Để đem lại môi trường trong sạch, giúp người bệnh phần nào thoải mái khi điều trị, những nhân viên vệ sinh, các hộ lý của bệnh viện đã âm thầm và miệt mài với công việc không tên mà không kém phần cao cả.
Bà Bùi Thị Nga quét dọn hành lang Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. |
Để đem lại môi trường trong sạch, giúp người bệnh phần nào thoải mái khi điều trị, những nhân viên vệ sinh, các hộ lý của bệnh viện đã âm thầm và miệt mài với công việc không tên mà không kém phần cao cả.
Cứ đúng 4 giờ 30 mỗi ngày, bà Bùi Thị Nga (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa, nhân viên vệ sinh của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai) lại ra khỏi nhà để kịp đến bệnh viện làm việc lúc 5 giờ. Sau vài phút chuẩn bị, bà Nga lấy dụng cụ đến vị trí được phân công để thu gom, phân loại rác chuyển xuống nhà rác bệnh viện rồi quét dọn, lau sàn.
* Những công việc “không tên”
Công việc dọn dẹp vệ sinh tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai do 50 nhân viên vệ sinh đảm nhận, chia làm 2 ca để có thể đảm bảo bệnh viên luôn được sạch sẽ, kể cả những dịp lễ, tết. Mỗi tầng lầu có một người dọn dẹp vệ sinh, cứ tuần tự lau dọn trong phòng bệnh rồi lại ra hành lang, hầu như không lúc nào các nhân viên vệ sinh ở đây được ngơi tay.
“Yêu cầu của bệnh viện là phải luôn giữ môi trường sạch sẽ, khu vực nào càng nhiều người qua lại càng phải được dọn dẹp kỹ nhất. Nhiều lần, do ý thức của một số người chưa cao, còn nhả kẹo cao su xuống nền nhà làm chị em chúng tôi phải lau dọn mãi mới hết được. Nhưng cực nhất vẫn là dọn dẹp nhà vệ sinh, có nhiều người bỏ rác vào bồn cầu làm nghẹt cứng, mỗi lần vệ sinh chị em phải cố gắng lắm mới dọn sạch và làm thông bồn cầu được. Cực nhọc, nhưng đây là công việc mà chúng tôi đã lựa chọn nên chúng tôi động viên nhau làm việc chứ chẳng than trách gì. Trong xã hội, mỗi người một nhiệm vụ mà” - bà Nga vừa lau hành lang bệnh viện vừa tâm sự.
Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ trong bệnh viện là một trong những yếu tố quan trọng giúp bệnh nhân mau bình phục. Vì vậy, công việc của nhân viên vệ sinh, hộ lý trong bệnh viện tuy thầm lặng, nhưng không thể thiếu, dù chỉ một ngày. Có thể nói, mỗi bộ phận trong bệnh viện giống như bánh răng của chiếc đồng hồ và chiếc đồng hồ muốn hoạt động trơn tru thì không thể thiếu đi sự đóng góp của bất kỳ bánh răng nào, dù là nhỏ nhất. |
Sau khi dọn dẹp, lau chùi phòng bệnh sạch bóng, các nhân viên vệ sinh lại nhanh chóng lau chùi hành lang bệnh viện. Bà Nga cho biết thêm, phải tranh thủ lau thật nhanh trước khi người nhà bệnh nhân vào thăm người bệnh ồ ạt, vì khi đó sàn nhà chưa kịp khô mà lại gặp vết bẩn sẽ khiến sàn nhà khó lau hơn. Càng gần sáng, việc quét và lau sàn dọc hành lang bệnh viện của các nhân viên vệ sinh càng dồn dập hơn, tập trung tất cả vào việc làm sạch cả tầng lầu được giao. Bởi, việc dọn dẹp cơ bản phải kết thúc trước khi ngày làm việc mới của y, bác sĩ bắt đầu, đảm bảo một không gian sạch sẽ, tinh tươm, giúp các bệnh nhân thoải mái hơn.
Cũng là nhân viên vệ sinh của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai như bà Nga, nhưng công việc của ông Lê Văn Mỹ có chút khác biệt. Ông không quét dọn, lau sàn tại các tầng lầu, hay phòng bệnh, mà ông trông coi và phân loại rác tại nhà rác nằm dưới tầng hầm của bệnh viện. Công việc mỗi ngày của ông bắt đầu từ 5 giờ và kết thúc lúc 17 giờ. Với lượng rác khổng lồ của bệnh viện, công việc của ông chẳng nhàn hạ chút nào. Mỗi buổi trưa, xe rác lại tới bệnh viện thu gom rác thải y tế, rác sinh hoạt trong bệnh viện, khoảng 2 tấn/ngày. Vào dịp tết, khối lượng rác thải tăng gấp đôi nên những nhân viên làm việc ở đây phải bám trụ để xử lý rác.
“Rác trên các tầng lầu đưa xuống đây đều đã được phân loại, nhưng khi phát hiện các vỏ chai thủy tinh còn sót lại, chúng tôi phải mở bao rác kiểm tra, lấy ra ngay. Mỗi ngày bốc rác ra xe mất chừng 30 phút, công việc chỉ nặng lúc tập trung rác ở các tầng, còn lại không nhiều áp lực bằng việc dọn vệ sinh trên phòng bệnh. Hồi ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cũ, tôi trông coi nhà vệ sinh công cộng, đã quen với mùi khó chịu của chất thải nên khi làm việc tại nhà rác này, tôi thấy bình thường. Dù sao đây vẫn là môi trường ảnh hưởng sức khỏe; những người mới vào làm việc ở đây lần đầu sẽ bị buồn nôn, chóng mặt, khó thở vì mùi rác” - ông Mỹ cho hay.
* Âm thầm, nhưng không thể thiếu
Những nhân viên dọn dẹp vệ sinh tại các bệnh viện cứ âm thầm đến làm rồi lặng lẽ rời khỏi bệnh viện khi hết ca. Với số lượng người đến bệnh viện khám bệnh rất đông và ai cũng canh cánh nỗi lo bệnh tật trong người nên chẳng mấy người để ý đến hoạt động của các nhân viên vệ sinh bệnh viện. Âm thầm là thế, nhưng không lúc nào bệnh viện thiếu bóng dáng của nhân viên vệ sinh được. Nhìn những hành lang sạch sẽ, những phòng bệnh không vết bẩn mới thấy được sự đóng góp của họ nhiều đến thế nào.
Bà Đinh Thị Nhi giặt drap trải giường của Bệnh viện đa khoa Biên Hòa. |
Tranh thủ lúc nghỉ ngơi buổi trưa, bà Nga trải lòng: “Khi lượng bệnh nhân dồn vào quá đông trong một lúc, sàn nhà vừa lau xong có nhiều người đi lại, giày dép dính bẩn làm dơ sàn nhà ngay. Buồn nhất là khi có người nhìn chúng tôi bằng ánh mắt thiếu thiện cảm. Những khi đó, tôi lại tự động viên bản thân phải tiếp tục cố gắng, tất cả đều vì nhiệm vụ, vì bệnh nhân mà bỏ qua. Ngẫm lại, nếu bản thân mình khi nhập viện cũng muốn được điều trị trong một môi trường sạch sẽ, nghĩ tới vậy là tôi lại cắm cúi làm”.
Tại Bệnh viện đa khoa Biên Hòa, lượng bệnh nhân không nhiều như ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, nhưng không vì vậy mà công việc của các hộ lý tại đây lại nhẹ nhàng hơn. Từ thay drap giường bệnh, vận chuyển và chăm sóc bệnh nhân, đến giặt ủi quần áo của các y, bác sĩ phòng mổ, quần áo bệnh nhân, drap trải giường bệnh và cả hấp vệ sinh những vật dụng y tế có thể sử dụng lại trong bệnh viện… Cứ sáng sớm, trước khi các y, bác sĩ làm việc, bộ phận hộ lý lại cùng chiếc xe đẩy đi thu gom đồ bẩn từ các phòng bệnh tập kết về khu giặt ủi.
Bà Đinh Thị Nhi, hộ lý Bệnh viện đa khoa Biên Hòa, chia sẻ: “Ở đây có 3 chị em hộ lý thay phiên nhau làm việc và trực. Mỗi ngày, chúng tôi giặt khoảng 60-70 kg quần áo, drap giường bệnh, sau đó lại hấp khử trùng các bộ dụng cụ y tế. Làm việc ở môi trường này rất dễ bị lây nhiễm bệnh từ bệnh nhân qua việc phân loại đồ để giặt. Nhiều ca mổ xong, đồ bảo hộ, dụng cụ mổ bê bết máu, chúng tôi phải xử lý nhiều lần mới sạch các vết bẩn đó. Nhưng đây là công việc của chúng tôi, một phần vì bệnh nhân, một phần để có tiền lo cho các con ăn học nên chúng tôi phải cố gắng nhiều hơn”.
Đăng Tùng