Ấp Bến Nôm (xã Phú Cường, huyện Định Quán) giờ đã được phân thành 2 ấp Bến Nôm 1 và Bến Nôm 2. Những Việt kiều Campuchia nghèo khó ở Bến Nôm trước đây nhờ chuyển đổi nghề nghiệp đã sớm tạo dựng được cuộc sống mới.
Ấp Bến Nôm (xã Phú Cường, huyện Định Quán) giờ đã được phân thành 2 ấp Bến Nôm 1 và Bến Nôm 2. Những Việt kiều Campuchia nghèo khó ở Bến Nôm trước đây nhờ chuyển đổi nghề nghiệp đã sớm tạo dựng được cuộc sống mới.
Ngư dân Tư Quới nay bỏ nghề đánh bắt cá tự nhiên để lên bờ lập trại nuôi cá sấu. |
Trưởng ấp Bến Nôm 2 Nguyễn Thanh Hoàng cho hay, Việt kiều Campuchia chiếm 80% dân cư trong ấp. Giờ họ đã biết nuôi cá trong ao; nuôi dê, bò trong chuồng; trồng cây trong vườn, hoặc đi làm công nhân, chứ không bị phụ thuộc vào con cá đánh bắt ở lòng hồ Trị An như ngày trước nữa.
* Từng Phụ thuộc vào cá
Là ngư dân kỳ cựu ở làng cá Bến Nôm, ông Trần Học cho biết, những năm hồ Trị An mới tích nước, cá, tôm rất nhiều. Vì vậy, Việt kiều từ Campuchia lũ lượt di cư về đây hành nghề chài lưới và đã hình thành nên làng cá Bến Nôm. “Đa phần số hộ sinh sống tại ấp Bến Nôm 2 đều làm nghề cá. Thời điểm lòng hồ cạn nước là lúc họ ăn nên làm ra; các tháng còn lại thì làm nghề thất thường lắm. Cuộc sống của người dân tụi tui trước đây hoàn toàn phụ thuộc vào con cá, con tôm ở hồ Trị An” - ông Học cho hay.
Do cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào lòng hồ Trị An, cư dân Việt kiều Campuchia phải dồn hết vốn liếng để đóng các loại ghe to, nhỏ làm nghề chài lưới mưu sinh mà quên đi nếp nhà tươm tất, không lo chuyện học hành cho con em mình.
Bí thư chi bộ ấp Bến Nôm 2 Nguyễn Văn Mãi cho biết, trước kia tài sản duy nhất, đáng giá nhất của Việt kiều Campuchia ở Bến Nôm 2 là ghe, thuyền, ngư cụ. Nay những thứ đó không quan trọng bằng quyền sử dụng đất; đàn bò, dê; trại cá sấu, ba ba; vườn tiêu; cơ sở dịch vụ… “Một khi bà con Việt kiều Campuchia thoát khỏi sự phụ thuộc vào con cá tự nhiên, nhạy bén với nhịp sống nông thôn mới thì cái khó, cái khổ, cái lạc hậu biến mất” - ông Mãi khẳng định. |
Lão ngư Ba Lượm (82 tuổi) nhớ lại, vào năm 1983 ông đưa gia đình từ Campuchia về Bến Nôm khai thác rừng. Khi Nhà máy thủy điện Trị An tích nước làm thủy điện, ông đưa vợ con trở lại Campuchia sinh sống. Đến năm 1988, hay tin lòng hồ Trị An xuất hiện nhiều cá, ông rủ vài gia đình Việt kiều Campuchia về Bến Nôm định cư cho đến hôm nay. “Ngày đó cá tôm nhiều nhưng bán chẳng được mấy đồng, nên cuộc sống của ngư dân cũng túng thiếu quanh năm” - lão ngư Ba Lượm nói.
Rồi cá, tôm ở lòng hồ Trị An ngày một khan hiếm, ngư dân Bến Nôm càng đánh bắt càng bị “mo” (thua lỗ). Nhưng vì cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào con cá, con tôm nơi lòng hồ nên ngư dân Bến Nôm càng xơ xác.
Ngư dân Út Mạnh cho hay, cá, tôm sinh sản không kịp cho ngư dân đánh bắt nên cuộc sống của họ ngày một khó khăn hơn. Ngư dân càng cố quần thảo lòng hồ thì tôm, cá càng biệt tăm. Vì vậy, ngư dân làng chài Bến Nôm 2 không còn đóng mới ghe thuyền để hành nghề chài lưới nữa, bỏ mặc cho ghe mục nát dưới bến, hoặc kéo lên bờ che bạt để đó. “Trước đây tụi tui chỉ biết làm nghề cá để sống, nên dù đánh bắt có cá hay không vẫn cố giong thuyền, vác lưới ra hồ quần thảo kiếm kế sinh nhai. Nay tụi tui từng bước chuyển nghề để theo kịp sự phát triển của xã hội nhằm đem lại cuộc sống ấm no cho gia đình” - ngư dân Út Mạnh nói.
