Báo Đồng Nai điện tử
En

Xã đội trưởng gan góc (Bài 1)

10:05, 02/05/2016

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng với quân dân cả nước, quân dân Đồng Nai đã lập nên nhiều chiến công hiển hách. Trong đó, có những chiến sĩ cách mạng anh dũng, kiên trung đã sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do cho dân tộc.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng với quân dân cả nước, quân dân Đồng Nai đã lập nên nhiều chiến công hiển hách. Trong đó, có những chiến sĩ cách mạng anh dũng, kiên trung đã sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do cho dân tộc. Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng vũ trang nhân dân Đồng Nai, từ số báo này, Báo Đồng Nai xin giới thiệu về những “Anh hùng chân đất” đã góp phần làm rạng danh vùng đất Đồng Nai gian lao mà anh dũng.

Thẻ căn cước anh Tám Xuồng sử dụng với tên tuổi người em để dễ dàng khi hoạt động hợp pháp.
Thẻ căn cước anh Tám Xuồng sử dụng với tên tuổi người em để dễ dàng khi hoạt động hợp pháp.

Trong những ngày tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với các lực lượng cách mạng, Đội du kích xã Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch) đã gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Trong đó, nổi bật lên vai trò người Xã đội trưởng Tám Xuồng (tên thật là Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1953) không từ nan nhiệm vụ khó khăn nào, dũng cảm đánh địch để trả thù nước, nợ nhà.

* Diệt tên ác ôn giữa ban ngày

Để phá Hiệp định Paris, từ đầu tháng 3-1973, chính quyền Sài Gòn triển khai giai đoạn 4 của kế hoạch “Bình định tứ niên cộng đồng phát triển” và xem đây là “chiếc gậy thần” trong việc thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh”. Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 Việt Nam cộng hòa và Tiểu khu Biên Hòa điều về Nhơn Trạch 2 tiểu đoàn bộ binh, Chiến đoàn 316, 1 đại đội biệt động quân, 1 đại đội bảo an, 1 đại đội biệt kích thủ đô; củng cố lại 8 trung đội dân vệ, thành lập trung đội xung kích ở những địa bàn xung yếu nhằm phối hợp “hành quân tràn ngập lãnh thổ”…

Trung đội xung kích của Đồn Bến Sắn được thành lập đầu tiên trong quận Nhơn Trạch (tỉnh Biên Hòa) và do Trung sĩ Nguyễn Văn Hùng, một tên hạ sĩ quan cực kỳ ác ôn, từng bị du kích phục kích bắn gây ra 9 vết sẹo trên người, trực tiếp chỉ huy. Chỉ trong 3 tháng kể từ ngày thành lập, tên Hùng đã biến trung đội xung kích thành một mũi nhọn hết sức lợi hại với gần 100 cuộc đột kích vào sâu các xã: Phước Kiểng, Phước Lai, Phước Thọ, Phú Hội đốt 83 ngôi nhà, bắn chết 6 thường dân, bắt 27 người đem về đồn giam cầm, tra khảo…

Trưa 8-6-1973, Chủ tịch Hội đồng xã Phước Thiền (quận Nhơn Trạch) Lữ  Văn Tài tổ chức một bữa tiệc mừng Trung đội trưởng Trung đội xung kích Đồn Bến Sắn Nguyễn Văn Hùng được Tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu tặng Huy chương “Anh dũng bội tinh” về những chiến công xuất sắc vừa lập được. Bữa tiệc kéo dài từ 11-14 giờ vẫn chưa kết thúc. Say bí tỉ, tên Hùng loạng choạng bước ra phía sau nhà tìm chỗ tiểu tiện thì bị bắn vào đầu làm hắn đổ vật xuống như một cây chuối bị đốn hạ.

Nghe tiếng súng nổ, mọi người dự tiệc nhốn nháo, tháo chạy tán loạn. Nửa giờ sau, lính ở Đồn Bến Sắn kéo đến lùng sục, nhưng người ra tay kết liễu đời tên ác ôn Nguyễn Văn Hùng là Xã đội trưởng Tám Xuồng đã cùng với 2 du kích vượt sông Đồng Môn về căn cứ an toàn.

Chưa đầy 20 tuổi, anh Tám Xuồng đã là một xã đội trưởng nổi tiếng gan lì, dũng cảm. Nhà anh ở xóm Bến Kẹo, ấp Bến Cam (xã Phước Thiền) bị địch xếp vào loại “gia đình cộng sản”, do cha của anh là ông Huỳnh Kim Liên hoạt động cách mạng ở xã An Phước (huyện Long Thành) bị lộ, về Phước Thiền đổi tên thành Nguyễn Văn Lai, lập gia đình cùng bà Nguyễn Thị Sang (quê tỉnh Long An) để tiếp tục hoạt động.

