Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguy hiểm chực chờ trên sông, hồ

08:06, 13/06/2016

Bước vào mùa mưa lũ, việc đảm bảo an toàn đi lại của ghe tàu trên sông, hồ ở Đồng Nai lại trở thành vấn đề "nóng" không chỉ của người dân, mà còn cả các ngành chức năng.

Bước vào mùa mưa lũ, việc đảm bảo an toàn đi lại của ghe tàu trên sông, hồ ở Đồng Nai lại trở thành vấn đề “nóng” không chỉ của người dân, mà còn cả các ngành chức năng. Hiện vẫn còn nhiều người sinh sống trên sông nước hoặc hành khách đi phà, đò không chủ động mặc áo phao, dùng dụng cụ nổi…, nếu gặp thiên tai hoặc va chạm giao thông có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Ngay tại bến phà An Hảo (TP.Biên Hòa), áo phao chỉ treo lấy lệ trên phà chứ hành khách không mấy ai mặc.
Ngay tại bến phà An Hảo (TP.Biên Hòa), áo phao chỉ treo lấy lệ trên phà chứ hành khách không mấy ai mặc.

Khoảng thời điểm này năm 2015, một vụ tai nạn lật ghe trên lòng hồ Trị An đã khiến 3 trẻ nhỏ thiệt mạng. Điều đáng nói, chỉ với một chiếc ghe đánh cá nhỏ, nhưng người điều khiển ghe đã chở gần 10 người di chuyển trên lòng hồ đang lúc nước chảy xiết và gặp gió lớn. Mới đây không lâu, vụ chìm tàu du lịch tại TP.Đà Nẵng cũng đã khiến 3 người thiệt mạng.

* “Bệnh” khó chữa

Sau các vụ tai nạn nói trên, một lần nữa đặt ra trách nhiệm cho các ngành chức năng và chính quyền địa phương về việc quản lý đò dọc, đò ngang. Việc quản lý bến bãi, phương tiện chở khách trên hệ thống sông, rạch cần có những biện pháp hữu hiệu và kịp thời. Đặc biệt, tại Đồng Nai có tuyến đường thủy rộng khắp, với nhiều sông lớn thì nguy hiểm sẽ luôn chực chờ mỗi khi mùa mưa đến.

Toàn tỉnh hiện có 40 bến và 78 phương tiện thủy kinh doanh vận chuyển hành khách, tập trung nhiều ở các huyện: Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán… Nhưng theo thống kê, đến nay chỉ có 19 bến, 61 phương tiện đủ các điều kiện hoạt động, phù hợp theo quy định. Còn lại hơn một nửa số bến hoạt động trong tình trạng không đảm bảo an toàn, nhiều phương tiện không được đăng kiểm. Trong đó, 2 huyện miền núi Tân Phú và Định Quán luôn là “điểm nóng” về tình trạng đò ngang không phép, hoặc không đủ các điều kiện hoạt động. Nhiều bến ngang nhiên hoạt động, vận chuyển khách trong tình trạng “lậu” từ nhiều năm qua; mặc dù đã nhiều lần bị “tuýt còi”, đình chỉ hoạt động, nhưng sau đó thì đâu vẫn vào đấy. Đáng lưu ý, có những phương tiện không trang bị phao cứu sinh, chất lượng phương tiện không cao hoặc đang xuống cấp.

Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy không chỉ những khu vực vùng sâu, vùng xa mà ngay cả những bến đò chở khách ở TP.Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu… dù các chủ khai thác bến, phương tiện thủy đã thực hiện đăng ký, đăng kiểm đầy đủ thì cũng dễ “dính” các lỗi, như: hành khách không mặc áo phao, thiếu các dụng cụ sơ cứu khi xảy ra tai nạn… Phải chăng, đây là “bệnh” khó chữa lâu nay trên lĩnh vực giao thông đường thủy?