* Đổi thay
8 giờ sáng, làng cá Bến Nôm nay im lặng khác thường, ngư dân trong làng như biến đâu mất. Ông Nguyễn Thanh Hoàng khẽ nói với chúng tôi: “Thời kỳ cá, tôm còn nhiều, mới mờ sáng các bến cá đã nhao nhao kẻ bán người mua. Nay cá đánh bắt được bán ngay dưới nước cho hợp tác xã nên chỉ cần nhìn nét mặt của các ngư dân lúc lên bờ là đoán được họ bị “mo” hay trúng lớn sau một đêm thức trắng. Nay khác xưa rồi, người dân Bến Nôm 2 giờ đã biết chuyển đổi công việc làm ăn, không còn phụ thuộc vào con cá, con tôm ở hồ Trị An nữa”.
Rồi ông Hoàng nêu dẫn chứng, cái quán nước xập xệ nằm trước văn phòng ấp mà ông ngồi tiếp chuyện chúng tôi 5 năm trước giờ đã được san phẳng làm sân bóng chuyền; văn phòng ấp được xây mới với kinh phí trên 300 triệu đồng; đường đất trong ấp đã nhựa hóa và bê tông đạt trên 90%; nhà tranh, nhà gỗ được thay thế bằng nhà xây cấp 4, cấp 3; những hàng quán lèo tèo nay đã thành shop, quán sân vườn lịch sự... Đặc biệt, những công dân Việt kiều Campuchia thế hệ trước mù chữ, nay con cháu họ đã có 100 người học đại học, cao đẳng…
Đó là những thứ nhìn thấy được bằng mắt, qua những con số mà Trưởng ấp Hoàng cung cấp và dẫn chúng tôi đi kiểm chứng thực tế. Tuy vậy, những nét mới đang thúc giục Việt kiều Campuchia thay đổi tư duy để bắt nhịp cuộc sống nông thôn mới phải do chính miệng Việt kiều Campuchia nói ra thì chúng tôi mới hình dung được.
Đàn dê của ngư dân ấp Bến Nôm 2 hiện có trên 1 ngàn con. Trong ảnh: Ngư dân Hai Lâm với đàn dê trên 40 con. |
Ngư dân Bảy Ên kể, sau 3 năm lên bờ lập chuồng trại nuôi dê, nuôi ba ba, cuộc sống của gia đình ông khác hẳn. Không chỉ xây được căn nhà trị giá 200 triệu đồng, nay ông Bảy Ên còn mua được đất để trồng tiêu.
Còn ngư dân Ba Chí thì nay xem nghề chài lưới là nghề phụ, việc chính của ông là chăm sóc 40 con dê, mấy sào tiêu. Các con của ông cũng bỏ nghề cá, xin làm công nhân tại Cụm công nghiệp Phú Cường.
Ông Ba Chí tâm sự, từ ngày chính quyền địa phương và Trưởng ấp Hoàng hỗ trợ dân Việt kiều Campuchia hết mình trong việc nhập khẩu, các giấy tờ liên quan đến nhân thân, bà con Việt kiều mới tự tin, mạnh dạn chuyển đổi nghề nghiệp, rời Bến Nôm 2 đi tìm việc làm. “Sống mà không có giấy tờ tùy thân tụi tui thua thiệt đủ điều, đi đâu, làm gì cũng lo, cũng sợ hết” - ông Ba Chí bộc bạch.
Ấp Bến Nôm 2 của Trưởng ấp Hoàng và gần 500 Việt kiều Campuchia giờ đã hòa mình vào nông thôn mới. Câu chuyện đánh bắt cá liên tục bị “mo” không còn là lý do để biện minh cho cái nghèo, cái khó nữa, mà đó chính là động lực để người dân thay đổi tư duy làm ăn, quyết tâm rời lòng hồ Trị An để lên bờ chăn nuôi, trồng trọt, làm công nhân, phát triển dịch vụ... “Người dân ấp Bến Nôm 2 giờ không còn phụ thuộc vào con cá tự nhiên ở hồ Trị An nữa. Đó chính là mấu chốt để Bến Nôm 2 thay đổi, hòa mình vào sự phát triển chung của xã, huyện” - ông Hoàng cho hay.
Đoàn Phú