Đặc biệt, trong 11 người con của gia đình anh, trừ 2 cô Mười Một (Nguyễn Thị Nga) và Mười Hai (Nguyễn Thị Lệ) còn quá nhỏ, tất cả các anh chị đều tham gia du kích, làm giao liên… Riêng anh Tám Xuồng, sau khi 2 người anh Nguyễn Văn Điền và Nguyễn Văn Phước hy sinh, đã nung nấu lòng căm thù giặc, không từ chối bất cứ nhiệm vụ khó khăn nào.

* Phá cầu giao thông huyết mạch

Năm 1970, Đội du kích xã Phước Thiền tưởng chừng bị xóa sổ vì hầu hết cán bộ, chiến sĩ đều hy sinh do địch phục kích, truy sát. Nhưng anh Tám Xuồng vẫn thoát hiểm và trở thành người chỉ huy du kích xã trong hoàn cảnh hoạt động cách mạng ở Long Thành - Nhơn Trạch đang trong giai đoạn hết sức khó khăn và phức tạp.

Đêm 28-10-1972, Xã đội trưởng Tám Xuồng dẫn đường 2 chiến sĩ đặc công Đoàn 10 từ sông Đồng Môn kéo khối thuốc nổ đặt vào chân cầu Phước Thiền. Khối thuốc nổ đã làm cho chiếc cầu đúc kiên cố nhất trên lộ 17, nối liền thị trấn Long Thành đến kho đạn Thành Tuy Hạ bị sập, cắt đứt giao thông.

Việc cùng với đặc công đánh sập cầu Phước Thiền đã làm cho tên tuổi Xã đội trưởng Tám Xuồng được nhiều gia đình cách mạng, cán bộ, chiến sĩ và cả bọn cảnh sát chìm, thám báo, bình định nông thôn... 2 quận Nhơn Trạch, Long Thành biết tiếng và luôn để mắt đến gia đình cộng sản này. Trận diệt tên Hùng càng làm cho tên tuổi của anh lẫy lừng hơn.

Thời điểm Xã đội trưởng Nguyễn Văn Dũng bị địch phục kích, được người xắn măng lấp đất chôn giùm, người nhà anh không ai dám đến đốt cho anh một cây nhang, vì chỉ cần người nào trong gia đình cộng sản này ló mặt ở đây là bọn địch có cớ để bắt. Người yêu của anh Tám Xuồng, một cô gái quê Phước Kiểng mà gia đình 2 bên đã gặp mặt, định năm sau tổ chức kết hôn, cũng chỉ biết lặng lẽ khóc thầm. Và đúng 20 năm sau, cô gái này mới lập gia đình.

Thấy việc bắt ông Lai, bà Sang lên đồn để tra hỏi nhiều lần không có kết quả, 2 ông bà già vẫn không chịu kêu gọi mấy đứa con về với “chính nghĩa quốc gia”, một hôm bọn lính ở Chi khu Nhơn Trạch cùng bọn lính Đồn Bến Sắn càn vào xóm Bến Kẹo xả súng vào nhà “gia đình cộng sản”. Cả nhà đang quây quần ăn cơm trưa, ông Lai và mấy người con trúng đạn bị thương do không kịp nhảy xuống hầm trú ẩn. Khoảng một thời gian sau đó, người em kế của anh Tám Xuồng là Nguyễn Thị Chín hy sinh trên đường đi làm công tác giao liên.

Đêm 13-4-1974, Xã đội trưởng Tám Xuồng cùng một du kích đi trước mở đường, đến hố Cây Gõ (nay là ngã ba Bến Cam) thì bị vướng mìn của địch cài, người xã hội trưởng mới 21 tuổi hy sinh tại chỗ. Qua kiểm tra, biết đã sát hại được người xã đội trưởng nổi tiếng gan dạ trong vùng, bọn lính lột lấy chiếc nhẫn vàng của anh rồi tiếp tục tổ chức mai phục xung quanh.

Gia đình bà Sang biết tin và biết cả chuyện bọn lính đang canh xác, mai phục nên đành nén thương đau chờ đợi. Mấy ngày sau, thấy bọn lính vẫn không rời địa điểm phục kích, bà Sang bèn nhờ ông Ba Tho, một người chuyên sống bằng nghề đi xắn măng bán mà đám lính ở Phước Thiền quen mặt giả vờ như đi tìm măng nhìn thấy xác chết bốc mùi nên lấp đất giùm.

Sau ngày giải phóng, thi hài của cố Xã đội trưởng Tám Xuồng mới được di dời vào nghĩa trang liệt sĩ. Hiện nay, căn nhà tình nghĩa của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sang, là quán cà phê bình dân “Cô Mười Hai” nằm ngay ngã ba Bến Cam, do người em gái út của liệt sĩ Nguyễn Văn Dũng là Nguyễn Thị Lệ đứng bán.

Bùi Thuận

 

 

 

Tin xem nhiều