Từ khi Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (gọi tắt Khu bảo tồn) được hình thành vào năm 2004, cuộc đấu tranh giữa kiểm lâm - lâm tặc, lâm tặc - thú rừng vẫn còn "nóng", cho đến ngày cánh thợ săn vứt bẫy, buông súng, quay lại hỗ trợ kiểm lâm che chở cho cây rừng và muông thú.
Từ khi Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (gọi tắt Khu bảo tồn) được hình thành vào năm 2004, cuộc đấu tranh giữa kiểm lâm - lâm tặc, lâm tặc - thú rừng vẫn còn “nóng”, cho đến ngày cánh thợ săn vứt bẫy, buông súng, quay lại hỗ trợ kiểm lâm che chở cho cây rừng và muông thú.
Với 2 phát súng bắn chết 1 con gấu, đến nay ông Tư Minh (trái) vẫn còn ân hận. Ảnh: Đ. Phú |
Giữa cái nắng rát da nơi bìa rừng, ông Út Triệu (ngụ ấp 5, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) căng mắt quan sát động tĩnh nơi cánh rừng ông phụ trách phòng, chống cháy. Ông Út Triệu tâm sự, người thợ săn cũng như con thú rừng, mình rình rập săn bắt nó thì kiểm lâm cũng đuổi bắt mình như vậy. “Cái vòng luẩn quẩn đó sẽ chấm hết nếu thợ săn biết hoàn lương” - đó là điều ông Út Triệu nhận thức được sau khi lãnh án 3 tháng tù (án treo) vì liên quan đến vụ án săn bắt, buôn bán, vận chuyển động vật rừng.
* Ray rứt lương tâm
Lớn lên từ rừng Mã Đà, ông Út Triệu quá quen thuộc với các trò ma mãnh, lánh né lực lượng kiểm lâm khi vào rừng săn bắt, đặt bẫy thú. Những đồng tiền phi pháp kiếm được từ rừng được ông Út Triệu đổi bằng những cơn say vạ vật nơi hàng quán, chòi rẫy. Thời gian cứ vậy trôi qua, rừng Mã Đà ngày càng được lực lượng kiểm lâm Trạm Rang Rang thắt chặt quản lý, bảo vệ và ông Út Triệu thỉnh thoảng được cán bộ kiểm lâm ở trạm gặp gỡ nhắc nhở, động viên bỏ nghề. Trước cán bộ kiểm lâm, ông Út Triệu cứ dạ vâng cho qua chuyện, nhưng trong lòng thì ghét cán bộ kiểm lâm vô cùng. Vì lúc ấy ông nghĩ, cán bộ kiểm lâm tìm cách “phá nồi cơm” của ông, của dân làm rừng, sống dựa vào rừng.
Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó giám đốc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn, cho biết qua 3 đợt điều tra về đa dạng sinh vật rừng (các năm: 2003, 2009 và 2010), Khu bảo tồn hiện có 1.831 loài động vật hoang dã. Trong đó, thú có 85 loài, chim cò 283 loài, bò sát 64 loài… Từ năm 2010 đến nay, do công tác quản lý, bảo vệ rừng và hồ Trị An khá tốt nên các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm tại Khu bảo tồn đã phát triển mạnh về số lượng cá thể, cấu trúc bầy đàn và phạm vi phân bố, đặc biệt là các loài bộ: móng guốc, linh trưởng, gà. |
Biết mình bị cán bộ kiểm lâm điểm mặt, ông Út Triệu càng đề cao cảnh giác khi lẻn vào rừng, tránh chạm mặt kiểm lâm khi ra đường để khỏi phiền phức. Ông Út Triệu ví von, lâm tặc như con thú rừng vậy, con thú rừng sợ bẫy, sợ súng, cũng như thợ săn sợ cán bộ kiểm lâm. Lâm tặc gặp kiểm lâm thì giấu thân dưới những tán rừng, như con thú lúc chạy trốn thợ săn. Thợ săn khác con thú ở chỗ, lúc bị bắt thì chối phăng, chống trả hoặc nài nỉ xin tha, đổ thừa cho cuộc sống đưa đẩy nên làm bậy. “Hồi đó tui ghét cay ghét đắng cán bộ kiểm lâm, nghe tiếng họ ở gần mình là tìm cách giấu thân hoặc trốn chui trốn nhủi cho xong chuyện” - ông Út Triều bộc bạch.
“Đi đêm cũng có ngày gặp ma”, vào ngày 13-5-2011, ông Út Triệu bị bắt quả tang cùng với 2 con rắn hổ chúa, 1 con chồn, 1 con rùa khi định vượt đò từ cửa rừng sang tỉnh Bình Phước tiêu thụ. Hết đường chối cãi, ông Út Triệu lủi thủi dắt xe máy vào trạm và vụ việc được chuyển cho Công an huyện Vĩnh Cửu thụ lý. Vài tháng sau, ông lãnh 3 tháng tù treo.
