Trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, lực lượng vũ trang Đồng Nai đã sáng tạo nhiều cách đánh độc đáo. Bằng chiến thuật đặc công luồn sâu, đánh hiểm vào các hậu cứ, kho tàng của địch, quân dân Đồng Nai đã gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề.
Trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, lực lượng vũ trang Đồng Nai đã sáng tạo nhiều cách đánh độc đáo. Bằng chiến thuật đặc công luồn sâu, đánh hiểm vào các hậu cứ, kho tàng của địch, quân dân Đồng Nai đã gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề.
Tiêu biểu cho các trận thắng đó phải kể đến trận thắng Tổng kho liên hợp quân sự Long Bình (kho hậu cần quân sự lớn nhất của Mỹ ở miền Nam) lần thứ nhất vào đêm 28-10-1966 của Đặc công U1 Biên Hòa.
* Chuyện kể của người trong cuộc
Ông Nguyễn Tấn Vàng (Ba Vàng, nguyên Trưởng chốt 2 Đặc công U1 Biên Hòa, đơn vị trực tiếp phụ trách đánh phá căn cứ hậu cần Long Bình) kể lại, vào những năm 1965-1966, khi đưa quân trực tiếp tham chiến ở Việt Nam, Mỹ đã biến khu Long Bình thành căn cứ hậu cần chiến lược để phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược. Trước tình hình đó, ông Ba Vàng được cố Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Công An (còn gọi là Hai Cà, Tỉnh đội trưởng U1 lúc bấy giờ) gọi lên sở chỉ huy giao nhiệm vụ chiến đấu. Trước khi giao nhiệm vụ, ông Hai Cà cho biết Bác Hồ vừa điện cho Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền ra lệnh cho đơn vị trực tiếp phụ trách căn cứ hậu cần Long Bình “bắt đầu đánh”.
Ông Hai Cà (giữa), ông Ba Vàng (phải) và ông Trịnh Văn Thoàn (trái) trong ngày kỷ niệm Đặc công U1 (ảnh chụp năm 2009). |
Lúc đó, ông Ba Vàng cũng hơi bất ngờ vì trước giờ ông chỉ học cách đánh bộ binh chứ chưa học cách đánh đặc công, trong khi đơn vị U1 lúc ấy đâu có thiếu “đặc công nòi” tăng cường từ miền Bắc vào.
Hiểu được băn khoăn của ông Ba Vàng, ông Hai Cà trấn an: “Chú cứ yên trí, thận trọng và phải quyết tâm chỉ huy đơn vị đánh cho bằng được. Chiến thuật đặc công không phải từ trên trời rơi xuống, mà cốt lõi là có dám đánh Mỹ hay không. Đánh đi rồi sẽ có kinh nghiệm và sẽ sáng ra”.
Nhận được lời động viên của thủ trưởng và ông Lê Minh Soái (Mười Soái, nguyên Trưởng ban Quân báo U1), ông Ba Vàng yên tâm trở về đơn vị và hạ quyết tâm dù có hy sinh cũng phải hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Để chuẩn bị cho trận đánh, ông Ba Vàng tổ chức một phân đội 7 người đi khảo sát chiến trường, đột nhập vào bên trong cao điểm 50-53. Là kho hậu cần quân sự chiến lược nên quân Mỹ đã bố trí hệ thống phòng thủ, bảo vệ rất nghiêm ngặt. Bên ngoài bố trí nhiều lớp rào kẽm gai bùng nhùng có cắm cọc cố định, bên trên gắn nhiều bóng đèn cao áp chiếu sáng bảo vệ. Phía trong hàng rào có gài nhiều mìn zip, mìn cóc, hệ thống thu tiếng động. Quanh các trục đường vành đai, cứ 100m có 1 tháp canh cao khoảng 4m, có 2 lính Mỹ và một con chó bẹc-giê canh giữ.
Mặt khác, cứ đến 16 giờ mỗi ngày, quân Mỹ chở quân rải trên các cụm quanh trục lộ vành đai bảo vệ, mỗi cụm 3 tên, cụm cách cụm 100m để đảm bảo an toàn cho kho. Trong lúc này, lính công binh Mỹ đang gấp rút san ủi mặt bằng để xây dựng kho, có kho hoàn thành đã đưa vào sử dụng chứa bom, có kho còn đang xây dựng dở dang.
Vào thời điểm này, bom đạn Mỹ được vận chuyển về nhập kho rất nhiều. Bò vào các kho có chứa bom, ông Ba Vàng sờ và “ôm thử” thì chao ôi: “Quả bom dài cả mét và bự như con heo”.
* Tiếng sấm ở Tổng kho Long Bình
Sau khi nhận báo cáo của nhóm ông Ba Vàng, ông Hai Cà tiếp tục cho lực lượng quân báo vào trinh sát. Khi thấy những điều ông Ba Vàng báo cáo chính xác, ông Hai Cà đã lệnh cho ông Ba Vàng: “Bắt đầu đánh”.
Chuẩn bị trận đánh, ông Ba Vàng đề xuất tháng 10-1966 sẽ đánh vào kho bom ở cao điểm 50-53 và yêu cầu 100kg thuốc nổ TNT, 5 kíp mìn hẹn giờ, 5 kíp điện số 8, 12 quả lựu đạn. Sau đó, kiểm tra biết kíp nổ và thuốc nổ không còn, ông Ba Vàng báo với ông Hai Cà: “Tôi sẽ cho anh em đi tìm bom lép cưa lấy thuốc nổ, nhưng còn kíp hẹn giờ chưa biết phải tính sao”.
Trong khi bao nhiêu phương án đánh kho bom Long Bình chưa có cách gỡ thì ông Tám Long, cán bộ quân báo của U1, góp ý nên làm đồng hồ hẹn giờ nổ chậm. Muốn vậy, phải có cái đồng hồ đeo tay, một cục pin và một kíp điện. Nghe vậy, ông Ba Vàng quyết tâm nghiên cứu và ngay chiều hôm ấy cùng tổ trinh sát đến báo ông Hai Cà về việc tự làm đồng hồ nổ chậm và xin cấp “chiến phí” để mua đồng hồ và pin.
Sau nhiều ngày đi tìm bom lép của địch và chế tạo thành công chiếc đồng hồ hẹn giờ nổ chậm, sáng 25-10-1966, ông Ba Vàng báo với ông Hai Cà đã chế tạo được 5 khối thuốc nổ, mỗi khối 10kg và 5 chiếc đồng hồ nổ chậm phục vụ cho trận đánh. Thật ra, bản thân ông Ba Vàng lúc ấy chưa thực sự an tâm với thứ vũ khí tự tạo, nhưng khi nhớ lại mệnh lệnh “đánh càng sớm càng tốt” của thủ trưởng Hai Cà, ông đã chấp nhận đưa thứ vũ khí “cây nhà lá vườn” ra trận lần đầu.
Ông Ba Vàng kể, tổ đánh trận lúc ấy có 6 người, gồm: ông Nguyễn Tấn Vàng, làm nhiệm vụ chỉ huy và trực tiếp đặt thuốc nổ vào kho bom; ông Nguyễn Văn Thái tổ phó và các trinh sát dẫn đường: Bùi Văn Hòa, Phan Hữu Hóa, Nguyễn Văn Rô và Trịnh Văn Thoàn. Tất cả đều quyết tâm: “Ra đi là chiến thắng, đánh dứt điểm. Thà chết, không chịu bó tay trước kẻ thù”.
Sau trận đánh vào Tổng kho Long Bình đêm 28-10-1966, cũng bằng chiến thuật đặc công “luồn sâu, đánh hiểm”, Đặc công U1 Biên Hòa tiếp tục đánh Tổng kho Long Bình nhiều lần nữa, gây thiệt hại nặng nề cho quân Mỹ”. Ngày 8-4, Đặc công U1 Biên Hòa đã nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. |
Lúc 16 giờ ngày 26-10-1966, tổ đánh trận bắt đầu xuất phát. Đường xa, mang vác nặng, vừa đi vừa bám địch hết sức gian nan. Đến 17 giờ ngày 28-10-1966, mọi người đã ém sát hàng rào Tổng kho Long Bình ở cao điểm 50-53. Ông Ba Vàng lệnh cho mọi người chui rào, nhanh chóng đột nhập vào kho; nếu bị lộ sẽ chuyển sang đánh cường tập và đồng loạt ôm thuốc nổ nhảy vào kho cho nổ tức thì.
Khi lọt được vào bên trong kho, đồng chí Bùi Văn Hòa bám sát bảo vệ để ông Ba Vàng hiệu chỉnh lại những chiếc đồng hồ hẹn giờ. Lúc này, ông Ba Vàng nói khẽ với đồng chí Hòa: “Tao thấy không an toàn lắm, mày chạy ra nói tụi nó chạy đi, để tao câu điện, lỡ có nổ thì còn đứa nào đỡ đứa đó”. Tuy nhiên, đồng chí Hòa không làm theo lệnh mà động viên chỉ huy của mình: “Anh cứ bình tĩnh làm đi”. Nghe vậy, ông Ba Vàng lấy bình tĩnh, nín thở, nghiêng mình, dùng 2 tay nối 2 mối điện lại và... chờ đợi “một tiếng nổ khủng khiếp sẽ phát ra”. Nhưng không có tiếng nổ nào, mọi người mừng rỡ vì đã chế bom hẹn giờ thành công. Ngay sau đó, tổ đặc công tiếp tục đặt bom ở kho thứ 2, rồi kho thứ 3, thứ 4... theo hình thức bỏ một kho, đánh một kho, khi khối thuốc phát nổ sẽ gây kích nổ các kho còn lại.
Theo kim đồng hồ hẹn giờ đã được định sẵn, đúng 20 giờ ngày 28-10-1966, một ánh chớp lóe lên từ phía cao điểm 50- 53, kèm theo đó là những tiếng nổ liên hồi làm rung chuyển mặt đất, kho bom đạn Mỹ ở Tổng kho Long Bình đã bị đánh nổ tung, phá hủy 250 ngàn tấn bom đạn các loại, làm chết và bị thương 250 lính Mỹ. Trận đánh đã thực sự làm thủng “dạ dày” quân Mỹ, đồng thời báo hiệu các trận đánh phá kho tàng của địch của lực lượng Đặc công U1 chính thức bắt đầu.
Đức Việt