Cùng tâm trạng phấn chấn, sáng 3-3-1976, nhóm sinh viên Sài Gòn có nhà ở Biên Hòa gồm: Bùi Thuận, chị Hoàng Thúy Liễu, Nguyễn Tâm, Trần Quang, Nguyễn Văn Minh và hôm sau có thêm Nguyễn Thanh Thơm, Cao Lễ đến Tòa soạn Báo Đồng Nai tại số 100/1 quốc lộ 1 (nay là đường Hà Huy Giáp) để… nhận công tác.
Cùng tâm trạng phấn chấn, sáng 3-3-1976, nhóm sinh viên Sài Gòn có nhà ở Biên Hòa gồm: Bùi Thuận, chị Hoàng Thúy Liễu, Nguyễn Tâm, Trần Quang, Nguyễn Văn Minh và hôm sau có thêm Nguyễn Thanh Thơm, Cao Lễ đến Tòa soạn Báo Đồng Nai tại số 100/1 quốc lộ 1 (nay là đường Hà Huy Giáp) để… nhận công tác.
Phóng viên Báo Đồng Nai tham gia sản xuất. |
Anh Ba Giao (Đoàn Ngọc Giao), người trực tiếp phụ trách biên tập Báo Đồng Nai, nhìn chúng tôi và cười cười: “Trước mắt mấy em tham gia phát hành báo để qua đó tiếp cận địa bàn cơ sở tìm hiểu, khai thác thông tin viết tin, bài. Các phong trào cách mạng ở khắp các địa phương đang diễn ra sôi nổi lắm, có rất nhiều đề tài cho mấy em viết. Và còn một công việc rất quan trọng, cấp bách đòi hỏi mấy em phải nhiệt tình tham gia là... đi sản xuất để tự túc lương thực. Anh biết cái này căng với mấy em đây, toàn là... “nông dân cày đường nhựa” chưa biết mặt mũi cái cuốc, cái cày ra sao mà bây giờ vô rừng phát hoang để trồng mì, trồng bắp thì khó khăn lắm; nhưng anh tin là với sức trẻ hừng hực, chắc chắn mấy em sẽ vượt qua được”.
* Thoát ly gia đình tham gia cách mạng
Có hơi nhợn vì đang là sinh viên xin vào làm báo sắp bị biến thành nông dân, nhưng chúng tôi nhanh chóng “sướng” lên vì được thủ trưởng Ba Giao cho biết: “Kể từ hôm nay xem như mấy em chính thức tham gia cách mạng, mấy em phải… thoát ly gia đình vào sống và sinh hoạt tập thể trong cơ quan, chấp hành mọi quy định của cơ quan”. Ôi, mấy tiếng “thoát ly gia đình, tham gia cách mạng” vào lúc đó nghe sao mà hào hùng và lãng mạn quá đối với những chàng trai, cô gái đô thị như chúng tôi.
Thế là chúng tôi tạm gác bút lại, vác ba lô leo lên chiếc xe reo (GMC của quân đội Việt Nam cộng hòa bỏ lại) cùng với những anh chị đã có mặt ở cơ quan từ trước, như: chị Đặng Diễm Thúy, một đảng viên đã qua khóa đào tạo báo chí ở R, chị Ngân (nhân viên tuyên huấn Khu ủy), chị Mai Xuân Trinh (vốn là nữ sinh trung học huyện Long Thành cũng đang làm phóng viên tập sự) và mấy anh chị từ chiến khu ra, như: anh Sáng, Trung Sơn, Ba Tao và vợ là Thanh Nga; Bùi Thị Hường với mấy “lính mới” tò te vốn là học sinh Mỹ Tho vừa được “điều” lên, như: Phan Văn Hạnh, Trần Ánh Hoa, Nguyễn Lan, Ngọc Nga, Phan Dẫu… đồng ca bài Lên đàng tiến vào rừng núi Trị An phá rừng... mần rẫy.
Đoàn đi làm rẫy của cơ quan Báo Đồng Nai được bố trí sinh hoạt trong một cái lán lớn bên bờ sông Đồng Nai gần Bến Vịnh trong khu vực Trị An. Cái lán này của một đơn vị bộ đội đã đóng quân ở vùng này để lại với toàn bộ giường tre, bàn ghế đầy đủ, kể cả các công trình phụ còn nguyên vẹn. Không kể khoảnh đất quanh lán trại mọc cỏ tranh um tùm, phần đất mà cơ quan Báo Đồng Nai được nhận là một khu rừng toàn tre gai.
