Trước cái nắng gây khô khốc vườn rẫy, làm cạn kiệt giếng nước, người dân nhiều xã ở huyện Định Quán đã nỗ lực kiếm tìm nguồn nước tưới và nước sinh hoạt dưới lòng đất đá. Nước giờ là vấn đề thời sự nóng bỏng, bức xúc được người dân bàn thảo, sẻ chia, lo lắng nhiều nhất.
Trước cái nắng gây khô khốc vườn rẫy, làm cạn kiệt giếng nước, người dân nhiều xã ở huyện Định Quán đã nỗ lực kiếm tìm nguồn nước tưới và nước sinh hoạt dưới lòng đất đá. Nước giờ là vấn đề thời sự nóng bỏng, bức xúc được người dân bàn thảo, sẻ chia, lo lắng nhiều nhất.
Mùa nắng hạn, việc khoan giếng tìm nước và buôn bán nước sinh hoạt luôn sôi nổi ở 3 xã “khát” nước: Phú Ngọc, Ngọc Định và La Ngà. |
Con suối sâu hoắm nơi rẫy xoài của ông Năm Trưởng (ấp Hòa Thuận, xã Ngọc Định) mùa mưa đến thường gây ngập úng cây trồng, nhưng giờ trơ đá. Mặc dù đã khoan 17 miệng giếng xung quanh rẫy xoài rộng trên 2 hécta, nhưng ông Năm Trưởng chỉ tìm được mạch nước chảy nhỏ giọt ở cái giếng thứ 17 sâu 80m để cứu cây. “Thời điểm này, tụi tui phải chắt chiu từng khối nước trong sinh hoạt và tưới tiêu để chờ trời đổ mưa” - ông Năm Trưởng nói.
* Người… khát
Những ngày này, dân cư sinh sống quanh trục đường liên xã km107 (ấp Hòa Trung, xã Ngọc Định và ấp 3, xã Phú Ngọc) đổ xô khoan giếng để tìm nước vì các giếng đào và giếng khoan trước đó bị đứt nguồn nước.
Ông Bảy Hiền (ngụ ấp Hòa Trung, xã Ngọc Định) cười tít mắt khoe vừa khoan được mạch nước tương đối mạnh tại nhà. Tuy nhiên, ông có chút lo lắng bởi việc tranh nhau tìm nguồn nước dưới lòng đất để tự cứu mình của bà con trong xóm, vì sớm muộn gì giếng khoan của gia đình ông cũng bị đứt nguồn nước. “Nếu khoan 50m mà không có nước thì người ta khoan tới 70-80m để tìm nguồn nước cho bằng được. Lúc ấy, giếng nhà tui tất nhiên bị đứt nguồn nước hoặc nước bị yếu” - ông Bảy Hiền bộc bạch.
Người tìm thấy nguồn nước thì lo nay mai nước yếu, mạch nước bị đứt khi nắng hạn còn kéo dài. Người bỏ tiền ra khoan giếng mà giếng vẫn không có nước phải tiếp tục bỏ tiền ra mua từ 30-40 ngàn đồng/m3 nước về dùng cho sinh hoạt trong gia đình.
Đám con cháu ở xa rủ nhau về thăm nhà đột ngột, bà Tám Liễu (ấp 3, xã Phú Ngọc) tiếc tiền mua nước cho họ sử dụng mà không dám than, vì cứ 2 ngày bà phải mất 80 ngàn đồng để mua 2,5m3 nước. Bà Tám Liễu cho hay, do nhà bà ở gần nơi ông Chín Hùng bán nước sinh hoạt nên giá mua nước có thấp hơn chút đỉnh so với những nhà ở xa. Còn việc nguồn nước ông Chín Hùng chở đến bán cho bà có đủ tiêu chuẩn nước sạch, vệ sinh hay không thì bà không rõ.
Khát thì không tính đến chuyện vệ sinh, miễn khoan được nước, mua được nước với giá vừa túi tiền thì người dân vùng “khát”: Ngọc Định, La Ngà, Phú Ngọc và nhiều nơi khác trên địa bàn huyện Định Quán vui vẻ liền mua, khoan giếng để có nước dùng.
Ông Hai Hưng (ấp 3, xã La Ngà) giãi bày, giếng nhà ông dù có đục, bị phèn vẫn đỡ hơn việc ngày nào cũng mua từng khối nước về sử dụng. 3 năm nay, cứ mùa nắng hạn đến người dân khu vực ông Hai Hưng ở lại chộn rộn tìm nước. Người khá giả chẳng lo lắng nhiều về nguồn nước sinh hoạt vì nhà có xe chở nước, có tiền khoan giếng sâu. Chỉ tội nhà nghèo, cứ chờ trời mưa, mua được nguồn nước giá rẻ, hoặc phải chắt chiu từng giọt nước bơm lên từ giếng để sử dụng. Thêm một điều nghịch lý nữa, vùng đất ở gần lòng hồ Trị An thì nguồn nước càng hiếm, giếng khoan phải sâu hơn các nơi khác mới may ra tìm được chút ít nước để tắm giặt.
* Cây trồng kiệt sức
Chuyện ông Năm Trưởng khoan tới miệng giếng thứ 17 mới tìm được mạch nước chảy nhỏ giọt vào cái bể chứa nước bằng bạt cũng lắm gian nan. Số tiền trên 600 triệu đồng mà 3 năm nay, ông Năm Trưởng đã bỏ ra với mong muốn cứu bằng được hơn 2 hécta xoài của gia đình nay xem ra công cốc.
Ông Năm Trưởng tỏ bày, sau khi khoan chục miệng giếng không tìm ra nước, ông bắt đầu cầu cứu “thầy địa lý” và được “thầy” chỉ cho 3 khu vực khoan lấy nước. Mặc dù khoan đúng 2 lỗ nơi “thầy” chỉ, ông Năm Trưởng vẫn không tìm được nước nên không dám khoan lỗ thứ 3.
Dự án nhà máy nước xã Phú Ngọc được Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn chấp thuận đầu tư từ năm 2004 nhằm phục vụ nước sinh hoạt cho 3 xã: Phú Ngọc, Ngọc Định, La Ngà (huyện Định Quán), nhưng hiện vẫn chưa triển khai. Việc thiếu nước sinh hoạt, tưới tiêu ở 3 xã này tất yếu sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu hoàn thành nông thôn mới của địa phương. |
Để có nước cứu cho được vườn xoài, ông Năm Trưởng phải thuê xe chở từng khối nước vào tưới cây, mua dây kéo nước từ miệng giếng của một người quen cách xa rẫy trên 1km về tưới. Dù cứu được 5 sào xoài trước nắng nóng, ông Năm Trưởng vẫn bất lực nhìn trên 1,5 hécta xoài còn lại khô héo và có nguy cơ chết cây. “Dù khoan có nước hay không, chủ vườn vẫn phải trả tiền công sòng phẳng cho thợ khoan. Khổ nỗi, càng khoan sâu chi phí càng cao vì gặp đá cứng. Lúc này, tụi tui phải nài nỉ thợ khoan cố gắng khoan giùm để may ra có được ít nước cứu cây. Tuy vậy, tụi tui bị họ từ chối vì họ không muốn chết chung với mình. Chỉ cần hư 2 mũi khoan là họ bị lỗ tiền công, mà khoan càng sâu thì mũi khoan càng dễ hỏng nên họ bỏ chạy hết” - ông Năm Trưởng cho biết.
Trên 2,1 ngàn hécta mía của Nông trường La Ngà (thuộc xã Phú Ngọc) đang “hấp hối” trước nắng hạn. Để cứu mía, người nông dân phải thuê thợ tưới nước với giá 5 triệu đồng/hécta/đợt tưới (ở khu vực thuận lợi về nguồn nước ao, hồ). Còn ở các khu vực đồi cao, xa nguồn nước thì nông dân trồng mía bỏ mặc cho nắng hạn, hoặc cố gắng cứu mía bằng những can nước chở từ nhà vào, hay thuê xe bồn chở vào tận rẫy với giá trên 100 ngàn đồng/m3 để tưới. “Do họ tưới nhỏ giọt theo từng gốc mía nên rất mất thời gian, chi phí dầu tăng cao. Mỗi đợt tưới như vậy chỉ giúp mía sống thoi thóp được 15-20 ngày, trong khi nắng hạn còn kéo dài và nông dân chẳng biết khi nào trời đổ mưa” - ông Ba Tuấn (ngụ ấp 7, xã Phú Ngọc) tâm sự.
Với 17 miệng giếng khoan, ông Năm Trưởng vẫn không thể cứu được trọn vẹn 2 hécta xoài đang cho thu hoạch của gia đình. |
Vừa tái trồng lại 1 hécta mía theo hợp đồng, ông Trần Hải (ngụ ấp 7, xã Phú Ngọc) bỏ ra 5 triệu đồng tưới nước, nhưng mía hom vẫn chết hơn nửa vườn. Hết tiền đầu tư và vì quá tiếc, ông Hải phải cùng vợ đi mót lại những hom mía người ta vừa thu hoạch để dặm lại. Mỗi gốc mía dặm xuống được ông tưới chừng 2 lít nước trước khi lấp đất.
Ông Hải cho biết, ông phải thuê xe ba gác kéo nước từ ao nhà vào rẫy mía để tưới. Dù biết cách làm này chưa chắc cứu được mía qua cơn khát nhưng ông vẫn không nản chí. “Cứu được phần nào nghĩa là thu hồi được vốn đầu tư phần đó, nên vợ chồng tui đang tìm mọi cách để cứu vườn mía” - ông Trần Hải nói như mếu.
Trước tình hình nắng hạn, cây trồng “khát” nước và ao, hồ, suối thì cạn kiệt, người dân các xã: Phú Ngọc, Ngọc Định, La Ngà và nhiều nơi khác của huyện Định Quán thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, bạt ngàn cây trồng nơi vườn rẫy khô héo, kém năng suất, người dân địa phương đang rất cần sự chia sẻ, chung tay, hành động của các cơ quan chức năng.
Đoàn Phú