Năm 2015, sau gần 10 năm vợ chồng ông Hoàng Đăng Lộc - bà Vũ Thị Duyên (ngụ phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) thành lập Cơ sở rau mầm Hoàng Anh (chuyên cung cấp cho các siêu thị), rau mầm của cơ sở đã được người tiêu dùng bình chọn là "Hàng Việt Nam chất lượng cao".
Năm 2015, sau gần 10 năm vợ chồng ông Hoàng Đăng Lộc - bà Vũ Thị Duyên (ngụ phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) thành lập Cơ sở rau mầm Hoàng Anh (chuyên cung cấp cho các siêu thị), rau mầm của cơ sở đã được người tiêu dùng bình chọn là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”.
Ông Hoàng Đăng Lộc bên trong nhà xưởng trồng rau mầm. |
Đây là nỗ lực không mệt mỏi của vợ chồng ông Lộc để tạo dựng một tên tuổi uy tín, cung cấp thực phẩm an toàn và đem về nguồn thu đều đặn bên cạnh đồng lương hưu hàng tháng.
* Gõ cửa từng siêu thị
Rau mầm ở Cơ sở rau mầm Hoàng Anh được trồng trong các khay nhựa đặt trên các giàn thép trong nhà xưởng. Mỗi ngày, người làm của cơ sở đều dựa theo đơn đặt hàng để thu hoạch, đóng hộp, trồng rau mới… Công việc không ngơi tay, có khi ông Lộc còn phải xắn tay áo để làm phụ. Nhiều người dân địa phương biết cơ sở làm ăn có uy tín nên mỗi lần gia đình có đám tiệc, hay muốn mua tặng người quen lại tìm tới cơ sở mua, vì vậy lượng đơn đặt hàng đột xuất thường xuyên phát sinh.
“Hơn 10 năm trước, nói tới rau mầm chưa ai biết đó là gì, thậm chí nhiều người còn không biết rau mầm dùng để làm gì, ăn thế nào, có thay thế được rau thường không… Năm 2005, xem tivi thấy cách trồng và chăm sóc rau mầm khá dễ, cho thu hoạch sớm, nên tôi rủ vợ trồng thử để ăn. Sau một thời gian, nhiều người xung quanh đã đến mua về ăn thử và khen ngon. Thấy có tiềm năng phát triển nghề trồng rau mầm, đến năm 2007, tôi bàn với vợ tận dụng phần đất sau nhà làm nhà xưởng để trồng. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm trồng diện tích lớn nên gặp thất bại liên miên, cả năm 2007 chẳng thu về được bao nhiêu, vì rau toàn bị hư hỏng. May mà kinh tế gia đình cũng khá giả nên chúng tôi mới đủ sức “gồng” qua lúc khó khăn” - ông vui vẻ Lộc kể lại.
Phó chủ tịch UBND phường Bửu Hòa Trần Thị Ngọc Hương đánh giá rất cao về quy trình sản xuất rau mầm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của Cơ sở rau mầm Hoàng Anh. “Nhờ mô hình trồng rau mầm, vợ chồng ông Lộc đã vươn lên phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho một số lao động ở địa phương. Vợ chồng ông cũng chia sẻ kinh nghiệm trồng rau mầm và tận tình hướng dẫn cho những ai có nhu cầu tiếp cận mô hình sản xuất này, đó là những việc làm rất đáng hoan nghênh” - bà Hương cho biết. |
Theo ông Lộc, trồng rau mầm khó nhất là việc kiểm soát độ ẩm, cách bảo quản trong phòng kín. Do chỉ xem tivi và sách hướng dẫn mà không có kinh nghiệm thực tế nên rau trồng hay bị chết, phải đem bỏ. Sau nhiều tháng trồng thất bại, vợ chồng ông mới rút ra được kinh nghiệm rồi điều chỉnh cách trồng cho phù hợp. Vợ chồng ông còn tận dụng các mối quan hệ thân quen để tiếp cận các siêu thị, mời quản lý siêu thị tham quan cơ sở trồng rau mầm, gửi sản phẩm cho họ kiểm tra, sử dụng thử. Đến năm 2008, rau mầm của cơ sở chính thức được bán tại một số siêu thị ở Biên Hòa.
