Báo Đồng Nai điện tử
En

Chống chọi với nắng hạn

11:04, 13/04/2016

Tiếng cóc râm ran gọi bạn tình lúc giữa đêm làm cho ông Bảy Quang (ngụ ấp 2, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc) tỉnh giấc, cầm đèn pin rọi quanh vườn. Trời tờ mờ sáng, ông ra sân hướng tầm mắt về phía ngọn núi Mây Tàu nhìn mây mù mà suy tính ngày trời đổ mưa.

Tiếng cóc râm ran gọi bạn tình lúc giữa đêm làm cho ông Bảy Quang (ngụ ấp 2, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc) tỉnh giấc, cầm đèn pin rọi quanh vườn. Trời tờ mờ sáng, ông ra sân hướng tầm mắt về phía ngọn núi Mây Tàu nhìn mây mù mà suy tính ngày trời đổ mưa. Ông Bảy Quang cho hay, chỉ cần một cơn mưa lớn xuất hiện, cây trồng ở Xuân Hòa và nhiều nơi khác sẽ qua được cơn khát nước.

Ông Chín Sĩnh với cái hố nước nơi dòng suối Xoài.
Ông Chín Sĩnh với cái hố nước nơi dòng suối Xoài.

Hạn hán đã làm cho các dòng suối: Xoài, Sông Ui, Nóng, Lạnh trên địa bàn xã Xuân Hòa khô cạn nước. Nguồn nước ngầm từ giếng đào, giếng khoan cũng trở nên khan hiếm. Để chống chọi với nắng hạn, người dân xã Xuân Hòa chia sẻ nhau từng khối nước để dưỡng cá, dưỡng cây, nhưng vẫn có gần 10 hécta cây trồng héo úa, gia súc thiếu cỏ tươi ăn.

* Chống hạn

Cái ao nước của ông Năm Cho (Chủ nhiệm Câu lạc bộ cây ăn trái xã Xuân Hòa) chỉ còn ít nước để dưỡng đàn cá. Ông Năm Cho chia sẻ, nếu không nhờ ông Bảy Quang tiếp nước thì ao cá của ông giờ đã trơ đáy. Hiện tại, mảnh vườn rộng 1,3 hécta của ông chỉ trông chờ vào 2 cái giếng đào và sự chia sẻ nguồn nước tưới từ sự tốt bụng của ông Bảy Quang. “Cách 2-3 tiếng tui mới có nước để tưới được chừng 12 gốc nhãn ở mỗi miệng giếng. Vì tui lo tập trung nước vào cứu vườn nhãn nên gần 100 gốc chanh, quýt, bưởi trồng xen kẽ trong vườn bị chết héo” - ông Năm Cho nói.

Do đặc thù về địa hình, xã Xuân Hòa không có hồ, đập, hệ thống kênh mương Nhà nước đầu tư, mà nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, tưới cây hoàn toàn phụ thuộc vào các con suối, giếng. Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa Huỳnh Ngọc Tùng cho hay, toàn xã có 61 hộ thiếu nước sinh hoạt, khoảng 11 hécta cây trồng khô héo và có nguy cơ bị chết vì thiếu nước. Địa phương tiếp tục kiến nghị Trạm khai thác công trình thủy lợi Xuân Lộc - Long Khánh - Cẩm Mỹ có chế độ xả nước hợp lý nhằm phục vụ nước tưới cho khu vực ven dòng sông Ui; hỗ trợ các hộ dân tiền khoan giếng ở các vùng khó khăn về nước; xây dựng các đập trữ nước lớn trên dòng sông Ui và suối Nóng theo quy hoạch.

Vì khô hạn, ông Năm Cho và những đồng hương miền Tây Nam bộ trong Câu lạc bộ cây ăn trái xã Xuân Hòa thường hay tập trung nhậu lai rai trong lúc chờ giếng trong vườn đầy nước mà không bị các bà vợ càu nhàu. Thật tình, ông Năm Cho cũng muốn khoan một miệng giếng cho riêng mình để khỏi làm phiền ông Bảy Quang, nhưng vì việc hùn tiền khoan chung giếng với ông Bốn cạnh vườn không thành nên ông chỉ còn cách thức đêm cứu cây và nhờ vào nguồn nước do ông Bảy Quang san sẻ.

Một miệng giếng khoan ở xã Xuân Hòa được cánh thợ khoan “bao” nước (đảm bảo có nước) từ 80-100 triệu đồng. Còn khoan ăn theo mét thì trên 500 ngàn đồng/m chiều sâu. Lý do cánh thợ khoan hét giá cao vì vùng đất Xuân Hòa nhiều đá bàn, việc khoan sâu tìm mạch nước ngầm rất tốn kém và nhiều rủi ro cho thợ khoan lẫn chủ vườn. Cho nên, dù nguồn nước ở phần lớn giếng đào đều cạn kiệt, 26 thành viên trong câu lạc bộ cây trồng của ông Năm Cho chỉ có 4 hộ dám bỏ tiền ra khoan giếng cứu cây, gồm: Ba Hùng, Hai Long, Bảy Quang và A Phúc.

