Báo Đồng Nai điện tử
En

Người của những trận đánh (Bài cuối)

11:05, 08/05/2016

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, miền Đông Nam bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng, là một chiến trường rất khốc liệt. Nơi đây, cuộc đọ sức của quân dân ta với đế quốc Mỹ xâm lược và ngụy quân diễn ra ác liệt từng ngày.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, miền Đông Nam bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng, là một chiến trường rất khốc liệt. Nơi đây, cuộc đọ sức của quân dân ta với đế quốc Mỹ xâm lược và ngụy quân diễn ra ác liệt từng ngày.

Trong cuộc chiến đấu vệ quốc gian khổ ấy, đã xuất hiện nhiều anh hùng, dũng sĩ diệt Mỹ, trong đó có Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thanh Tùng, nguyên Đoàn trưởng Đoàn Đặc công 113, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh.

* Chân đất theo Đảng

Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Hảo Đước, huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh), tháng 4-1948, khi vừa bước sang tuổi 17, ông Nguyễn Thanh Tùng đã thoát ly theo cách mạng làm lính Vệ quốc đoàn, trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Đông Nam bộ.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng (thứ 2 từ trái qua) gặp lại các đồng đội nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng (thứ 2 từ trái qua) gặp lại các đồng đội nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Năm 1954, quân Pháp bại trận ở Điện Biên Phủ, dẫn đến việc ký kết Hiệp định Genève. Từ đây, theo đoàn quân Bắc tiến, ông Nguyễn Thanh Tùng tập kết ra Bắc, được biên chế vào Trung đoàn 64, sau đó về Tiểu đoàn 5 trinh sát đặc công Quân khu Hữu Ngạn, rồi về Sư đoàn 338 với hầu hết con em miền Nam tập kết. Sau khi tham gia khóa huấn luyện đặc công, ông trở về đơn vị hành quân vào Nam chiến đấu.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng bồi hồi chia sẻ, ông đã tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, trong đó có những trận thắng lớn, cũng có những trận chưa hiệu quả, phải rút ra bài học. Tuy nhiên, với người lính trải qua hàng chục năm bám chiến trường tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt, cái chất anh hùng của người chiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng ngày càng tỏa sáng.

Nhớ lại trận chống càn quy mô lớn, diệt gọn Tiểu đoàn 32 “Cọp đen” biệt động quân ngụy tại Đường Long, Bến Cát (tỉnh Bình Dương) ngày 31-3-1963, ông cho biết lúc ấy địch cho bộ binh, xe tăng dàn ngang đội hình càn quét vào căn cứ của ta ở Đường Long. Trước sự hùng hổ của giặc, ông chỉ huy đại đội phối hợp với các đơn vị thuộc Trung đoàn 64 chặn đầu, khóa đuôi, đột phá dũng mãnh băm nát đội hình địch, dứt điểm trận đánh mau lẹ, bẻ gãy trận càn lớn của quân ngụy, hạn chế được thương vong cho bộ đội.

* Đối đầu với quân Mỹ

Những năm Mỹ trực tiếp đưa quân tham chiến trên chiến trường miền Nam, cuộc chiến đấu của các đơn vị quân giải phóng càng trở nên khốc liệt. Đại đội 21, Trung đoàn 64 phải liên tục di chuyển đánh địch trên các chiến trường Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... Lúc này (năm 1969), ông Nguyễn Thanh Tùng đã được đề bạt giữ chức Tiểu đoàn trưởng, rồi Phó phòng Đặc công Miền. Ở cương vị mới, ông Nguyễn Thanh Tùng càng có điều kiện phát huy lối đánh đặc công mà ông đã học thời còn ở Trường Lục quân.

Hoạt động tác chiến theo lối đánh đặc công sẽ đạt hiệu quả rất cao, nên cấp trên đã chỉ đạo ông nghiên cứu đánh căn cứ Tếch-ních, một căn cứ liên hợp quan trọng của Lữ đoàn số 1, Sư đoàn 1 “Kỵ Binh Bay” và Bộ Chỉ huy Sư đoàn “Anh Cả Đỏ” của Mỹ ở phía Đông Bắc tỉnh lỵ Bình Long khoảng 2,5km. Trong căn cứ có khoảng 4 ngàn lính Mỹ và hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, máy bay trực thăng, pháo hạng nặng…

Dưới tài chỉ huy mưu lược của ông, căn cứ Tếch-ních của quân Mỹ 2 lần bị Tiểu đoàn 5 Đặc công tập kích vào các đêm 12-5-1969 và 6-6-1969, làm thiệt hại nặng 2 sở chỉ huy, diệt và làm bị thương trên 2,1 ngàn lính Mỹ; phá hủy 21 máy bay, 135 xe quân sự, 20 khẩu pháo, 2 trận địa pháo 175 ly, 2 trận địa súng cối, 13 khẩu đại liên, 2 kho xăng dầu, 30 lô cốt, 50 hầm ngầm và hàng chục nhà ở, nhà kho… Trận đánh đã làm căn cứ Tếch-ních bị tê liệt hoạt động trong 3 ngày liền, kế hoạch hành quân của quân Mỹ ở Bình Long, Phước Long bị phá vỡ. Trước thất bại nặng nề ấy, Lữ đoàn 3 không vận Mỹ gần như tê liệt sức chiến đấu, buộc phải điều về Biên Hòa bổ sung quân số và trang bị; một lữ đoàn khác lên thay.

