Trước những vướng mắc, tồn tại chủ quan lẫn khách quan dẫn đến việc thi hành án dân sự (THADS) bị tồn đọng, chậm thi hành…, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Phan Văn Châu đã chỉ đạo chi cục THADS các địa phương tập trung toàn lực trong việc giải quyết án; rà soát, kiểm tra, phân loại án đối với 100% số án phải thi hành, bảo đảm chính xác, thực chất về số việc có điều kiện và chưa có điều kiện thi hành; tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc có điều kiện thi hành còn tồn đọng từ những năm trước.
Trước những vướng mắc, tồn tại chủ quan lẫn khách quan dẫn đến việc thi hành án dân sự (THADS) bị tồn đọng, chậm thi hành…, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Phan Văn Châu đã chỉ đạo chi cục THADS các địa phương tập trung toàn lực trong việc giải quyết án; rà soát, kiểm tra, phân loại án đối với 100% số án phải thi hành, bảo đảm chính xác, thực chất về số việc có điều kiện và chưa có điều kiện thi hành; tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc có điều kiện thi hành còn tồn đọng từ những năm trước.
* Những kinh nghiệm
Ông Nguyễn Công Phúc, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Cẩm Mỹ, cho biết để tạo đột phá trong công tác THADS trên địa bàn huyện (đã giải quyết đạt 70% số vụ việc thụ lý, 30% về số tiền theo kế hoạch năm 2016), đơn vị tăng cường sự hỗ trợ, phối hợp từ các đơn vị, tổ chức, địa phương trên địa bàn. Từng chấp hành viên đẩy mạnh công tác xác minh, kê biên, cưỡng chế thi hành án và tuyên truyền pháp luật về THADS đến người dân và đương sự.
Chấp hành viên Thi hành án dân sự huyện Tân Phú với phương án tìm giải pháp án tồn, khó và chậm thi hành. |
Huyện Xuân Lộc là địa phương đạt được kết quả THADS cao ở Đồng Nai. Trong năm 2015, Chi cục THADS huyện Xuân Lộc đã giải quyết xong 1.492 vụ việc (đạt 90% số án có điều kiện thi hành) và 48,1 tỷ đồng (đạt 84% về số tiền). Để đạt được kết quả đó, theo Phó chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Xuân Lộc Phan Văn Huy, đó là nhờ sự hỗ trợ về mọi mặt của huyện, tỉnh và các đơn vị liên quan cho cơ quan THADS trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Chi cục THADS huyện quán triệt tư tưởng, tinh thần phục vụ nhân dân đến từng chấp hành viên. Ngay từ đầu năm, đơn vị đã tổ chức tổng kết, phân tích rõ các ưu điểm, khuyết điểm và rút ra các bài học kinh nghiệm trong công tác THADS của năm trước, để từ đó có giải pháp, mục tiêu cho năm tiếp theo.[links(right)]
Huyện Tân Phú có cách làm khác, nhưng vẫn đạt được kế hoạch, chỉ tiêu THADS tỉnh giao (đạt 90% số vụ việc và 82% số tiền đối với án có điều kiện thi hành).
Chi cục trưởng THADS huyện Tân Phú Trịnh Thị Trang cho hay, hàng năm đơn vị đều xây dựng 3 kế hoạch, gồm: giải quyết án, vét án 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm; đồng thời huy động lực lượng giải quyết những vụ việc phức tạp, kéo dài, vụ việc thi hành có giá trị lớn về tiền và các vụ việc mà người thi hành án đang chấp hành hình phạt tù. “Nhờ vậy mà các vụ việc phức tạp, khó thi hành, chậm thi hành được giải quyết nhanh gọn, dứt điểm, nên giảm nhanh được lượng án tồn, chậm thi hành” - bà Trang nhấn mạnh.
Trước số lượng và vụ việc phải THADS còn tồn đọng lớn (1.238 vụ việc, hơn 278 tỷ đồng), Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Nhơn Trạch Lưu Minh Thông nhìn nhận điều đó thật sự đáng lo ngại, tạo sức ép đối với đơn vị trong năm 2016.
Ông Thông cho hay, án tồn đọng, án chậm thi hành nếu do con người thì đơn vị có giải pháp uốn nắn, đôn đốc, hỗ trợ. Còn án tồn, chậm thi hành, hoặc không có điều kiện thi hành do người phải thi hành án có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, điều kiện thi hành án không có, tài sản kê biên bán đấu giá của họ không có giá trị, bán nhiều lần không ai mua hoặc tài sản nằm trong quy hoạch các dự án… thì rất cần một cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ.
* Cần Sửa luật
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 75 Luật THADS năm 2008, khi kê biên tài sản của người phải thi hành án mà có “người khác” tranh chấp và nếu tòa thụ lý giải quyết tranh chấp đó thì việc thi hành án phải được hoãn theo quy định tại Khoản 1, Điều 48 Luật THADS.
Thực tế quá trình THADS, “người khác” thường tranh chấp tài sản với người phải thi hành án bị kê biên tài sản gồm có: những người có giao dịch mua bán, chuyển nhượng tài sản bằng giấy tay, hoặc chưa làm xong thủ tục đăng ký trước bạ theo quy định; người có quan hệ hùn vốn mua tài sản nhưng không đứng tên đồng sở hữu trên tài sản; người tranh chấp quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản với người phải thi hành án… Nhưng do thuật ngữ “người khác” không được hướng dẫn theo tiêu chí rõ ràng, thống nhất nên trong trường hợp cụ thể “người khác” vẫn được hiểu là người lấy tài sản của mình bảo lãnh cho người bị thi hành án vay vốn được xác lập trong bản án.
Ngoài vấn đề sửa luật, hoàn thiện các văn bản liên quan đến công tác THADS, Cục THADS tỉnh cũng kiến nghị Trung ương mỗi năm tổ chức 2 kỳ thi tuyển công chức và chuyển, nâng ngạch để đơn vị bổ sung lực lượng nhằm tăng cường cho công tác giải quyết án; cấp kinh phí xây dựng các trụ sở và kho tang vật, tài vật. Về phía tỉnh, cần có chủ trương ưu tiên cho cơ quan THADS được yêu cầu tách thửa và bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất có diện tích thấp hơn quy định hiện hành (dưới 500m2) nhằm đảm bảo tương xứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án. |
Phó chánh văn phòng Cục THADS tỉnh Võ Nhật Tân cho rằng, một số điểm trong Luật THADS cần được sửa đổi. Như Khoản 2, Điều 48 Luật THADS cần sớm sửa đổi, bổ sung theo hướng giới hạn thẩm quyền yêu cầu hoãn thi hành án của những người có quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bản án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự được quy định tại Khoản 2, Điều 48 Luật THADS sửa đổi năm 2014 để không xung đột với điều 103 Luật THADS 2014.
Luật cũng cần có hướng dẫn liên ngành để thực hiện thống nhất nội dung “bảo vệ quyền cho người mua tài sản bán đấu giá”. Bởi, Điều 102 Luật THADS sửa đổi năm 2014 quy định, người mua tài sản bán đấu giá và chấp hành viên có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản. Đồng thời, Khoản 1, Điều 2 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 lại quy định: “Đối với các việc thi hành án đến thời điểm luật này có hiệu lực (ngày 1-7-2015) mà chưa thi hành hoặc chưa thi hành xong thì áp dụng các quy định của luật này để thi hành. Điều này được hiểu: “Các vụ kiện mà tòa án đang thụ lý và chưa giải quyết xong thì quyền tố tụng của người phải thi hành án không còn, vụ án sẽ được đình chỉ”. Tuy nhiên, không phải cơ quan nào cũng thống nhất vận dụng điều luật này vào thực tế nên người mua tài sản bán đấu giá bị thiệt thòi và phải chờ tòa án giải quyết dứt điểm (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm) vấn đề khiếu kiện của người bị thi hành án; đồng thời phải căn cứ vào phán quyết của tòa thì tài sản đó mới được giao hoặc không giao cho người mua tài sản được bán đấu giá.
Do điều luật chưa rõ, dễ dẫn đến việc vận dụng không thống nhất, vô tình tạo điều kiện cho người bị thi hành án cố tình kéo dài vụ việc, còn quyền lợi của người mua tài sản bán đấu giá bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đoàn Phú