Lái xe taxi lâu nay được xem là công việc của nam giới. Nhưng ít người biết rằng, trong nghề này còn có những "bóng hồng" vẫn ngày đêm rong ruổi trên những con đường, tận tình phục vụ hành khách.
Lái xe taxi lâu nay được xem là công việc của nam giới. Nhưng ít người biết rằng, trong nghề này còn có những “bóng hồng” vẫn ngày đêm rong ruổi trên những con đường, tận tình phục vụ hành khách.
Đặc thù công việc luôn phải tiếp xúc với nhiều người, nhiều đối tượng khác nhau nên trải qua thời gian, nghề lái xe taxi cũng cho các chị nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Vui có, buồn có, nguy hiểm đến tính mạng cũng có, song vì đam mê, vì cái nghiệp đã ngấm sâu vào người nên nhiều chị vẫn nặng tình, không dứt chiếc xe taxi ra được.
* Vui vì được đi khắp nơi
Đặc thù công việc làm theo ca 24 tiếng/ngày (làm một ngày nghỉ một ngày) nên trong một tháng, thời gian làm chính thức của nữ tài xế taxi chỉ 15 ngày. Do đó, tùy vào sức khỏe, khả năng của mỗi người mà làm nhiều hay ít, không bắt buộc. Ăn, ngủ trên xe và gần như phần lớn thời gian trong ngày đều ở trên những cung đường nên đòi hỏi những tài xế taxi nữ phải có sức khỏe dẻo dai và tinh thần trách nhiệm cao với công việc.
Chị Nguyễn Thị Hằng tươi cười bên chiếc xe taxi của mình. |
Gần 12 giờ trưa, vừa chở khách từ TP.Hồ Chí Minh về công ty, chị Nguyễn Thị Hằng (lái xe taxi hãng V. tại Đồng Nai) đã ngồi tiếp chuyện với các đồng nghiệp nam. Chị là một trong 5 nữ tài xế của hãng trên địa bàn tỉnh.
Với 6 năm trong nghề, cùng với chiếc xe taxi, chị Hằng đã tận hưởng được nhiều niềm vui của cuộc sống. Được đi nhiều nơi, được tới những miền đất mới... là những lý do khiến nhiều phụ nữ như chị Hằng gắn bó với nghề tài xế taxi. “Hồi trước tôi ở nhà làm nội trợ. Về sau, tôi không muốn ở nhà nữa nên xin vào hãng lái taxi. Tôi lớn tuổi nên xin việc công ty cũng khó, ít việc phù hợp. Làm việc này tuy suốt ngày ngoài đường, nhưng được cái thoải mái, thu nhập cũng ổn định, được đi khắp nơi, biết được nhiều thứ như đi du lịch vậy” - chị Hằng chia sẻ.
Từ những va chạm trong nghề lái taxi, chị Nguyễn Thị Hằng chia sẻ: “Để hạn chế rủi ro khi lái xe, các chị em nên hạn chế chạy quá khuya, cảnh giác với các vị khách, đặc biệt là hành khách say xỉn. Với những khách từ các quán bar thì hạn chế chở, trừ trường hợp bắt buộc, bởi nhiều đối tượng sau khi sử dụng ma túy ngồi trong xe thường hay mất bình tĩnh, hành vi khó kiểm soát, rất nguy hiểm”. |
Đồng nghiệp của chị Hằng, chị Nguyễn Thu Hương có hoàn cảnh khác. Quyết định từ bỏ công việc sau 9 năm làm công nhân may, chị Hương đi học lái xe trong sự phản đối của gia đình. Vì đam mê lái xe đi đây đó và một phần vì hạnh phúc gia đình không trọn vẹn nên chị quyết định làm lại từ đầu cùng chiếc xe taxi. Chị Hương tâm sự: “Làm công nhân may 9 năm lương cũng khá, nhưng tôi thấy thích cái nghề này, bởi được đi nhiều nơi. Một lý do khác, tôi muốn làm công việc thoải mái, ít áp lực để quên đi nỗi buồn khi vừa mới ly hôn”.
Cái nghề lái taxi còn cho các chị thêm kiến thức, thêm cách ứng xử với mọi người trong xã hội khi mỗi ngày gặp gỡ, trò chuyện với nhiều vị khách khác nhau. Những người khách mà các chị chở đi thuộc mọi đối tượng, mọi tầng lớp trong xã hội; được trò chuyện với hành khách qua mỗi chuyến xe, các chị lại có thêm kinh nghiệm sống, hiểu thêm về xã hội, về những mảnh đời khác nhau.
Chị Võ Thị Kim Thắm (lái xe taxi hãng M.L tại Đồng Nai) nói: “Tôi làm tài xế taxi vì niềm đam mê từ nhỏ. Lái xe được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người nên tôi hiểu thêm được nhiều thứ từ những vị khách của mình. Nghe họ nói chuyện, tôi biết thêm nhiều điều về xã hội, về cách ứng xử giữa con người với nhau, chia sẻ với họ những niềm vui và nỗi buồn. Từ đó giúp tôi có nhiều cách nhìn về một vấn đề, dạy cho tôi biết ứng xử với người khác tốt hơn”.
* Những bài học nhớ đời
Bên cạnh những niềm vui, tài xế taxi nữ còn gặp không ít chuyện rắc rối, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Với chị Hằng, vụ cướp xảy ra năm 2010 khiến chị không bao giờ quên.
Lúc đó khoảng 2 giờ sáng, sau khi chở khách xong, chị quay về thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom). Khi xe đang dừng thì có 4 thanh niên độ tuổi khoảng 16-17 đến gọi xe. Chị Hằng vừa bước ra khỏi xe thì nhóm thanh niên này rút mã tấu ra khống chế chị. Sau đó, bọn chúng cướp lấy tiền, điện thoại di động… Thậm chí, thấy trên tay chị có đeo chiếc nhẫn, chúng dọa sẽ chặt tay nếu chị không tháo nhẫn ra đưa cho chúng. Mất tài sản, chị tìm tới cơ quan công an trình báo và một thời gian sau thì nhóm cướp này sa lưới.
Nhớ lại cảm giác khi đó, chị Hằng cho biết: “Lúc đó tôi không cảm thấy sợ hãi, vì nghĩ bọn cướp còn rất trẻ và biết chúng chỉ lấy tài sản nên không lo lắng lắm. Mất tiền cũng buồn, nhưng vẫn phải lạc quan đi làm tiếp và coi đó như là một tai nạn nghề nghiệp thôi”.
Ngoài vụ cướp nói trên, trong suốt thời gian bám nghề tài xế taxi, chị Hằng còn bị nhiều kẻ mà chị gọi là “quỷ” quỵt tiền, “quỷ” dê say rượu giở thói đồi bại. “Quá trình làm việc tôi cũng gặp nhiều người say xỉn, có kẻ lợi dụng say rượu để sờ mó mình nữa. Khi ấy tôi tức lắm, nhưng phải cố giữ bình tĩnh. Mất của thì phải chịu, chứ gặp những gã say xỉn tìm cách lợi dụng mình thì cứ chở đến công an, hay tới những nơi đông người cho họ biết tay” - chị Hằng nói.
Chị Võ Thị Kim Thắm cẩn thận lau chùi xe sau mỗi chuyến đi. |
Với chị Thắm, vụ bị cướp xe xảy ra với chị đã trở thành bài học xương máu. Tối 10-8-2010, chị được 3 thanh niên thuê xe chở từ xã Hóa An đến huyện Long Thành dự đám tang người quen. Xe tới gần trạm thu phí thuộc xã Tam Phước (TP.Biên Hòa) thì nhóm khách này chỉ đường cho chị vào một con đường nhỏ, vắng người qua lại. Sau đó, 2 tên ngồi sau bất ngờ dùng roi điện chích vào người chị Thắm, làm chị bất tỉnh. Khi thấy chị Thắm nằm bất động, bọn cướp đã trói tay chân chị lại rồi bỏ xuống đường, cướp xe taxi tẩu thoát. “Chúng vừa đi khỏi thì tôi dậy. Khi bị chích điện, tôi biết mình gặp phải bọn cướp nên giả vờ bị ngất, nếu chống cự sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Lúc đó tôi cũng thấy sợ, nhưng biết làm gì được trong tình huống ấy khi mình là nữ, lại chỉ có một mình. Tuy gặp chuyện như thế nhưng tôi không bỏ được nghề, có khi lại gắn bó với nó hơn” - chị Thắm chia sẻ.
Một khi đã yêu nghề lái xe taxi thì có khó khăn, vất vả thế nào họ vẫn cố gắng vượt qua. Gắn bó với chiếc xe xuôi ngược khắp các nẻo đường nên với các chị chiếc xe có tình cảm rất đặc biệt, bởi thường ngày các nữ tài xế ăn cùng xe, ngủ cùng xe, rồi những chuyện vui buồn của cuộc sống cũng từ xe mang lại. Vậy nên, từ lâu chiếc xe taxi đã trở thành “ngôi nhà di động” giúp các chị vươn lên trong cuộc sống.
Thiên Quyết