“Lúc đầu, đi hỏi khắp nơi cũng chưa ai biết rau mầm là gì, tới siêu thị giới thiệu thì họ bảo người mua chỉ tìm các loại rau truyền thống, hay giá đậu chứ chưa thấy nhu cầu rõ ràng. Qua nhiều lần tiếp thị thì các siêu thị chịu tiếp cận mặt hàng của chúng tôi. Ban đầu chỉ có 2 siêu thị BigC và Co.opmart, về sau có một số siêu thị khác ở Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh tìm tới chúng tôi. Từ đó, cơ sở mở rộng sản xuất, thuê thêm nhân công để có người làm” - bà Duyên cho hay.
Thời điểm rộ lên các vụ thực phẩm bẩn, cơ sở sản xuất rau mầm của vợ chồng ông Lộc được người tiêu dùng tin tưởng, một số hộ dân xung quanh đặt hàng rau mầm sử dụng hàng ngày. Khi lượng đặt hàng tại các siêu thị đã ổn định, vợ chồng ông tiếp tục chọn thêm một số loại rau mới để trồng, bỏ bớt các loại rau ít được thị trường ưa chuộng. Đến thời điểm này, khi rau mầm của Cơ sở rau mầm Hoàng Anh đã có mặt tại các siêu thị lớn, nhà hàng, các bữa tiệc… ở TP.Biên Hòa, vợ chồng ông lại tìm hướng phát triển ra các tỉnh lân cận để tìm kiếm thị trường mới.
* Tỷ phú rau mầm
Để có được nhà xưởng trồng rau mầm, cùng với các khay, giàn, một số máy móc khác, vợ chồng ông Lộc đã bỏ ra hơn 1 tỷ đồng đầu tư ban đầu. Những năm sau này, ông chỉ phải mua thêm đất, thay thế các khay trồng bị bể…, nên không tốn kém chi phí quá nhiều. Hiện tại, mỗi tháng Cơ sở rau mầm Hoàng Anh cung cấp 4 tấn rau mầm cho các siêu thị, nhà hàng, tạo việc làm cho khoảng 10 lao động với thu nhập 3-4 triệu đồng/tháng.
“Năm đầu tiên áp dụng mô hình trồng rau mầm bị thất bại đã tiêu tốn của chúng tôi rất nhiều tiền. Suốt thời gian khoảng 1 năm vợ chồng tôi sụt cả chục ký vì lo lắng quá nhiều, các con cũng can ngăn chúng tôi đừng làm nữa, nhưng vợ chồng tôi đâu chịu nghe. Có tuổi rồi, cả đời đi làm, giờ bắt ngồi không vợ chồng tôi khó chịu lắm, cứ phải luôn tay luôn chân để đỡ buồn” - ông Lộc tâm sự.
Gieo hạt vào các khay nhựa để cho ra rau mầm. |
Sau vài năm hoạt động ổn định, vợ chồng ông Lộc quyết định nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách chọn trồng các loại rau mầm tốt cho sức khỏe người dùng. Năm 2012, ông trồng thử loại rau thảo dược Methi, xuất xứ từ Ấn Độ. Theo ông Lộc, loại rau này tương đối khó ăn vì có vị hơi đắng và hiện chỉ trồng theo đơn đặt hàng.
Hiện tại, diện tích nhà xưởng của Cơ sở rau mầm Hoàng Anh lên đến 3 ngàn m2, phần lớn để trồng rau; những phế phụ phẩm trong quá trình trồng lại tiếp tục được ông trộn vào phân bón và tái sử dụng sau quá trình ủ.
“Chi phí sản xuất có hạn nên chúng tôi phải hết sức tiết kiệm. Lượng rau tuy thu về cao, nhưng nếu phung phí lợi nhuận thì khi gặp khó khăn sẽ khó xoay xở. Thành phần đất để trồng rau mầm chỉ có xơ dừa, đất sạch và hạt giống. Sau khi cắt rau, các gốc rau còn lại sẽ phân hủy, làm đất thêm màu mỡ. Chỉ từ mấy chuyện nhỏ nhặt thế mà tiết kiệm được khá lắm đấy. Nhiều người ghẹo vợ chồng tôi là tỷ phú trồng rau, nhưng nếu không biết tính toán, không kiên tâm bền chí trước thất bại thì có lẽ chúng tôi đã bỏ cơ sở từ 9 năm trước rồi, chứ không còn được như ngày nay đâu” - bà Duyên chia sẻ.
Đăng Tùng