Trong 4 người mạnh dạn bỏ tiền khoan giếng, chỉ có hộ ông Hai Long bị thất bại. Ông Hai Long kêu thợ khoan tới 2 miệng giếng (mỗi giếng sâu 70m), tốn đến 120 triệu đồng, nhưng vẫn không có nước. Trong khi đó, giếng khoan của ông Ba Hùng cách đó hơn 100m thì nước tuôn ào ào, làm ông Hai Long sốt ruột cho cây, tiếc số tiền đã bỏ ra. Cũng vì ông Hai Long khoan 2 cái giếng vẫn không có nước nên các thành viên khác trong câu lạc bộ cây ăn trái chưa mạnh dạn khoan giếng. Vì vậy, khi được ông Bảy Quang đem thông tin dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng, thủy văn khu vực miền Nam bàn thảo với các bạn, tất cả đều ngập tràn hy vọng và hứa san sẻ những giọt nước giếng nhà mình trước khi trời có mưa.

* Hy vọng điềm lành

Để vào vùng đất Xuân Hòa khô cằn và nhiều nắng xuất hiện những vườn cây ăn trái trĩu quả, các thành viên trong Câu lạc bộ cây ăn trái xã Xuân Hòa (đa phần là dân miền Tây Nam bộ) đã nỗ lực nghiên cứu đặc điểm thổ nhưỡng, giống cây trồng cho phù hợp với vùng đất cát ở ấp 2. Sau bao năm cải tạo, cây nhãn và cây xoài được dân miền Tây Nam bộ như các ông: Năm Cho, Bảy Quang, Hai Long, Chín Sĩnh… xác định chịu được hạn, nước phèn nên rủ nhau phát triển. Và cũng nhờ những mùa nhãn, mùa xoài thắng lợi mà cuộc sống của họ được địa phương đánh giá phát triển, ổn định hơn các vùng khác.

Ông Chín Sĩnh xởi lởi trình bày, nhà ông có 4 cái ao, 2 cái giếng (một đào, một khoan), nhưng hiện giờ chỉ đủ sử dụng cho sinh hoạt gia đình. Tháng rồi, ông có đơn xin UBND xã cho vét một ít nước từ con đập dã chiến suối Xoài mới có tí nước tưới cầm chừng cho 1,5 hécta vườn nhãn, xoài. Riêng số cam, quýt, bưởi trồng xen kẽ trong vườn nhãn, xoài thì bỏ cho chết héo vì không đủ nước để cứu. Còn việc ông chưa mạnh dạn bỏ ra số tiền lớn khoan giếng vì nhãn, xoài vẫn đủ sức trụ được từ 20-30 ngày với nắng hạn.

Nước tưới cây mùa nắng thiếu thốn, nhưng tình người ở ấp 2, xã Xuân Hòa vẫn đong đầy.
Nước tưới cây mùa nắng thiếu thốn, nhưng tình người ở ấp 2, xã Xuân Hòa vẫn đong đầy.

Thật ra, khoan một miệng giếng tiêu tốn vài chục triệu đồng đối với nhà nông lúc này không quá sức. Cái khó và lo lắng của họ là liệu khoan giếng có tìm được mạch nước mạnh, hay chỉ là mạch nước rỉ rả như giếng đào, ao vét khắp các dòng suối. “Do tụi tui không lường trước nắng hạn gay gắt của thời tiết năm nay nên việc dự trữ nước tưới bị động. Nếu trời không đổ mưa, nguồn nước san sẻ nhau không còn, tui mới kêu thợ về “bao” có nước khi khoan giếng” - ông Chín Sĩnh nói với thái độ dứt khoát.

Tâm lý chần chừ của ông Chín Sĩnh xuất phát từ kinh nghiệm bao năm làm vườn, vì tình nghĩa đồng hương nơi vùng đất mới. Một khi ông và nhiều người khác khoan giếng thì mực nước ngầm ắt bị kiệt, nước thiếu vẫn thiếu, nhưng gây tốn kém cho nhau. Thà tận dụng mọi nguồn nước còn sót lại tưới tiêu tiết kiệm, tự giúp nhau tí nước để cứu vườn còn hơn bỏ tiền tranh nhau nguồn nước ngầm dễ gây mất tình đoàn kết. Hơn nữa, vườn nhãn, xoài và gia súc vẫn đủ sức cầm cự với cái hạn thì những người đồng hương của ông Chín Sĩnh vẫn đủ kiên nhẫn chờ mưa, chung tay nhau chống hạn.

Suốt đêm ở ngoài vườn cùng với các nông dân ấp 2 chống hạn, cứu cây, điều chúng tôi ghi nhận ở họ không phải là lời than thở, mà phải làm sao giữ được vườn cây không bị kiệt sức trước khi trời có mưa. Cho nên, cái điềm lành mà ông Bảy Quang nhìn thấy và suy diễn rất logic từ kinh nghiệm và thông tin dự báo thời tiết nghe mà mừng dù trời vẫn còn chang chang nắng.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều