Báo Đồng Nai điện tử
En

Có những phút làm nên lịch sử

12:03, 26/03/2016

Trên tấm bia đặt tại ấp 3, xã Tà Lài (huyện Tân Phú) ghi rằng: "Ngày 27-3-1941 được sự giúp đỡ của đồng bào, 8 đảng viên cộng sản đã vượt ngục về với cách mạng, trở thành những nhân tố, nòng cốt củng cố Xứ ủy Nam Kỳ, góp phần quan trọng trong thắng lợi cách mạng giải phóng miền Nam và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc".

Trên tấm bia đặt tại ấp 3, xã Tà Lài (huyện Tân Phú) ghi rằng: “Ngày 27-3-1941 được sự giúp đỡ của đồng bào, 8 đảng viên cộng sản đã vượt ngục về với cách mạng, trở thành những nhân tố, nòng cốt củng cố Xứ ủy Nam Kỳ, góp phần quan trọng trong thắng lợi cách mạng giải phóng miền Nam và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”.

Bức phù điêu được phục dựng lại tại vị trí cũ của nhà tù Tà Lài trước đây.
Bức phù điêu được phục dựng lại tại vị trí cũ của nhà tù Tà Lài trước đây.

75 năm trước, ngay sau khi thông tin một nhóm tù nhân vượt ngục được cấp báo, địch đã huy động hàng trăm quân lính phong tỏa, truy lùng tù nhân, nhưng đã quá muộn. Các đồng chí đã “vượt ải” thành công trở về với đồng bào gây dựng lại phong trào cách mạng.

* Quyết tâm tìm về với cách mạng

Trong hồi ký của mình, đồng chí Trần Văn Giàu gọi nhà tù Tà Lài là “Căng Tà Lài, trại lao động đặc biệt”. Bởi chính quyền thực dân cho rằng, tù nhân bị giam tại đây không thể nào có cơ hội trốn thoát trước sự kiểm soát gắt gao của bọn lính quân quản. Và quan trọng hơn là với địa thế hoàn toàn biệt lập với bên ngoài, nếu có trốn thoát thì sớm muộn gì cũng bị lạc trong rừng rú sâu thẳm trở thành miếng “mồi” ngon cho thú dữ hoặc bị thiếu đói mà chết.

Sự khắc nghiệt của điều kiện thiên nhiên nơi đây, còn được đồng chí Dương Quang Đông kể lại: “Nếu không bị thú rừng ăn thịt, thì cũng bị lũ vắt hút cho cạn máu. Đã có người phải bỏ mạng giữa rừng vì nhiễm trùng do vắt cắn, chưa kể cơn đói khát luôn thường trực vì lạc trong rừng sâu cả tháng trời. Sống trong cảnh bị giam cầm, nhiều người đã nuôi ý chí vượt ngục để trở về với tự do, tham gia đấu tranh cách mạng”.

Sau Tết Nguyên đán Tân Tỵ (năm 1941), khí thế cách mạng dâng cao, anh em chiến sĩ bị giam cầm tại đây lúc nào cũng trong tâm thế sớm vượt ngục trở về với đồng bào. Nắm bắt thời cơ ấy, tổ chức Đảng bí mật tại nhà tù đã lên kế hoạch vượt ngục một cách kỹ càng và cẩn trọng. Từ chỗ chọn người để tham gia nhóm vượt ngục, tìm hướng đi để kẻ thù không kịp truy bắt, tạo giấy tờ nhân thân đến chuyện trữ thuốc men, lương thực dự phòng cho chuyến đi quan trọng.

Giữa đêm 27-3-1941, trong khi núi rừng tĩnh lặng còn yên giấc, đồng chí Trần Văn Giàu đánh tiếng ho nhẹ báo hiệu cho đồng đội chuẩn bị xuất phát. Trong chuyến đi ấy còn có các chiến sĩ cách mạng: Dương Quang Đông, Trần Văn Kiệt, Trương Văn Nhâm, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Công Trung, Tô Ký và Châu Văn Giác.

Trước lúc đi, đồng chí Trần Văn Giàu còn để lại lá thư cho tên chủ ngục là Thiếu tá Ménétrier với hàm ý: “Chúng tôi ra đi không phải vì chế độ hà khắc của nhà tù, cũng không phải vì cha già mẹ yếu, vợ dại con thơ. Mà chúng tôi ra đi với trách nhiệm cao cả khi Tổ quốc bị xâm lược…”.

* Một lòng kiên trung

Để đánh lạc hướng địch, dưới sự hỗ trợ của đồng bào dân tộc, anh em lấy 2 chiếc thuyền gỗ đã để sẵn ở bờ sông rồi chèo lên thượng nguồn sông Tà Lài. Nhóm không xuôi dòng Tà Lài ra sông La Ngà để về Biên Hòa mà băng ngược về phía Đà Lạt. Sau 3 ngày gian nan ngược sông, đoàn đã tới một nhánh của sông Đồng Nai. Tuy nhiên, trước tình thế phải đối đầu với đàn cá sấu hung dữ, anh em quyết định bỏ thuyền và tiếp tục băng rừng.

Gần chục ngày vượt rừng sâu, trong khi ai nấy đều rệu rã, cạn sức thì cũng là lúc nghe được tiếng còi xe hơi trên hướng quốc lộ 20. Từ đó, mọi người cứ xẻ rừng, hướng về phía phát ra âm thanh ấy mà đi. Ba ngày sau, tất cả đến được đường lớn. “Lúc này, chiếc xe Citroen chạy trờ tới rồi dừng lại, trên xe một người cất tiếng: “Nào anh em nghèo đâu?”, đúng là mật hiệu của quân ta đây rồi. Tất cả mừng tủi đến rơi nước mắt. Chiếc xe thẳng tiến hướng Biên Hòa, đưa anh em về lại Sài Gòn…” - đồng chí Dương Quang Đông thuật lại trong hồi ký.

Trong quá trình truy bắt, chính quyền thực dân cũng huy động những người dân tộc thiểu số trong vùng vốn thông thạo địa hình để bắt giữ các chiến sĩ vượt ngục đem về giao nộp với lời hứa sẽ phát thưởng hậu hĩnh. Tuy nhiên, cơ sở cách mạng đã làm công tác tuyên truyền, vận động từ trước nên đồng bào vẫn một lòng kiên trung với cách mạng.

Tà Lài là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tân Phú, nơi sinh sống của người dân tộc bản địa Mạ và S’tiêng. Tại đây, thực dân Pháp từng xây dựng ngục Tà Lài để giam cầm những chiến sĩ yêu nước. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, năm 1940 nhà tù Tà Lài có khoảng 500 người bị giam giữ. Chung quanh khu nhà tù còn có hàng rào dây kẽm bằng gai bao bọc, rừng rú hoang vu, bên phải có một con sông lớn... đã trở thành nơi biệt lập hoàn toàn với bên ngoài.

Theo lời kể của già làng K’Lư (95 tuổi, ngụ ấp 4, xã Tà Lài, huyện Tân Phú), thời điểm ấy thanh niên, đàn ông trong làng thường xuyên bị bọn  xâm lược bắt đi lao dịch, làm việc khổ sai. Hàng ngày, người dân nơi đây còn chứng kiến cảnh chúng bắt gà, bắt heo của dân làng khiến ai cũng nổi lên lòng oán hận, khắp các buôn làng người dân tộc Mạ, S’tiêng luôn sôi sục khí thế chống thực dân Pháp. Dù quân địch luôn tìm cách mua chuộc, lôi kéo, nhưng bà con ở Tà Lài vẫn một lòng theo cách mạng với phương châm “cơm không ăn hai nồi, người không ở hai lòng”. Từ đó đồng bào chẳng những ủng hộ lúa gạo mà còn động viên chồng, con đi làm cách mạng.

“Lúc đó, tôi là một thanh niên trai tráng, được tổ chức phân công làm giao liên và vận động nhân dân tham gia bảo vệ bộ đội, đi theo cách mạng. Bà con tin tưởng và làm theo nên khi các chiến sĩ ta vượt ngục, mọi người sẵn sàng che chở, tạo cơ hội để anh em đi đường an toàn” - già làng K’Lư nhớ lại.

Từ sự bảo bọc, che chở của đồng bào, sau khi vượt ngục thành công, các đồng chí trong đoàn bằng nhiều cách trở về các địa bàn hoạt động trước đây, gây dựng, móc nối, liên lạc lại với tổ chức Đảng để khôi phục phong trào cách mạng. Nhiều người trở thành những chiến sĩ cách mạng đứng lên lãnh đạo cuộc nổi dậy Tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8-1945 ở Nam bộ.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều