Với nhiều người, thức ăn thừa là thứ bỏ đi, nhưng không ít người có thể kiếm được tiền nhờ công việc buôn bán cơm thừa, canh cặn. Ngày càng nhiều người đi gom thức ăn thừa từ các hàng quán đem về làm thức ăn cho heo, thậm chí có thể làm "đại lý" cho những "đầu nậu" chuyên mua thức ăn thừa cung cấp cho các hộ chăn nuôi heo từ khắp nơi trong tỉnh.
Với nhiều người, thức ăn thừa là thứ bỏ đi, nhưng không ít người có thể kiếm được tiền nhờ công việc buôn bán cơm thừa, canh cặn. Ngày càng nhiều người đi gom thức ăn thừa từ các hàng quán đem về làm thức ăn cho heo, thậm chí có thể làm “đại lý” cho những “đầu nậu” chuyên mua thức ăn thừa cung cấp cho các hộ chăn nuôi heo từ khắp nơi trong tỉnh.
Ông Hai Tân phải rong ruổi khắp các quán ăn, nhà hàng để thu gom thức ăn thừa. |
Nhiều người cho rằng, nuôi heo bằng cơm thừa, canh cặn có lợi hơn rất nhiều so với nuôi bằng cám công nghiệp bởi chi phí thấp, heo mau lớn.
* Lấy cơm thừa cũng bị cạnh tranh
Trên các tuyến đường có đông hàng quán kinh doanh ăn uống, sau giờ quán đóng cửa, những người thu gom thức ăn thừa bắt đầu công việc thường ngày của mình. Dễ dàng nhận ra họ vì lúc nào phía sau những chiếc xe máy, xe ba gác luôn kèm theo vài chiếc thùng nhựa cũ đựng thức ăn thừa. Chỉ sau nửa giờ có mặt ở quán, đủ loại thức ăn thừa đã được thu dọn sạch sẽ, gom vào các thùng lớn đưa lên xe mang đi “tiêu thụ”.
Những ai đã từng làm công việc này đều cho rằng, so với 5-10 năm trước, mua “cơm heo” bây giờ không dễ chút nào, thậm chí còn là cuộc cạnh tranh khốc liệt. Chuyện giành nhau từng thùng thức ăn thừa nghe qua tưởng xa lạ, nhưng trong giới buôn cơm thừa, canh cặn là có thật. Ở “chiếu trên” chính là cuộc cạnh tranh giữa các chủ thu mua ngay tại công ty, xí nghiệp; “chiếu dưới” là tại những nhà hàng, quán cơm nhỏ lẻ.
Đang loay hoay xách một thùng đầy thức ăn thừa từ một quán cơm đông khách trên đường Đồng Khởi, ông Nguyễn Văn Sơn (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) cho biết một ngày 2 lần ông lái chiếc xe máy cà tàng đi thu gom thức ăn thừa rồi mang về bán lại cho các “đại lý”. Để có thể cung cấp đủ 2 tấn thức ăn thừa mỗi ngày, ông Sơn phải là “mối” ruột của ít nhất 5 nhà hàng, quán cơm ở TP.Biên Hòa.
Ông Lê Bảy cho hay, khó nhất là chuyện giữ “mối” thức ăn thừa, bởi dân nuôi heo ai cũng mong mua được thức ăn thừa của các công ty, nhưng không phải ai cũng có thể lấy được. So với trước đây, mua “cơm heo” bây giờ không dễ chút nào vì ngày càng nhiều người chọn nuôi heo bằng thức ăn thừa thay cám công nghiệp. |
“Thời gian đầu, để có mối “lấy” thức ăn thừa, tôi phải mất cả tháng trời bắt mối với các quán nhằm đặt mua. Có chỗ mỗi ngày chỉ lấy được một thùng nhỏ chừng 20kg, tôi đành đi gom thêm trên chục nơi khác mới đủ. Lúc đầu xin thức ăn thừa còn dễ, về sau nhiều người lấy nên tôi phải chuyển sang mua. Rồi từ chỗ rẻ như cho, cứ thế tăng dần lên giá 50-70 ngàn đồng/thùng 200kg. Bây giờ thì phải đặt tiền cọc trước mấy tháng mới mong giữ chân được” - ông Sơn cho biết.
Ngày nào ông Sơn cũng đều đặn đi thu gom thức ăn thừa của các hàng quán, bởi chỉ nghỉ 1-2 ngày sẽ vi phạm “hợp đồng” với các “đầu nậu” vì không biết lấy gì bù vào số lượng đã thỏa thuận từ trước. Ngoài ra, số người chăn nuôi heo đi thu mua thức ăn thừa ngày càng nhiều, nếu không khéo có thể mất “mối” ngay.
Tượng tự, ông Lê Bảy (ngụ xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) cũng gắn bó với công việc này đã gần 7 năm. Đồ phế phẩm của ông chủ yếu lấy từ một công ty ở Khu công nghiệp Long Thành (huyện Long Thành). Cuối ngày, ông thuê 3 chiếc xe ba gác máy đến tận công ty thu gom rồi đem bán lại cho các hộ chăn nuôi heo ở gần nhà mà không phải thông qua ai nên tiền lời kiếm được cao hơn so với những người thu gom nhỏ lẻ. Tuy nhiên, theo ông Bảy, để giữ được “mối” lớn không phải chuyện dễ. Thức ăn thừa mua lại từ các công ty luôn bị những “đầu nậu” săn đón, tìm cách mua với giá cao hơn để chiếm “thị phần”.
“Mỗi ngày tôi thu về gần 5 tấn thực phẩm thừa. Giá một thùng cơm 150kg lấy trực tiếp từ công ty khoảng 30-40 ngàn đồng, nhưng bán lại cho người khác có thể lên gấp đôi. Dù vậy, so với thức ăn công nghiệp thì cơm thừa, canh cặn vẫn rẻ hơn nhiều lần, không lo giá biến động theo thị trường, nuôi heo nhanh lớn nên chưa bao giờ đồ lấy về bị ế. Nếu đồ thừa không biết bán cho ai thì chỉ có nước đổ đi, chứ không thể tận dụng được” - ông Bảy nói.
* Kiếm cơm không dễ
Muốn lấy thức ăn thừa, người chăn nuôi heo nhỏ lẻ phải luồn lách sâu vào những con đường nhỏ, ngõ hẻm để thu gom vì những hàng quán lớn đã có người mua từ trước. Nơi nào có quán ăn là ở đó có những người túc trực hàng đêm nhằm thu gom phế phẩm. Ngay sau khi hàng quán đóng cửa, họ phải có mặt kịp thời để lấy thức ăn thừa. Nếu để lâu, thức ăn thừa bốc mùi, chủ quán đem bỏ hoặc cho người khác. Số thức ăn này, sau khi đem về người chăn nuôi chỉ cần nấu chín rồi trộn thêm cám, bắp là có thể cho heo ăn được. Công việc có thể tiết kiệm chi phí thức ăn cho heo nên người nuôi heo luôn có lãi.
Ngày càng nhiều người đi lấy thức ăn thừa về nuôi heo. |
Ông Hai Tân (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) chia sẻ, đi thu gom “cơm heo” không phải lúc nào cũng thuận lợi, dù là mối quen biết từ trước. Trường hợp có người khác trả giá cao hơn, chủ quán sẵn sàng sang thức ăn thừa cho họ nên nhiều lúc ông phải chấp nhận giá mua đắt đỏ; nếu không mua thì khó có thể tìm được hàng quán khác thay thế ngay được.
Còn bà Lê Thị Hoa (ngụ xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) cho hay, vì giá thức ăn chăn nuôi luôn ở mức cao nên hầu như nuôi heo không có lãi. Kể từ ngày chăn nuôi bằng phế phẩm thu được của một quán cơm gần nhà, đàn heo hơn chục con của nhà bà nuôi lớn khá nhanh. Nếu như cho ăn cám viên, mỗi ngày đàn heo phải ăn gần 500 ngàn đồng tiền cám. Nhờ tận dụng lượng thức ăn thừa của hàng quán mà người nuôi chỉ cho heo ăn thêm khoảng 6kg cám/ngày, chi phí ít hơn nuôi bằng cám rất nhiều.
“Nghề này cũng vất vả lắm, dù trời nắng hay mưa, ngày nào vợ chồng tôi cũng đều đặn thay phiên nhau đi lấy thức ăn thừa của quán cơm. Bù lại, đàn heo lớn nhanh, ít bệnh, thịt ăn ngon nên bán giá cao, từ đó có thể tiết kiệm được một khoản tiền lớn nếu mua thức ăn công nghiệp. Người chăn nuôi theo đàn hoặc nhỏ lẻ đều có thể tận dụng nguồn phế phẩm bỏ đi từ các quán ăn, nhà hàng…” - bà Hoa kể lại.
Thanh Hải