Hiện tượng xà lan va, đâm vào các cây cầu xảy ra thời gian gần đây ngày càng nhiều. Nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn được xác định: dù khoảng cách an toàn giữa xà lan với gầm cầu không đảm bảo, nhưng tài công vẫn cố tình cho xà lan di chuyển qua cầu đường sông, gây ra va chạm.
Hiện tượng xà lan va, đâm vào các cây cầu xảy ra thời gian gần đây ngày càng nhiều. Nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn được xác định: dù khoảng cách an toàn giữa xà lan với gầm cầu không đảm bảo, nhưng tài công vẫn cố tình cho xà lan di chuyển qua cầu đường sông, gây ra va chạm.
Các ghe tải, xà lan chở vật liệu xây dựng bị “cầm chân” một chỗ đoạn gần cầu Hóa An (ảnh chụp ngày 21-3). |
Hàng ngày, các xà lan chở đầy vật liệu xây dựng vẫn ung dung di chuyển ngược xuôi trên sông được nhiều người ví là các “quả núi” di động, có thể đâm, va với các chân cầu hoặc phương tiện giao thông đường thủy khác bất cứ khi nào.
* Hiểm họa từ những “quả núi” di động
Sau vụ xà lan chở cát làm sập cầu Ghềnh vào ngày 20-3, người dân lại dấy lên lo ngại về sự an toàn giao thông trên tuyến đường thủy đoạn qua Đồng Nai. Đây không phải là lần đầu tiên xà lan húc vào cầu, mà trước đó nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra trong cả nước. Cụ thể, ngày 18-9-2015, một chiếc xà lan chở hàng trăm tấn cát va vào và làm hư hỏng cầu Long Kiểng (TP.Hồ Chí Minh), tiếp đó ngày 1-11-2015 cầu Bình Triệu (TP.Hồ Chí Minh) bị một xà lan chở đá va chạm… Nhiều người lo ngại cho rằng những chiếc xà lan chở vật liệu chính là “hung thần” trên các tuyến đường sông.
Ông Phan Văn Duy, Cục phó Cục Đường thủy nội địa Bộ Giao thông - vận tải, cho biết: “Những phương tiện trọng tải lớn, đặc biệt là các xà lan, chở vật liệu xây dựng thường xuyên lưu thông trên sông, nhưng sự hiểu biết về địa lý, luồng lạch của các tài công rất hạn chế. Rất nguy hiểm nếu để các phương tiện này đi qua các cây cầu không có vành đai bảo vệ quanh chân cầu. Do đó, lực lượng chức năng địa phương phải kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các trường hợp xà lan cố tình đi qua cầu khi độ tĩnh không không đảm bảo”. |
Tại TP.Biên Hòa, hàng ngày người dân ở hai bên bờ sông Đồng Nai đoạn qua các xã Hiệp Hòa, Tân Hạnh, Hóa An… đều chứng kiến cảnh những chiếc xà lan lớn chở đầy vật liệu xây dựng di chuyển ngược xuôi ầm ĩ. Khối lượng chở của các xà lan từ vài trăm đến cả ngàn tấn. Nếu gặp sóng to, gió lớn, những chiếc xà lan này rất dễ bị chìm, gây cản trở dòng chảy, chưa kể xà lan có thể bị trôi, va vào thành cầu và công trình giao thông khác, gây ra tác hại rất nặng nề.
Nói về vi phạm của các xà lan chở vật liệu trên sông, một nhân viên trực gác ở khu vực cầu Rạch Cát (TP.Biên Hòa) cho biết, tài công biết rõ các quy định khi tham gia giao thông đường thủy cũng như hiểu rõ việc kéo xà lan chui qua cầu lúc thủy triều lên sẽ rất nguy hiểm, nhưng họ vẫn bất chấp kéo xà lan về phía cầu. Trên đoạn sông Đồng Nai những lúc thủy triều đang lên, dòng nước thay đổi liên tục, tĩnh không giữa cầu với xà lan rất thấp nếu qua cầu sẽ có thể gây họa bất cứ lúc nào.
