Báo Đồng Nai điện tử
En

Marcus "làm rể" Biên Hòa

10:03, 23/03/2016

10 năm gắn bó với TP.Biên Hòa, ông Marcus Andrew Martins (37 tuổi, quốc tịch Anh) đã chính thức chọn nơi đây là quê hương thứ 2 của mình.

10 năm gắn bó với TP.Biên Hòa, ông Marcus Andrew Martins (37 tuổi, quốc tịch Anh) đã chính thức chọn nơi đây là quê hương thứ 2 của mình.

Bằng giọng nói hóm hỉnh và đầy tự tin, ông cho hay: “Thành phố này cho tôi cảm giác thoải mái và dễ chịu, vừa mang lại cảm giác giống với quê nhà, vừa cho tôi những bất ngờ thú vị trong cuộc sống”.

* Hoàn thành giấc mơ

Xuất thân từ một thành phố công nghiệp gần thủ đô Luân Đôn, sau khi học xong đại học, Marcus làm việc tại văn phòng một bệnh viện địa phương. Năm 2004, theo lời mời của những người bạn đồng hương đang sống tại TP.Hồ Chí Minh, Marcus sang thăm Việt Nam, sau đó quyết định ở lại lâu dài và kiếm sống bằng việc dạy tiếng Anh tại các trường học, trung tâm ngoại ngữ. Đến năm 2006, Marcus nhận được lời mời về làm việc tại một trung tâm Anh ngữ ở TP.Biên Hòa, từ đó đến nay ông gắn bó với Biên Hòa và dành tình cảm cho vùng đất này như chính quê nhà của mình.

Ông Marcus Andrew Martins dạy học trò tại Trung tâm Anh ngữ Kiến Thức Việt.  (ảnh do KTV cung cấp)
Ông Marcus Andrew Martins dạy học trò tại Trung tâm Anh ngữ Kiến Thức Việt. (ảnh do KTV cung cấp)

“Khi còn sống ở Anh, nhà tôi ở một thành phố công nghiệp gần với Luân Đôn nên khi vừa đặt chân đến TP.Biên Hòa và nghe giới thiệu về nơi này, tôi đã cảm thấy giống như ở nhà mình vậy. Bản thân tôi thích sống ở một thành phố nhỏ, gần với thành phố lớn chứ không thích sống ngay tại các thành phố lớn, vì vậy Biên Hòa rất phù hợp với tôi. Ở đây có công việc phù hợp, không khí khá thoáng đãng, gần TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu... nên tôi có thể đi chơi, dã ngoại với bạn bè ở các tỉnh khác quanh đây vào dịp cuối tuần”.

Hiện tại, ngoài công việc chính là giảng dạy tại Trung tâm Anh ngữ Kiến Thức Việt, ông Marcus còn dành thời gian để học tiếp lên thạc sĩ để có thể giảng dạy lượng kiến thức nhiều hơn với phương pháp tốt hơn cho học sinh.

Ông Marcus chia sẻ, ông luôn ấp ủ ước mơ được trở thành thầy giáo nhưng không có điều kiện thực hiện lúc sống ở Anh, nhưng đến khi qua Việt Nam do biết được nhu cầu học tiếng Anh của học sinh ở đây nên ông đã đi học một khóa nghiệp vụ rồi tham gia giảng dạy tại các trung tâm ngoại ngữ. Ông kể lần đầu tiếp xúc với học sinh Việt Nam, ông cảm thấy rất ấn tượng và có phần khâm phục trước việc các em phải học rất nhiều môn trên trường với lịch học dày đặc nhưng vẫn hứng thú mỗi khi đến giờ học Anh văn ngoại khóa. 

“Nhiều phụ huynh sau giờ học cũng đến nói chuyện với tôi, có người hỏi thăm tình hình học của con, có người hỏi thăm về thông tin du học, hoặc đơn giản hơn chỉ để nói với tôi những câu xã giao như: xin chào, hỏi tên tuổi… Tôi thấy mọi người ở đây đều dành sự quan tâm đặc biệt với người nước ngoài chúng tôi, nhất là khi tôi đi xe máy ngoài đường. Dù đã ở Biên Hòa 10 năm nhưng mỗi khi ra đường tôi vẫn cảm thấy thích thú cách các bạn trẻ nhìn tôi và vẫy tay nói: “Hello”. Điều này làm tôi cảm thấy được chào đón ở đất nước này” - ông Marcus vui vẻ cho biết.

