Chiến thắng La Ngà của Chi đội 10 ngày 1-3-1948 đã làm rung động cả nước Pháp. Trận "giao thông chiến" lớn nhất thời bấy giờ do Việt Minh thực hiện đã phá hủy đoàn xe 70 chiếc, làm 15 lính, 25 sĩ quan Pháp… bỏ mạng.
Chiến thắng La Ngà của Chi đội 10 ngày 1-3-1948 đã làm rung động cả nước Pháp. Trận “giao thông chiến” lớn nhất thời bấy giờ do Việt Minh thực hiện đã phá hủy đoàn xe 70 chiếc, làm 15 lính, 25 sĩ quan Pháp… bỏ mạng. Qua chiến thắng La Ngà, lần đầu tiên trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Chính phủ ra quyết định trao tặng Huân chương Quân công.[links(right)]
Là Chỉ huy phó, kiêm Giám đốc công binh xưởng, ông Bùi Cát Vũ trở thành người lính đầu tiên của Chiến trường miền Đông nhận Huân chương Độc lập hạng ba… Tuy nhiên, tên tuổi ông Bùi Cát Vũ trở nên vang lừng lại từ một chiến công khác.
* Đả cọp... 3 móng
Thời kháng Pháp, ở vùng Chiến khu Đ có con cọp 3 móng rất tinh quái, ăn thịt rất nhiều người. Qua những chuyện cọp 3 móng bắt người ăn thịt ở Chiến khu Đ, bọn Pháp và Việt gian loan tin đồn, cho biệt kích giả làm cọp để khủng bố tinh thần bộ đội, cán bộ và đồng bào vùng kháng chiến. Trước tình hình đó, Chỉ huy trưởng Chi đội 10 Nguyễn Văn Lung giao cho ông Bùi Cát Vũ nhiệm vụ trừ khử con cọp 3 móng tinh quái.
Thiếu tướng Bùi Cát Vũ ngồi bên bờ sông La Ngà. |
Giám đốc Công binh xưởng Bùi Cát Vũ vừa nhận nhiệm vụ thì ngay tối hôm ấy, con cọp 3 móng đã nhào vô xưởng đang lúc mọi người còn làm việc, chộp một người mang đi. Theo dấu máu, mọi người tìm được phần xác còn lại của anh này nên ông Vũ bảo người lấy dây cột chặt xác nạn nhân lại, rồi cùng 2 chiến sĩ trèo lên chạc cây ngồi rình. Phục kích cho đến trưa hôm sau thì con cọp 3 móng lông vàng, dài khoảng 3m xuất hiện. Đoàng! Cây súng calip 2 nòng vang lên, nhưng con cọp biến mất. Ông Vũ đành mang thi thể của đồng đội về chôn cất.
Ngay tối hôm đó, con cọp lại mò đến Công binh xưởng và vồ hụt con heo. Biết con cọp sẽ quay lại tìm mồi cũ, ông Vũ cho gài 2 trái mìn tự tạo vào con heo để nhử. Đêm khuya, 2 trái mìn phát nổ làm con heo tan xác, nhưng con cọp 3 móng chẳng hề hấn gì.
Mấy hôm sau, nghe tin có người bị cọp vồ chết, ông Vũ trực tiếp đến gặp thân nhân vận động hiến xác. Ông đã cho gài đến 4 quả mìn hạng nặng vào cái xác này. Tiếng nổ vang rền cả Chiến khu Đ, làm cho ruột gan của con cọp 3 móng to lớn bung cả ra ngoài… Con cọp cố lết đi thì bị ông Vũ và đồng đội phục bắn chết. Từ đó, nỗi lo sợ cọp 3 móng ở Chiến khu Đ mới hết và mọi người gọi ông Vũ bằng cái tên rất oai: “Võ Tòng chiến khu”.
* “Trùm đại bác” Đông Dương
Mới 24 tuổi, được giao phụ trách Công binh xưởng, ông Bùi Cát Vũ mày mò nghiên cứu, chế tạo các loại mìn để đánh xe tăng, thiết giáp..., nhưng ông vẫn thích cầm súng đánh giặc. Còn bộ đội thì rất hoan nghênh sự có mặt của ông Giám đốc Công binh xưởng khi ra trận. Thời bấy giờ, trình độ của bộ đội chưa cao, mà lựu đạn tự tạo chỉ cần để ướt sương đã bị lép, nên có ông đi theo chỉ dẫn mọi người rất tin tưởng.
Năm 1954, được tập kết ra Bắc, ông tập trung học tập và sau đó làm luận án phó tiến sĩ về pháo binh. Trở về Nam chiến đấu, ông được cử giữ chức Tư lệnh Pháo binh Miền. Rất nhiều lần, ông đã chỉ huy kéo pháo vượt Trường Sơn sang đất Lào, Campuchia phối hợp với bạn để cùng đánh Mỹ. Sự phối hợp của pháo binh Giải phóng quân miền Nam có hiệu quả đến nỗi người ta đặt cho ông biệt danh “Trùm đại bác Đông Dương”.
Khi Quân đoàn 4 được thành lập, Tướng Hoàng Cầm làm Tư lệnh, ông Bùi Cát Vũ được cử làm Phó tư lệnh và chỉ huy cánh quân phía Đông vào giải phóng Sài Gòn.
Năm 1979, ông lại cùng Quân đoàn 4 sang giúp Campuchia giải phóng Phnom Penh. Chính ông là người đầu tiên điện về báo với Trung ương là bộ đội Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ giúp bạn đẩy lùi tập đoàn diệt chủng Pol Pot Ieng Sary.
Năm 1981, Thiếu tướng Bùi Cát Vũ được giao nhận chức Phó tư lệnh Quân khu 7. Đến năm 1990, ông nghỉ hưu ở tuổi 66.
* Một nhà báo cách mạng
Sau khi nghỉ hưu, ông Bùi Cát Vũ đã viết một cuốn truyện cho thiếu nhi có tên Gió bụi Sài Gòn, được giải thưởng cuộc thi “Văn học thiếu nhi vì tương lai đất nước” của Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh. Năm 1993, Hội Nhà văn Việt Nam lại trao giải thưởng cho ông. Đến nay, Gió bụi Sài Gòn đã được tái bản đến 5 lần.
Nhân vật chính trong cuốn tự truyện chính là cậu bé Bùi Cát Vũ thuở nhỏ. Ông sinh năm 1924, ở xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành (tỉnh Trà Vinh), trong một gia đình nghèo, cả cha lẫn mẹ đều phải đi làm thuê nuôi 4 đứa con. Năm ông 11 tuổi, người cha qua đời nên gia đình càng rơi vào cảnh nghèo túng. Tuy vậy, cậu học trò Vũ học rất giỏi, thi tiểu học đậu đầu tỉnh Trà Vinh và được cấp học bổng 5 đồng tiền Đông Dương/tháng. Vũ cùng người em trai lên TX.Trà Vinh ở trọ trong một ngôi chùa để ăn học. Thi vào Trường trung học Mỹ Tho, được học bổng toàn phần, nhưng không xoay đâu ra đủ tiền để mua trang phục, ông rời nhà lên Sài Gòn bước chân vào cuộc đời gió bụi.
Từ khi bắt đầu tham gia làm cách mạng đến lúc cầm súng để chiến đấu, trên mỗi chặng đường đấu tranh, ông Bùi Cát Vũ không bao giờ rời cây bút. Sống giữa rừng già Chiến khu Đ nhưng mỗi dịp xuân về, bài của ông đều được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Đặc biệt, trong những chặng đường lịch sử của dân tộc, ông đều cho ra đời những tác phẩm có giá trị, như: Quê hương, Đường vào Sài Gòn, Trong rừng sâu Chiến khu Đ, Đường vào Phnôm Pênh... Và ông từng được giải thưởng cao nhất của Văn học quân đội. |
Chàng trai tỉnh lẻ mới 15 tuổi này đã ngủ gầm cầu, vỉa hè, làm phụ hồ, bán báo..., để lay lắt kiếm ăn trên đất Sài Gòn. Thích đọc và cổ động cho báo Dân Chúng, cậu đã viết một truyện ngắn lấy tên Phía sau ánh đèn điện, được đổi tựa thành Gió bụi Sài Gòn đăng trên báo.
Qua truyện ngắn đầu tay này, nhà báo cách mạng Nguyễn Văn Nguyễn nhận thấy Bùi Cát Vũ có thiên khiếu ghi nhận một cách sắc sảo, tinh tế về cuộc sống nên dạy cho chàng trai bán báo dạo cách lấy tin, viết phóng sự. Mới một năm tập sự làm báo, Bùi Cát Vũ đã tiến bộ rất nhiều, đặc biệt là được những bậc thầy cách mạng, những người chủ biên tờ Dân Chúng truyền bá về chủ nghĩa cộng sản.
Khi tờ báo Dân Chúng bị đóng cửa, ký giả Bùi Cát Vũ cũng bị bắt vào tù. Trong trường đại học lớn của cuộc đời này, Vũ lại được may mắn tiếp xúc với nhiều bậc trí thức lớn, như: Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Nguyễn Văn Tạo, Tạ Thu Thâu, Dương Bạch Mai..., với những nỗ lực khác nhau để mưu tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.
Sau khi cướp chính quyền ở Trà Vinh, ông Dương Quang Đông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh, ông Bùi Cát Vũ được cử làm Giám đốc Cộng hòa vệ binh. Khi Pháp trở lại tái chiếm Nam bộ, theo lời khuyên của ông Dương Quang Đông, ông tìm đường lên Biên Hòa bắt liên lạc với ông Huỳnh Văn Nghệ và trở thành anh bộ đội miền Đông.
Bùi Thuận