Mùa khô, nước hồ Sông Ray rút xuống khá nhiều, để lộ ra những khoảnh đất, vũng nước lớn dưới lòng hồ. Người dân các xã xung quanh hồ (thuộc 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu) đã tranh thủ thời gian này đến hồ chăn thả bò, đãi hến... kiếm thêm thu nhập.
Mùa khô, nước hồ Sông Ray rút xuống khá nhiều, để lộ ra những khoảnh đất, vũng nước lớn dưới lòng hồ. Người dân các xã xung quanh hồ (thuộc 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu) đã tranh thủ thời gian này đến hồ chăn thả bò, đãi hến... kiếm thêm thu nhập. Hồ Sông Ray thực sự là nơi thiên nhiên ưu đãi những con người từ phương xa về đây xây dựng kinh tế mới năm xưa và phát triển đời sống đến tận hôm nay.
* “Nhặt tiền” trong lòng hồ
Từ sáng sớm, nhiều người sống ở các xã: Lâm San, Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ), Phước Tân, Phước Thuận… (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã tìm đến lòng hồ đãi hến. Họ vốn là những nông dân, bà nội trợ, vào mùa khô tranh thủ nước hồ cạn bớt đi đãi hến về bán kiếm thêm thu nhập.
Ông Trịnh Minh Tài nhìn về đàn vịt của ông trên hồ. |
“Mỗi người xách theo 1 cái rổ lớn và xô, chậu… rồi cứ tìm tới một góc hồ đãi hến mà chẳng ai tranh giành với ai, của thiên nhiên ban cho ai nhiều thì người ấy hưởng. Khoảng 5 giờ sáng bắt đầu xuống hồ mưu sinh. Như tụi tui, mùa khô nắng nóng quá, trồng cái gì cũng không xong, mấy bà gần nhà rủ nhau ra hồ đãi hến bán cũng kiếm được 200-300 ngàn đồng/ngày. Đi đãi hến được cái không ngày nào phải trắng tay ra về, có điều, chỉ đãi hến trong mùa này mới thuận lợi, chứ mùa mưa nước lên, bờ hồ có nhiều chỗ dốc đứng ít người dám đi ra” - bà Vũ Thị Nguyệt (ngụ xã Lâm San) vừa nói vừa hồ hởi khoe một rổ đầy hến vừa đãi được.
Nằm giáp ranh giữa 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, hồ Sông Ray rộng trên 2,5 ngàn hécta, vốn hình thành bởi con đập ngăn dòng sông Ray tạo thành hồ chứa nước nhân tạo Sông Ray (khởi công năm 2005, hoàn thành năm 2011). Mùa khô, nước hồ vơi đi rất nhiều, để lộ ra những khoảnh đất, vũng nước lớn dưới lòng hồ. Lúc này, người dân các xã gần đó tranh thủ tìm đến những chỗ nước cạn đãi hến, chăn bò… để kiếm thêm thu nhập. Còn vào mùa mưa, nhiều hộ gia đình thuê lòng hồ để nuôi cá, chăn vịt. Hiện nay, nước từ hồ Sông Ray đã chính thức được sử dụng làm nguồn nước sinh hoạt cho một số địa phương của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Không chỉ đãi hến, nhiều người còn tranh thủ các bãi đất trống có nhiều cỏ non mọc lên để lùa đàn bò đến gặm cỏ, trong khi các bãi cỏ xung quanh đã bị nắng làm “cháy” khô. Việc thả bò trong khu lòng hồ cũng khiến người ta yên tâm hơn, không sợ bò đi lạc hay thiếu nước uống trước cái nóng hiện nay.
“Nhà tui ở gần sát bên hồ nên mỗi khi trời quá nóng thì dắt mấy con bò ra hồ uống nước và cho chúng tắm. Mùa khô năm nay nắng gay gắt quá, ban ngày nóng đã đành, ban đêm dù ở ngay kế bên hồ vẫn thấy nóng hầm hập. Vì vậy, gần như cả nhà tui mấy ngày nay đều kéo nhau ra bờ hồ vào ban ngày. Tui thì chăn bò, vợ con tranh thủ đãi hến đem ra chợ bán. Ngày kiếm khá cũng được 500 ngàn đồng cho cả nhà, không phải đi đâu xa mà vẫn có thêm chút tiền. Mấy nhà xung quanh cũng vậy, nhiều nhà còn tranh thủ trồng thêm vài luống rau chỗ lòng hồ cạn nước để ăn” - ông Nguyễn Văn Bình (ngụ xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc) vui vẻ cho biết.