Tháng 6-1972, ông Nguyễn Thanh Tùng nhận chức Đoàn trưởng Đoàn Đặc công 113 và chính thức ra mắt bên bờ suối Bà Hào, Chiến khu Đ để chỉ huy đơn vị đánh phá các căn cứ, kho tàng của địch ở Biên Hòa.

Sau khi nhận nhiệm vụ, ông tổ chức trận ra mắt đánh Sân bay Biên Hòa. Được sự giúp đỡ của quân dân Biên Hòa, trên 200 quả đạn ĐKB, H12 được mang vác ra trận địa cho Đặc công 113. Ông Nguyễn Thanh Tùng trực tiếp ra trận địa kiểm tra và hạ lệnh tấn công. Từng quả đạn ĐKB, H12 bay thẳng vào bãi đậu máy bay, kho xăng dầu, trại lính quân giặc. Trong phút chốc, Sân bay Biên Hòa trở thành biển lửa sáng rực cả bầu trời. 90 máy bay các loại, 2 đài kiểm soát không lưu và hàng trăm ngàn lít xăng dầu bị phá hủy; nhiều giặc lái, nhân viên kỹ thuật và lính bảo vệ bị giết.

Từ thắng lợi tập kích Sân bay Biên Hòa, ông Nguyễn Thanh Tùng tiếp tục phát huy lối đánh đặc công độc đáo. Lần này, mục tiêu được chọn là Tổng kho Long Bình, nơi đặt căn cứ hậu cần chiến lược của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, được xem là “dạ dày” của quân viễn chinh Mỹ.

Sau trận Tếch-ních, Bộ Tham mưu Miền đã đánh giá: “Trận Tếch-ních là một trận đánh lớn đạt hiệu suất chiến đấu cao... Ta đã đánh một đòn đau vào căn cứ lớn, chỗ dựa mạnh nhất của ngụy quân, ngụy quyền, làm suy yếu hệ thống phòng ngự của địch ở khu vực Bình Long”.

Trận này, ông cho bộ đội bí mật xâm nhập căn cứ Long Bình dùng thuốc nổ hẹn giờ đặt ở các khu vực trọng yếu rồi bí mật rút quân. Đêm 13-8-1972, với 120 khối thuốc nổ có sức công phá lớn, Đặc công 113 đã cho nổ tung Tổng kho Long Bình, phá hủy 150 ngàn tấn bom đạn các loại, 200 tấn thuốc nổ, làm sập 17 nhà lính, tiêu diệt hoàn toàn 1 đại đội công binh bảo vệ nhà kho và làm thiệt hại nhiều thiết bị, phương tiện chiến tranh của địch. Trận đánh này đã thực sự làm thủng “dạ dày” của quân Mỹ, làm phá sản một số kế hoạch càn quét của chúng nhằm gây tội ác với nhân dân ta.

 Sau trận đánh Tổng kho Long Bình, Đoàn Đặc công 113 còn phối hợp với quân dân Biên Hòa, U1 đánh vào Sân bay Biên Hòa vào đêm 8-9-1972, phá hủy 175 máy bay A37 và C130; diệt nhiều sĩ quan, giặc lái và nhân viên kỹ thuật. Sân bay Biên Hòa bị tê liệt suốt 7 ngày liền; các chuyến bay chi viện cho mặt trận Bình Long, Phước Long của địch bị hủy bỏ.

Kháng chiến thắng lợi, ông Nguyễn Thanh Tùng đảm nhiệm chức vụ Phó Tư lệnh, rồi Tư lệnh các Sư đoàn: 2, 5, 310 làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Sau đó, ông được cử đi học quân sự cấp cao tại Hà Nội. Tốt nghiệp, theo nguyện vọng, ông được điều về Đồng Nai giữ chức Chỉ huy phó, rồi Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh.

Sau này, khi có quyết định nghỉ hưu, ông được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh. Dù ở cương vị nào, ông cũng có nhiều công lao xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh ngày thêm vững mạnh; phong trào Hội Cựu chiến binh nề nếp.

Đức Việt

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều