Đến giờ tô tranh, các học trò nhỏ của 2 đoàn viên Nguyễn Thị Quỳnh Như và Dương Thị Diễm Thúy (cũng là cô giáo phụ trách lớp học tình thương tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) như lạc vào xứ thần tiên.
Đến giờ tô tranh, các học trò nhỏ của 2 đoàn viên Nguyễn Thị Quỳnh Như và Dương Thị Diễm Thúy (cũng là cô giáo phụ trách lớp học tình thương tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) như lạc vào xứ thần tiên. Bởi, những đứa trẻ bán vé số, đánh giày, khuyết tật… như các em thường ngày áo không thể đẹp, nơi ở tạm bợ vẫn hồn nhiên “ban tặng” cho hoàng tử, công chúa trong tranh vẽ những bộ váy rực rỡ, cung điện nguy nga.
Cô giáo Dương Thị Diễm Thúy đang rèn chữ cho học trò nhỏ. |
Đó là buổi học chiều thứ bảy vui nhất trong tuần của những đứa trẻ khuyết tật, đánh giày, bán vé số... Những bức tranh hoàng tử, công chúa được phô tô trên giấy A4 mà 2 đoàn viên Thúy, Như phát cho các em thật sự tạo không khí phấn khích cho buổi học cuối tuần. “Mỗi em là một hoàn cảnh để chúng tôi yêu thương, chia sẻ, động viên” - cô giáo Thúy tâm sự.
* Ước mơ của trẻ nghèo
Hàng ngày đi bán vé số dạo, Ngọc Huyền (9 tuổi) thường dừng chân trước cổng trường tiểu học, mắt xoe tròn nhìn các bạn cùng trang lứa nô đùa trong sân trường mà thèm khát, ước ao được đi học, được vui chơi cùng các bạn. Tuy nhiên, cuộc sống tha hương của cha mẹ em đang lúc khó khăn, công việc làm và chỗ ở không ổn định, nên ước mơ đến trường của Ngọc Huyền tạm gác lại và chỉ lóe lên khi em dừng chân trước cổng Trung tâm học tập cộng đồng xã Tân Hạnh.
Một buổi chiều thật đẹp, Ngọc Huyền được nghỉ bán vé số để cha mẹ đưa đến lớp học tình thương của 2 đoàn viên Thúy và Như. Lần đầu tiên làm quen với phép tính, Ngọc Huyền hồn nhiên nói với 2 cô giáo rằng, hàng ngày bán vé số dạo em tính nhẩm tiền thối cả trăm ngàn, cả triệu đồng vẫn không bị sai. Còn các phép tính cộng, trừ đơn giản mà cô giáo dạy sao khó quá, chắc bây giờ người ta không xài tiền lẻ nên em tính không quen. Sự hồn nhiên, ngây ngô của cô bé bán vé số dạo làm xốn xang trái tim 2 cô giáo trẻ trong suốt buổi học.
Còn Ngọc Lâm (15 tuổi) đến lớp học của 2 cô giáo Thúy, Như khi em trai đã học lớp 5. Ngọc Lâm không được đến trường như em trai vì em bị tật nguyền từ lúc mới sinh. Đến 12 tuổi, Ngọc Lâm vẫn chưa biết đọc, viết, chỉ một mình lủi thủi ở nhà khi cha mẹ đi làm, em trai đi học. Được chính quyền, Đoàn thanh niên xã Tân Hạnh vận động, gia đình đã đưa Ngọc Lâm ra lớp học tình thương do 2 cô giáo Thúy, Như phụ trách. Lúc ấy, cha mẹ Ngọc Lâm mừng lắm, phân công nhau đưa con tới Trung tâm học tập cộng đồng xã Tân Hạnh nhờ 2 cô giáo dạy dỗ không vắng buổi nào.
Ông Đinh Công Hiệp, Chủ tịch UBND xã Tân Hạnh, cho biết địa phương ghi nhận, đánh giá cao vai trò xung kích vì cộng đồng của 2 đoàn viên Thúy và Như; đồng thời luôn sát cánh cùng họ, Trung tâm học tập cộng đồng duy trì lớp học tình thương. “Tuổi trẻ biết sống, cống hiến, có trách nhiệm với quê hương là điều mà Đảng ủy, chính quyền xã Tân Hạnh đang kỳ vọng, vun đắp cho lớp cán bộ trẻ, đoàn viên thanh niên hôm nay” - ông Hiệp bày tỏ. |
Cô giáo Thúy tâm sự, do Ngọc Lâm bệnh tật nên em tiếp thu bài còn chậm, viết chữ khó khăn. Bù lại, nhờ tính cẩn thận, ham học mà nét chữ của Ngọc Lâm viết không thua kém các bạn.
