Báo Đồng Nai điện tử
En

Đổi đời nhờ chôm chôm chín sớm

10:04, 18/04/2016

Đầu tháng 3 âm lịch, ngoài đường nhựa nắng rát da thịt, ông Phạm Ni (ngụ tổ 10, ấp Bàu Sầm, xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) thong thả dạo quanh vườn chôm chôm hóng mát, ngắm nhìn những chùm chôm chôm đang chớm vàng.

Đầu tháng 3 âm lịch, ngoài đường nhựa nắng rát da thịt, ông Phạm Ni (ngụ tổ 10, ấp Bàu Sầm, xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) thong thả dạo quanh vườn chôm chôm hóng mát, ngắm nhìn những chùm chôm chôm đang chớm vàng. Ông Phạm Ni cho biết, do chôm chôm ở vùng đất này chín sớm hơn các vùng đất khác nên ông bán được giá cao, 5 sào chôm chôm sớm của ông năm nào cũng cho thu nhập gần 200 triệu đồng.

Trưởng ban Tuyên giáo TX.Long Khánh Phạm Văn Hoàng (đứng) trao đổi với nông dân về việc xây dựng thương hiệu chôm chôm chín sớm vùng đất Bàu Sầm.
Trưởng ban Tuyên giáo TX.Long Khánh Phạm Văn Hoàng (đứng) trao đổi với nông dân về việc xây dựng thương hiệu chôm chôm chín sớm vùng đất Bàu Sầm.

Thổ nhưỡng vùng đất ấp Bàu Sầm giúp chôm chôm chín sớm hơn các vùng đất khác 1-2 tháng một cách tự nhiên, chất lượng trái ngon, ngọt, thơm như chôm chôm chính vụ thu hoạch rộ vào tháng 5 âm lịch. Theo kinh nghiệm của nông dân trồng chôm chôm sớm ở Bàu Sầm, do đất ở đây có độ ẩm thấp, khô hạn sớm hơn các vùng đất khác nên cây chôm chôm ra hoa sớm.

* Khổ vì chôm chôm ra hoa sớm

Vùng đất ấp Bàu Sầm là vùng đất đá, nghèo dinh dưỡng. Năm 1980, dân cư miền Trung bắt đầu di cư vào vùng đất này khai hoang và sang nhượng lại vườn rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa để trồng hoa màu, chuối, cà phê… với giá chỉ vài chỉ vàng/hécta. Khi phong trào trồng cà phê thất bại, nông dân ấp Bàu Sầm chuyển sang trồng chôm chôm. “Đất ở đây nghèo dinh dưỡng nên cây chôm chôm cho năng suất thấp hơn các vùng khác và đó cũng là nguyên nhân dân cư vùng đất Bàu Sầm 7 năm về trước khó khăn hơn vùng khác” - Phó trưởng ấp Bàu Sầm Võ Xuân Thu cho hay.

Nhánh suối Gia Liêu chia ranh giới hành chính ấp Hòa Hợp (xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc) với ấp Bàu Sầm (xã Bàu Trâm). Đặc biệt, nó còn phân định cả sự sung túc giữa 2 vùng đất Hòa Hợp và Bàu Sầm. Trong đó, đời sống dân cư ở các tổ: 1, 8, 10 và 13, ấp Bàu Sầm khổ, khó nhất. Trước cái nghèo, cái khó vì thổ nhưỡng, nông dân trồng chôm chôm ở các tổ này nhìn chôm chôm trong vườn rẫy thuộc ấp Hòa Hợp xanh tốt, năng suất cao mà thèm thuồng.

Mãi đến năm 2005, nông dân trồng chôm chôm ở các tổ: 1, 8, 10 và 13, ấp Bàu Sầm mới bắt đầu phát hiện vườn chôm chôm của mình thỉnh thoảng có cây ra hoa sớm, trái chín sớm. Nhưng cây chôm chôm ra hoa sớm càng làm cho nông dân các tổ: 1, 8, 10 và 13 khó chồng khó.

Hai ông Huỳnh Văn Tượng (ngụ tổ 13) và Nguyễn Văn Phước (ngụ tổ 1) là những người tiên phong và có nhiều kinh nghiệm chăm sóc chôm chôm chín sớm ở ấp Bàu Sầm. Hai ông tỉ mỉ bắc thang vạch từng đọt chôm chôm để xem xét, đánh giá nhằm can thiệp nước, phân phù hợp; đồng thời bày vẽ cho nông dân có chôm chôm chín sớm cắt tỉa bớt hoa, trái non xấu để chôm chôm chín sớm đạt năng suất cao, trái to, đồng đều, thu hoạch rộ vào cùng thời điểm.

Nông dân Vũ Văn Tuất (ngụ tổ 13) cho biết, khi chôm chôm ra hoa vào đúng thời điểm khô hạn, nông dân không biết chăm sóc và dưỡng hoa như bây giờ nên hoa đậu trái lèo tèo. Cuối vụ, nông dân thu hoạch chẳng được bao nhiêu nên nhiều người nản chí bỏ mặc vườn, hoặc chặt bỏ chôm chôm để quay lại trồng cà phê, cây ăn trái. “Lắm lúc chúng tôi muốn chuyển nhượng đất, tìm vùng đất khác tốt hơn để lập vườn vì đất vùng này xấu. Lúc đó, kêu chuyển nhượng đất chẳng ai mua, hoặc có người mua lại trả giá chẳng được mấy đồng nên chúng tôi đành ở lại cầm cự đến nay” - ông Tuất lý giải lý do ông trụ lại vùng đất này.