Trong quá trình mới bắt đầu sống ở Việt Nam, ông đã gặp rất nhiều khó khăn, ngoài việc bất đồng ngôn ngữ, còn có việc đi lại bằng xe máy trên đường. Ông cho biết, đến tận bây giờ mỗi khi tự chạy xe ra đường là ông lại cảm thấy hơi run do lượng người rất đông và ý thức chấp hành luật giao thông còn hạn chế. “Dù thỉnh thoảng có cảm thấy nhớ nhà, nhưng cuộc sống và công việc hiện tại ở đây đã khiến tôi vơi bớt phần nào nỗi nhớ. So với những năm đầu tiên sống tại Việt Nam, hiện nay mạng xã hội đã phát triển rất mạnh, điều này giúp tôi và bạn bè ở Anh có thể liên lạc với nhau thường xuyên hơn. Nhờ những phát triển khoa học - kỹ thuật và việc thuận tiện sử dụng internet tại Việt Nam mà khoảng cách giữa tôi và quê nhà được kéo lại gần hơn” - ông Marcus tâm sự.

* Làm rể xứ người

Do lịch dạy khá dày đặc nên 11 năm ở Việt Nam, ông Marcus chỉ có thể đi những chuyến du lịch ngắn ngày ở các địa danh nổi tiếng trong nước, qua đó tích lũy cho bản thân về cuộc sống của người địa phương. Năm 2014, ông phải lòng một cô gái Biên Hòa xinh xắn và đi đến hôn nhân. Với những hiểu biết tích lũy được khi sinh sống ở đất nước này suốt 10 năm, ông đã có thể tự tin bước vào gia đình vợ mà không gặp trở ngại nào về bất đồng văn hóa. Từ ăn uống, sinh hoạt đến ứng xử trong nhà, ông đều thành thục. Với ông, cuộc sống của một gia đình người Việt là điều rất quen thuộc chứ không có gì lạ lẫm với chàng rể ngoại quốc.

Ông Marcus soạn giáo án trước khi lên lớp.
Ông Marcus soạn giáo án trước khi lên lớp.

“Hiện tôi sống cùng vợ tại một chung cư trên đường Nguyễn Ái Quốc. Những người hàng xóm rất thân thiện, có vài người thường chủ động mời tôi uống cà phê, ăn tối cùng gia đình họ. Tôi rất vui vì có những người hàng xóm thân thiện như vậy, chỉ có một điều khiến tôi phải từ chối họ đó chính là uống bia, rượu. Tôi không hợp với những thức uống có cồn. Hiện nay cứ mỗi 2 năm, tôi lại về Anh thăm gia đình, bạn bè một lần. Do điều kiện đi lại cũng bất tiện nên tôi thường tranh thủ dịp nghỉ lễ của người Việt để đi. Còn vào dịp hè thì đúng là tôi chẳng thể đi đâu được, học sinh tới học rất đông” - ông Marcus chia sẻ.

11 năm sống tại Việt Nam cũng là 11 lần ông trải qua Ngày Nhà giáo 20-11. Ông cho biết tại quê nhà không có một ngày nào cụ thể trong năm để tôn vinh thầy cô giáo nên khi nhận được lời chúc mừng, lòng cảm ơn từ phía học sinh, phụ huynh người Việt, ông đã rất xúc động. Với ông, công việc đứng trên bục giảng đã ăn sâu vào máu thịt và việc trở thành một người thầy tốt là mục tiêu để ông phấn đấu mỗi ngày. Do vợ là người Việt đồng thời rất thông thạo tiếng Anh nên trong nhiều tình huống ứng xử, giao tiếp với học sinh, phụ huynh, ông Marcus đã được vợ góp ý rất nhiều, tránh những rắc rối xảy ra do khác biệt về văn hóa.

“Điều may mắn nhất đối với tôi là lấy được vợ ở đây để có thể tiếp tục sống lâu dài ở thành phố này. Tôi yêu nơi này, ở đây không có những trận mưa dai dẳng quanh năm hay mùa đông lạnh lẽo như ở quê nhà tôi. Trước đây khi ở Anh, tôi phải làm một công việc không đem lại hứng thú cho tôi, chỉ khi tới đất nước này tôi mới có thể sống với công việc yêu thích của mình là giáo viên” - ông Marcus hào hứng nói.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

T

Tin xem nhiều