Cánh đồng Lớn hiện nằm gọn trong khu vực hành chính thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu). Trước năm 1975, khu vực cánh đồng Lớn là những đầm cỏ lác, có rất ít dân sinh sống. Sau năm 1975, gia đình ông Nguyễn Sách (76 tuổi) là hộ dân thứ 9 vào cánh đồng Lớn khai khẩn đất đai, hiện đang sinh sống tại KP.5, thị trấn Vĩnh An.
Cánh đồng Lớn hiện nằm gọn trong khu vực hành chính thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu). Trước năm 1975, khu vực cánh đồng Lớn là những đầm cỏ lác, có rất ít dân sinh sống. Sau năm 1975, gia đình ông Nguyễn Sách (76 tuổi) là hộ dân thứ 9 vào cánh đồng Lớn khai khẩn đất đai, hiện đang sinh sống tại KP.5, thị trấn Vĩnh An.
Mỗi năm 2 lần (Xuân tế và Thu tế), dân Đồng Lớn tổ chức lễ tạ ơn thần hoàng vùng đất này. |
Theo ký ức của ông Sách, đất đai ở cánh đồng Lớn ngày trước rất phì nhiêu, cây trồng không cần phân bón vẫn xanh tốt, năng suất cao. Đặc biệt, người dân lúc đó sống rất hiền hòa, chân tình, luôn nhường cơm sẻ áo cho nhau. Nông sản thu hoạch xong để ngoài đồng phơi nắng, phơi sương vẫn không bị trộm cắp.
* Văn hóa làng Đồng Lớn
Theo thông lệ của người dân KP.5, cứ đến ngày 17 và 18 tháng Giêng, bà con ở đây tổ chức lễ hội Xuân tế. Ngôi đình làng Đồng Lớn được những người dân vào khai khẩn vùng đất này dựng lên vào năm 1992, trên phần đất do ông Tư Lạch (một trong 8 hộ dân đầu tiên vào khai khẩn vùng đất này) hiến tặng. Lúc đầu, đình làng chỉ rộng 8m2. Qua 2 lần trùng tu (vào các năm 2010 và 2015), ngôi đình mới được khang trang, bề thế như bây giờ.
Cánh đồng Lớn bây giờ đã xuất hiện nhiều nhà, vườn rẫy, cơ sở dịch vụ sầm uất… nên ruộng lúa, ao cá không còn nhiều. Trưởng KP.5 Nguyễn Trọng Tản bày tỏ, dân cư cánh đồng Lớn giờ chuyển sang kinh doanh, dịch vụ, thương mại. Số hộ nghèo trong KP.5 giờ chỉ còn 26 hộ, chủ yếu là các hộ mới đến sau này. “Cánh đồng Lớn màu mỡ luôn ưu đãi những người dân siêng năng, chăm chỉ nên vùng đất này ngày càng phát triển” - ông Tản khẳng định. |
Theo ông Lê Mừng, Phó ban quý tế đình Đồng Lớn, mỗi năm dân làng Đồng Lớn tổ chức 2 lễ cúng đình vào các ngày 17 và 18 tháng Giêng (Xuân tế) và tháng bảy (Thu tế) để cầu thần hoàng phù hộ cho dân làng Đồng Lớn được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, phước huệ ngày một nhiều… Các vị cao niên khai khẩn vùng đất này còn mong muốn qua hội đình, dân làng Đồng Lớn thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, con cháu giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục tập quán cố hương.
Dù mâm cỗ hội đình Xuân tế diễn ra đơn giản như bữa tiệc gia đình, nhưng dân làng Đồng Lớn vẫn về dự đông đủ. Ông Nguyễn Công Cát, thành viên Ban quý tế đình Đồng Lớn, cho hay Đồng Lớn quy tụ dân cư từ mọi miền đất nước nhưng đông nhất vẫn là dân miền Trung. Vì vậy, các nghi thức, lễ tế thực hiện theo đúng bài bản của dân miền Trung. “Cụ Hoàng Đông, một người cao niên gốc Huế ở Đồng Lớn am hiểu về tế lễ đã truyền dạy lại các nghi thức cúng tế cho lớp hậu sinh chúng tôi kế tục sau khi cụ mất” - ông Cát nói.
Trong số dân di cư từ các tỉnh về Đồng Lớn, nhiều nhất vẫn là dân Quảng Trị. Trưởng KP.5 Nguyễn Trọng Tản cho biết, Hội đồng hương tỉnh Quảng Trị tại thị trấn Vĩnh An có trên 600 người và trên 50% dân số của khu phố là người gốc Quảng Trị. Tại KP.5 còn có từ đường làng Xuân Dương 3, do 50 hộ dân xuất thân từ làng Xuân Dương, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) di cư lập nên để hướng về quê cha đất tổ. “Dù là dân xứ Quảng hay gốc Bắc, Nam bộ, dân cư cánh đồng Lớn bao năm nay luôn sống chan hòa, đong đầy tình cảm và luôn tối lửa tắt đèn có nhau như lúc mới vào” - ông Tản bộc bạch.
* Vùng đất nghĩa tình
Giữa bốn bề lau lách, tại cánh đồng Lớn nhô lên 8 ngôi nhà của các gia đình có công với cách mạng: Tư Lạch, Tư Chánh, Tư Bình, Năm Tá, Năm Dắt, Năm Già, Sáu Út và Tư Cả, bám trụ từ trước ngày giải phóng.
Ông Nguyễn Sách nhớ lại, vào năm 1980, khi ông đưa gia đình vào cánh đồng Lớn sinh sống thì được ông Tư Bình (nay đã mất) cho nhà, đất cư ngụ. “Cá, tôm, rùa… ở cánh đồng Lớn thời kỳ đó nhiều vô kể, chỉ cần tát một vũng nước nhỏ thì bắt được cả thúng cá, tôm; ăn không hết thì đem phơi khô, ủ mắm. Riêng khỉ và heo rừng thì tự do kéo đàn về phá hoa màu của dân. Lúc ấy, gia đình tôi và 8 hộ dân khác phải nuôi nhiều chó để đuổi khỉ, heo rừng nhằm bảo vệ hoa màu” - ông Sách kể.
Người dân cánh đồng Lớn tụ hội về đình làng để chung vui. |
Ngày ông Sách vào lập nghiệp tại cánh đồng Lớn, tài sản ông mang theo từ làng Xuân Dương chỉ còn lại nửa kg bột ngọt. Thấy gia đình ông Sách nheo nhóc (10 con nhỏ) lúc mới vào, 8 hộ gia đình đến trước đã gọi ông đến nhà cho lúa, bắp, đậu về ăn và chỉ bày cho cách sản xuất. Nhờ có nghề mộc, lại siêng năng, sau một vụ mùa, vợ chồng ông Sách đã có dư lúa, bắp, đậu... “Mỗi hộ chọn một khu đất tốt cách xa nhau để khai hoang, lập nhà. Vì vậy, muốn thăm nhau phải chân trần bì bõm lội nước sang chơi, hoặc chụm 2 tay lại hú gọi nhau mời sang nhà” - ông Sách tâm sự.
Cánh đồng Lớn rộng trên 100 hécta, chỉ vỏn vẹn có 9 hộ dân sinh sống. Vì vậy, thời điểm năm 1983, dân cư các tỉnh bắt đầu di cư về đây ngày một nhiều; ông Sách cũng mời gọi những người đồng hương làng Xuân Dương di cư tứ tán của ông về cánh đồng Lớn lập làng. Lúc đầu chỉ có chục hộ gia đình làng Xuân Dương (hiện đang tạm trú tại KP.2) vào, về sau số hộ làng Xuân Dương vào cánh đồng Lớn lên tới 50 hộ. Sự trù phú về đất đai và lòng mến khách của người đến trước đã mời gọi dân di cư vào cánh đồng Lớn thêm đông. Cánh đồng Lớn đầy lau lách nhanh chóng được khai khẩn thành ruộng lúa, rừng già thì khai khẩn thành rẫy, vườn.
Cuộc sống dân cư cánh đồng Lớn bắt đầu sung túc, tình cảm thì chan hòa. Những người cao niên bắt đầu gặp nhau bàn bạc lập hội đồng hương và đình làng, nghĩa trang... để tưởng nhớ cố hương, giữ gìn văn hóa và nơi an nghỉ về già. Cụ Tư Lạch là người hiến đất lập đình ở cánh đồng Lớn, còn cụ Tư Bình hiến đất làm nghĩa trang, 50 hộ dân làng Xuân Dương thì góp tiền mua đất xây dựng từ đường làng… Người dân tha hương nơi cánh đồng Lớn nhờ vậy mà quên đi những nhọc nhằn cuộc sống, hăng hái ra sức cùng chính quyền phát triển kinh tế, giữ gìn văn hóa, đoàn kết giúp nhau xây dựng đời sống văn hóa mới. Gần 20 năm nay KP.5 luôn giữ vững khu phố văn hóa mới.
Đoàn Phú