Năm học vừa kết thúc, trẻ con dân tộc Khmer ở khu đồi đá ấp Võ Dõng 3, xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) đã theo cha mẹ lên rẫy tỉa hạt. Sau một ngày dãi nắng, dầm mưa, các em không còn để tâm đến chuyện trường lớp, cố sức bỏ hạt thật nhanh để người phía sau kịp lấp lỗ.
Năm học vừa kết thúc, trẻ con dân tộc Khmer ở khu đồi đá ấp Võ Dõng 3, xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) đã theo cha mẹ lên rẫy tỉa hạt. Sau một ngày dãi nắng, dầm mưa, các em không còn để tâm đến chuyện trường lớp, cố sức bỏ hạt thật nhanh để người phía sau kịp lấp lỗ.
Ngày hè, em Thạch Thị Mỹ Tâm (lớp 4, Trường tiểu học Lê Quý Đôn, xã Gia Kiệm) tự ôn bài một mình. |
Thấy con gái Thạch Thúy Ngân bỏ hạt chậm chạp, ông Thạch Thương quay lại động viên con rằng xong mùa bắp, nếu dư dả chút ít tiền, ông và các gia đình trong xóm sẽ chung tiền thuê xe ô tô chở tụi nhỏ đi tắm biển Vũng Tàu hoặc Phan Thiết. Nghe cha nói vậy, em Ngân gắng sức bỏ hạt cho kịp nhát cuốc của cha phía trước.
* Con chữ, hạt giống
Mới 10 tuổi, ông Thạch Thương đã theo cha chăn vịt thuê hết đồng này đến đồng khác ở tỉnh Sóc Trăng. Đến khi lập gia đình, ông lại cùng vợ phiêu bạt khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ để mưu sinh. Mãi đến năm 2000, ông Thương mới về vùng đất Võ Dõng 3 thuê đất trồng bắp, thuốc lá.
Ngày vợ sinh, ông Thạch Thương làm một buổi tiệc nho nhỏ mời cả xóm đến chung vui, đồng thời bàn với mọi người tìm trường lớp gửi tụi nhỏ ăn học để người lớn rảnh tay làm việc. Ý kiến của ông Thạch Thương lúc đó thật sự làm mát lòng những người Khmer nghèo di cư từ các tỉnh miền Tây về Võ Dõng 3 làm việc mà không tìm được trường lớp cho con em học chữ.
Năm em Ngân được 5 tuổi, ông Thạch Thương mạnh dạn gửi con vào trường mầm non ở xã Gia Kiệm học, làm cho các đồng hương Khmer ngả mũ kính phục. Từ đó, những người Khmer nghèo nơi Võ Dõng 3 có con lên 5-6 tuổi đều bắt chước ông Thương gửi trẻ cho các thầy cô tại trường chính của xã học chữ, múa hát. Riêng những trẻ quá tuổi vào lớp 1 (từ 7-9 tuổi) mà vẫn chưa biết chữ, phụ huynh gửi vào lớp học tình thương tại ấp Võ Dõng 3 để làm quen với nét chữ, phép tính.
Để tụi nhỏ khỏi bỏ lớp, người lớn không lỡ việc, ông Thạch Thương thống nhất với các gia đình, từng nhà hỗ trợ nhau đưa đón con. Nhờ vậy mà những đứa trẻ Kh’mer nghèo được tiếp xúc nhiều hơn với trường chính quy, lớp chọn, được học tập trong ngôi trường đạt tiêu chuẩn quốc gia. Học xong tiểu học, tụi nhỏ tiếp tục học lên THCS, THPT, đến khi nào chán học mới thôi.
Ông Thương tâm sự, ngoài việc học, trẻ em ở đây còn biết phụ giúp cha mẹ lo việc cơm nước hàng ngày hoặc chuyện vườn rẫy. Mùa hè gần như đứa nào cũng phải theo cha mẹ đi tỉa hạt, làm cỏ. Chuyện học thêm, du lịch ngày hè với các trò nhỏ Khmer ở ấp Võ Dõng 3 thật sự là món quà xa xỉ và lâu lâu chúng mới được nhận.
Khi năm học vừa kết thúc và để mừng Ngày quốc tế Thiếu nhi 1-6, ông Thạch Thương kêu gọi các gia đình Khmer, gồm: Thạch Ai, Kiên Sóc, Mắc Cara… góp tiền thuê xe ô tô chở bọn trẻ đi du lịch biển ở La Gi (tỉnh Bình Thuận). Dù chỉ một ngày vui vẻ cùng sóng biển theo kiểu du lịch bụi (cơm đùm, nước mang), bọn trẻ cũng hí ha hí hửng như vừa từ thế giới cổ tích trở về khi được tắm biển và ăn một bữa hải sản tươi sống căng bụng.
* Hè nông thôn
Cộng đồng Khmer nhập cư của ông Thạch Thương qua bao năm gắn bó với vùng đất Võ Dõng 3, có người sớm mua được đất ở, đất rẫy và nuôi con ăn học tử tế. Tuy vậy, vẫn còn nhiều hộ gia đình khó khăn chưa vươn lên được, nên con em của họ cũng gặp khó khăn về việc học. Chuyện các em nhỏ vừa học xong tiểu học qua một mùa hè đã nản học, quên trường lớp không hiếm. Riêng các em ham học vẫn cần mẫn phụ giúp cha mẹ chuyện rẫy vườn trong suốt mùa hè, lúc rảnh rỗi thì lấy sách vở ra ôn luyện để cho khỏi quên chữ, quên phép tính khó.
Cặm cụi giúp cha mẹ chuyện vườn rẫy, việc nhà trong suốt những tháng hè, nhiều em nhỏ nông thôn cũng được cha mẹ tặng cho chiếc cặp, bộ quần áo, chiếc xe đạp mới, hoặc chuyến du lịch đâu đó để động viên. Với các em, nỗi vất vả ngày hè ngoài đồng dãi dầm nắng mưa cùng cha mẹ sẽ vơi nhanh khi sự hiếu thảo của các em được tuyên dương, động viên bằng lời, hay một món quà nho nhỏ sau buổi chợ. Món quà ý nghĩa nhất, hết hè các em được quay lại với trường lớp, thầy cô, bạn bè trong bộ đồng phục mới và phụ huynh thay phiên nhau đưa đón mỗi ngày. |
Rời ấp Võ Dõng 3, chúng tôi ngược về vùng rừng núi ấp 4, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu). Giữa tiếng ve sầu râm ran gọi hè, trẻ em làng bè Suối Tượng, C3 đang nô đùa trên những chiếc bè chòng chành khi cánh cổng các Phân hiệu Trường THCS Mã Đà khóa lại.
Em Ngọc Diễm (lớp 4, Phân hiệu Tiểu học Suối Tượng) khoe với chúng tôi, ngày 1-6 em và các bạn sẽ được các anh chị sinh viên ở TP.Hồ Chí Minh, TP.Biên Hòa đem quà về tặng, đồng thời tham dự một buổi lễ với bánh kẹo và nước ngọt.
Bánh kẹo, múa hát ngày hè luôn là niềm khao khát của trẻ em nông thôn và nó đã làm rung động tấm lòng của người thành thị mỗi khi họ có dịp chia sẻ, từ món quà nhỏ, như: sách vở, áo, mì gói… được các nhà từ tâm gửi qua chính quyền hoặc trực tiếp mang đến tặng các em ngày hè, đến những chuyến dã ngoại có kèm theo hớt tóc, dạy kèm cho trẻ em nông thôn của giới trẻ…
Ông Nguyễn Văn Thu, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp 4, xã Mã Đà, bộc bạch nếu không có tấm lòng của người thành phố, các em nhỏ ở đây chỉ quanh quẩn với mùa hè bằng tay lưới, con cá hoặc co ro suốt ngày trong nhà, chiếc bè xem ti vi, giữ em.
Được cha mẹ dẫn tới nhà hàng xóm dự tiệc cũng là niềm vui hiếm hoi của các em nhỏ nông thôn trong ngày hè. |
Cái xóm nhỏ nhiều dân nhập cư tá túc ở ấp 1, xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu) ban ngày thưa thớt bóng người. Ông Ba Quay đang ngồi bó gối trước cửa hút thuốc cho biết một số trẻ theo cha mẹ chuyển đi nơi khác làm ăn, số khác về quê thăm ông bà hết hè mới quay lên và số trẻ em còn lại thì quẩn quanh đâu đó hoặc theo cha mẹ đi làm, bán vé số, nhặt rác. Ngẫm nghĩ một lúc, ông Ba Quay đặt câu hỏi với chúng tôi: “Đến Ngày quốc tế Thiếu nhi rồi, sao tui không thấy ai mang quà đến cho tụi nhỏ hết vậy?”.
Ngoài việc tự học, tự chơi đùa với nhau khi phụ huynh bận việc mưu sinh, lo chuyện ruộng rẫy, các em nhỏ nông thôn còn kiêm luôn việc trông giữ em, lo chuyện cơm nước hàng ngày. Vì vậy, dù mới lên 10, nhiều em đã tỏ rõ là người chị, người anh chu toàn cho em nhỏ khi mẹ vắng nhà, hoặc bản lĩnh làm người bỏ hạt giống, nhổ cỏ vần đổi công thay cha mẹ. Phần thưởng mà các em nhỏ nhận được từ ngày hè là những con cá, con chim, con sóc bẫy được, hoặc một chút ít tiền cha mẹ cho riêng để mua bánh, mua quà. Hiếm hoi lắm các em mới được cha mẹ cho về thăm ông bà ở quê, hoặc gửi nhà người thân ở phố thị để học bồi dưỡng, năng khiếu.
Theo lời ông Thạch Thương, ngày hè rơi đúng ngày mùa nên tùy theo sức khỏe, lứa tuổi mà người lớn giao việc cho các em nhỏ phụ giúp, đỡ đần.
Đoàn Phú