Thượng tá Nguyễn Văn Quang, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Công an tỉnh, cho hay: “Ngoài 17 tuyến sông nhỏ, dài hàng trăm km thì Đồng Nai còn có hệ thống sông lớn, hồ, đập… rất phức tạp, làm cho tuyến giao thông thủy luôn tiềm ẩn các nguy cơ tai nạn cao. Vì vậy, ngoài sự ra quân quyết liệt của các ngành chức năng, rất cần chính quyền địa phương quan tâm, tuyên truyền phổ biến pháp luật về an toàn đường thủy đến mọi người dân”.

Ngoài ra, từ trước đến nay có thực trạng là nhiều phương tiện thủy đã được trang bị áo phao và bắt buộc hành khách mặc khi qua đò (phà), nhưng hầu hết các bến đò ngang không thực hiện quy định vì cho rằng hành khách không đồng ý, hoặc có trang bị phao cứu sinh nhưng nhiều cái đã cũ, rách. Đa số phao cứu sinh được treo có lệ nhằm đối phó với sự kiểm tra của lực lượng chức năng, chứ khó ai có thể kiểm soát và xử lý vi phạm.

Sắp tới đây, Nghị định 132/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa có hiệu lực sẽ xử phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền từ

50-100 ngàn đồng đối với hành vi không chấp hành nội quy an toàn trên phương tiện, không chấp hành sự hướng dẫn của thuyền viên, người lái phương tiện; phạt tiền từ 100-200 ngàn đồng đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông.

* Cần biện pháp mạnh

Theo Trung tá Lê Hùng Dũng, Đội trưởng Đội xử lý, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Công an tỉnh, tình trạng vi phạm “4 không” của các phương tiện, bến đò ngang ở các huyện vùng sâu, vùng xa trong tỉnh do phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, trang thiết bị cứu sinh và bến đò không giấy phép hoạt động rất khó để giải quyết dứt điểm. Tại các xã: Đắc Lua, Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú), Thanh Sơn, Ngọc Định (huyện Định Quán)…, chủ yếu là các bến tự phát, không phép, mỗi lần lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy kiểm tra là “lòi” ra sai phạm.

Trẻ em chèo thuyền trên hồ Trị An một mình rất nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa lũ.
Trẻ em chèo thuyền trên hồ Trị An một mình rất nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa lũ.

“Người dân tại đây chủ yếu đi lại, học tập và sản xuất kinh tế thông qua phương tiện phà chở khách. Nếu đình chỉ hoạt động phương tiện vi phạm phải có phương tiện thay thế, nhưng hiện tại chỉ một vài nơi đông dân cư mới có phà đạt quy định về vận chuyển hành khách. Trước mắt, chúng tôi tập trung tuyên truyền để người dân chủ động mặc áo phao, có dụng cụ phao cứu khi đi đò. Ở những vị trí nhiều ghềnh đá, dòng nước xoáy và chảy xiết, chúng tôi cấm tuyệt đối không để phà, đò tự phát hoạt động” - Trung tá Dũng nói.

Bước vào mùa mưa lũ cũng là thời điểm bắt đầu nghỉ hè, người dân lựa chọn đi lại, vui chơi trên tuyến đường sông dự báo sẽ tăng và đây cũng là nguy cơ gây mất an toàn, dẫn đến tai nạn giao thông. Nếu lực lượng chức năng không thường xuyên làm nhiệm vụ bám sông, hồ để kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm, như: chở quá tải, quá số người quy định; phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng an toàn kỹ thuật thì có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào.

Ông Nguyễn Phan Trong, Phó chánh Thanh tra giao thông (Sở Giao thông - vận tải), cho biết thêm, vào cao điểm đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường sông, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp đủ mạnh nhằm hạn chế tình trạng vi phạm an toàn giao thông đường thủy và ngăn chặn trước hậu quả có thể xảy ra trong mùa mưa lũ. “Đối với các trường hợp phát hiện vi phạm, lực lượng chức năng kiên quyết buộc ngưng hoạt động hoặc tạm giữ, tịch thu phương tiện xử lý theo pháp luật với mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng người dân và bảo đảm trật tự an toàn giao thông” - ông Trong nhấn mạnh.           

Thanh Hải

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều