Sang Mỹ định cư năm 1991, lúc ấy ông Võ Hà Khuê (Sáu Khuê) đã 55 tuổi, vẫn còn độ tuổi làm việc. Vì thế ông cảm thấy sốc, rất buồn và cô đơn giữa thành phố Seattle văn minh, hiện đại.
Sang Mỹ định cư năm 1991, lúc ấy ông Võ Hà Khuê (Sáu Khuê) đã 55 tuổi, vẫn còn độ tuổi làm việc. Vì thế ông cảm thấy sốc, rất buồn và cô đơn giữa thành phố Seattle văn minh, hiện đại.
Ông Võ Hà Khuê trong ngày mừng đại thọ. Ảnh: L.B.HÙNG |
Một năm, Seattle có đến 150 ngày mưa với những trận mưa bất chợt, mưa triền miên, nên bị liệt vào nơi có nhiều mưa hơn bất cứ thành phố nào khác trên đất Mỹ. Seattle có chừng 13 ngàn người Việt, tất cả đều luôn tất bật trong cuộc mưu sinh nơi đất khách quê người. Trong tâm trạng cô đơn, lạc lõng đó, ông Sáu Khuê đã dành trọn tâm hồn mình cho âm nhạc cổ truyền Việt Nam, trong đó ngón đờn kìm, guitar vọng cổ của ông thuộc vào hàng cao thủ.
* Người say mê cổ nhạc
Sinh quán tại làng Bình Trước (Biên Hòa) trong một gia đình khá giả, sau khi học xong ở Trường tiểu học Nguyễn Du, Võ Hà Khuê được gia đình cho lên Sài Gòn học tiếp. Sống ở đô thành, anh học trò xứ bưởi “phải lòng” tiếng đờn của nhạc sĩ tài danh Văn Vĩ. Hè năm 1952, mới 16 tuổi, Sáu Khuê xin phép gia đình cho qua Chợ Đồn (nay là phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) học đờn do thầy Ba Vân dạy. Qua ông thầy đầu tiên này, trò Khuê càng mê cổ nhạc dữ hơn. Lên lại Sài Gòn, Khuê tìm tới các thầy: Ba Nhị để học đàn tranh; Bảy Lời, Ba Ngươn để học đàn sến, guitar; học ca với nhạc sĩ Tám Bằng; thọ giáo môn đờn kìm cùng nhạc sĩ Năm Vĩnh nổi danh trong giới cổ nhạc miền Nam lúc bấy giờ với ngón đàn bằng tay trái…
Với lòng say mê cổ nhạc hiếm thấy, nghe ở đâu có thầy hay Võ Hà Khuê cũng tìm đến giao lưu học hỏi, và gần như tóm thu được mọi tinh hoa trong làng cổ nhạc thời bấy giờ nên ngón đờn của chàng trai Biên Hòa trở nên điêu luyện, tên tuổi được nhiều người biết đến. Người ta gọi anh là nhạc sĩ Hà Khuê và tìm đến nhà ở tận xóm Lò Heo - vốn khét tiếng là lãnh địa của “dân anh chị”, “dao búa” (nay thuộc địa bàn phường Hòa Bình) để xin học đờn. Đam mê nhạc cổ, nhưng chơi theo lối tài tử, ai mời Sáu Khuê cũng đến chơi, ai xin làm đệ tử Sáu Khuê đều tận tình truyền dạy mà không hề nhận thù lao hay học phí gì cả, miễn là người học có lòng yêu thích bộ môn nghệ thuật cổ truyền.
Nhạc sĩ Sáu Khuê độc diễn từ trong ngày giỗ tổ. |
Qua Mỹ cũng thế, tiếng đờn của bác Sáu Khuê có sức cuốn hút đặc biệt trong lòng người Việt xa xứ. Một số bà con bận bịu làm ăn nhưng vẫn nặng lòng với âm nhạc truyền thống Việt Nam đã tập hợp lại, cùng nhạc sĩ Hà Khuê lập ra Nhóm cổ nhạc Seattle. Nhóm cổ nhạc Seattle lên đến 40 người vẫn sinh hoạt theo phong cách tài tử là tổ chức “chơi” phục vụ cho gia đình thành viên trong nhóm vào những dịp liên hoan, sinh nhật, cúng giỗ, tất niên, mừng xuân mới… Đặc biệt vào ngày 12-8 âm lịch hàng năm, Nhóm cổ nhạc Seattle đứng ra tổ chức lễ giỗ tổ ngành sân khấu cải lương rất long trọng, được đông đảo chức sắc tôn giáo trong cộng đồng người Việt ở Seattle và các vùng phụ cận, như: Tacoma, Bellevue… đến tham dự.
Thành phố Seattle có rất nhiều chùa Việt. Trong đó, ngoài các chùa: Cổ Lâm, Dược Sư, Vạn Hòa, Việt Nam… thì chùa Liên Hòa do đại đức Thích Huệ Nhân trụ trì gần như là “sân khấu thường trực” của nhóm cổ nhạc Seattle. Các sàn diễn thường xuyên “sáng đèn” không những làm cho nhiều tầng lớp khán thính giả ở Seattle biết nhiều hơn “tiếng đờn bác Sáu Khuê”, mà còn yêu thích những giọng ca ngọt ngào của Thu Nguyệt, Thương, Hoàng Mun, Minh Tâm…; tiếng đờn của Huỳnh Kim Hổ, Trần Hùng, Hoàng Ca, Anh Tuấn…
Một điều cũng khá đặc biệt là phần lớn những đứa trẻ trong gia đình gốc Việt sinh ra ở Seattle hầu như không biết tiếng Việt, hoặc có nói được thì cũng lơ lớ; trong đó có nhiều em còn không biết con trâu, cây tre... là gì. Nhưng qua vài lần theo cha mẹ nghe đờn ca đã tỏ ra thích thú, quan tâm tìm hỏi về từng lời ca, tiếng hát và từng bước hiểu được một số ngôn ngữ Việt nên rất hứng thú đi học tiếng Việt.
