Những ngôi nhà cổ ở Đồng Nai được xây dựng từ thế kỷ thứ XIX và đầu thế kỷ XX không chỉ có giá trị về văn hóa, mà còn thể hiện nét độc đáo, tay nghề tinh xảo trong kiến trúc đặc trưng của người xưa…
Những ngôi nhà cổ ở Đồng Nai được xây dựng từ thế kỷ thứ XIX và đầu thế kỷ XX không chỉ có giá trị về văn hóa, mà còn thể hiện nét độc đáo, tay nghề tinh xảo trong kiến trúc đặc trưng của người xưa…
Gian chính nhà từ đường họ Đào ở xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch. Ảnh: K.LIỄU |
Những ngôi nhà có tuổi đời hàng trăm năm được xây dựng nằm ẩn khuất trong những khu vườn dọc hai bên đường đi vào ấp Phú Mỹ, xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch), hay nằm giữa phố chợ ở làng Bến Gỗ, xã An Hòa (TP.Biên Hòa), hoặc thấp thoáng trong những khu vườn của cù lao Tân Triều, xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu)... đều thể hiện khá rõ nét đời sống văn hóa, tinh thần của cư dân trên vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai hơn 300 năm trước.
* Dấu tích người xưa...
Nhà cổ ở Đồng Nai tập trung tại một số khu vực ngày xưa là thị tứ đông đúc. Trong số nhà cổ đã được thống kê, cho thấy một số làng cổ là nơi đứng chân cho công cuộc khẩn hoang lập nghiệp. Đáng kể là dọc theo sông Đồng Nai, những vùng đất hoang hóa xưa kia, như: Bến Gỗ, cù lao Phố, Bến Cá… được những lớp cư dân Việt từ xa đến khai phá, xây dựng thành những khu dân cư trù phú mà dấu tích của một thời vẫn còn lưu lại đến tận hôm nay.
Nói đến nhà cổ ở Đồng Nai thì huyện Nhơn Trạch có nhà ông Ba Lãnh, nhà Hội đồng Đào Mỹ Thiền, Nguyễn Lục Yểm (xã Phú Hội); TP.Biên Hòa có nhà Trần Ngọc Du (phường Tân Vạn), nhà Nguyễn Thị Thi (xã Hiệp Hòa); vùng Bến Gỗ có nhà ông phủ Nguyễn Thanh Long; Vĩnh Cửu có nhà ông giáo Hảo (xã Thạnh Phú)… Với kiến trúc nhà người Việt truyền thống là gian 2 chái, kiểu chữ đinh, nhà rường hoặc nhà rội, nhà cổ ở Đồng Nai chủ yếu được làm bằng các loại danh mộc tốt, như: gõ, cẩm lai, trắc... Điểm nhấn nghệ thuật tạo nên nét kiến trúc cho ngôi nhà chính là cách trang trí, chạm khắc tinh vi trên những gian cửa, cột, bao lam mà đề tài chính là các loại cây, hoa và chim cảnh. Tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh kinh tế của từng chủ nhân mà nội thất ngôi nhà được chạm khắc, trang trí thêm hoành phi, liễn đối hoặc các vật dụng quý.
Nhà cổ ông Phủ Long, xã An Hòa, TP.Biên Hòa. |
Điểm nổi bật của nhà cổ dòng họ Đào ở Phú Hội chính là hệ thống cửa chính, bao lam ở gian giữa và xung quanh khu vực thờ phụng mang phong cách nghệ thuật điêu khắc Huế. Các mối kết nối đoạn kèo trong toàn bộ ngôi nhà được cách điệu bằng hình 6 đầu rồng hòa lẫn trong nét chạm trổ hoa lá vươn mình đỡ mái hiên trông rất đẹp mắt. Ngôi nhà này được dựng trên diện tích khoảng 400m2 gồm 3 gian chính và 2 chái lớn với tổng cộng 114 cột. Có lẽ chính vì những nét đẹp đó mà ngôi nhà cổ của dòng họ Đào được nhiều đoàn làm phim trong và ngoài nước chọn làm điểm quay.
Ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Quản lý di tích danh thắng Đồng Nai, cho rằng những căn nhà cổ ở Đồng Nai đang đứng trước nguy cơ mai một, bởi quá trình đô thị hóa. Mặt khác, nhà cổ sẽ rất khó trường tồn nếu như việc bảo quản và giữ gìn chỉ phụ thuộc vào người kế thừa của dòng họ. Vì vậy, rất cần có sự quan tâm của cơ quan chức năng trong việc nghiên cứu, định hướng bảo tồn, trùng tu, gìn giữ cũng như phát huy các giá trị của nhà cổ. Việc giữ gìn và khai thác hiệu quả loại hình kiến trúc này sẽ tạo được thương hiệu kiến trúc độc đáo về nhà cổ ở Đồng Nai với du khách trong và ngoài nước... |
Còn nhà cổ Trần Ngọc Du được cất từ năm 1900 trên mảnh đất hương hỏa của dòng họ, mặt tiền hướng ra sông Đồng Nai. Để dựng căn nhà rọi 3 gian 2 chái, ông Trần Ngọc Du đã trực tiếp chỉ đạo toán thợ mộc ở Thủ Dầu Một và Biên Hòa vào rừng tuyển gần 200 cây gỗ quý các loại đem về làm cột, đòn tay và xẻ ván để trang trí nội thất. Toàn bộ số gạch lát nền và ngói âm dương được đặt mua ở các lò gốm vùng Tân Vạn, đá tảng dùng kê chân cột được khai thác từ núi Sảnh. Riêng việc chạm trổ các họa tiết nơi cánh én, khuôn bông, đầu các vì kèo, cửa buồng, khánh thờ, bàn thờ ở nhà ông Trần Ngọc Du được thực hiện theo các mô típ dân gian, như: tùng - lộc, cúc - bướm, trúc - mai.
* Nguy cơ mai một...
Trải qua nhiều thế hệ con cháu sinh sống, cùng với những tác động của thời gian... các nhà cổ ở Đồng Nai hiện đang trong tình trạng xuống cấp. Theo đó, nhiều mái nhà, vách gỗ, vật trang trí… đã được thay thế.
Theo kết quả khảo sát của Ban Quản lý di tích danh thắng Đồng Nai, trong 401 căn nhà cổ trên địa bàn tỉnh đều không còn nguyên vẹn như xưa. Duy nhất chỉ có nhà cổ Trần Ngọc Du được Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ và trùng tu. Nhà này còn được UNESCO trao “Giải thưởng công trạng kiến trúc nhà Việt cổ” năm 2004 và UBND tỉnh xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2005. Còn những căn nhà khác thì việc bảo quản và giữ gìn phụ thuộc hoàn toàn vào người kế thừa của dòng họ. Chẳng hạn, nhà cổ của dòng họ Đào ở Phú Hội được con cháu chăm sóc, giữ gìn cẩn thận nên còn tương đối nguyên vẹn cho đến thời điểm này. Ông Đào Mỹ Trí Nhân (thuộc thế hệ thứ 4) đang sống trong ngôi nhà có một không hai này, chia sẻ: “Ngôi nhà chính là tâm huyết bao đời của ông bà mình. Đây là nơi ghi dấu truyền thống của gia tộc nên dù có khó khăn cách mấy, gia đình tôi quyết phải giữ gìn”.
Phía trước nhà cổ Trần Ngọc Du, phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa. |
Cùng quan niệm như ông Nhân, ông Trần Hữu Tài, người đang trông coi ngôi nhà cổ Nguyễn Thanh Long (Phủ Long), cho biết gia đình ông xem ngôi nhà là tài sản vô giá mà tổ tiên, ông bà để lại. Bởi ngoài giá trị vật chất, căn nhà còn mang ý nghĩa tinh thần to lớn vì lưu giữ những kỷ niệm của nhiều thế hệ ông cha đã sinh ra và lớn lên ở đây. “Mới đây có một số thương gia Đài Loan đến xem nhà và muốn mua các bức lam phía sau bàn thờ với giá 30 ngàn USD, nhưng tôi quyết không bán. Cả gia đình tôi thống nhất: căn nhà này là gốc gác của dòng họ, nếu mất gốc coi như mất hết nên sống chết gì cũng phải giữ để truyền cho các thế hệ tiếp nối” - ông Tài nhấn mạnh.
Kim Liễu