Trong suốt chiều dài lịch sử của Hải quân nhân dân Việt Nam, Đặc công Hải quân được coi là "đội rái quân đặc biệt" chiến đấu trên các chiến trường sông biển, góp phần làm nên những chiến công lừng lẫy, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
Trong suốt chiều dài lịch sử của Hải quân nhân dân Việt Nam, Đặc công Hải quân được coi là “đội rái quân đặc biệt” chiến đấu trên các chiến trường sông biển, góp phần làm nên những chiến công lừng lẫy, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Những chiến công của đội “rái biển” vang vọng suốt nửa thế kỷ qua, trở thành niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam ngày nay.
Ban Chỉ huy Đội 1 đặc công nước chỉ đạo trận đánh tàu Mỹ ở Cửa Việt (Quảng Trị) năm 1966 (ảnh tác giả chụp lại từ ảnh tư liệu). |
Đoàn 126 Hải quân ra đời và chiến thắng trận thắng đầu tiên tại Cửa Việt (Đông Hà, tỉnh Quảng Trị), không những ghi dấu bước ngoặt về nghệ thuật đánh địch trên chiến trường sông biển của Hải quân Việt Nam, mà còn khẳng định sức làm chủ và chiến thắng trong mọi điều kiện địa hình rừng núi và biển đảo của Tổ quốc.
* Thời khắc lịch sử
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, đất nước ta tạm thời chia làm 2 miền. Miền Bắc được hòa bình, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam vẫn chịu sự thống trị của bọn thực dân, đế quốc xâm lược và bè lũ tay.
Trước tình hình địch ráo riết thực hiện “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam Việt Nam và đưa quân ồ ạt ra miền Bắc để gây chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân, bài toán “bảo vệ biển đảo, kho tàng, cầu cảng” được Bộ Quốc phòng đặt ra. Tuy nhiên, bảo vệ bằng cách nào, lực lượng nào bảo vệ trong khi có nhiều địa hình, địa vật, núi cao, biển rộng, sông ngòi chằng chịt là một vấn đề không nhỏ.
Bằng kinh nghiệm, truyền thống đánh thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc trên miền sông nước, đầu năm 1961, Cục Hải quân đã nghiên cứu đề án “Tổ chức xây dựng lực lượng, huấn luyện”, bảo đảm vũ khí trang bị, chuẩn bị thành lập lực lượng đặc công nước sau đó.
Ngày 23-10-1963, Thủ trưởng Cục Hải quân đã quyết định thành lập Đội 1 Đặc công Hải quân, gồm 80 cán bộ, chiến sĩ được tuyển chọn từ các đơn vị trong cục. Đồng chí Mai Năng (Tạ Văn Thiều) được cử làm Đội trưởng và đồng chí Huỳnh Tửu làm Chính trị viên. Nhiệm vụ của đơn vị là nghiên cứu tình hình hoạt động của tàu thuyền địch và nội dung, phương pháp tổ chức xây dựng, huấn luyện lực lượng; nghiên cứu và thử nghiệm cách đánh tàu địch; đồng thời nghiên cứu trang bị, chế độ chính sách để tham mưu cho Bộ Quốc phòng về tổ chức xây dựng lực lượng đặc công của Hải quân.
Trung tá Nguyễn Viết Chức, nguyên Thuyền trưởng tàu HQ07 Lữ đoàn 171 Hải quân, người đã tham gia viết sử về Đặc công Hải quân, cho biết: “Trong tình hình lúc đó, nếu chúng ta không nhanh chóng thành lập một lực lượng đặc công nước thì rất khó cho việc tác chiến, đánh địch trên chiến trường sông biển. Bởi, lịch sử đánh giặc của dân tộc ta chủ yếu là đánh trên bộ, địa hình đồng bằng, rừng núi, việc thành lập đội quân đánh địch dưới nước là một chiến thuật mới về cách đánh, chưa có tiền lệ trong lịch sử. Nhưng cũng nhờ đội quân này mà chúng ta đã đánh bại được các đợt tấn công của địch từ đường biển, đặc biệt là địch đổ bộ bằng đường không xuống cầu cảng, kho tàng. Việc thành lập đội quân đặc công nước rất thuận lợi cho tác chiến đánh tàu địch neo đậu ở cửa biển, sông lạch, cầu cảng”.
Ngày 13-4-1966, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Đoàn Huấn luyện trinh sát đặc công hải quân mang phiên hiệu Đoàn đặc công 126, trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân (ngày nay là Lữ đoàn Đặc công hải quân 126). Đồng chí Nguyễn Kim Sang, Trưởng phòng Quân báo Cục Tham mưu Hải quân, được cử kiêm Đoàn trưởng và đồng chí Phạm Điệng làm Chính ủy. Đoàn 126 được biên chế 12 đội, vừa huấn luyện vừa chiến đấu, đóng quân tại khu vực thuộc huyện Yên Hưng (tỉnh Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (TP.Hải Phòng).