* Vượt khó
Là tổ trưởng thanh niên được giao thêm nhiệm vụ... chỉ huy sản xuất, tôi choáng váng mặt mày khi thấy không có cách nào để chui vào được khu rừng tre không hiểu đan kết với nhau từ thời nào mà cành nhánh quyện lại kín bưng, khít rịt. Để làm quen với nắng nóng ngoài trời, mấy ngày đầu tôi cho anh chị em dọn đất quanh lán, cắt lớp lá tranh trên mặt. Khi cuốc lật đất lên ai cũng ứ hự. Đến khi đụng vào khu rừng tre thì trậm trầy trậm trật và đổ máu. Đô con nhất trong đám là Thanh Thơm (hiện là Phó tổng biên tập Báo Bà Rịa - Vũng Tàu) dùng hết búa tới rựa chặt chan chát vào bụi tre vẫn trơ trơ, còn khoèo vào tay, vào mặt gây rướm máu. Trong đám chỉ có Phan Dẫu là biết cách trị. Phan Dẫu chỉ cho tôi cách tiếp cận từng bụi một, chọn một cây để mở thế đột phá khẩu; được rồi cứ thế tỉa từng cây cho đến hết cả bụi. Tôi nghe theo, làm có kết quả và phổ biến ra cho toàn đoàn.
Tuần lễ sau nhìn khu rừng tre gai góc lâu đời giờ đã được biến thành cánh đồng từ những chàng trai, cô gái thị thành chân yếu tay mềm thực hiện, tôi vẫn ngỡ trong mơ. Đám thanh niên chúng tôi đã có bước trưởng thành, cá nhân tôi cũng khá hơn trong việc tổ chức, điều hành lao động. Tuy cơ quan chưa lập được tổ chức Đoàn (tuần sau cơ quan lại tiếp tục điều thêm một số nhân sự... “đi rẫy”, trong đó có 2 đảng viên trẻ là Lữ Sĩ Sinh, sau này là Thư ký tòa soạn Báo Đồng Nai, rồi Phó giám đốc Đài PT-TH Bà Rịa - Vũng Tàu; Vũ Khánh, sau này là Phó giám đốc Đài PT-TH Đồng Nai, Phó giám đốc Sở Thể dục - thể thao Đồng Nai), nhưng chúng tôi vẫn xây dựng và tổ chức sinh hoạt nề nếp.
Phòng Kinh tế - đời sống (Báo Đồng Nai) được công nhận là tổ lao động XHCN năm 1983. |
Buổi tối, đi lao động về, tắm rửa, ăn cơm xong là họp kiểm điểm công việc trong ngày, phân công ngày hôm sau. Tiếp đó là ca hát, nòng cốt là Nguyễn Tâm và Hoàng Thúy Liễu, 2 cây văn nghệ gạo cội của Chi hội Sinh viên giải phóng Biên Hòa. Mỗi đêm chúng tôi còn dành ra đúng nửa giờ để nằm giường nghe đồng đội mình thay nhau đọc: Thép đã tôi thế đấy, Ruồi Trâu, Xa Mạc Tư Khoa…
Thời kỳ này, báo ra một tuần một số chỉ 4 trang nên nhân sự cứ... vừa chạy vừa xếp hàng, thêm một loạt cán bộ, phóng viên được điều về tòa soạn: Lữ Sĩ Sinh, Vũ Khánh, Nguyễn Thiện Nhựt, Cần Mẫn, Đỗ Trung Tiến, Đặng Minh Hân, Hồng Nhạn, Xuân Bảo, Trương Bá Tuấn... Trước đó, bên trị sự đã có thêm ông Việt Hoa cùng con gái là Sơn Ca, ông Hai nhiếp ảnh, Hoài Mộng, Xuân Thu, Trung Chính (làm maquette), Tống Ngọc Sâm, Huy Thanh, dì Hai Hường (chị nuôi bếp ăn tập thể). Tiếp đến là đợt tăng cường một nhóm học sinh mới ra trường, gồm: Xuân Phú, Vũ Hoàng, Hồ Thành và rồi thêm Đinh Minh Châu, Hồ Lan, Kim Loan, Đinh Vĩnh Phước. Một chuyển biến quan trọng xảy ra, Báo Đồng Nai được tiếp quản toàn bộ cơ sở vật chất và con người của một nhà máy in do Trung ương Đoàn chuyển giao.
Khó khăn nhất của thời kỳ bấy giờ là vấn đề lương thực. Hàng mấy chục cán bộ, phóng viên, công nhân nhà in của Báo Đồng Nai sống tập thể trong mấy ngôi nhà rộng rãi, tiện nghi, nhưng bụng thường xuyên trống vắng. Bếp ăn tập thể nhiều ngày chỉ có chuối xanh luộc cấp cho anh chị em mỗi người vài trái sống cho qua bữa. Trong thời gian này, thủ trưởng cơ quan và cả cán bộ đời sống Công đoàn chạy đôn chạy đáo khắp nơi: Cà Mau, Xuân Sơn, Bình Giã, Phước Tân… để tìm lương thực chống đói, mượn ruộng sản xuất.
Bùi Thuận