* Cuộc mưu sinh lắm nhọc nhằn
Buổi trưa, nắng nóng càng khó chịu hơn nên những người đãi hến lục đục thu gom đồ về nhà, những người chăn bò, nuôi vịt cũng tìm gốc cây lớn ven hồ tránh nắng. Những nhóm người chăn bò, nuôi vịt, kéo cá… buổi trưa không về nhà mà ngồi tụm lại bên nhau để ăn cơm, uống trà, kể chuyện gia đình. Giữa bầu trời cao rộng, công việc lại không gò bó giờ giấc, thời gian dường như lắng đọng lại bên những câu chuyện cuộc đời của họ.
Ông Trịnh Minh Tài (ngụ xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) đưa mắt nhìn về bầy vịt giữa lòng hồ rồi nói: “Nhà tôi ở phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa), nhưng có người quen ở đây nên đến đây thuê chỗ nuôi 5 ngàn con vịt. Gặp lúc thuận lợi, tiền bán trứng cũng được 4-5 triệu đồng, nhưng cũng có ngày chẳng kiếm được xu nào. Thả vịt trên hồ, cứ chèo xuồng ra hồ lùa vịt, rồi lại đi nhặt trứng, công việc không quá vất vả, nhưng quanh năm không đi đâu xa được, muốn về TP.Biên Hòa thăm nhà cũng khó. Do một mình tôi chăm sóc đàn vịt không xuể nên phải thuê thêm 3 người làm phụ”.
Bà Vũ Thị Nguyệt khoe số hến đãi được trong hồ. |
Lao vào cuộc mưu sinh bên hồ không chỉ có những người chăn bò, nuôi vịt, đãi hến, mà còn có những người đánh bắt cá. Nhiều năm kéo lưới, bàn tay họ đã chai sạn, vết xước trên tay chằng chịt lẫn vào đường chỉ tay. Nhiều người nhớ lại, trước năm 2005, hồ Sông Ray chính là dòng sông Ray, tuy không lớn nhưng lúc nào cũng hiền hòa, người dân 2 bên bờ thoải mái đánh bắt cá trên sông. Từ khi đập Sông Ray được xây dựng, biến sông thành hồ thì những người nuôi cá, đánh bắt cá gặp không ít khó khăn vì nước không còn lên xuống nữa, mà “đứng im” nên lượng cá cũng không còn dồi dào như trước đó.
“Mấy tháng mùa mưa, muốn kéo cá thì hơi khó khăn vì lượng nước đầy, diện tích hồ rộng nên đặt lưới khó; còn mùa khô nước rút bớt, dễ đặt lưới nhưng cá lại ít. Đời ông cha đi kinh tế mới thì sống bám theo con sông, không sợ thiếu cái ăn. Nhưng thời nay, chỉ no bụng thôi chưa đủ, phải có kiến thức nữa, nên gia đình tôi đâu có cho mấy đứa nhỏ theo tôi đi xuồng kéo cá, mà bắt chúng ở trên bờ để ăn học. Chỉ vào những lúc nghỉ hè, việc học hành tạm gác lại thì cho tụi nhỏ đi đãi hến, phụ kéo cá gần bờ…” - ông Nguyễn Văn Nam (ngụ xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết.
Bữa cơm trưa và cuộc nói chuyện kéo dài gần 2 giờ nhưng cái nắng lúc 14 giờ vẫn còn làm chói mắt mọi người, khiến họ sực tỉnh và vội chia tay để tranh thủ làm việc trước khi trời tối. Với mỗi người đàn ông kia, tương lai của họ, cuộc sống của cả nhà đều dựa vào hồ Sông Ray nên họ đang cố gắng từng ngày, những mong đời con cháu họ sẽ có cuộc sống tốt hơn, tự làm chủ nguồn thu nhập của mình mà không phải vất vả như họ nữa.
Đăng Tùng