Hơn nửa tháng trôi qua nhưng sự cố sập cầu Ghềnh dường như vẫn chưa hết "nóng". Hệ thống đường sắt bị gián đoạn, các ga: Biên Hòa, Hố Nai và Trảng Bom trở thành nơi trung chuyển hành khách và hàng hóa chính, nhờ đó mà nhiều "dịch vụ" ăn theo đã xuất hiện.
Hơn nửa tháng trôi qua nhưng sự cố sập cầu Ghềnh dường như vẫn chưa hết “nóng”. Hệ thống đường sắt bị gián đoạn, các ga: Biên Hòa, Hố Nai và Trảng Bom trở thành nơi trung chuyển hành khách và hàng hóa chính, nhờ đó mà nhiều “dịch vụ” ăn theo đã xuất hiện.
Những ngày này, lượng hàng hóa tập trung về 2 ga Hố Nai và Trảng Bom tăng gấp nhiều lần, nên nhu cầu thuê xe tải chở hàng, bốc xếp hàng hóa của các doanh nghiệp tăng đột biến.
* Chở hàng thuê hút khách
Đường Điểu Xiển dẫn vào Ga Hố Nai lúc nào cũng chật ních xe tải đi lại. Xe di chuyển đêm ngày để kịp giao hàng cho khách, nhờ thế mà dịch vụ chở thuê đang rơi vào tình trạng “cháy” xe, khiến giá cho thuê tăng cao hơn so với ngày thường. Những chiếc xe tải đủ kích cỡ nhau luôn túc trực tại ga để chờ nhận “hợp đồng”. Các con hẻm ngày thường vốn ít xe cộ qua lại, nay trở nên chật chội vì dọc 2 bên đường lúc nào cũng đậu hàng chục xe tải, xe container…
Xe tải xếp hàng dài đường vào Ga Trảng Bom, tài xế sốt ruột chờ thông đường để sớm đi lại nhanh chóng. |
“Bình thường gặp cảnh “ế”, cả tuần chạy 1-2 chuyến, nhưng khoảng nửa tháng nay ngày nào cũng có đơn hàng. Mặt hàng chở cũng khá đa dạng, chủ yếu đi các tỉnh xa, chứ không còn loanh quanh ở Đồng Nai. Cả người cầm lái lẫn phụ lái đều vất vả, hoạt động hết công suất” - ông Lê Văn Nhất (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) hồ hởi cho hay.
Ông Nhất làm nghề chở hàng thuê từ nhiều năm nay, trong nhà có 3 xe tải loại 12 tấn trở lên. Trong đó, 2 chiếc xe tải loại 15-18 tấn của ông gần như đã “đắp chiếu” kể từ sau tết, riêng chiếc nhỏ hơn hoạt động cầm chừng. Nhưng kể từ khi hàng hóa đổ dồn về Ga Hố Nai, nghề của ông phất lên nhanh chóng, các chủ doanh nghiệp vận tải hàng hóa liên tục gọi điện thuê ông chuyển hàng cho các mối.
Việc chuyển hàng được ký hợp đồng hẳn hoi, ông không còn lo chạy lòng vòng tìm khách hoặc chờ “mối” quen, mà chỉ đậu một chỗ rồi đợi khách gọi điện. Khi có việc, lái xe nhanh chóng chở hàng, xong đâu đấy lại quay về chờ cuốc xe tiếp theo. Quãng đường di chuyển tùy thuộc vào đơn hàng, nhưng dịp này ông Nhất chỉ nhận các chuyến hàng đi TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh miền Tây, hoặc ngược lại.
Không chỉ các “dịch vụ” bốc xếp hàng hóa, giữ xe qua đêm hút khách, mà nhiều hàng quán kinh doanh các mặt hàng ăn uống cũng có cơ hội ăn nên làm ra dịp này. Dọc 2 bên đường tại các nhà ga: Biên Hòa, Hố Nai và Trảng Bom, các quán nước giải khát mọc lên nhiều, đáp ứng nhu cầu của hành khách xa gần. |
Với các bác tài chạy thuê cho các chủ xe hay những doanh nghiệp làm dịch vụ vận tải hàng hóa, những ngày này lúc nào cũng bận rộn với các chuyến xe ngang dọc khắp nơi. Có lẽ đây là dịp “ăn nên làm ra” nên thời gian ngồi trên xe nhiều hơn khi ở nhà. Ai nấy đều bận rộn từ sáng đến tối mịt, chưa kịp ngơi nghỉ lại sức thì phải lo cho chuyến xe ngày hôm sau.