* Cựu chánh tế đình Tân Lân
Cuối năm 2015, khi chuẩn bị bước sang tuổi 80, bác Sáu Khuê đã về quê Biên Hòa để cúng lễ kỳ yên ở đình Tân Lân và miễu Bình Thiền, cũng như tự tay mang 15 phần quà và một số tiền mặt do các nghệ sĩ trong Nhóm cổ nhạc Seattle gửi về tặng cho các cháu mồ côi đang sống nương tựa trong tịnh xá Thiên Quan ở Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh).
Nhóm cổ nhạc Seattle. |
Ngoài tài danh cổ nhạc, ông Võ Hà Khuê còn được nhiều người dân cố cựu ở Biên Hòa biết đến do ông từng là Chánh tế trẻ tuổi nhất được Ban hương chức (nay gọi là ban tế tự) đình Tân Lân phá lệ cử ra trong suốt lịch sử lập ra ngôi đình thờ vị Thượng đẳng thần Trần Thượng Xuyên. Năm 1972, ông chánh tế mới 36 tuổi này được cụ Trần Xì Nằng, hơn 70 tuổi, vừa là hương chức vừa là hậu duệ đức ông Trần Thượng Xuyên gợi ý nên trồng một hàng cây da phía bờ sông Đồng Nai trước đình. Một hương chức khác là ông Lâm Xương Vi - quản lý nhà hàng La Plais (sau là Nhà hàng nổi Sông Phố, nay không còn nữa) đi xa mua về được 10 cây da, nhưng khi xem kỹ lại chỉ có một cây đúng là da, được trồng nay vẫn đang um tùm tỏa bóng mát phía trước đình.
Nhiều chức sắc tôn giáo cũng như làng báo tiếng Việt ở bang Washington đánh giá: tất cả các buổi sinh hoạt văn nghệ trong cộng đồng đều có sự đóng góp vô vị lợi của anh chị em nghệ sĩ Nhóm cổ nhạc Seattle và nhạc sĩ Hà Khuê. Nhóm không những giúp bộ môn nghệ thuật cổ truyền của dân tộc có thêm hương sắc, được bà con đồng hương ưa chuộng mà thực sự đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam trên đất Mỹ. |
Ông chánh tế Sáu Khuê cũng là người nếm trải nhiều thử thách gay go, phức tạp trong quá trình bảo tồn các giá trị thiêng liêng của đình Tân Lân. Có thời kỳ do chưa nhận thức đầy đủ về văn hóa tín ngưỡng, một số cán bộ cơ sở cho đây là “ổ mê tín dị đoan” nên có ý triệt phá, đã biến đình thành trụ sở làm việc, mở lớp học… Ông Sáu Khuê phải lén thỉnh “sắc Ông” (sắc phong của vua triều Nguyễn cho Thượng đẳng thần Trần Thượng Xuyên) đem về nhà thờ. Đến ngày cúng lễ, bà con kéo đến quá đông, bị chính quyền lên tiếng nhắc nhở, ông Sáu Khuê lại đem sắc Ông gửi nhờ vào chùa Một Cột. Với 12 bộ lư đồng quý hiếm của đình Tân Lân, ông Sáu Khuê cho đem gửi ở mấy nhà quen, nhưng chỉ được vài hôm có người sợ không chịu nhận, ông lại phải tìm chỗ khác.
Một chiều cuối đông năm Ất Mùi 2015, bên căn nhà ấm áp trên đường Hưng Đạo Vương, TP.Biên Hòa, nhạc sĩ Sáu Khuê cầm ly bia nói thêm với ánh mắt tươi vui: “Nhờ sự can thiệp của anh em cán bộ Bảo tàng Đồng Nai, trong đó người mà tui nhớ nhiều nhứt là Giám đốc Bảo tàng Đỗ Bá Nghiệp, cuối năm 1990 UBND TP.Biên Hòa có quyết định trả lại toàn bộ cơ sở thờ tự đình Tân Lân. Anh em tụi tui mừng muốn rớt nước mắt. Trưa 28 tết mới nhận được quyết định trả đình mà đến sáng 29 tết tụi này tổ chức lễ rước sắc Ông từ chùa Một Cột về đình Tân Lân hết sức là rình rang, có cả xe hơi đón tiếp. Lệ đình là mỗi lần thỉnh sắc Ông phải cúng con vịt. Tui nhớ cái lần lén rước trước đó, cũng làm theo tục lệ, nhưng anh em quýnh quáng luộc con vịt chưa kịp mổ bụng còn nguyên lòng ruột đưa cho Chánh tế ôm đi cúng. Chừng phát hiện ra, mọi người cười đến đau cả bụng! Biên Hòa đối với tui có vô vàn kỷ niệm…”.
Lê Biên Hùng