* Niềm vui và giọt nước mắt
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Hoàng Kim Nông, nguyên chiến sĩ Đoàn đặc công Hải quân 126, người đã tham gia trận đánh đầu tiên ở chiến trường Cửa Việt, kể lại: “Tháng 6-1966, địch hoạt động rộng khắp trên nhiều chiến trường, trong đó Cửa Việt là một mục tiêu địch đổ bộ và lập cứ để tiêu diệt các đội quân của ta. Tại đây, chúng huy động lực lượng khoảng 3 vạn tên với một cơ số hỏa lực bộ binh mạnh, như: 80 khẩu pháo 105 ly và 175 ly bố trí ở một số căn cứ trên đất liền; 20 khẩu trọng pháo đặt trên 15 tàu; hàng trăm ca nô thường xuyên tuần tra trên sông và trên biển có 12-18 tàu chiến của Hải quân Mỹ, cùng một số tàu của quân Nam Triều Tiên. Nắm được ý đồ ấy, Quân ủy Trung ương quyết định mở mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị với mục đích tiêu diệt những tên địch đầu tiên đặt chân đến đây. Đội 1 của Đoàn đặc công 126 là đơn vị trực tiếp thực thi nhiệm vụ này”.
Sau thời gian huấn luyện chuẩn bị, tối
30-3-1967, những “rái biển” chính thức ra trận với niềm tin thắng lợi. Đêm 31-3-1967, trời rét căm căm, vùng biển Cửa Việt tối đen như mực, 2 chiến sĩ đặc công Đỗ Khắc và Nguyễn Văn Kiêm nhận lệnh bí mật bơi tiếp cận tàu cuốc 70 tấn của Mỹ đang nạo vét trên sông và nhanh chóng gắn mìn áp mạn, sau đó rút lui an toàn. Sau hơn 2 giờ chờ đợi, từ phía biển Cửa Việt, một ánh sáng chớp phụt cao trong đêm đen, kèm theo là tiếng nổ ầm vang mặt biển. “Chúng tôi nín thở nhìn tàu địch cháy rồi chìm dần mà vui mừng đến trào nước mắt. Đó là chiến công đầu tiên của chúng tôi” - ông Nông nhớ lại.
Trận đánh tàu địch ở Cửa Việt (Đông Hà, Quảng Trị) là một trang sử chói lọi nhất của Đặc công Hải quân. Nó không chỉ trở thành biểu tượng về tinh thần dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 126 đánh địch trên chiến trường sông biển, mà còn ghi dấu tình người Quảng Trị đã che chở, đùm bọc những chiến sĩ đặc công nước. Cho đến bây giờ, sau 50 năm, người Quảng Trị vẫn luôn ghi ơn bộ đội Đặc công Hải quân, còn những “rái biển” vẫn tự hào một thời trong lòng dân bản xứ. |
Niềm tin được nhân lên sau chiến thắng đầu tiên, những “rái biển” bước vào cuộc chiến đấu mới, đó là lần đánh tàu cuốc Hayda đêm 8-5-1967. Đại tá Nông kể lại: “Sau chiến thắng đầu tiên, Đoàn đặc công 126 Hải quân được giao nhiệm vụ đánh tàu LST đang đậu ở cảng Cửa Việt. Hai đồng chí Nguyễn Văn Kiêm và Tống Duy Kiên nhận nhiệm vụ này. Ngay trong đêm 8-5-1967, họ bí mật bơi tiếp cận tàu, nhưng không thành. Rất nhanh, họ chuyển hướng đánh tàu cuốc Hayda. Để tránh bị phát hiện, 2 đồng chí Kiêm và Kiên đã bí mật ngâm mình trong biển lạnh. Đợi cho tàu cuốc quay ra biển xả đất quay vào, 2 chiến sĩ dũng cảm bơi đón đầu mục tiêu, áp sát rồi gắn mìn vào thành tàu địch và rút về bờ Bắc an toàn. Sau đó, một tiếng nổ long trời lở đất ầm vang, con tàu dài 71m, rộng 12m bị phá thủng, nhanh chóng chìm xuống sông Cửa Việt. Đó là lúc 5 giờ 30 ngày 9-5-1967”.
Trong lúc này, những “rái biển” ở Đội 3 do đồng chí Nguyễn Hùng Lễ chỉ huy tiếp tục bí mật đột nhập qua hàng rào ngăn cách của địch, áp được 2 khối thuốc nổ vào dưới khoang máy và khoang hàng của tàu vận tải LST rồi rút ra an toàn. Tàu LST trọng tải 5 ngàn tấn chở xe thiết giáp và vũ khí hạng nặng bị áp mìn cũng phát nổ và chìm sau đó. Đây cũng là trận đầu tiên đặc công nước của ta đánh chìm tàu vận tải cỡ lớn của địch. Trận đánh gây tiếng vang lớn, mở ra khả năng đánh lớn của Đặc công Hải quân.
Mai Thắng