Báo Đồng Nai điện tử
En

Suối Quýt vươn mình

11:05, 29/05/2016

Sau vài cơn mưa đầu mùa, cây trồng ở ấp Suối Quýt (xã Cẩm Đường, huyện Long Thành) "giải cơn khát" và nảy mầm xanh. Những tuyến đường giao thông vừa được nâng cấp nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn ấp Suối Quýt được rửa sạch lớp bụi bẩn, phơi mình sáng loáng.

Sau vài cơn mưa đầu mùa, cây trồng ở ấp Suối Quýt (xã Cẩm Đường, huyện Long Thành) “giải cơn khát” và nảy mầm xanh. Những tuyến đường giao thông vừa được nâng cấp nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn ấp Suối Quýt được rửa sạch lớp bụi bẩn, phơi mình sáng loáng. Trưởng ấp Suối Quýt Phạm Nha Khánh tự hào khoe, Suối Quýt giờ đẹp, sang trọng chứ không còn xập xệ, nghèo khó như thời dân mới di cư vào đây khai hoang lập nghiệp.

Nông dân Nguyễn Ngọc Phúc đã gắn bó vùng đất Suối Quýt 40 năm nay.
Nông dân Nguyễn Ngọc Phúc đã gắn bó vùng đất Suối Quýt 40 năm nay.

Sau năm 1975, vùng đất Suối Quýt bắt đầu đón dân di cư vào khai hoang lập nghiệp. Từ ngày dân đặt chân vào, rừng già, đất hoang Suối Quýt mới nhuộm màu cuộc sống. “Công làm là công bỏ. Công làm cỏ mới là công ăn” - câu nói cửa miệng của người nông dân Suối Quýt đúng với hoàn cảnh của họ, khi con người cải hóa thiên nhiên chỉ bằng cái rựa, cây cuốc…

* Cỏ chụp đầu người

Là một trong những người di cư vào Suối Quýt từ rất sớm, ông Nguyễn Ngọc Phúc (ngụ tổ 3) kể, đứng trước bạt ngàn rừng già, cỏ dại lúc ấy, ông bắt đầu tìm những khu đất đẹp, bằng phẳng để khẩn hoang tỉa lúa, bắp, mì. Do công cụ sản xuất của nhà nông chủ yếu bằng cái rựa, cây cuốc nên nhìn thấy đất bạt ngàn ai cũng ham, nhưng không dám khẩn hoang nhiều, bởi đất Suối Quýt mùa nắng không còn một ngọn cỏ sau mồi lửa. Qua vài cơn mưa đầu mùa thì cỏ dại mãnh liệt chen chân với lúa, bắp, mì để giành ánh sáng mặt trời.

Nông dân Suối Quýt nhẫn nại “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” theo từng mùa rẫy. Lúa, bắp, đậu, mì làm ra nhiều, nhưng cuộc sống người nông dân vẫn khổ, vẫn khó vì hàng hóa không lưu thông được. Muốn có ký thịt tươi, cá tươi, thước vải may áo quần mới…, người nông dân phải đổi rất nhiều lúa, mì, đậu, bắp mới có được. Rồi sốt rét rừng theo mưa nắng nhiễm vào cơ thể, trời nắng rang cơ thể lại lạnh ngắt. Vì vậy, chỉ qua vài mùa rẫy, rất nhiều người không trụ được, phải rời Suối Quýt về lại vùng đô thị để tìm hướng mưu sinh.

Sau vài năm, người bỏ Suối Quýt đi không ít và người tìm đến Suối Quýt để xây giấc mộng no đủ cũng nhiều. Ông Phúc và những nhà nông ham đất, ham lao động cứ kiên nhẫn với cây cuốc, cái rựa theo từng mùa rẫy để sinh tồn. Chẳng bao lâu, vùng kinh tế mới Suối Quýt trở thành xã; rừng già, đất hoang trở thành ấp, khu dân cư. Có chính quyền bên cạnh, người nông dân Suối Quýt không còn lẻ loi nơi rừng già, khu kinh tế mới.

Ông Phúc tâm sự, xã hội phát triển, người nông dân như ông bắt đầu chuyển hướng sản xuất từ tự cung tự cấp sang trao đổi hàng hóa. Từ đó, đời sống của người nông dân Suối Quýt từng bước đi lên.

Khi đất đai ở Suối Quýt trở thành tài sản của nhà nông và được Nhà nước quản lý chặt chẽ, không còn cảnh tranh phá, lấn chiếm, để có nhiều ruộng rẫy, nhà nông ở Suối Quýt chỉ còn cách bỏ tiền ra mua, hoặc thuê của người khác để sản xuất. Riêng những nhà nông nhạy bén đã chuyển ruộng, rẫy 1 vụ thành 2-3 vụ lúa, màu hoặc vườn điều, cà phê, tiêu… cho thu nhập hàng chục triệu đồng/hécta/năm. “Nông dân giờ sướng lắm, cái gì cũng có máy móc làm thay. Không như trước kia, sản xuất chủ yếu bằng tay chân với cây cuốc, cái rựa. Vì vậy, cỏ vừa làm xong, quay lưng lại nhìn, nó đã chụp mất cây lúa, cây bắp của mình rồi” - ông Phúc nói.

* Sức sống mới

Sau vài cơn mưa, vùng đất Suối Quýt đã qua cơn hạn, nông dân bắt đầu gieo hạt giống xuống đồng và mua phân bón về bồi bổ cho cây trái. Bên vườn tiêu xanh mướt, ông Trần Lâm (tổ 5) nhẩn nha quan sát từng chùm trái non tơ phún ra từ nách lá. 40 năm trói chặt cuộc đời với Suối Quýt, chục năm nay ông Lâm liên tiếp tận hưởng được vị ngọt của đất.

Ông Lâm tâm sự, thu nhập từ 1 hécta tiêu của gia đình ông giờ gần 1 tỷ đồng/năm. Đó là thành quả mà vùng đất Suối Quýt bù đắp cho ông sau những năm tháng cơm không đủ no, áo không đủ lành khi về Suối Quýt lập nghiệp. Cho nên khi được cán bộ ấp, xã vận động hiến đất mở đường, góp tiền làm giao thông nông thôn, ông Lâm lúc nào cũng sẵn lòng.

Con suối Quýt cứ mải miết chảy, khuyến khích sự phát triển giữa 2 vùng đất Suối Quýt (xã Cẩm Đường) với Tự Phát (xã Thừa Đức). Theo nông dân Nguyễn Ngọc Phúc, cả 2 vùng đất này đều do những hộ dân đi kinh tế mới gầy dựng nên cuộc sống mới. Cho nên, sự giàu có của Tự Phát một thời làm cho dân Suối Quýt thèm muốn. Đó cũng là cái lý để dân Suối Quýt đồng tâm nỗ lực cùng ấp trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của xã, huyện.

Còn ông Ngô Gia Cát thì níu kéo chúng tôi bằng câu chuyện lập nghiệp. Ông Cát kể, ngày ông mới vào Suối Quýt, những trận sốt, những vụ mùa thất bát khiến ông nản lòng. Cố gắng bám trụ Suối Quýt lao động, ông đã bù đắp lại những vụ lúa, bắp, đậu chật nhà, nứt bồ. Heo, bò chỉ ăn lúa, bắp, đậu, cỏ ngoài đồng vẫn chóng lớn, không bệnh tật. Riêng đàn con của ông, học xong THPT là có xe đưa đón ra các khu công nghiệp làm việc. Ông Cát bộc bạch, đó là cuộc sống mà ông mơ ước khi vào Suối Quýt. Cuộc sống đó, Suối Quýt không chỉ trao riêng cho gia đình ông, mà trao đều cho tất cả mọi người thụ hưởng.

Cái mốc để Suối Quýt phát triển, theo Trưởng ấp Phạm Như Khánh, bắt nguồn từ phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư vào năm 1999. Cũng trong năm đó, ấp Suối Quýt có điện và các công trình hạ tầng, như: trường học, giao thông, thiết chế văn hóa và vốn vay được khởi động... Tranh thủ cơ hội đó, nông dân Suối Quýt bắt tay vào việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để tăng giá trị sử dụng đất, giải quyết được cảnh nông nhàn. Riêng lớp trẻ thì nhanh chóng tìm kiếm được công việc làm ổn định tại các khu công nghiệp để thoát cảnh thất nghiệp, lao động bán thời gian. Qua phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, những nếp nhà gỗ, nhà lá xập xệ được thay bằng nhà xây; đường xóm lầy lội được cứng hóa; tiếng máy móc inh ỏi suốt ngày trong vườn, ngoài đồng…

Cũng theo ông Khánh, dân Suối Quýt khá giả biểu hiện qua nếp nhà, khu vườn, chiếc xe chạy trên đường, ngoài ruộng. Đó chỉ là vẻ bên ngoài, còn việc con em Suối Quýt rời ấp về đô thị làm công nhân, học nghề, đại học và cả tiến sĩ, đó mới là điều đổi thay lớn nhất, tự hào nhất của nhà nông, chính quyền xã. Nay ấp Suối Quýt tiếp tục hoàn thiện và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới (ấp được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới vào năm 2015) càng làm cho người nông dân có thêm động lực để phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái, đóng góp cho quê hương ngày càng giàu hơn, đẹp hơn.

Đoàn Phú

 

 

Tin xem nhiều