xôm tụ hơn năm ngoái" - Trưởng ấp Trung Sơn Nguyễn Xuân Mạnh khẳng định.
Xuân về, khu định canh - định cư của đồng bào dân tộc Chơro ở ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) rực rỡ sắc hoa. Trên ngọn núi Gia Lào nhìn xuống làng hoa Trung Sơn, những ruộng hoa vạn thọ vàng, đỏ đang lấp lánh khoe sắc cùng hoa cúc, lay-ơn, mào gà… dưới nắng xuân. “Năm nay, đời sống bà con trong ấp hơn hẳn. Chắc chắn mọi người sẽ ăn tết to, xôm tụ hơn năm ngoái” - Trưởng ấp Trung Sơn Nguyễn Xuân Mạnh khẳng định.
Hoa vạn thọ khoe sắc cùng nắng xuân. |
Con đường Cây Me vừa được bê tông như khoe dáng với hoa, dọc hai bên đường toàn hoa với hoa. Trưởng ấp Nguyễn Xuân Mạnh vóc người nhỏ thó nên lọt thỏm giữa mênh mông hoa vạn thọ, cúc, lay-ơn, mào gà và những nông dân trồng hoa to khỏe, dạn dày sương gió. Trước bao nhiêu là hoa và niềm hân hoan của những người trồng hoa, ông Mạnh chia sẻ: “Cứ mỗi độ xuân về, ấp Trung Sơn lại rực rỡ sắc hoa. Hoa từng bước xóa đi cái khổ, cái nghèo của nông dân trong ấp”.
* Vui buồn với hoa
Năm nào cũng vậy, chờ nàng xuân lởn vởn trên ngọn núi Gia Lào, vợ chồng anh Trịnh Minh Sơn dọn đất trồng 1 sào hoa vạn thọ, cúc và 4 sào hoa lay-ơn. Nhà có bao nhiêu đất, vợ chồng anh trồng bấy nhiêu hoa. Nhờ vụ hoa tết, xuân nào gia đình anh Sơn cũng rộn ràng. Anh Sơn bày tỏ, thu hoạch xong vụ hoa tết, vợ chồng anh dọn đất trồng môn, bắp, củ sắn... Những cây trồng này cho thu nhập tuy không cao hơn trồng hoa, nhưng vợ chồng anh vẫn phải trồng tỉa quanh năm để có tiền nuôi 2 con đang ăn học và dành dụm xây nhà.
Gần chục hécta đất của ấp Trung Sơn mùa nắng rực rỡ sắc hoa, người trồng hoa luôn rủng rỉnh tiền tiêu tết. Tuy vậy, vẫn còn những khu đất bỏ hoang dưới nắng xuân.
Nông dân Nguyễn Văn Sanh (71 tuổi) bày tỏ, đất bỏ hoang cho cỏ cháy vụ đông - xuân là đất xấu, đất ruộng cao, không thích hợp với cây hoa và do thiếu nước tưới, thiếu vốn đầu tư. Những khu ruộng màu mỡ, nguồn nước tưới dồi dào thì bà con ở đây trồng hoa, trồng bắp, rau ăn lá. Ông Sanh lẩm nhẩm tính, 1 sào trồng hoa lãi chừng 15-20 triệu đồng/vụ; trồng bắp chỉ lãi 4-5 triệu đồng/vụ; còn trồng rau ăn lá lãi hơn trồng bắp một chút, nhưng thua hẳn trồng hoa.
Nhà có 7 sào đất, ông Tòng Văn Út chỉ trồng vỏn vẹn 1 sào hoa, 6 sào còn lại ông trồng bắp vụ đông - xuân. Ông Út bộc bạch, ông rất muốn trồng thật nhiều hoa trong vườn để vừa có tiền tiêu tết, vừa làm đẹp cho làng. Do mỗi sào hoa đầu tư gần 20 triệu đồng nên ông không đủ vốn trồng nhiều. Đặc biệt, trồng hoa nhiều mà không có người mua sẽ càng khổ hơn.
Ông Út thật bụng tâm sự, chừng nào nông dân trong làng liên kết lại với nhau thành tổ trồng hoa, hoặc có mối ký hợp đồng thu mua hoa tại ruộng ngay từ khi xuống giống thì ông mới mạnh dạn vay vốn ngân hàng trồng hoa hết 7 sào đất. Trồng hoa để bán chứ không phải để ngắm, chưng tết. Cho nên, hoa đến kỳ thu hoạch, tết đã cận kề mà chưa có người đến mua, nông dân nhìn hoa bồn chồn, muốn quên cả xuân.
* Mùa xuân ấm áp
Qua ngày tiễn ông Táo về trời, những ruộng hoa vạn thọ, cúc, lay-ơn, mào gà của nông dân ấp Trung Sơn lần lượt được các thương lái từ khắp nơi đến thu mua, chở về các chợ to nhỏ bỏ mối. Lúc này, vườn hoa của nhà nông chỉ còn là khu đất trống đầy dấu chân.
Cầm cọc tiền to vừa bán hoa, anh Trịnh Minh Sơn chưa vội cất vào tủ mà ngồi nhẩm tính các khoản chi phí phải thanh toán, chi tiêu ngày tết, chuẩn bị đầu tư cho vụ khoai môn sau tết... Anh Sơn tâm sự, ngoài vụ hoa tết, anh còn dành ít đất trong vườn trồng hoa bán ngày thường, ngày lễ; đồng thời từng bước chuyển một phần đất vườn sang trồng tiêu để đa dạng cây trồng, sớm có nguồn thu ổn định.
Nông dân Nguyễn Văn Thái với vườn hoa lay-ơn nở kịp tết của gia đình. |
Bên vườn hoa lay-ơn xanh mượt, nông dân Nguyễn Văn Thái hả hê với thành quả lao động cuối năm khá mĩ mãn. Nông dân Thái khoe, vụ này anh có thể kiếm được khoảng 20 triệu đồng/sào hoa lay-ơn. Số tiền đó đủ cho gia đình anh trang trải ngày tết và tái đầu tư vườn tược. “Nhờ xã bê tông và mở rộng đường Cây Me nên việc thu hoạch, vận chuyển hoa năm nay thuận lợi gấp nhiều lần so với mấy năm trước. Trước kia, nông dân chúng tôi thu hoạch hoa xong phải chở bằng xe máy, xe đẩy ra đường lớn cho tiểu thương bốc lên xe tải nên tốn nhiều công, chi phí thu hoạch vì vậy tăng thêm” - nông dân Thái tỏ bày.
Phó chủ tịch UBND xã Xuân Trường Lương Minh Tân cho hay, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, ấp Trung Sơn chuyển mình rất mạnh về đời sống, hạ tầng giao thông, kinh tế… Trên tinh thần đó, người dân ấp Trung Sơn tiếp tục cùng xã từng bước nâng chất nông thôn mới tăng nhanh giá trị sử dụng đất, nâng cao đời sống, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. |
Ấp Trung Sơn có khoảng 30 hộ dân trồng hoa trên diện tích 10 hécta. Không chỉ người trồng hoa ở đây vui tết, mà nông dân trồng tiêu, bắp, thuốc lá, đậu cũng thoải mái. Trưởng ấp Nguyễn Xuân Mạnh bật mí, ấp Trung Sơn hiện chỉ còn 10 hộ nghèo, khó khăn. Số hộ khá, giàu trong ấp chiếm khoảng 40% số hộ trong ấp (ấp có 513 hộ dân). Cây hoa là cây trồng chủ lực vào dịp tết của nông dân các tổ: 5, 6 và 7. Trong khi ở các tổ còn lại, cây tiêu là cây trồng chủ lực và thời điểm này đang thu hoạch tiêu nên tết đến ai cũng vui, gia đình đủ đầy như nhau. “10 năm trở lại đây, nông dân ấp Trung Sơn bắt đầu chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng thị trường, không còn tình trạng trồng - chặt, chặt - trồng như trước nữa. Ngoài 70 hécta tiêu, 15 hécta điều cao sản, 30 hécta hoa màu, nông dân ấp Trung Sơn chú trọng phát triển tổng đàn dê trên 1 ngàn con, hơn 200 con bò” - ông Mạnh cho biết thêm.
Sinh ra và lớn lên dưới chân núi Gia Lào, già làng Văn Lương đã thấu hiểu tình trạng du canh - du cư cơ cực của đồng bào Chơro ở đây. Cho nên, khi xã, huyện, tỉnh vận động dân làng vào các khu định canh - định cư và hỗ trợ nhà, đất ở, vốn vay, kỹ thuật sản xuất…, đồng bào Chơro của già Văn Lương từng bước thoát nghèo, vươn lên đủ đầy.
Già làng Văn Lương cho hay, trước kia đồng bào Chơro của già vì mải mê sống du canh - du cư và quen lối canh tác lạc hậu nên tết đến nhà nào cũng thiếu ăn, cần Nhà nước hỗ trợ. Nay nhờ cây hoa, cây tiêu, dê, bò... mang lại giá trị kinh tế cao, họ không còn lo tết thiếu hụt như trước nữa. “Năm nay già bệnh hoài nên giao đất cho con cháu làm. Nghe con cháu báo tin được mùa, già cũng vui lây” - cố nén đau đớn của bệnh tật, già Văn Lương bày tỏ niềm vui đón năm mới với chúng tôi.
Đoàn Phú