Ông Út Triệu chân chất trải lòng, nhờ vậy ông mới nhận thức được sai trái, để tích cực cùng cán bộ kiểm lâm bảo vệ rừng, ngăn chặn nạn săn bắt thú rừng như bây giờ. “Thú rừng giờ đã được pháp luật bảo vệ, bảo tồn, đụng đến nó là đi tù, là tội ác. Nhớ lại tiếng kêu của loài thú khi dính bẫy, lương tâm tui ray rứt vô cùng. Nay tui đã giã từ cái nghề lâm tặc, nhưng khi ai đó nhắc lại chuyện cũ tôi lại thấy sợ, ân hận” - ông Út Triệu bộc bạch.
* Thợ rừng lên tiếng
Trở lại Khu bảo tồn khi nắng hạn đã vào đỉnh điểm mùa khô, chúng tôi được biết đến chuyện con bò tót bị kẻ gian sát hại ngày 28-2 vừa qua như thiêu đốt lòng dạ những người bảo vệ rừng.
Vốn là một thợ rừng hoàn lương, ông Năm Quý (ngụ ấp 2, xã Hiếu Liêm) phẫn nộ ra mặt khi biết được tin này. Ông Năm Quý bày tỏ, đó là tội ác không kém gì hành vi gây thương tích, tước đoạt mạng sống của đồng loại. Ông mong tội ác đó sớm được đưa ra ánh sáng, kẻ giết bò tót, tiêu thụ thịt bò tót sẽ nhận lãnh một mức án thật nghiêm khắc.
Rừng Hiếu Liêm trong ký ức của ông Năm Quý như một cuộc rượt đuổi sinh tồn giữa con người và muông thú. Những con người di cư cơ hàn vì cuộc sống của mình mà lấn chiếm nơi thú rừng trú ngụ. Vì cơm áo gạo tiền mà giăng bẫy, giương súng hạ diệt muông thú để lấy thịt ăn, đem bán. Cảnh thịt rừng phơi đầy các khối đá tại khu Công viên Đá (Trạm Kiểm lâm Đá Dựng) của các tay săn thú thời trước như một minh chứng tội ác khi con người đối xử bất công với thú rừng. “Rất nhiều thợ săn trước giờ về với tổ tiên đã trằn trọc, rên hú trên giường bệnh hệt như tiếng thú rừng trúng đạn, dính bẫy. Đó là quy luật nhân quả mà các tay thợ săn phải trả khi giết thú rừng vô tội vạ” - ông Năm Quý nói.
Ông Út Triệu giờ đã là một trợ thủ đắc lực của Trạm Kiểm lâm Rang Rang trong công tác bảo vệ rừng, thú rừng. |
Nói đến hành vi sát hại thú rừng, ông Tư Minh (ngụ ấp 5, xã Mã Đà) ăn năn kể: vào năm 2002, trong lúc say rượu ông đã cầm súng bắn hạ con gấu rừng dính bẫy và bị xử phạt 18 tháng tù (án treo). Lúc đó, vì tin lời bạn nói đó là heo rừng dính bẫy, không biết là gấu nên ông bắn liền 2 phát súng. Khi nghe tiếng la thét, vùng vẫy dữ dội của con gấu trước khi tắt thở, ông Tư Minh hoảng sợ thật sự nên vác súng bỏ về, lòng nơm nớp lo âu. Và đúng như điều ông Tư Minh lo sợ, vài ngày sau ông bị cán bộ kiểm lâm, công an mời lên làm việc, khi người bạn lén lút đem con gấu đã lừa ông sát hại đi tiêu thụ và bị bắt giữ.
Dù không bị giam giữ ngày nào trong trại giam, ông Tư Minh vẫn ân hận, tự vấn bản thân. Kể từ đó, ông dứt khoát không ăn thịt rừng, không săn bẫy, bắn hạ thú rừng và ngay lập tức đưa các con rời khỏi rừng để tìm việc mưu sinh nơi phố thị. Riêng ông vẫn ở lại rừng Mã Đà để chuộc lỗi bằng việc tham gia phòng, chống cháy rừng, tuyên truyền bảo vệ rừng, tố giác các hành vi săn bẫy, buôn bán động vật rừng.
Ông Tư Minh bày tỏ, bằng tất cả tình yêu, sự ân hận với rừng rằng, những người thèm ăn thịt rừng khi nghe người thợ rừng mô tả lại cảnh con thú dính bẫy, bị bắn giết gào thét, giãy giụa ra sao chắc chẳng ai dám ăn. Cho nên, việc những người thợ săn thú hoàn lương như ông mạnh dạn nói về sự ghê sợ, nỗi ám ảnh bởi hành vi xâm hại thú rừng với mọi người thì hiệu quả sẽ không thua kém việc cán bộ kiểm lâm truyên truyền về pháp luật, chính sách bảo vệ rừng.
Đoàn Phú