Ngày 21-3, sau khi cầu Ghềnh gặp sự cố, giao thông đường thủy đoạn qua khu vực này đã bị phong tỏa hoàn toàn. Các phương tiện trọng tải lớn không được phép di chuyển và buộc phải dừng, neo đậu ở hai đầu cầu Hóa An và cầu Đồng Nai.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, có đến hàng chục ghe, thuyền, xà lan bị “cầm chân” tại đây. Trong đó, chủ yếu là các xà lan chở vật liệu xây dựng đang trên đường vận chuyển buộc phải dừng lại. Tại đoạn gần cầu Hóa An, nhiều xà lan đậu san sát nhau, dàn hàng ngang trên sông. Hầu như các xà lan đều chở với khối lượng rất lớn, mức nước đã ngấp nghé thành xà lan và đã vượt quá vạch an toàn.
* Tai nạn rình rập
Có thể nói, việc chở vật liệu xây dựng quá vạch an toàn đối với các xà lan, ghe tải không phải là vấn đề mới. Hàng ngày, những chiếc xà lan chở cát, đá… vẫn nối đuôi nhau di chuyển ì ạch trên nhiều đoạn sông qua địa phận Đồng Nai. Những vi phạm này diễn ra thường xuyên, nhưng đến nay các lực lượng chức năng vẫn chưa thể ngăn chặn và xử lý dứt điểm.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Phan Trong, Phó chánh thanh tra Sở Giao thông - vận tải, lý giải: “Từ đầu năm đến nay, Thanh tra giao thông đã xử phạt tổng cộng 32 trường hợp vi phạm, thậm chí không ít xà lan, ghe tải tái vi phạm nhiều lần. Lực lượng Thanh tra giao thông đường thủy mỗi khi lập biên bản các trường hợp vi phạm chở đá, cát xây dựng quá tải còn phát hiện thêm các lỗi như: người điều khiển không có bằng thuyền trưởng, thiếu thuyền viên giám sát kỹ thuật…”.
Xà lan chở vật liệu xây dựng vượt quá vạch dấu an toàn di chuyển trên sông Cái, đoạn qua xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa. |
Ngoài tình trạng xà lan chở hàng quá tải, vấn đề kiểm soát các điều kiện đảm bảo an toàn khi điều khiển phương tiện đối với những tài công lái xà lan dường như còn bỏ ngỏ bấy lâu nay. Vào tối 30-4-2014, Nguyễn Văn Lường (35 tuổi, thuyền viên) lái chiếc tàu LA 0660H kéo theo xà lan LA-05400 lưu thông trên sông Đồng Nai đã đâm vào dầm cầu Hóa An cũ phía thượng nguồn sông Đồng Nai (đoạn giữa trụ số 10 và 11 tính từ TP.Biên Hòa) làm vỡ 7m bê tông, lòi cốt thép bên trong.
Điều đáng nói, dù không có giấy phép điều khiển phương tiện, nhưng Lường vẫn sẵn sàng nhận lời khi có đề nghị từ phía tài công. Thậm chí, Lường còn ăn nhậu, có nồng độ cồn vượt quá quy định cho phép, dẫn đến không đủ tỉnh táo để điều khiển phương tiện. Hậu quả, xà lan đâm vào dầm cầu khiến cây cầu phải dừng hoạt động hơn một tháng.
Thượng tá Ứng Doãn Thùy, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Đồng Nai, khẳng định từ trước đến nay ngành đều xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, không có sự buông lỏng hay châm chước đối với bất cứ đối tượng nào. Có thể do mức xử phạt trên đường thủy chưa đủ mạnh, nhiều chủ tàu, tài công vẫn cố tình vi phạm nên không xử lý được triệt để các trường hợp vi phạm.
Hiện nay, lượng phương tiện lưu thông trên các tuyến sông ở Đồng Nai ngày càng nhiều, cộng thêm xà lan chạy qua va, đâm liên tục trong thời gian qua khiến vấn đề an toàn giao thông đường sông rất đáng lo ngại. Để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, thời gian tới lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Thanh Hải