Khi chúng tôi đến, lớp học của 2 cô giáo Thúy và Như vắng bóng cậu học trò rất quậy nhưng thông minh Lê Văn Trọng (quê tỉnh An Giang). Ngày mới gia nhập lớp học này, Trọng liên tục gây ra các trò ú tim cho cô giáo và các bạn trong lớp.
“Cô giáo” Như kể, canh chừng lúc cô giáo mải mê kèm các bạn viết chữ, Trọng lẻn ra khỏi lớp học lúc nào không hay. Khi cô giáo phát hiện lớp vắng Trọng thì hoảng hồn huy động cả lớp đi tìm. Mọi người gọi khản cả giọng, soi khắp bụi rậm vẫn không thấy bóng dáng Trọng đâu. Một lúc sau mới thấy Trọng từ gầm cầu thang, hoặc bụi cây chạy xẹt tới xẹt lui như nhát ma mọi người. “Dù nghịch ngợm nhưng Trọng rất thông minh, tiếp thu bài học nhanh hơn các bạn lớn tuổi. Nay em tạm rời xa lớp học vì mẹ em phải về quê sinh em bé” - cô giáo Như cho hay.
* Sưởi ấm những cảnh đời cơ cực
Nguyễn Thị Quỳnh Như hiện là sinh viên năm cuối Trường đại học Đồng Nai, đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn thanh niên xã Tân Hạnh. Vốn là con em xã Tân Hạnh, sau khi tốt nghiệp THPT, Như xin thầy giáo Hải (Phó giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng xã, kiêm giáo viên phụ trách lớp học tình thương) được ra phụ lớp học tình thương.
Sau thời gian hướng dẫn, bồi dưỡng chuyên môn, thầy Hải đã giao việc phụ trách lớp cho Như và các đoàn viên xã Tân Hạnh. Ngoài nhiệm vụ đứng lớp, Như và các đoàn viên trong xã cùng phối hợp với ban ấp, đoàn thể, chính quyền xã đến các khu nhà trọ vận động các gia đình có con em đến tuổi đi học vẫn chưa đi học ra lớp học tình thương của xã tổ chức.
Các học trò nhỏ của 2 cô giáo, đoàn viên Thúy và Như. |
Dương Thị Diễm Thúy hiện là giáo viên, Bí thư Chi đoàn Trường tiểu học Tân Hạnh. Lớn hơn Như 1 tuổi, cô giáo Thúy cũng sinh ra và lớn lên tại xã Tân Hạnh nên cả hai sớm kết giao thành đôi bạn thân và trưởng thành từ phong trào Đoàn thanh niên xã Tân Hạnh. Dù bận việc đứng lớp tại trường, cô giáo Thúy vẫn tình nguyện phụ giúp “cô giáo” Như dạy các em nhỏ bán vé số, đánh giày, con em dân lao động nhập cư nghèo…, để các em sớm biết đọc, biết viết. “Tôi dạy các em bằng tất cả tấm lòng, tình thương yêu, trách nhiệm tuổi trẻ và sự gửi gắm của Ban giám hiệu nhà trường nơi tôi công tác và của chính quyền xã, các thầy cô đi trước” - cô giáo Thúy tâm sự.
Lớp học tình thương của xã Tân Hạnh do 2 cô giáo, đoàn viên Thúy và Như phụ trách sĩ số luôn dao động và độ tuổi cao thấp khác nhau, bởi các em mỗi ngày vẫn phải phụ gia đình mưu sinh. Trong tuần, các em chỉ có 3 buổi chiều ngắn ngủi được vui học, học vui cùng bạn và 2 cô giáo trẻ. Mỗi học trò nhỏ đều có một hoàn cảnh để các cô giáo thương yêu, giúp đỡ, uốn nắn nhân cách. Sự ngỗ nghịch ban đầu mang đầy cuộc sống mưu sinh ngoài xã hội của các em đã dần được thay đổi nhờ tình thương yêu, sự động viên và kỷ cương trường lớp, sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể…
Chiều thứ bảy, nhịp sống sinh hoạt nơi xã nông thôn mới Tân Hạnh như chộn rộn hẳn lên khi công nhân tan ca, người và xe ken chật mọi ngõ đường. Các học trò nhỏ của 2 cô giáo Thúy và Như cũng đã bán xong xấp vé số, kết thúc buổi làm thuê…, bụng đói, bụng no đến với lớp học tình thương. Riêng 2 cô giáo, đoàn viên Thúy và Như vẫn nhiệt huyết, mải mê uốn rèn câu chữ, phép tính, âm chuẩn tiếng Việt cho các học trò nhỏ. Lòng họ luôn khấp khởi niềm tin khi nhìn những đôi mắt tròn xoe, khuôn mặt háo hức với nét chữ, tờ giấy tô màu. “Kiến thức được cô giáo truyền đạt trong lớp học tình thương tuy còn khiêm tốn, nhưng sẽ hữu ích, chắp cánh ước mơ cho các em mai này” - “cô giáo” Như bộc bạch.
Đoàn Phú