Một khi đơn hàng nhiều đồng nghĩa với thu nhập được nâng lên thì thời gian “dưỡng sức” sẽ ít lại. Nếu không tỉnh táo và bản lĩnh mỗi lúc điều khiển phương tiện thì người cầm vô lăng có thể gặp họa bất cứ lúc nào, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông vì thế mà tăng cao.
“Chạy xe chở thuê chịu áp lực về mặt thời gian, hàng hóa bị ùn tắc, chủ hàng cũng sốt ruột nên mình phải cố gắng đảm bảo đúng thời hạn. Xe chạy liên tục, chúng tôi hầu như phải ăn trên xe mà ngủ cũng trên xe. Hai tuần trở lại đây, xe tôi chạy trung bình khoảng 4-5 chuyến, cao hơn ngày thường rất nhiều” - tài xế Nguyễn Minh Phụng (ngụ TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) nói.
* “Dịch vụ” ăn theo…
Từ sáng sớm, không khí làm việc tại Ga Trảng Bom đã nhộn nhịp. Người và xe lúc nào cũng tập trung đông đúc tại các bãi tập kết hàng hóa. Khi chuyến tàu vừa dừng bánh và đỗ xịch trên đường ray, các toa tàu bắt đầu mở ra là đội ngũ những người bốc xếp hàng hóa nhào tới. Trên mỗi toa tàu luôn có 5-10 người làm nhiệm vụ bốc xếp túc trực, dồn sức để sang hàng. Cách đó không xa là các tốp bốc xếp đang ngồi chờ đến lượt của mình.
Anh Phạm Văn Hà (ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) cho biết, đợt này anh khá bận rộn, bởi sang hàng trở thành “dịch vụ” hái ra tiền khi hàng chục toa tàu tập trung dồn về Ga Trảng Bom mỗi ngày. Hàng hóa bị ứ đọng khiến chủ doanh nghiệp phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi kiếm người làm. Vì thế mà tiền công bốc xếp đẩy lên, anh Hà được trả khoản thù lao khá cao.
Công nhân bốc xếp hàng hóa, chuyển hàng từ tàu hỏa sang xe tải tại Ga Hố Nai. |
Anh Hà cho biết thêm, cứ có tàu là anh làm hàng, không theo giờ giấc nào cả, nhưng nếu làm ban đêm được trả công cao hơn. Hiện ở đây có nhiều đội bốc xếp, được chia theo từng tổ, mỗi tổ có 10 người. “Nếu tính theo công nhật, mỗi người bốc xếp được trả từ 250-300 ngàn đồng/ngày, còn tính theo năng suất là 2 ngàn đồng mỗi bao tải hoặc kiện hàng. Tùy vào sức khỏe và khả năng làm việc, người bốc xếp có thể được trả nhiều hơn giá trên. So với đợt trước, tiền công bốc xếp hàng trả cao hơn 50 ngàn đồng/ngày” - anh Hà vui vẻ nói.
Riêng tại Ga Biên Hòa, sau sự cố sập cầu Ghềnh khiến tuyến đường sắt đi TP.Hồ Chí Minh bị gián đoạn, nhiều “dịch vụ” cũng xuất hiện để đáp ứng nhu cầu của khách đi tàu, trong đó có “dịch vụ” nhận giữ xe qua đêm.
Dự đoán khách các tỉnh xa tập trung về đây nhiều, bà Lê Thị Thoa (ngụ phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) không ngần ngại treo bảng nhận giữ xe qua đêm. Trung bình mỗi đêm, gia đình bà Thoa giữ trên dưới chục chiếc xe máy, giá khoảng 8 ngàn đồng/chiếc. Khoảng sân trước nhà bà được tận dụng làm chỗ để xe, hàng rào quanh nhà cũng được dựng lại cẩn thận để đề phòng kẻ gian. “Sân nhà ga chật nên không có chỗ để xe qua đêm. Thấy khách ở xa không có chỗ gửi xe nên tôi nhanh chóng mở điểm nhận giữ xe. Làm việc này cũng lo, nếu để xảy ra mất mát hay hư hỏng tài sản của họ mình phải bỏ tiền túi ra đền. Nhận giữ xe cho khách thì phải có trách nhiệm với họ” - bà Thoa chia sẻ.
Thanh Hải