Trước đặc thù thổ nhưỡng làm chôm chôm ra hoa sớm, nông dân các tổ: 1, 8, 10 và 13, ấp Bàu Sầm cứ vậy chịu cảnh khó nghèo.

Nông dân Nguyễn Văn Tiên (ngụ tổ 10) cho biết, chôm chôm người ta đến tháng 1-2 âm lịch mới bắt đầu trổ hoa, đậu trái, còn chôm chôm vườn nhà ông thì trổ hoa hàng loạt vào tháng 11-12 âm lịch. Đó là thời điểm nắng hạn, thiếu nước tưới nên việc chăm sóc cho cây chôm chôm đậu trái rất khó khăn. Lúc ấy, do không có kinh nghiệm chăm sóc chôm chôm ra hoa sớm như bây giờ nên ông Tiên và nhiều nông dân khác chỉ biết nhìn chôm chôm trổ hoa sớm mà méo mặt, đổ lỗi cho “ông trời”.

* Làm giàu…

Sau nhiều năm tìm tòi, đúc kết kinh nghiệm, nông dân trồng chôm chôm ở các tổ: 1, 8,10 và 13 dần có kinh nghiệm chăm sóc chôm chôm chín sớm. Đến năm 2009, việc chôm chôm chín sớm không còn là gánh nặng, mà là cơ hội giúp nông dân có cơ hội làm giàu. “Chôm chôm chín sớm giá đầu mùa từ 15-20 ngàn đồng/kg đối với chôm chôm tróc; chôm chôm nhãn và chôm chôm Thái giá 40-45 ngàn đồng/kg. Trong khi đó, chôm chôm chính vụ chín rộ vào tháng 5 âm lịch giá chỉ bằng 1/2, hoặc bằng 1/3 đối với chôm chôm chín sớm. Chôm chôm chín sớm vào tháng 3 âm lịch rất hút hàng, luôn bán được giá cao” - ông Đỗ Văn Ngôn (ngụ tổ 8) nói.

Đất đai ở các tổ: 1, 8, 10 và 13, ấp Bàu Sầm dinh dưỡng kém, đá nhiều, bù lại mạch nước ngầm nơi đây vẫn còn dồi dào để nông dân tưới thúc cà phê sau khi thu hoạch xong vụ chôm chôm chín sớm vào tháng 5 âm lịch và thời điểm dưỡng hoa, dưỡng trái (từ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch).

Nông dân Phạm Thanh Liêm (ngụ tổ 13) cho hay, tổng chi phí chăm sóc chôm chôm chín sớm khoảng 67 triệu đồng/hécta/năm, cho lợi nhuận đạt từ 200-250 triệu đồng/hécta. Nông dân trồng chôm chôm chín sớm hiện có 3 ưu điểm: công hái chôm chôm dễ tìm; bán chôm chôm được giá cao và khách hàng vào vườn rẫy tranh mua.

 Nông dân Vũ Văn Tuất (ngụ tổ 13, ấp Bàu Sầm, xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) với 2 hécta chôm chôm chín sớm thu hoạch rộ vào đầu tháng 3 âm lịch.
Nông dân Vũ Văn Tuất (ngụ tổ 13, ấp Bàu Sầm, xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) với 2 hécta chôm chôm chín sớm thu hoạch rộ vào đầu tháng 3 âm lịch.

Do ưu điểm chôm chôm chín sớm đạt năng suất cao, chất lượng trái ngon, ngọt… nên nông dân các tổ: 1, 8, 10 và 13, ấp Bàu Sầm liên kết nhau lại thành Tổ hợp tác chôm chôm chín sớm. Những nông dân có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc chôm chôm chín sớm, như các ông: Liêm, Ni, Tượng… được bầu làm tổ trưởng, tổ phó với trách nhiệm chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây, tìm nguồn hỗ trợ từ xã, thị xã cho các tổ viên. Hiện Tổ hợp tác chôm chôm chín sớm ấp Bàu Sầm có 26 tổ viên với 22,35 hécta.

Ông Phạm Thanh Liêm, Tổ trưởng Tổ hợp tác chôm chôm chín sớm ấp Bàu Sầm, cho rằng vùng đất thuộc các tổ: 1, 8, 10 và 13 chỉ cho vườn chôm chôm của nông dân ra hoa sớm, trái chín sớm một cách tự nhiên, trong khi các vùng đất khác muốn làm chôm chôm chín sớm phải áp dụng khoa học - kỹ thuật phức tạp, tốn kém thì mới thành công.

Tháng 3 âm lịch, hạn vẫn còn gay gắt, nông dân trồng chôm chôm nhiều nơi thật sự lo lắng cho vườn chôm chôm của mình thiếu nước khi vào đợt thu hoạch rộ tháng 5 âm lịch. Trong khi đó, nông dân vùng chôm chôm chín sớm thuộc các tổ 1, 8, 10 và 13, ấp Bàu Sầm nhẩn nha thu hoạch, ngồi trong những ngôi biệt thự đếm tiền bán chôm chôm chín sớm. Thổ nhưỡng, thiên nhiên một thời làm cho nông dân nơi đây khó nghèo, nay đáp đền lại những vụ chôm chôm chín sớm bội thu, được giá để giúp cho vùng quê ấm no, sung túc, phát triển.

Đoàn Phú

 

 

 

Tin xem nhiều